ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1080/KH-UBND
|
Quảng Nam, ngày
28 tháng 02 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
PHÂN TẦNG THU DUNG, ĐIỀU TRỊ NGƯỜI BỆNH COVID-19 TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH QUẢNG NAM ĐỂ THÍCH ỨNG AN TOÀN, LINH HOẠT, KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ DỊCH
COVID-19
Dịch COVID-19 đã làm cho cả thế
giới thay đổi, tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, làm đảo lộn cuộc sống
bình thường của mọi người. Quan điểm, chiến lược về phòng, chống dịch của Tổ chức
Y tế Thế giới (WHO) cũng thay đổi rất căn bản; đó là, từ chiến lược Zero
COVID-19 chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu
quả dịch COVID-19.
WHO và các nhà khoa học, các quốc
gia nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được trong năm 2022, có thể xuất
hiện các chủng mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường, số
ca nhiễm vẫn có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vắc xin, nếu không tiếp tục
thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Mặt khác, việc phòng, chống dịch bằng
giãn cách xã hội kéo dài làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, tác
động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đời sống, tâm lý người dân,
tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội. Vắc xin làm giảm tỷ lệ mắc, giảm ca nặng nên khi
đạt độ bao phủ vắc xin không nhất thiết phải giãn cách kéo dài trên diện rộng
và không có nguy cơ gây quá tải hệ thống y tế. Do vậy, đã có nhiều quốc gia
thay đổi quan điểm ứng phó dịch bệnh từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống
chung an toàn với dịch bệnh. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số
128 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Để tăng cường các biện pháp
phòng, chống dịch theo hướng quản lý rủi ro; ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, giảm
tử vong, nâng cao năng lực điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) tất cả
các tuyến; bảo đảm người mắc COVID-19 được quản lý, theo dõi, chăm sóc y tế phù
hợp; UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch Phân tầng thu dung, điều trị người bệnh
COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát
hiệu quả dịch COVID-19, cụ thể như sau:
I. CƠ SỞ
PHÁP LÝ
Luật Phòng, chống bệnh truyền
nhiễm ngày 21/11/2007;
Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngày
23/11/2009;
Nghị quyết số 12/2021/NQ-UBTVQH15
ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI về việc cho phép thực hiện
một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống
dịch COVID-19;
Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày
08/02/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế
độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19;
Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày
06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh
COVID-19 để thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa
XV và bảo đảm chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí, tiêu cực;
Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày
11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt,
kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”;
Nghị quyết số 145/NQ-CP ngày
19/11/2021 của Chính phủ về việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số chế độ,
chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19;
Nghị định số 101/2010/NĐ-CP
ngày 30/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày
01/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về công bố dịch COVID-19;
Quyết định số 159/QĐ-BCĐQG ngày
29/4/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ban hành kế
hoạch thiết lập bệnh viện dã chiến (BVDC) điều trị bệnh nhân COVID-19;
Quyết định số 1942/QĐ-BYT ngày
04/5/2020 của Bộ Y tế ban hành mô hình tổ chức, hoạt động BVDC điều trị bệnh
nhân COVID-19;
Quyết định số 1125/QĐ-BYT ngày
08/02/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chăm sóc người bệnh viêm đường
hô hấp cấp do vi rút SARS-COV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Quyết định số 2626/QĐ-BYT ngày
28/5/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Danh mục nhu cầu trang thiết bị, vật tư
tiêu hao và thuốc thiết yếu của các Khu vực điều trị người bệnh COVID-19;
Quyết định số 3616/QĐ-BYT ngày
29/7/2021 của Bộ Y tế về việc Phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi
sức tích cực cho các bệnh viện điều trị COVID-19 nặng;
Quyết định số 3876/QĐ-BYT ngày
14/8/2021 của Bộ Y tế về việc Ban hành Hướng dẫn thiết kế tạm thời Trung tâm hồi
sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19;
Quyết định số 4111/QĐ-BYT ngày
26/8/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu Hướng dẫn thiết lập cơ sở thu
dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng;
Quyết định số 4308/QĐ-BYT ngày
07/9/2021 của Bộ Y tế phê duyệt Đề án Tăng cường khả năng cung ứng, sử dụng oxy
y tế cho các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19;
Quyết định số 5525/QĐ-BYT ngày
01/12/2021 của Bộ Y tế về việc về việc ban hành “Hướng dẫn phân loại nguy cơ
người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị”;
Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày
27/01/2022 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện
Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời
"Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”;
Quyết định số 250/QĐ-BYT ngày
28/01/2022 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị
COVID-19;
Quyết định số 261/QĐ-BYT ngày
31/01/2022 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn Quản lý người mắc COVID-19 tại
nhà;
Quyết định số 405/QĐ-BYT ngày
22/02/2022 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị
COVID-19 ở trẻ em.
Công văn số 3835/BYT-KHTC ngày
10/5/2021 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn xây dựng kế hoạch giường bệnh và thiết
lập Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19;
Quyết định số 3176/QĐ-UBND ngày
02/11/2021 của UBND tỉnh để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch
COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
II. MỤC
ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích: củng cố
toàn diện hệ thống khám, chữa bệnh (KCB) tất cả các tuyến trên địa bàn tỉnh đáp
ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân; phân tầng thu dung
điều trị COVID-19 đảm bảo nguyên tắc điều trị COVID-19 theo năng lực đáp ứng các
cấp độ dịch nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân, hạn chế đến mức
thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19 và các dịch bệnh
nguy hiểm khác theo phương châm “4 tại chỗ”, góp phần giảm thiểu tác động xấu đến
tình hình an ninh, trật tự, an toàn cho gia đình và xã hội; giảm thiểu tác động
đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
2. Yêu cầu
- Tất cả cơ sở KCB đảm bảo cơ sở
vật chất, trang thiết bị, nhân lực và điều kiện liên quan để chủ động đáp ứng
công tác KCB thường quy và điều trị COVID-19 kịp thời, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo
vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
- Chính quyền địa phương phát
huy tối đa tính chủ trong việc điều trị ca bệnh nặng.
- Việc tổ chức thực hiện kế hoạch
phải đảm bảo tuân thủ công tác điều phối, nguyên tắc điều trị bệnh nhân
COVID-19 theo các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế của từng cấp độ dịch.
III. PHÂN LOẠI
CẤP ĐỘ DỊCH (Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định số
218/QĐ-BYT)
1. Cấp độ dịch
- Cấp 1: nguy cơ thấp (bình thường
mới) tương ứng với màu xanh.
- Cấp 2: nguy cơ trung bình
tương ứng với màu vàng.
- Cấp 3: nguy cơ cao tương ứng
với màu cam.
- Cấp 4: nguy cơ rất cao tương ứng
với màu đỏ.
2. Các tiêu
chí đánh giá cấp độ dịch
Theo WHO, 02 nhóm để xác định cấp
độ dịch bao gồm: nhóm chỉ số về mức độ lây nhiễm và nhóm chỉ số về khả năng đáp
ứng.
a) Tiêu chí 1: tỷ lệ ca mắc mới
trên địa bàn/số dân/thời gian.
- Chỉ số 1a: tỷ lệ ca mắc mới
trong tuần[1]/địa bàn cấp
xã/100.000 dân (mức 1: <90; mức 2: 90 đến < 450; mức 3: 450 đến < 600;
mức 4: > 600).
