Từ ngày 01/7/2023, lao động nữ sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản như thế nào? Có phải mức hưởng chế độ thai sản cao hơn hiện tại hay không? – Thị Bình (Quảng Ngãi).
>> File Excel tính tiền đóng BHXH với cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ từ 01/7/2023
>> Chính thức tăng mức hưởng BHXH, quyền lợi BHYT từ ngày 01/7/2023
Lao động nữ sinh con từ ngày 01/7/2023 sẽ được hưởng chế độ thai sản theo quy định sau đây:
Căn cứ khoản 1 Điều 34 và điểm a khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Ví dụ: Tiền lương 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của chị A lần lượt là 9.000.000 đồng, 9.000.000 đồng, 9.000.000 đồng, 11.000.000 đồng, 11.000.000 đồng, 11.000.000 đồng; chị A sinh đôi.
Như vậy, mức hưởng chế độ thai sản một tháng của chị A là 10.000.000 đồng; chị A được hưởng chế độ thai sản 7 tháng, tổng cộng là 70.000.000 đồng.
File Excel tính mức hưởng chế độ thai sản khi sinh con năm 2023 |
Ảnh chụp File Excel tính mức hưởng chế độ thai sản khi sinh con năm 2023
Căn cứ Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi. Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Hiện nay, theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP, 02 lần mức lương cơ sở là 2.980.000 đồng. Tuy nhiên, từ ngày 01/7/2023, theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP, 02 lần mức lương cơ sở là 3.600.000 đồng.
Ví dụ: Trường hợp chị A sinh đôi từ ngày 01/7/2023 thì sẽ được nhận trợ cấp một lần là 7.200.000 đồng.
Căn cứ Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản khi sinh con, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định nêu trên do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:
- Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên.
- Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật.
- Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.
Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Hiện nay, theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP, 30% mức lương cơ sở là 447.000 đồng. Tuy nhiên, từ ngày 01/7/2023, theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP, 30% mức lương cơ sở là 540.000 đồng.
Ví dụ: Trường hợp của chị A sinh đôi sẽ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản tối đa 10 ngày; mức hưởng mỗi ngày là 540.000 đồng, nếu được hưởng 10 ngày thì số tiền hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản của chị A là 5.400.000 đồng.