Có phải Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Công văn 6385/NHNN/CSTT yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục giảm lãi suất cho vay? – Như Ý (TP. Hồ Chí Minh).
>> Công văn 6248/NHNN-TD hướng dẫn Thông tư 02/2023/TT-NHNN hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 14/08/2023
Ngày 14/8/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Công văn 6385/NHNN/CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng) về việc giảm lãi suất cho vay. Theo đó, có các nội dung đáng chú ý sau đây:
Các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 đến 2%/năm) theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu (theo Biểu 1 đính kèm) và các khoản cho vay mới gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước ngày 25/8/2023.
Báo cáo kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu (theo Biểu 2 đính kèm) và các khoản cho vay mới gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước ngày 08/01/2024.
Lưu ý: Báo cáo gửi về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Chính sách tiền tệ và Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng), 49 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Bản scan word/excel gửi về địa chỉ email: cstt6@sbv.gov.vn. Mọi chi tiết xin liên hệ 024 39366306 (số máy lẻ 416028); 024 38246952.
Bảng lãi suất vay tiền, gửi tiết kiệm Ngân hàng tháng 8/2023 |
Công văn 6385/NHNN/CSTT yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay
III. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM - Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ ... 3. Hỗ trợ dòng tiền, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân a) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan: - Điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả để tạo điều kiện thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi phù hợp với tình hình thị trường, nhất là thời điểm cuối năm khi các khoản huy động vốn với lãi suất cao trong các tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 đến thời hạn thanh toán; thực hiện các giải pháp điều hành phù hợp và chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng thực hiện tiết kiệm chi phí hoạt động, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng 1,5-2%) nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ. - Tiếp tục nghiên cứu, rà soát và sửa đổi ngay các quy định liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục cho vay; khẩn trương rà soát, xem xét, sửa đổi phù hợp, thuận lợi hơn một số tiêu chí, điều kiện, hướng dẫn cho vay theo hướng tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và các quỹ tín dụng nhân dân. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 8 năm 2023. - Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn (cả năm khoảng 13-15%, trường hợp thuận lợi thì có thể tăng cao hơn) và công bố ngay bằng biện pháp, hình thức phù hợp, hiệu quả chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại đến hết năm 2023, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; chú ý đến tín dụng bất động sản và tín dụng sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ thị trường, góp phần khôi phục và khơi thông dòng vốn đầu tư và kinh doanh cho nền kinh tế. - Đôn đốc, chỉ đạo, giám sát các tổ chức tín dụng rà soát, cắt, giảm thủ tục hành chính, các loại phí dịch vụ ngân hàng nhất là liên quan đến hoạt động xuất khẩu theo hướng tiết giảm chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu; cương quyết cắt giảm các loại phí không cần thiết để hỗ trợ khách hàng vay vốn. - Theo dõi, giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23 tháng 4 năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Triển khai các biện pháp tăng cường chất lượng tín dụng, thúc đẩy xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc phát sinh (nếu có) trong triển khai thực hiện. - Tiếp tục quyết liệt theo thẩm quyền các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ; theo dõi sát tình hình thực hiện, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các vấn đề vượt thẩm quyền để thúc đẩy việc tổ chức thực hiện; yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường công tác thông tin truyền thông, hướng dẫn và giải thích cho khách hàng, đối tượng thụ hưởng chính sách rõ ràng, minh bạch. - Tiếp tục rà soát gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vay theo Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn. - Trong tháng 10 năm 2023, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá tình hình thực hiện Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngày 23 tháng 4 năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; tiếp tục khẩn trương nghiên cứu rà soát, sửa đổi quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp để phù hợp với tình hình, yêu cầu thực tiễn. - Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số; tổng kết, đánh giá thực hiện thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (mobile money) và kiến nghị, đề xuất chính sách quản lý phù hợp. - Triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các động lực tăng trưởng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp. Khẩn trương đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản và các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp các lĩnh vực cần thiết khác. - Tăng cường thông tin, truyền thông về chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, chủ trương giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận xã hội, gia tăng niềm tin vào hệ thống ngân hàng. |