- Chỉ số 1b: tỷ lệ ca bệnh phải
thở ô xy[2] trung bình
trong 7 ngày qua[3] ghi nhận
trên địa bàn xã/100.000 người (mức 1: < 1; mức 2: 1 đến dưới 32, mức 3: 32 đến
40, mức 4: >40).
- Chỉ số 1c: tỷ lệ ca tử vong[4] trong tuần trên địa bàn cấp
xã/100.000 dân.
b) Tiêu chí 2: độ bao phủ vắc
xin.
- Chỉ số 2a: tỷ lệ tiêm chủng đầy
đủ các mũi tiêm[5] theo
khuyến cáo tại thời điểm đánh giá của địa bàn cấp xã tính trên toàn bộ dân số
trên địa bàn. (Yêu cầu phải đạt tối thiểu 75% tổng dân số tại thời điểm đánh
giá).
- Chỉ số 2b: tỷ lệ tiêm chủng đủ
mũi trở lên ở người thuộc nhóm nguy cơ cao[6] (không chống chỉ định tiêm chủng) trong số đối
tượng ở nhóm nguy cơ cao của địa bàn cấp xã. (Yêu cầu phải đạt tối thiểu 90% số
đối tượng phải tiêm chủng tại thời điểm đánh giá).
c) Tiêu chí 3: đảm bảo khả năng
thu dung, điều trị của cơ sở KCB.
- Chỉ số 3a: tỷ lệ sẵn sàng quản
lý, chăm sóc bệnh nhân COVID-19[7]/10.000
dân: khả năng có thể quản lý, chăm sóc tại địa bàn cấp xã. Chỉ số này được chia
làm 3 khả năng (Tỷ lệ cao: > 500; trung bình: 200-500; thấp: <200).
- Chỉ số 3b: tỷ lệ giường bệnh
dành cho người bệnh mắc COVID-19 còn trống tại các cơ sở thu dung, điều trị
trên địa bàn cấp huyện[8]/100.000
dân tại thời điểm đánh giá. (Tỷ lệ cao: > 30; trung bình: 10 - 30, thấp:
< 10).
- Chỉ số 3c: tỷ lệ giường Hồi sức
tích cực (ICU) có đủ nhân viên y tế phục vụ/100.000 dân (Yêu cầu tỷ lệ phải đạt
tối thiểu 4/100.000 dân).
3. Xác định
cấp độ dịch tại Quảng Nam
Cấp độ đáp ứng dịch được xác định
bằng cách tổng hợp từ kết quả về mức độ lây nhiễm và mức độ đáp ứng của địa bàn
cấp xã, thực hiện theo 3 bước sau:
a) Bước 1: Xác định Mức độ lây
nhiễm (4 mức)
Mức độ lây nhiễm của một địa
bàn là mức độ cao nhất của 02 chỉ số (1a, 1b) của Tiêu chí 1 và được hiệu chỉnh
của 02 chỉ số (2a, 2b) của Tiêu chí 2:
Các chỉ số đánh giá nguy cơ lây lây nhiễm
|
Mức độ 1
|
Mức độ 2
|
Mức độ 3
|
Mức độ 4
|
Chỉ số 1a. Tỷ lệ ca mắc mới
Số ca mắc cộng đồng/100.000 dân/xã, phường, thị trấn/tuần[9]
|
<90
|
90-<450
|
450-600
|
>600
|
Tương ứng tổng số ca mắc mới
toàn tỉnh Quảng Nam/tuần
|
< 1350 ca
|
1350 - < 6750 ca
|
6750 - < 9000 ca
|
≥ 9000 ca
|
Tương ứng tổng số ca mắc mới
toàn tỉnh Quảng Nam/ngày
|
<192 ca
|
192 -< 964 ca
|
964 - < 1285 ca
|
≥ 1285 ca
|
Chỉ số 1b. Tỷ lệ ca bệnh
phải thở ô xy
|
< 1
|
1 -<32
|
32 - 40
|
>40
|
Tương ứng tổng số ca bệnh phải
thở ô xy toàn tỉnh Quảng Nam/tuần
|
< 15
|
15 - < 480
|
480 - 600
|
> 600
|
Tương ứng tổng số ca bệnh phải
thở ô xy toàn tỉnh Quảng Nam/ngày
|
< 2
|
2- < 68
|
68 - 85
|
> 85
|
Sau đó kết hợp với chỉ số 2a và
2b; nếu một trong hai chỉ số hoặc cả hai chỉ số 2a, 2b không đạt mức tối thiểu
thì phải nâng mức độ lây nhiễm lên một mức độ (trừ trường hợp đang ở mức độ 4).
b) Bước 2: Xác định khả năng
đáp ứng
Khả năng đáp ứng của một địa
phương là khả năng thấp nhất của 02 chỉ số 3a, 3b của Tiêu chí 3 và được hiệu
chỉnh của chỉ số 3c của Tiêu chí 3:
Chỉ số đánh giá khả năng đáp ứng của một địa phương
|
Khả năng cao
|
Khả năng trung bình
|
Khả năng thấp
|
Chỉ số 3a. Tỷ lệ sẵn sàng
quản lý, chăm sóc/10000 dân cấp xã[10]
|
>500
|
200-500
|
<200
|
Tỷ lệ sẵn sàng quản lý, chăm
sóc của tỉnh Quảng Nam
|
> 75000
|
30000 - 75000
|
<30000
|
Chỉ số 3b. Tỷ lệ giường bệnh
dành cho người bệnh COVID-19 còn trống tại các cơ sở thu dung điều trị trên địa
bàn cấp huyện/100000
|
>30
|
10-30
|
<10
|
Tỷ lệ giường bệnh dành cho
người bệnh COVID-19 còn trống tại các cơ sở thu dung điều trị toàn tỉnh Quảng
Nam
|
>450
|
150-450
|
<150
|
Chỉ số 3c. Tỷ lệ giường ICU
có đủ nhân viên y tế phục vụ/100.000 dân
|
> 4 giường ICU
|
Tỷ lệ giường ICU có đủ nhân
viên y tế phục vụ toàn tỉnh Quảng Nam
|
> 60 giường ICU
|
Sau đó kết hợp với chỉ số 3c; nếu
chỉ số 3c không đạt mức tối thiểu thì phải giảm khả năng đáp ứng xuống một mức
(trừ trường hợp đang ở khả năng thấp).
c) Bước 3: Xác định cấp độ dịch
Cấp độ dịch được xác định dựa
trên tổng hợp kết quả đánh giá Mức độ lây nhiễm (4 mức tại bước 1) và Khả năng
đáp ứng (3 khả năng tại bước 2), sau đó có thể được hiệu chỉnh bởi chỉ số 1c của
Tiêu chí 1 như sau:
Mức
độ lây nhiễm
Khả năng đáp ứng
|
Mức độ 1
|
Mức độ 2
|
Mức độ 3
|
Mức độ 4
|
Cao
|
Cấp 1
|
Cấp 1
|
Cấp 2
|
Cấp 3
|
Trung bình
|
Cấp 1
|
Cấp 2
|
Cấp 3
|
Cấp 4
|
Thấp
|
Cấp 2
|
Cấp 3
|
Cấp 4
|
Cấp 4
|
Sau khi tính được cấp độ dịch ở
địa bàn cấp xã theo bảng 3 cần sử dụng chỉ số 1c trong tiêu chí 1 để hiệu chỉnh
và xác định cấp độ dịch. Nếu chỉ số 1c vượt ngưỡng 6/100.000 dân trên địa bàn cấp
xã thì phải nâng cấp độ dịch lên một cấp độ (trừ trường hợp đang ở cấp độ 4).
