Hiện nay, không ít người lao động đã đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi mới ngoài 40 tuổi, do đóng bảo hiểm từ sớm. Vậy, nghỉ việc khi đủ năm đóng BHXH nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu hay ngược lại thì có được hưởng lương hưu không?
>> Phân biệt hợp đồng đào tạo và hợp đồng thử việc
>> 13 công việc Lao động – Tiền lương mà doanh nghiệp cần thực hiện khi mới thành lập
Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định NLĐ nghỉ việc được hưởng lương hưu khi đáp ứng 2 điều kiện sau:
- Có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên;
- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Vậy, làm thế nào để được hưởng lương hưu khi chưa đủ điều kiện?
Theo quy định tại Điều 61 Luật bảo hiểm xã hội 2014, trường hợp NLĐ nghỉ việc, đã đủ năm đóng BHXH nhưng vẫn chưa đủ tuổi nghỉ hưu và không muốn nhận BHXH một lần thì có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH đến khi đủ tuổi nghỉ hưu và làm thủ tục hồ sơ theo quy định để được hưởng chế độ hưu trí.
Với những trường hợp đã bảo lưu BHXH nhưng lại đi làm trở lại và vẫn chưa đến độ tuổi nghỉ hưu (thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc) thì thời gian công tác có đóng BHXH sau này được cộng nối với thời gian tham gia BHXH bảo lưu trước đó để tính hưởng chế độ BHXH.
Ví dụ:
Năm 2018, Ông A 55 tuổi và đóng BHXH được 25 năm. Ông A muốn nghỉ việc nhưng chưa đủ tuổi được hưởng lương hưu. Để được hưởng lương hưu, ông A phải bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội đến lúc đủ tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi.
Năm 2020, Ông A đi làm lại tại một công ty khác và tiếp tục đóng BHXH. Đến năm 2023, 60 tuổi, Ông A nghỉ hưu và được hưởng lương hưu.
Thời gian đóng BHXH của Ông A lúc này là: 25 + 3 = 28 năm.
Theo quy định tại Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội 2014, nếu NLĐ nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần.
Trường hợp NLĐ muốn nhận lương hưu, NLĐ cần đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu nhưng không quá 10 năm (120 tháng).
Trường hợp NLĐ đã đủ tuổi nghỉ hưu mà thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì:
- Tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo một trong các phương thức sau cho đến khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm:
+ Đóng hằng tháng;
+ Đóng 03 tháng một lần;
+ Đóng 06 tháng một lần;
+ Đóng 12 tháng một lần;
+ Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;
- Sau đó, đóng 1 lần cho những năm còn thiếu (không quá 10 năm) để hưởng lương hưu.
Ví dụ:
- Năm 2018, Ông B nghỉ việc lúc 60 tuối và đóng BHXH được 14 năm. Tuy không đủ năm đóng BHXH, ông B vẫn muốn được hưởng lương hưu. Vậy để đủ điều kiện hưởng lương hưu, ông B cần phải đóng BHXH tự nguyện một lần cho 6 năm còn thiếu để đủ 20 năm đóng BHXH.
- Năm 2018, Ông C nghỉ việc lúc 60 tuối và đóng BHXH được 4 năm. Ông C muốn được hưởng lương hưu. Vậy để được hưởng lương hưu, Ông C có thể nộp BHXH tự nguyện theo thứ tự:
Năm 2018, đóng 1 lần cho 5 năm -> Năm 2023, đóng 1 lần cho 12 tháng -> Năm 2024, đóng 1 lần cho những năm còn thiếu (10 năm) -> Nhận lương hưu.
Trường hợp NLĐ muốn nghỉ việc khi chưa đủ tuổi nghỉ hưu cũng như thời gian đóng BHXH, để được hưởng lương hưu, NLĐ thực hiện:
- Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội;
- Đóng BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm đóng BHXH.
Ví dụ:
Đầu năm 2018, Ông D nghỉ việc lúc đủ 58 tuổi và đã đóng BHXH được đúng 18 năm. Vậy để được hưởng lương hưu, ông D bảo lưu thời gian đóng BHXH 2 năm và đóng BHXH tự nguyện hàng tháng. Đầu năm 2021, ông D được nhận lương hưu.
Xem thêm tại các công việc:
- Hồ sơ giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần
- Hồ sơ giải quyết hưởng lương hưu.