Trong năm 2024, mức hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động có gì khác so với hiện tại hay không? Cụ thể mức hưởng ốm đau như thế nào? – Thùy Dương (Quảng Ninh).
>> Thời gian hưởng chế độ ốm đau 2024 với người lao động
>> Điều kiện hưởng chế độ ốm đau 2024 với người lao động
Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có Luật Bảo hiểm xã hội 2024 nên mức hưởng chế độ ốm đau 2024 đối với người lao động được xác định theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (được hướng dẫn bởi Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH). Cụ thể được PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP giải đáp như sau:
Căn cứ theo Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (được hướng dẫn bởi Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH) mức hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động được quy định cụ thể như sau:
- Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 26, Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.
- Người lao động hưởng tiếp chế độ ốm đau quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng được quy định như sau:
+ Bằng 65% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm trở lên.
+ Bằng 55% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm.
+ Bằng 50% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm.
- Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng bằng 100% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
- Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày.
Lưu ý:
- Người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.
- Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau do bị mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, người lao động được hưởng bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm xã hội đóng cho người lao động.
- Không điều chỉnh mức hưởng chế độ ốm đau khi Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu vùng.
(Theo khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH).
Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản sửa đổi, hướng dẫn thi hành 2023
Mức hưởng chế độ ốm đau 2024 đối với người lao động (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ theo Điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về hồ sơ giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động như sau:
(i) Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú. Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
(ii) Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài thì hồ sơ quy định tại đoạn (i) Mục này được thay bằng bản dịch tiếng Việt của giấy khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài cấp.
(iii) Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau do người sử dụng lao động lập.
(iv) Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy ra viện và các mẫu giấy quy định tại các điểm c, điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
[Xem chi tiết nội dung tại đây].