IV. NGUYÊN TẮC
1. Phát huy phương châm
“4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu
cần tại chỗ) thông qua năng lực tiếp nhận, cách ly, theo dõi, điều trị người bệnh
COVID-19 của các cơ sở KCB; đồng thời kết hợp phương châm “3 tập trung” gồm: Tập
trung nguồn lực, tập trung chuyên gia, tập trung người bệnh COVID-19 nặng để điều
trị. Quy mô đáp ứng thu dung điều trị cho tối đa > 9000 người mắc/tuần
(tương ứng mức độ lây nhiễm cấp độ 4).
2. Áp dụng Mô hình tháp
3 tầng và Quản lý người mắc COVID-19 tại nhà theo Quyết định số 4111/QĐ-BYT
ngày 26/8/2021 và Quyết định số 261/QĐ-BYT ngày 31/01/2022 của Bộ Y tế. Theo
dõi, chăm sóc các trường hợp nhiễm SARS- CoV-2 không triệu chứng và các ca bệnh
nhẹ ngay tại nhà nếu đủ điều kiện. Tập trung điều trị tốt ngay tại tầng 1, tầng
2 cho người bệnh, tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực các ca bệnh nặng
ở tầng trên. Tăng cường kết nối, hội chẩn, tư vấn điều trị từ xa, tầng trên chỉ
đạo tuyến cho tầng dưới để điều trị hiệu quả ngay tại tầng dưới.
3. Tất cả các cơ sở KCB
từng bước thực hiện mô hình bệnh viện tách đôi vừa duy trì tốt công tác KCB thường
quy đồng thời sẵn sàng dành từ 10 - 40% giường bệnh để thu dung, quản lý, điều
trị COVID-19 khi dịch lan rộng ở cấp độ 4; mỗi cơ sở bố trí ít nhất “2 tầng điều
trị” và đảm bảo tỷ lệ giường bệnh ICU theo phân tầng điều trị.
4. Đảm bảo nhân lực, thuốc,
trang thiết bị, oxy, vật tư y tế theo từng mức độ nguy cơ, khả năng đáp ứng và
cấp độ dịch. Cập nhật, tuân thủ hướng dẫn, phác đồ điều trị, giảm thiểu tối đa
tình trạng người bệnh tiến triển nặng và tử vong tại các cơ sở điều trị.
5. Bảo vệ nhóm người dễ
bị tổn thương: người cao tuổi, người mắc các bệnh lý nền, người chưa được tiêm
phòng vắc xin COVID-19 bằng việc quản lý, theo dõi sức khoẻ, điều trị tích cực
ngay từ sớm, từ xa trước khi bệnh diễn biến nặng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất
các ca mắc, ca chuyển nặng; tập trung quan tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng
và nguy kịch để giảm tử vong do COVID-19.
6. Đánh giá nguy cơ và
theo dõi tình trạng bệnh chặt chẽ, chủ động tiên lượng các tình huống tăng nặng
để điều trị phù hợp, can thiệp sớm, chuyển tuyến kịp thời; công tác chuyển tuyển
thực hiện theo Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14/4/2014 và Thông tư số
40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế đồng thời phải được trao đổi thống
nhất giữa các cơ sở thu dung điều trị.
7. Căn cứ dự báo mức độ
nguy cơ, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và từng địa phương để có kế hoạch
giải thể, mở rộng, tăng thêm cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 hoặc điểm chăm
sóc bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng, quản lý điều trị người mắc COVID-19 tại
nhà.
V. PHÂN LOẠI
NGUY CƠ VÀ CÁCH LY, ĐIỀU TRỊ
1. Nguy cơ thấp (màu xanh): tuổi
từ ≥ 3 tháng đến ≤ 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều
vaccine, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường và SpO2 từ 97% trở lên.
2. Nguy cơ trung bình (màu
vàng): từ 50 đến 64 tuổi, chưa phát hiện bệnh lý nền và đã tiêm đủ liều
vaccine; tuổi từ ≥ 3 tháng đến ≤ 49 tuổi và chưa tiêm đủ liều vaccine; có dấu
hiệu như: sốt, ho, đau họng, khó thở nhẹ… và SpO2 từ 97% trở lên. Nhóm này điều
trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung điều trị COVID-19 tầng 1; nếu cơ sở điều trị
tầng 1 của địa phương quá tải thì có thể xem xét điều trị tại cộng đồng.
3. Nguy cơ cao (màu cam): tuổi
≥ 65 và đã tiêm đủ liều vaccine; mắc bệnh lý nền và đã tiêm đủ liều vaccine; từ
50 đến 64 tuổi, chưa phát hiện bệnh lý nền và chưa tiêm đủ liều vaccine; phụ nữ
có thai, vừa sinh con ≤ 42 ngày; trẻ em ≤ 3 tháng tuổi; SpO2 từ 94% đến 96%, đối
với trẻ nhỏ được chẩn đoán viêm phổi nặng và chưa có dấu hiệu nguy hiểm đe dọa
tính mạng, SpO2: 90 - < 94%.
4. Nguy cơ rất cao (màu đỏ):
tuổi ≥ 65 và chưa tiêm đủ liều vaccine; mắc bệnh lý nền và chưa tiêm đủ liều
vaccine; có tình trạng cấp cứu; SpO2 < 94%. Trẻ em có suy hô hấp nặng SpO2
< 90%; dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng; hội chứng suy hô hấp cấp tiến
triển (ARDS); huyết áp tụt, sốc, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, cơn bão
cytokin. Nhóm này điều trị tại Bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 tầng 2, 3;
Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19.
VI. PHÂN LOẠI
MỨC ĐỘ LÂM SÀNG BỆNH NHÂN COVID-19
Phổ bệnh của COVID-19 đa dạng từ
người nhiễm không có triệu chứng, có các triệu chứng nhẹ cho tới những biểu hiện
bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) nhiễm
khuẩn huyết suy chức năng đa cơ quan và tử vong. Người cao tuổi, người có bệnh
mạn tính hay suy giảm miễn dịch, hoặc có đồng nhiễm hay bội nhiễm các căn
nguyên khác như vi khuẩn, nấm sẽ có nguy cơ diễn biến nặng nhiều hơn.
1. Bệnh nhân COVID-19 không
có triệu chứng: là người bệnh nhiễm vi rút SARS-CoV-2[11] nhưng không có triệu chứng lâm sàng; nhịp thở
< 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời; trẻ em không có bất kỳ biểu
hiện lâm sàng nào.
2. Bệnh nhân COVID-19
mức độ nhẹ: là người bệnh nhiễm vi rút SARS- CoV-2 có viêm đường hô hấp
trên cấp tính và triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như: (i) Sốt, ho khan, đau
họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, mất vị giác, khứu giác, tiêu chảy…;
(ii) Không có dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy; trẻ em: nhịp thở bình thường
theo tuổi; người lớn: nhịp thở < 20 lần/phút, SpO2 >96% khi
thở khí trời. Tỉnh táo, người bệnh tự phục vụ được.
