Kể từ ngày 01/01/2018, cách tính mức lương hưu hàng tháng mới theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 sẽ bắt đầu được áp dụng. Theo đó, lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi.
Chênh lệch quá lớn
Hiện nay, mức lương hưu của lao động nữ được xác định bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm được cộng thêm 3% và mức tối đa là 75%.
Như vậy, theo cách tính này, lao động nữ chỉ cần đóng BHXH 25 năm là đã đủ điều kiện hưởng mức lương hưu tối đa.
Tuy nhiên, từ 01/01/2018, mức 3% cộng thêm cho mỗi năm đóng BHXH tăng thêm sau 15 năm đóng BHXH sẽ bị giảm xuống chỉ còn 2%. Điều đó có nghĩa là, để được hưởng mức lương hưu tối đa, lao động nữ phải đóng BHXH 30 năm thay vì 25 năm như hiện nay.
Nói cách khác, chỉ sau đêm 31/12/2017, lao động nữ đóng đủ 25 năm BHXH sẽ mất trắng 10% lương hưu.
Có quá bất công?
Lý giải cho việc giảm lương hưu của lao động nữ, từ khi còn trong giai đoạn xây dựng Luật BHXH 2014, nhiều lý do đã được đặt lên bàn tròn thảo luận làm căn cứ, đơn cử như:
- Tỷ lệ hưởng lương hưu của nước ta cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của thế giới;
- Quỹ hưu trí và tử tuất của nước ta đã mất cân bằng thu – chi, nếu giữ mức chi trả lương hưu như hiện tại thì theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đến năm 2034, Quỹ này sẽ hoàn toàn cạn kiệt;
- Tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thấp, nên thời gian đóng BHXH cũng ít hơn lao động nam, nhưng họ lại được hưởng lương hưu trong thời gian dài với mức lương hưu cao.
Sau nhiều buổi thảo luận, phương án được đưa ra là sẽ cho người lao động 2 năm để giảm “sốc” (Luật BHXH 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2016). Và giờ đây, trước thềm năm 2018, cũng là lúc mà quy định về cách tính lương hưu mới sắp được áp dụng, thì thực ra nhiều người lao động vẫn còn ngỡ ngàng và chưa hết “sốc”.
Liệu những lý do được đưa ra như trên có đủ thuyết phục chăng?
Những hệ lụy
Nhìn thấy được điểm bất cập trong chính sách, từ tháng 8/2017, UBND TP.HCM có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam đề nghị xem xét lại quy định tại Điều 56 Luật BHXH năm 2014 về việc giảm tỉ lệ hưởng lương hưu từ 3% xuống 2% cho năm đóng BHXH thứ 16 trở đi của lao động nữ nhưng đến nay vẫn chưa thấy phản hồi.
Trước tình hình trên, vụ việc cô giáo mầm non Trương Thị Lan chỉ nhận được 1.3 triệu lương hưu sau 37 năm trồng người càng khiến người lao động mất niềm tin.
Các chuyên gia lại lo ngại số người lao động thực hiện lãnh trợ cấp BHXH một lần chứ không chờ đủ số năm hưởng lương hưu sẽ tăng đột biến, đồng thời người lao động sẽ càng thêm không thích đóng BHXH. Khi đó, tăng chi nhưng giảm thu, khả năng vỡ quỹ trước thời gian dự báo là rất cao.
Và không chỉ người lao động lo sốt vó, mà các doanh nghiệp cũng đang “nhấp nhổm” bởi cuối năm đang là cao điểm sản xuất, kinh doanh, nếu người lao động đồng loạt xin nghỉ để được hưởng lương hưu theo quy định hiện hành thì doanh nghiệp đành “chết”.
Vậy thì, một loạt hậu quả ấy có thể khiến các nhà lập pháp và các cấp có thẩm quyền xem xét lại quy định trên không? Cộng đồng nói chung và người lao động nữ nói riêng vẫn đang mong đợi một câu trả lời thấu đáo.
Quý khách hàng có thể tham khảo thêm công việc Hồ sơ giải quyết hưởng lương hưu
Căn cứ pháp lý:
Quỳnh Như