Nghị định 01/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP, có hiệu lực từ 01/03/2025 quy định 08 trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
>> Quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về ký quỹ
>> 06 trường hợp thu hồi giấy phép hoạt động điện lực
Căn cứ khoản 1 Điều 8 Nghị định 107/2018/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 01/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/03/2025), quy định 08 trường hợp thu hồi giấy chứng nhận như sau:
(i) Thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đề nghị thu hồi.
(ii) Thương nhân bị giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.
(iii) Thương nhân bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
(iv) Thương nhân không xuất khẩu gạo trong thời gian 18 tháng liên tục, trừ trường hợp thương nhân đã thông báo tạm ngừng kinh doanh theo quy định của pháp luật.
(v) Thương nhân không duy trì đáp ứng điều kiện kinh doanh theo quy định tại khoản (i) Mục 2 trong quá trình kinh doanh.
(vi) Thương nhân kê khai không đúng thực tế kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo hoặc có gian lận khác để được cấp Giấy chứng nhận.
(vii) Thương nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chỉ đạo, điều hành của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 15 Nghị định 107/2018/NĐ-CP.
(viii) Trường hợp sau 45 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương ban hành văn bản đôn đốc thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo mà Bộ Công Thương không nhận được báo cáo của thương nhân theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 24 Nghị định 107/2018/NĐ-CP.
Mẫu đơn đề nghị cấp GCN đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo |
08 trường hợp thu hồi GCN đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo từ 01/03/2025
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ Điều 4 Nghị định 107/2018/NĐ-CP, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo như sau:
(i) Thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật được kinh doanh xuất khẩu gạo khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Có ít nhất 01 kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
- Có ít nhất 01 cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa và cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Lưu ý: Kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh có thể thuộc sở hữu của thương nhân hoặc do thương nhân thuê của tổ chức, cá nhân khác, có hợp đồng thuê bằng văn bản theo quy định của pháp luật với thời hạn thuê tối thiểu 05 năm.
Thương nhân có Giấy chứng nhận không được cho thuê, cho thuê lại kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo đã được kê khai để chứng minh việc đáp ứng điều kiện kinh doanh trong đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận của mình để thương nhân khác sử dụng vào mục đích xin cấp Giấy chứng nhận.
(ii) Thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh quy định tại khoản (i) nêu trên, được xuất khẩu các loại gạo này không cần có Giấy chứng nhận, không phải thực hiện dự trữ lưu thông và có trách nhiệm báo cáo theo quy định.
Căn cứ Điều 17 Nghị định 107/2018/NĐ-CP, quy định về đảm bảo chất lượng gạo xuất khẩu như sau:
(i) Gạo xuất khẩu phải bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và đáp ứng yêu cầu về chất lượng, bao bì, ghi nhãn, đóng gói, bảo quản, truy xuất nguồn gốc theo quy định của nước nhập khẩu; trừ trường hợp nhà nhập khẩu có yêu cầu khác thì thực hiện theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.
(ii) Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo và thương nhân xuất khẩu các mặt hàng gạo tại khoản 2 Mục 2 nêu trên có trách nhiệm thực hiện quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất, chế biến, bảo quản thóc, gạo hàng hóa do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.