3. Bệnh nhân COVID-19
mức độ vừa: là người bệnh nhiễm vi rút SARS- CoV-2 có triệu chứng viêm phổi,
phổi có ran nổ và không có dấu hiệu suy hô hấp nặng, có thể khó thở khi gắng sức
và kèm theo các triệu chứng như mức độ nhẹ, ngoài ra có các biểu hiện sau: (i)
Người lớn: nhịp thở 20-25 lần/phút, SpO2 94-96% khi thở khí trời; (ii) Trẻ em:
nhịp thở ≥ 60 lần/phút đối với trẻ dưới 2 tháng; nhịp thở ≥ 50 lần/phút
đối với trẻ từ 2 tháng đến 11 tháng; nhịp thở ≥ 40 lần/phút đối với trẻ
từ 1-5 tuổi; (iii) Mạch nhanh hoặc chậm, da khô, nhịp tim nhanh, huyết áp bình
thường; tỉnh táo; trẻ em mệt, ăn/bú/uống ít hơn.
4. Bệnh nhân COVID-19
mức độ nặng: là người bệnh nhiễm vi rút SARS-CoV-2 có viêm phổi và kèm theo
bất kỳ một trong các dấu hiệu sau: (i) Người lớn và trẻ lớn: nhịp thở > 25 lần/phút;
khó thở nặng, co kéo cơ hô hấp phụ; SpO2 <94% khi thở khí trời; nhịp tim nhanh
hoặc có thể nhịp tim chậm, huyết áp bình thường hay tăng; có thể bứt rứt hoặc đừ,
mệt. (ii) Trẻ nhỏ được chẩn đoán viêm phổi nặng và chưa có dấu hiệu nguy hiểm
đe dọa tính mạng, có biểu hiện: thở nhanh theo tuổi kèm ≥ 1 dấu hiệu co rút lồng
ngực hoặc thở rên (trẻ < 2th), phập phồng cánh mũi; thần kinh: trẻ khó chịu,
quấy khóc, bú/ăn/uống khó; SpO2: 90 - < 94%.
5. Bệnh nhân COVID-19
mức độ nguy kịch: là người bệnh nhiễm vi rút SARS-CoV-2 và kèm theo các dấu
hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng sau: (i) Người lớn thở nhanh > 30 lần/phút
hoặc < 10 lần/phút, có dấu hiệu suy hô hấp nặng với thở gắng sức nhiều, thở
bất thường hoặc cần hỗ trợ hô hấp bằng thở ô xy dòng cao (HFNC), CPAP, thở máy;
ý thức giảm hoặc hôn mê; nhịp tim nhanh, có thể nhịp tim chậm, huyết áp tụt; tiểu
ít hoặc vô niệu; (ii) Trẻ em có một trong các dấu hiệu sau: suy hô hấp nặng
SpO2 < 90% khi thở khí trời, cần đặt nội khí quản, thông khí xâm nhập; dấu
hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng: tím trung tâm, thở bất thường, rối loạn nhịp
thở; thần kinh: ý thức giảm khó đánh thức hoặc hôn mê; Trẻ bỏ bú/ăn hoặc không
uống được; hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS); huyết áp tụt, sốc,
sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, cơn bão cytokin.
VII. PHÂN TẦNG
ĐIỀU TRỊ
1. Tầng 1
a) Tầng 1a: điều trị tại
nhà/nơi lưu trú cho bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng
nhẹ, không bệnh nền hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định, đảm
bảo các tiêu chí theo Quyết định số 261/QĐ-BYT ngày 31/01/2022 của Bộ Y tế.
b) Tầng 1b: cơ sở thu dung, điều
trị COVID-19 có triệu chứng nhẹ theo Quyết định số 250/QĐ-BYT ngày 28/01/2022 của
Bộ Y tế và các trường hợp nghi nhiễm chờ xét nghiệm Real time RT-PCR khẳng định
hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên lần 2 khi lần 1 dương tính hoặc không đảm bảo
các tiêu chí theo Quyết định số 261/QĐ-BYT ngày 31/01/2022 của Bộ Y tế.
Nhiệm vụ: (i) Phân loại người
nhiễm COVID-19 theo mức độ bệnh để chuyển đúng tầng; (ii) Điều trị triệu chứng
(nếu có) theo phác đồ quy định của Bộ Y tế; (iii) Phát hiện sớm, xử trí cấp cứu,
kịp thời chuyển bệnh nhân lên tuyến trên theo mức độ bệnh được quy định theo tầng;
(iv) Đề nghị công nhận khỏi bệnh và chuyển người bệnh cách ly tại nhà; (v) Kiểm
soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong cơ sở, ra cộng đồng; (vi) Đảm bảo
cơ sở vật chất, ăn uống, vật dụng thiết yếu cho người bệnh, nhân viên y tế và
nhân viên liên quan khác; (vii) Động viên, hỗ trợ tinh thần cho người nhiễm để
họ an tâm cách ly; (viii) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của cơ
quan có thẩm quyền.
Trang thiết bị: đảm bảo
thuốc, oxy, thiết bị (SpO2, huyết áp, nhiệt kế) và các vật tư thiết yếu của khu
vực 1 theo Quyết định số 2626/QĐ-BYT ngày 28/5/2021 của Bộ Y tế về việc ban
hành Danh mục trang thiết bị, vật tư tiêu hao và thuốc thiết yếu của các Khu vực
điều trị người bệnh COVID-19.
2. Tầng
2: cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 có triệu chứng mức độ vừa
và nặng (tương ứng Tầng 2a và Tầng 2b) theo Quyết định số 250/QĐ-BYT ngày
28/01/2022 của Bộ Y tế và nhóm nguy cơ trung bình, cao theo Quyết định số
5525/QĐ-BYT ngày 01/12/2021 của Bộ Y tế về ban hành “Hướng dẫn phân loại nguy
cơ người nhiễm SARS-C0V-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị”.
Nhiệm vụ: (i) Tiếp nhận và điều
trị các ca bệnh mức độ vừa và nặng; theo dõi sát diễn biến và thực hiện chế độ
chăm sóc hộ lý cho người bệnh; (ii) Xử trí can thiệp điều trị hồi sức tích cực
theo diễn biến của bệnh; (iii) Chuyển lên tầng 3 khi diễn biến nặng vượt quá khả
năng chuyên môn của cơ sở; (iv) Chuyển về cơ sở thu dung điều trị thuộc tầng 1
khi bệnh ổn định; (v) Bảo đảm chăm sóc điều dưỡng, dinh dưỡng cho người bệnh;
(vi) Kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong cơ sở, ra cộng đồng;
(vii) Đảm bảo cơ sở vật chất, ăn uống, vật dụng thiết yếu cho người bệnh, nhân
viên y tế và nhân viên liên quan khác; (viii) Động viên, hỗ trợ tinh thần
cho người nhiễm để họ an tâm điều trị; (ix) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự
phân công của cơ quan có thẩm quyền.
Trang thiết bị: đảm bảo
thuốc, oxy, thiết bị (SpO2, huyết áp, nhiệt kế) và các vật tư thiết yếu của khu
vực 2 theo Quyết định số 2626/QĐ-BYT ngày 28/5/2021 của Bộ Y tế về việc ban
hành Danh mục trang thiết bị, vật tư tiêu hao và thuốc thiết yếu của các Khu vực
điều trị người bệnh COVID-19.
3. Tầng 3:
cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 có triệu chứng mức độ nặng, nguy kịch theo
Quyết định số 250/QĐ-BYT ngày 28/01/2022 của Bộ Y tế.
