Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025, theo đó đã có điều chỉnh mức trợ cấp tuất hằng tháng so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
>> Các khoản trợ cấp được tính theo mức tham chiếu mới từ tháng 07/2025
>> 07 nội dung về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện từ 2025
Căn cứ khoản 1 Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức trợ cấp tuất hằng tháng trước 01/7/2025 như sau:
Mức trợ cấp tuất hằng tháng = 50% x Mức lương cơ sở
Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng:
Mức trợ cấp tuất hằng tháng = 70% x Mức lương cơ sở
Hiện nay mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng (theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP).
Căn cứ khoản 1 Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, mức trợ cấp tuất hằng tháng sau 01/7/2025 như sau:
Mức trợ cấp tuất hằng tháng = 50% x Mức tham chiếu
Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng:
Mức trợ cấp tuất hằng tháng = 70% x Mức tham chiếu
|
Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã điều chỉnh về căn cứ tính trợ cấp từ “lương cơ sở” thành “mức tham chiếu”.
Như vậy, mức trợ cấp tuất hằng tháng từ 01/7/2025 phụ thuộc vào mức tham chiếu thay vì mức lương cơ sở.
![]() |
Tổng hợp toàn bộ biểu mẫu về quy trình giải quyết hưởng chế độ BHXH mới nhất |
Điều chỉnh mức trợ cấp tuất hằng tháng từ tháng 7/2025 (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, quy định đối tượng hưởng trợ cấp tuất hằng tháng như sau:
(i) Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 khi chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thuộc một trong các trường hợp sau đây thì thân nhân quy định tại khoản (ii) được hưởng tiền tuất hằng tháng:
a) Có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên;
b) Đang hưởng lương hưu hoặc đang tạm dừng hưởng lương hưu;
c) Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
d) Đang hưởng hoặc đang tạm dừng hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
(ii) Thân nhân của đối tượng quy định tại khoản (i) được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, bao gồm:
a) Các con bao gồm cả con khi người mẹ đang mang thai mà người cha chết, con khi lao động nữ mang thai hộ đang mang thai mà người cha hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ chết thì được hưởng đến khi đủ 18 tuổi;
b) Con bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
c) Vợ, chồng đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động. Vợ, chồng chưa đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
d) Cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc của chồng; thành viên khác của gia đình đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động mà người quy định tại khoản 1 Điều này đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình;
đ) Cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc của chồng; thành viên khác của gia đình chưa đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Lưu ý: Không áp dụng trợ cấp tuất hằng tháng đối với thân nhân quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản (ii) là người đang hưởng tiền lương và tham gia BHXH bắt buộc hoặc đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, trợ cấp hằng tháng mà mức hưởng bằng hoặc cao hơn mức tham chiếu, không bao gồm khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.