Quan tâm, chăm sóc đến sức khỏe và môi trường làm việc của người lao động là điều cần thiết đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Thông qua những công việc về chăm sóc sức khỏe, vệ sinh an toàn lao động, chúng ta có thể đánh giá được chất lượng môi trường làm việc và phúc lợi của một doanh nghiệp.
>> Giao kết hợp đồng với người lao động có làm việc ở nơi khác, doanh nghiệp cần chú ý điều gì?
>> Một số quan hệ lao động đặc biệt giữa DN và cá nhân
1. Lập sổ quản lý lao động
Việc quản lý, chăm sóc sức khỏe của người lao động được thực hiện từ thời điểm người lao động được tuyển dụng và trong suốt quá trình làm việc tại doanh nghiệp.
Để lập sổ quản lý sức khỏe người lao động, doanh nghiệp cần làm những công việc sau đây:
- Khám sức khỏe trước khi bố trí việc làm;
- Khám sức khỏe định kỳ;
- Khám phát hiện bệnh nghề nghiệp;
- Khám định kỳ bệnh nghề nghiệp.
Hồ sơ quản lý sức khỏe người lao động bao gồm:
- Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc Phiếu khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc đối với trường hợp người lao động tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định hiện hành của pháp luật;
- Sổ khám sức khỏe định kỳ hoặc Sổ khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp người lao động tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định hiện hành của pháp luật;
- Hồ sơ bệnh nghề nghiệp của người lao động (nếu có);
- Giấy ra viện, giấy nghỉ ốm hoặc các giấy tờ điều trị có liên quan (nếu có);
- Hồ sơ quản lý tình hình sức khỏe và bệnh tật thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 19/2016/TT-BYT.
Hiện tại, không có quy định về xử phạt đối với hành vi không lập sổ quản lý sức khỏe lao động trong điều kiện làm việc thông thường, nhưng nếu không lập hồ sơ sức khỏe riêng biệt cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp thì sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đến 15 triệu theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 17 Nghị định 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP.
Quý khách hàng có thể tham khảo thêm tại công việc Lập, lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động và Lập hồ sơ giám định suy giảm khả năng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
2. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ
Doanh nghiệp phải có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe định kỳ ít nhất 01 lần/ năm cho người lao động.
Nếu không tổ chức khám sức khỏe định kỳ theo quy định, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt từ 10 đến 15 triệu đồng theo quy định tại Điểm e Khoản 3 Điều 17 Nghị định 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP.
Xem chi tiết tại công việc Tổ chức khám sức khỏe định kỳ, tai nạn nghề nghiệp cho người lao động
3. Huấn luyện, an toàn vệ sinh lao động
Doanh nghiệp có nghĩa vụ tổ chứa huấn luyện, an toàn vệ sinh lao động trước khi tuyển dụng hoặc bố trí làm việc và định kỳ.
Nếu không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt từ 1 đến 20 triệu đồng Khoản 2 Điều 17 Nghị định 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP.
Xem chi tiết tại công việc Tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
4. Bố trí bộ phận an toàn, vệ sinh lao động
Doanh nghiệp phải bố trí bộ phận qủan lý công tác an toàn, vệ sinh lao động tùy theo quy mô, tính chất lao động, nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, điều kiện lao động.
Xem chi tiết tại công việc Tổ chức bộ phận an toàn, vệ sinh lao động
5. Bố trí bộ phận y tế
Tùy theo quy mô, tính chất lao động, nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, điều kiện lao động, doanh nghiệp phải bố trí bộ phận y tế tại cơ sở mình.
Xem chi tiết tại công việc Tổ chức bộ phận y tế trong doanh nghiệp
6. Tập huấn và trang bị thiết bị phòng cháy, chữa cháy
Doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức phòng cháy, chữa cháy, tập huấn cho người lao động và thực hành phương án phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần trang bị những thứ sau:
- Có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở.
- Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy trong cơ sở.
- Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện; thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
- Có quy trình kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
- Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
- Có phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 21 Nghị định 79/2014/NĐ-CP.
- Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người phù hợp với tính chất, đặc điểm của cơ sở bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.
- Có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP.
- Có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Bộ Công an.
Quý khách hàng có thể tham khảo tại những công việc liên quan sau đây:
- Xây dựng nội quy và sơ đồ về an toàn phòng cháy, chữa cháy.
- Xây dựng và thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy.
- Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy.
- Lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy.
Căn cứ pháp lý:
- Luật vệ, sinh an toàn lao động.
Tài Giỏi