Nhiệm vụ: (i) Tiếp nhận và điều
trị các ca bệnh mức độ nặng và nguy kịch; (ii) Chuyển bệnh nhân về tầng 2, tầng
1 khi bệnh đã ổn định; (iii) Bảo đảm chăm sóc điều dưỡng, dinh dưỡng cho người
bệnh; (iv) Kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện,
ra cộng đồng; (v) Đảm bảo cơ sở vật chất, ăn uống, vật dụng thiết yếu cho người
bệnh, nhân viên y tế và nhân viên liên quan khác; (vi) Động viên, hỗ trợ tinh
thần cho người nhiễm để họ an tâm điều trị; (vii) Thực hiện các nhiệm vụ khác
theo sự phân công của cơ quan có thẩm quyền.
Trang thiết bị: đảm bảo
thuốc, oxy, thiết bị (SpO2, huyết áp, nhiệt kế) và các vật tư thiết yếu của khu
vực 3 theo Quyết định số 2626/QĐ-BYT ngày 28/5/2021 của Bộ Y tế về việc ban
hành danh mục trang thiết bị, vật tư tiêu hao và thuốc thiết yếu của các khu vực
điều trị người bệnh COVID-19.
VIII. THIẾT
LẬP CƠ SỞ THU DUNG, ĐIỀU TRỊ COVID-19
1. Cấp độ
1 (Mức độ < 1.350 ca đối với toàn tỉnh/tuần)
a) Tầng 1 (Ca bệnh mắc COVID-19
nhẹ): <1.129 bệnh nhân (83,6%) thiết lập Cơ sở thu dung điều trị COVID-19 tại
các huyện, thị xã, thành phố và kích hoạt Trạm Y tế lưu động triển khai quản lý
điều trị người mắc COVID-19 tại nhà.
b) Tầng 2 (Ca bệnh mắc COVID-19
vừa): <151 bệnh nhân (11,2%): Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam; Bệnh viện
đa khoa khu vực Quảng Nam; Bệnh viện đa khoa khu vực Miền núi phía Bắc Quảng
Nam.
c) Tầng 3 (Ca bệnh mắc COVID-19
nặng, nguy kịch): <70 bệnh nhân (5,2%): Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam;
Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam; Bệnh viện đa khoa khu vực Miền núi phía Bắc
Quảng Nam; Bệnh viện đa khoa Trung Ương Quảng Nam.
2. Cấp độ
2 (Mức độ từ 1.350 ca - < 6.750 ca đối với toàn tỉnh/tuần)
a) Tầng 1 (Ca bệnh mắc COVID-19
nhẹ): 1.129 - < 5.643 bệnh nhân (83,6%) thiết lập Cơ sở thu dung điều trị
COVID-19 tại các huyện, thị xã, thành phố và kích hoạt Trạm Y tế lưu động, điểm
chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng, triển khai quản lý điều trị người mắc
COVID-19 tại nhà.
b) Tầng 2 (Ca bệnh mắc COVID-19
vừa): 151 - < 756 bệnh nhân (11,2%): Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam; Bệnh
viện Phụ Sản - Nhi Quảng Nam, Bệnh viện ngoài công lập, Bệnh viện/Trung tâm Y tế
huyện, thị xã, thành phố khu vực có số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 tăng cao (vùng
cam, vùng đỏ).
c) Tầng 3 (Ca bệnh mắc COVID-19
nặng, nguy kịch): 70 - < 351 bệnh nhân (5,2%): Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng
Nam; Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam; Bệnh viện đa khoa khu vực Miền núi
phía Bắc Quảng Nam; Bệnh viện đa khoa Trung Ương Quảng Nam.
3. Cấp độ
3 (Mức độ từ 6.750 - < 9.000 ca đối với toàn tỉnh/tuần)
a) Tầng 1 (Ca bệnh mắc COVID-19
nhẹ): 5.643 - < 7.524 bệnh nhân (83,6%) thiết lập Cơ sở thu dung điều trị
COVID-19 tại các huyện, thị xã, thành phố và kích hoạt Trạm Y tế lưu động, điểm
chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng, triển khai quản lý điều trị người mắc
COVID-19 tại nhà.
b) Tầng 2 (Ca bệnh mắc COVID-19
vừa): 756 - < 1.008 bệnh nhân (11,2%): Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam;
Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Quảng Nam, Bệnh viện ngoài công lập, Bệnh viện/Trung
tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố. Tất cả đơn vị sẵn sàng tăng số giường để đáp
ứng khả năng điều trị.
c) Tầng 3 (Ca bệnh mắc COVID-19
nặng, nguy kịch): 351 - < 468 bệnh nhân (5,2%): Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng
Nam; Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam; Bệnh viện đa khoa khu vực Miền núi
phía Bắc Quảng Nam; Trung tâm Hồi sức tích cực vùng Bệnh viện đa khoa Trung
Ương Quảng Nam; Bệnh viện Trung Ương Huế; Bệnh viện Bệnh Phổi Đà Nẵng.
4. Cấp độ 4
(Mức độ > 9000 ca đối với toàn tỉnh/tuần)
a) Tầng 1 (Ca bệnh mắc COVID-19
nhẹ): >7.524 bệnh nhân (83,6%) thiết lập Cơ sở thu dung điều trị COVID-19 tại
các huyện, thị xã, thành phố và kích hoạt Trạm Y tế lưu động, điểm chăm sóc bệnh
nhân COVID-19 tại cộng đồng, triển khai quản lý điều trị người mắc COVID-19 tại
nhà.
b) Tầng 2 (Ca bệnh mắc COVID-19
vừa): >1.008 bệnh nhân (11,2%): Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam; Bệnh viện
Phụ Sản - Nhi Quảng Nam, Bệnh viện ngoài công lập, Bệnh viện/Trung tâm Y tế huyện,
thị xã, thành phố. Tất cả đơn vị sẵn sàng tăng số giường để đáp ứng khả năng điều
trị.
c) Tầng 3 (Ca bệnh mắc COVID-19
nặng, nguy kịch): >468 bệnh nhân (5,2%): Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam; Bệnh
viện đa khoa khu vực Miền núi phía Bắc Quảng Nam; Trung tâm Hồi sức tích cực
vùng Bệnh viện đa khoa Trung Ương Quảng Nam; Bệnh viện Trung Ương Huế; Bệnh viện
Bệnh Phổi Đà Nẵng; chuyển toàn bộ công năng Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam
thành Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị COVID-19 (Phương án 30.000 tại Quyết
định số 218/QĐ-BCĐ ngày 04/8/2021).
Các huyện, thị xã, thành phố
kích hoạt Trạm Y tế lưu động và tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng
theo Quyết định số 4042/QĐ-BYT ngày 21/8/2021 của Bộ Y tế về việc “Hướng dẫn tạm
thời mô hình Trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch COVID-19” và Phương án Triển
khai mô hình Trạm Y tế lưu động, điểm chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng
ứng phó với diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tại Quyết định
số 151/QĐ-TTCH ngày 11/11/2021.
Các cơ sở KCB có kế hoạch bảo đảm
số giường điều trị COVID-19, số giường KCB thông thường, số giường ICU tại các
cơ sở KCB theo Quyết định số 3616/QĐ-BYT ngày 29/7/2021 và đảm bảo oxy y tế
theo Quyết định số 4308/QĐ- BYT ngày 07/9/2021 của Bộ Y tế.
IX. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
1. Nâng
cao năng lực quản lý điều hành
- Tăng cường năng lực dự báo,
phân tích trên cơ sở nghiên cứu các văn bản hướng dẫn của WHO và Bộ Y tế; rút
kinh nghiệm thực tiễn, áp dụng mô hình mới, phù hợp, sáng tạo nhằm đáp ứng yêu
cầu điều hành hiệu quả.
