Người lao động khuyết tật có quyền làm việc bình đẳng, dưới đây là 05 lưu ý khi sử dụng người lao động khuyết tật mà doanh nghiệp và người lao động cần biết.
>> Văn khấn rước ông Táo về nhà ngày mồng 7 đúng chuẩn và được sử dụng nhiều nhất 2025
>> Gợi ý màu áo Mùng 3 Tết Ất tỵ 2025 để hút tài lộc, may mắn
Dưới đây là 05 lưu ý khi sử dụng người lao động khuyết tật
Căn cứ khoản 1 Điều 8 Bộ luật Lao động 2019, phân biệt đối xử trong lao động là hành vi bị cấm.
Theo đó, không được phân biệt đối xử giữa người lao động khuyết tật và lao động khác.
Nếu cá nhân có hành vi phân biệt đối xử giữa người lao động khuyết tật và lao động khác sẽ bị phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng. Trường hợp tổ chức vi phạm thì phạt tiền 10 - 20 triệu đồng (theo điểm a khoản 2 Điều 8, khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
File Word Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn mới nhất [cập nhật ngày 21/10/2024] |
05 lưu ý khi sử dụng người lao động khuyết tật (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 1 Điều 159 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động phải bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn, vệ sinh lao động và tổ chức khám sức khỏe định kỳ phù hợp với người lao động là người khuyết tật.
Căn cứ khoản 1 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe cho người lao động khuyết tật ít nhất 06 tháng/lần.
Lưu ý: Phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ hoặc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động (theo khoản 2 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Căn cứ khoản 2 Điều 160 Bộ luật Lao động 2019, nghiêm cấm hành vi sử dụng người lao động là người khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà không có sự đồng ý của người khuyết tật sau khi đã được người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó.
Như vậy, với những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, công ty buộc phải cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó cho người lao động khuyết tật biết.
Sau khi người lao động khuyết tật nắm được các thông tin đó vẫn đồng ý làm việc thì công ty mới được phép sử dụng người lao động khuyết tật thực hiện các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, người lao động khuyết tật được nghỉ 14 ngày phép hằng năm.
Lưu ý: Cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động khuyết tật được tăng thêm tương ứng 01 ngày (theo Điều 114 Bộ luật Lao động 2019).
Căn cứ khoản 1 Điều 160 Bộ luật Lao động 2019, sử dụng người lao động khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm là hành vi bị nghiêm cấm, trừ trường hợp người lao động là người khuyết tật đồng ý.
Như vậy, người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng chỉ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm khi họ đồng ý.
Lưu ý: Phạt tiền từ 05- 10 triệu đồng đồng khi vi phạm với mỗi người lao động đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên hoặc khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ trường hợp người lao động là người khuyết tật đồng ý (theo điểm b khoản 1 Điều 31 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Như vậy, 05 lưu ý khi sử dụng người lao động khuyết tật bao gồm:
- Không phân biệt đối xử.
- Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động khuyết tật ít nhất 06 tháng/lần.
- Về việc bố trí người lao động khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm.
- Người lao động khuyết tật được nghỉ 14 ngày phép hằng năm.
- Chỉ sử dụng người lao động làm thêm giờ khi họ đồng ý.