- Củng cố mạng lưới KCB theo hướng
đảm bảo sự kết nối trong cung ứng dịch vụ y tế và phối hợp hiệu quả giữa dự
phòng và điều trị; giữa tuyến trên và tuyến dưới. Tiếp tục củng cố năng lực hồi
sức cấp cứu; đảm bảo việc điều phối nguồn oxy; thiết lập, vận hành Bệnh viện dã
chiến/Cơ sở thu dung điều trị COVID-19 tại các huyện, thị xã, thành phố, kích
hoạt Trạm Y tế lưu động các xã, phường, thị trấn theo khu vực đáp ứng từng mức
độ dịch COVID-19 trên địa bàn.
- Tăng cường hoạt động kiểm
tra, giám sát nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và hiệu quả triển khai; tập
trung hướng dẫn hỗ trợ các địa phương việc thiết lập, vận hành hiệu quả Bệnh viện
dã chiến/Cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, Trạm Y tế lưu động, điểm chăm sóc bệnh
nhân COVID-19 tại cộng đồng và quản lý, điều trị người mắc COVID-19 tại nhà.
- Huy động tối đa cán bộ y tế,
lực lượng ngoài y tế tham gia phòng, chống dịch; điều động nhân viên y tế hỗ trợ,
phối hợp giữa các tuyến, các vùng, các cơ sở thu dung điều trị COVID-19, các Trạm
Y tế lưu động, các điểm chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng và quản lý,
điều trị người mắc COVID-19 tại nhà.
- Thực hiện đánh giá nguy cơ và
các biện pháp hành chính theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính
phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả
dịch COVID-19”; Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế ban
hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP và
Quyết định số 3176/QĐ-UBND ngày 02/11/2021 của UBND tỉnh ban hành Quy định tạm
thời một số biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch
COVID-19” theo từng cấp độ dịch để áp dụng công tác điều trị trên địa bàn tỉnh
Quảng Nam.
2. Chuẩn
bị năng lực ứng phó với dịch COVID-19
- Thường xuyên cập nhật kế hoạch
ứng phó với dịch COVID-19 theo các cấp độ dịch dựa trên diễn biến tình hình dịch
tại địa phương để tránh quá tải hệ thống y tế; chủ động phương án điều trị,
tăng cường năng lực điều trị tại tất cả các tuyến, cung cấp dịch vụ y tế từ sớm,
từ xa, ngay tại cơ sở, tại nhà; đảm bảo người bệnh nhiễm COVID-19 đều được theo
dõi y tế, chăm sóc sức khỏe sớm nhất, nhanh nhất; tập trung phân loại nhóm nguy
cơ và kiểm soát tốt các trường hợp bệnh nặng, nguy kịch nhập viện, giảm thiểu tối
đa các trường hợp tử vong.
- Tăng cường khả năng thu dung,
điều trị và chăm sóc người mắc COVID-19: đánh giá năng lực quản lý, chăm sóc
người mắc COVID-19 tại xã, phường, thị trấn; bảo đảm đáp ứng về giường bệnh
COVID-19 tại cơ sở thu dung, điều trị và cơ sở KCB (Tầng 2) huyện, thị xã,
thành phố kể cả ngoài công lập và giường ICU có đủ nhân viên y tế phục vụ tại
các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh, sẵn sàng đảm bảo đáp ứng tình hình dịch ở cấp
độ 4.
- Thực hiện đánh giá, phân loại
bệnh nhân tại tất cả các tuyến ngay từ tuyến xã để triển khai quản lý, chăm sóc
bệnh nhân COVID-19 tại nhà, điểm chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng hoặc
tại các cơ sở y tế phù hợp; không để tình trạng chuyển tầng, chuyển tuyến không
đúng quy định.
- Xây dựng kế hoạch bảo đảm cơ
sở KCB từ tuyến huyện trở lên có hệ thống cung cấp ô xy hóa lỏng, khí nén; các
trạm y tế xã, phường, thị trấn bảo đảm cung cấp ô xy y tế; tổ chức các trạm y tế
lưu động, tổ chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng, tổ chức quản lý bệnh
nhân COVID-19 tại nhà; địa bàn có dịch bệnh cấp 3 trở lên phải có phương án mở
rộng năng lực thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 không để quá tải diện rộng.
- Tăng cường đào tạo, tập huấn
nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế và điều trị trên địa bàn. Chú
trọng việc đào tạo về hồi sức cấp cứu cơ bản và nâng cao cho bác sĩ và điều dưỡng
đáp ứng nhu cầu chăm sóc, điều trị, để bảo đảm các cơ sở KCB thực hiện được các
kỹ thuật hồi sức cấp cứu cơ bản; các bệnh viện ngoài công lập, bệnh viện/trung
tâm y tế từ tuyến huyện trở lên thực hiện được các kỹ thuật hồi sức cấp cứu
nâng cao; bệnh viện đa khoa trung ương/tuyến tỉnh/khu vực thực hiện được kỹ thuật
tim phổi nhân tạo (ECMO), lọc máu… Tiếp tục và tăng cường tập huấn về chẩn đoán
và điều trị COVID-19, kiểm soát nhiễm khuẩn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Xây dựng các chỉ số cụ thể để
làm căn cứ đánh giá triển khai kế hoạch, bao gồm các chỉ số về số giường trống,
số giường hồi sức tích cực, hạ tầng kỹ thuật ôxy y tế tại các cơ sở KCB các tuyến;
hoàn thiện hệ thống phác đồ, quy trình, hướng dẫn điều trị. Xây dựng hệ thống
chuyển tuyến đảm bảo sự tiếp cận của mọi người dân.
3. Thiết
lập mạng lưới điều trị COVID-19 theo phân tầng và KCB thông thường
Tiếp tục phát huy hiệu quả của
mô hình điều trị tháp 3 tầng của Bộ Y tế, hạn chế tối đa số bệnh nhân chuyển nặng,
giảm tỷ lệ tử vong; xây dựng kế hoạch củng cố hệ thống KCB đáp ứng dịch ở cấp độ
4, trong đó chú trọng bảo đảm số giường điều trị COVID-19, số giường ICU tại
các cơ sở KCB; củng cố hạ tầng kỹ thuật về ô xy y tế tại các cơ sở KCB các tuyến;
triển khai hoạt động Trạm Y tế lưu động và quản lý, điều trị người mắc COVID-19
tại nhà. Xây dựng các gói thuốc, vật tư y tế hỗ trợ điều trị tại nhà.
a) Bệnh viện đa khoa trung
ương/tuyến tỉnh/khu vực phải đáp ứng nhiệm vụ điều trị COVID-19 thể nặng, nguy
kịch (Tầng 2b, Tầng 3) tiếp nhận bệnh nhân theo địa phương được Sở Y tế phân
công chỉ đạo tuyến, mỗi đơn vị thiết lập 01 đơn nguyên/đơn vị hồi sức tích cực
COVID-19 theo từng giai đoạn với 10, 20, 30, 50 giường bệnh và chuyển chức năng
thành Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị COVID-19 khi lượng bệnh nhân nặng,
nguy kịch tăng quá nhiều; thiết lập phòng phẫu thuật áp lực âm để xử trí các
trường hợp cần can thiệp phẫu thuật của bệnh nhân COVID-19, phòng sinh đảm bảo
cho sản phụ mắc COVID-19 sinh thường; thiết lập, vận hành khu chạy thận nhân tạo
chung trong giai đoạn hiện nay tại Bệnh viện đa khoa khu vực Miền núi Phía Bắc
và từng bước đảm bảo thích ứng tại chỗ từng đơn vị. Hỗ trợ, giúp đỡ, chỉ đạo địa
phương theo phân công chỉ đạo tuyến của Sở Y tế và Công văn số 7901/UBND-KGVX
ngày 08/11/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam.
b) Bệnh viện chuyên khoa tuyến
tỉnh chuẩn bị sẵn sàng nhân lực hỗ trợ các Cơ sở thu dung điều trị COVID-19 và
Trạm Y tế lưu động khi có sự điều động của Sở Y tế; Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch
tiếp tục sử dụng 90 giường bệnh cho điều trị COVID-19 Tầng 2 và bệnh lao phổi mắc
COVID-19; Bệnh viện Phụ Sản - Nhi thiết lập khu thu dung điều trị COVID-19 cho
trẻ em, giai đoạn đầu vận hành khoảng 50 giường bệnh, tăng giảm tùy tình hình
diễn biến dịch COVID-19 và từng bước chuẩn bị thiết lập Phòng phẫu thuật cấp cứu
sản phụ khoa.
c) Bệnh viện ngoài công lập/Trung
tâm Y tế/bệnh viện đa khoa huyện, thị xã, thành phố có giường bệnh nội trú bố
trí khu vực riêng biệt để điều trị bệnh nhân COVID-19 thể Trung bình (Tầng 2a)
khi dịch bùng phát từ cấp độ 3 và đảm bảo từ 2-5 giường hồi sức tích cực cho cấp
độ 4; sẵn sàng hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị cho các Trạm Y tế lưu động, trạm
Y tế xã, phường, thị trấn. Đối với các địa phương mà Trung tâm Y tế không có
giường bệnh nội trú, các bệnh viện trên địa bàn đảm nhận chức năng, nhiệm vụ
này.
d) Trạm Y tế xã, phường, thị trấn
phối hợp tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng triển khai tốt tất cả
các hình thức quản lý người mắc COVID-19 tại nhà, Trạm y tế lưu động, các điểm
chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng do BCĐ phòng, chống dịch xã, phường,
thị trấn quản lý.
- Tất cả các cơ sở KCB từng bước
thực hiện mô hình bệnh viện tách đôi vừa duy trì tốt công tác KCB thường quy đồng
thời sẵn sàng dành từ 10 - 40% giường bệnh để thu dung, quản lý, điều trị
COVID-19. Bảo đảm tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm đến cơ
sở KCB để phát hiện ca bệnh, quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh.
- Triển khai các giải pháp để
tăng cường chất lượng công tác KCB và điều trị; bảo đảm chỉ định và thời gian
điều trị nội trú phù hợp với hướng dẫn Bộ Y tế theo từng giai đoạn; tích cực
triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB; thực hiện kê đơn cấp thuốc
điều trị ngoại trú đối với các bệnh mạn tính đã điều trị ổn định; đa dạng các
loại hình KCB (KCB từ xa, KCB tại nhà..); phối hợp triển khai chiến dịch rà
soát cập nhật, quản lý, bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ.
- Chủ động củng cố, phát triển
năng lực xét nghiệm để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm theo quy mô dân số của địa
phương; thực hiện xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 cho các trường hợp có triệu
chứng nghi mắc COVID-19 và xét nghiệm ngẫu nhiên, định kỳ để phát hiện ca bệnh
trong cơ sở KCB. Tuyệt đối không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả
dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc,
không được quản lý, theo dõi sức khỏe.
3.
Đầu tư nguồn lực để bảo đảm triển khai hiệu quả kế
hoạch củng cố hệ thống KCB (đặc biệt là các khoa Hồi sức tích cực) đáp ứng công
tác KCB thường quy và thu dung, điều trị COVID-19, giảm tỷ lệ vong do bệnh tật
và COVID-19.
4.
Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tổ chức triển
khai thực hiện kế hoạch.
5. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động
quản lý để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19 và góp phần đẩy nhanh
quá trình chuyển đổi số của ngành Y tế hình thành nền y tế thông minh.
X. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Sắp xếp lại các cơ sở KCB, cơ
sở thu dung điều trị COVID-19 cho phù hợp tình hình thực tế và diễn biến dịch
trên địa bàn tỉnh với quan điểm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu
quả dịch COVID-19”.
- Đảm bảo cung cấp thuốc, oxy y
tế, trang thiết bị, vật tư y tế cơ sở thu dung, điều trị theo từng tầng trong
mô hình điều trị tháp 3 tầng. Triển khai thống nhất phác đồ điều trị cho các tầng
và văn bản hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam tỉnh vận động, tiếp nhận, phân bổ thuốc, các trang thiết bị, vật
tư y tế,… từ các nguồn tài trợ tới các cơ sở thu dung điều trị COVID-19, đảm bảo
kịp thời, hiệu quả.
- Chịu trách nhiệm điều phối lực
lượng cán bộ y tế cho các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, Trạm Y tế lưu động;
triển khai, kiểm tra, giám sát công tác “chuyển tầng 2 chiều” giữa các cơ sở
thu dung, điều trị COVID-19. Quy hoạch nguồn nhân lực y tế nhằm phân bổ hợp lý
cho các cơ sở thu dung điều trị COVID-19 theo mô hình điều trị tháp 3 tầng. Điều
phối tình nguyện viên, lực lượng y tế và các lực lượng khác đến hỗ trợ các cơ sở
thu dung, điều trị COVID-19.
- Cập nhật phần mềm, báo cáo kịp
thời, đúng quy định về số liệu người bệnh mắc COVID-19 đang điều trị, ra viện,
tử vong tại các cơ sở thu dung điều trị COVID-19 và tại nhà.
- Phối hợp các Sở, ngành khẩn
trương mua sắm theo nhu cầu phục vụ công tác phòng, chống dịch và thu dung điều
trị COVID-19; phối hợp triển khai công nghệ thông tin trong quản lý, chăm sóc,
điều trị COVID-19 tại nhà.
- Căn cứ thực tế cấp độ dịch tại
địa phương, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, Sở Y tế tổng hợp nhu cầu kinh phí
đảm bảo hoạt động thu dung, điều trị cho người bệnh COVID-19, chế độ cho nhân
viên y tế, các lực lượng làm việc tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo
phân cấp trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả; phối hợp Sở Tài chính tham mưu
UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
2. Sở Tài chính
- Tham mưu bố trí kinh phí phục
vụ công tác phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
- Chỉ đạo thực hiện chính sách,
chế độ tài chính về công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Hướng dẫn mua sắm, thanh quyết
toán trong điều kiện khẩn cấp về phòng, chống dịch bệnh; kịp thời tháo gỡ khó
khăn trong mua sắm trang thiết bị, thanh quyết toán tại các địa phương.
- Trên cơ sở đề nghị của Sở Y tế,
UBND huyện, thị xã, thành phố; phối hợp tham mưu UBND tỉnh đảm bảo kinh phí hoạt
động thu dung, điều trị cho người bệnh nhiễm COVID-19 và chế độ cho nhân viên y
tế và các lực lượng làm việc tại Cơ sở thu dung điều trị COVID-19, Trạm Y tế
lưu động, chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Hướng dẫn đấu thầu, mua sắm
trang thiết bị, vật tư phòng chống dịch.
- Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt
nâng cấp, sửa chữa, mở rộng cơ sở hạ tầng cho cơ sở thu dung điều trị COVID-19 kịp
thời đi vào hoạt động và khi cần thiết.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
Hướng dẫn, kiểm tra việc xử lý
nước thải, rác thải tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 và cộng đồng khi triển
khai quản lý người mắc COVID-19 tại nhà.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn
các cơ quan báo chí, cơ quan truyền thông của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố
phối hợp với ngành y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan thông tin kịp thời,
chính xác về diễn biến của dịch bệnh, các nội dung phục vụ cho công tác phòng,
chống dịch của tỉnh.
- Tổ chức triển khai và chỉ đạo,
kiểm tra, đôn đốc các cơ quan báo chí, địa phương trong việc thực hiện truyền
thông về phòng, chống dịch bệnh.
- Phối hợp với các cơ quan liên
quan xử lý nghiêm các trường hợp thông tin không chính xác gây hoang mang lo lắng
trong cộng đồng; chủ trì, phối hợp Sở Y tế xây dựng phần mềm quản lý, điều trị
F0 tại nhà.
6. Công an tỉnh
- Phối hợp với các cơ sở thu
dung, điều trị COVID-19 để đảm bảo an ninh trật tự, quản lý đối tượng, thực hiện
các biện pháp cưỡng chế đối với các đối tượng không chấp hành cách ly y tế, nội
quy của cơ sở.
- Chủ trì, phối hợp với Sở
Thông tin và Truyền thông kiểm soát các thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng
trên mạng xã hội về tình hình dịch bệnh, có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định.
- Chỉ đạo công an các huyện, thị
xã, thành phố phối hợp với các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 để đảm bảo an
ninh trật tự tại các cơ sở.
7. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
Có phương án sẵn sàng huy động
lực lượng quân đội tham gia các hoạt động tại các cơ sở thu dung, điều trị
COVID-19, đề xuất hỗ trợ của Binh chủng hóa học trong công tác xử lý môi trường
trong trường hợp quy mô dịch lan rộng.
8. Công ty Điện lực, các đơn
vị cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh
Đảm bảo phương án cấp điện, cấp
nước cho các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh.
9. Bảo hiểm xã hội tỉnh
Phối hợp với Sở Y tế, cơ sở thu
dung, điều trị COVID-19 bảo đảm quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT được chuyển
đến cách ly, điều trị tại cơ sở thu dung điều trị COVID-19, điểm chăm sóc bệnh
nhân COVID-19 tại cộng đồng và điều trị tại nhà; nhân viên y tế làm việc tại cơ
sở thu dung, điều trị COVlD-19.
10. UBND các huyện, thị xã,
thành phố
- Tổ chức vận hành, bố trí lực
lượng hỗ trợ các cơ sở thu dung điều trị COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng
nhẹ; mô hình Trạm Y tế lưu động, điểm chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng,
chỉ đạo và triển khai hiệu quả quản lý điều trị người mắc COVID-19 tại nhà.
- Chịu trách nhiệm toàn bộ mọi
hoạt động công tác phòng, chống dịch và điều trị trên địa bàn quản lý, lưu ý
không được để lây nhiễm chéo trong cơ sở thu dung điều trị COVID-19 và ra ngoài
cộng đồng.
- Tổng hợp nhu cầu kinh phí đảm
bảo hoạt động thu dung, điều trị cho người bệnh nhiễm COVID-19 và chế độ cho
nhân viên y tế và các lực lượng làm việc tại cơ sở thu dung điều trị COVID-19
theo phân cấp trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả; phối hợp Sở Tài chính tham
mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
11. Các cơ sở KCB
- Xây dựng kế hoạch thiết lập
cơ sở thu dung, điều trị người mắc COVID-19 và bảo đảm số giường trống, số giường
hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở KCB (bao gồm cả y tế ngoài công lập) sẵn
sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4, đồng thời bảo đảm trang bị đủ cơ sở hạ
tầng, nhân lực tương ứng với số giường ICU tại các cơ sở KCB.
- Củng cố hạ tầng kỹ thuật về ô
xy y tế để bảo đảm cung cấp ô xy y tế tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn và
hệ thống ô xy trung tâm để cung cấp ô xy hóa lỏng, khí nén tại các cơ sở KCB từ
tuyến huyện trở lên.
- Triển khai hiệu quả phương án
mô hình Trạm Y tế lưu động, điểm chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng, tổ
chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng, quản lý, điều trị người mắc COVID-19
tại nhà để đáp ứng mọi cấp độ dịch.
Trên đây là Kế hoạch Phân tầng
thu dung, điều trị người bệnh mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam để thích
ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Kế hoạch sẽ được cập
nhật và điều chỉnh thường xuyên, kịp thời để phù hợp với diễn biến của tình
hình dịch cũng như thực tế quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch trên
địa bàn. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc thì
các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Y tế) để được hướng
dẫn, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- TTTU, TTHĐND tỉnh;
- BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Báo Quảng Nam, Đài PTTH QN;
- Cổng TT Điện tử tỉnh;
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh;
- Các Bệnh viện Đa khoa trên địa bàn tỉnh;
- Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Bệnh viện/Trung tâm Y tế cấp huyện;
- CPVP;
- Lưu: VT, KGVX.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Văn Tân
|
[1]
Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần được phân theo 04 mức độ từ thấp
đến cao.
[2]
Số ca thở ô xy được tính là tất cả các trường hợp phải thở ô xy từ ô xy mask, gọng
kính trở lên
[3]
Được tính 7 ngày liên tục theo tuần từ thứ 2 đến chủ nhật gần nhất tính đến thời
điểm đánh giá.
[4]
Số ca tử vong trong tuần trên địa bàn cấp xã là tổng số ca tử vong mới ghi nhận
trên địa bàn cấp xã trong tuần
[5]
Tiêm đủ mũi: là tiêm đủ các liều cơ bản, tiêm nhắc lại theo yêu cầu của Bộ Y tế
tại thời điểm đánh giá đối với từng nhóm đối tượng trên địa bàn
[6]
Nhóm nguy cơ cao bao gồm: người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, người suy giảm
miễn dịch, phụ nữ có thai.
[7]
Khả năng còn có thể quản lý, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại địa bàn cấp xã bao
gồm tất cả các hình thức tại nhà, trạm y tế lưu động, các điểm chăm sóc bệnh
nhân COVID-19 tại cộng đồng do chính quyền cấp xã quản lý
[8]
Giường điều trị COVID-19 tại cấp huyện là số giường bệnh dành cho người bệnh
COVID-19 tại các cơ sở thu dung điều trị bao gồm cả giường bệnh huy động do cấp
huyện quản lý
[9]
Theo hướng dẫn của WHO https://www.who.int/publications/i/item/considerations-in-adjusting-public-
health-and-social-measures-in-the-context-of-covid-19-interim-guidance
[10] Khả năng còn có thể quản lý, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại
địa bàn cấp xã bao gồm tất cả các hình thức tại nhà, trạm y tế lưu động, các điểm
chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng do chính quyền cấp xã quản lý
[11] Là người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút
SARS-CoV-2 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của vi rút (Real time
RT-PCR); Là người tiếp xúc gần (F1) và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên
dương tính với vi rút SARS-CoV-2, Là người có biểu hiện lâm sàng nghi mắc
COVID-19 và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với vi rút
SARS-CoV-2 và có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1), Là người có kết quả xét
nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính 2 lần liên tiếp (xét nghiệm lần 2 trong
vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần 1) với vi rút SARS-CoV-2 và có yếu
tố dịch tễ (không bao gồm F1).