Kể từ ngày 01/01/2018 các chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH) của Việt Nam như đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu khi bị suy giảm khả năng lao động, mức hưởng chế độ hưu trí, tiền lương tháng đóng BHXH đã có những sự thay đổi mà doanh nghiệp và người lao động cần phải quan tâm để áp dụng cho đúng.
>> Lao động nữ: mất 10% lương hưu chỉ sau một đêm
1. Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 2 và Khoản 1, Điều 124 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, kể từ ngày 01/01/2018 trở đi thì người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng cũng thuộc đối tượng bắt buộc phải tham gia BHXH (thời điểm hiện tại thì người lao động phải ký hợp đồng từ đủ 03 tháng trở lên thì mới thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc).
Cũng theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 và Khoản 1, Điều 124 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, kể từ ngày 01/01/2018 trở đi thì người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ (hiện nay, đối tượng này không phải tham gia đóng BHXH bắt buộc).
Có thể tham khảo nội dung này tại công việc Đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN lần đầu.
2. Điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu khi bị suy giảm khả năng lao động
Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% phải đảm bảo điều kiện về tuổi đời theo bảng dưới đây thì sẽ được hưởng lương hưu với mức thấp hơn.
Năm nghỉ hưởng lương hưu |
Điều kiện về tuổi đời đối với nam |
Điều kiện về tuổi đời đối với nữ |
2016 |
Đủ 51 tuổi |
Đủ 46 tuổi |
2017 |
Đủ 52 tuổi |
Đủ 47 tuổi |
2018 |
Đủ 53 tuổi |
Đủ 48 tuổi |
2019 |
Đủ 54 tuổi |
Đủ 49 tuổi |
Từ 2020 trở đi |
Đủ 55 tuổi |
Đủ 50 tuổi |
Có thể tham khảo thêm nội dung này tại công việc Hồ sơ giải quyết hưởng lương hưu.
3. Mức hưởng chế độ hưu trí
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì từ ngày 01/01/2018 sẽ bắt đầu áp dụng lộ trình thay đổi cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu. Theo đó, lao động nam được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH khi có thời gian đóng BHXH theo bảng dưới đây. Và sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, người lao động được tính thêm 2% và mức tối đa vẫn là 75%.
Năm nghỉ hưu |
Số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45% |
2018 |
16 năm |
2019 |
17 năm |
2020 |
18 năm |
2021 |
19 năm |
Từ 2022 trở đi |
20 năm |
Như vậy, nội dung này đã có sự thay đổi đối với lao động nam, vì trước năm 2018 lao động nam chỉ cần đủ 15 năm đóng BHXH đã được tính bằng 45%.
Lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018 trở đi thì đủ 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, người lao động được tính thêm 2% và mức tối đa vẫn là 75%. Như vậy, nội dung này đã có sự thay đổi, vì trước năm 2018 cứ mỗi năm đóng BHXH tăng thêm sau khi đạt tỷ lệ 45% lao động nữ được tính thêm 3% chứ không phải 2%.
Tổng kết lại, theo những sự thay đổi trên, thì lao động nữ đủ 55 tuổi và nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng mức tối đa 75% (so với trước năm 2018 chỉ cần có đủ 25 năm đóng BHXH); lao động nam nghỉ hưu năm 2018 phải đủ 31 năm đóng BHXH, nghỉ năm 2019 phải có đủ 32 năm, nghỉ năm 2020 phải có đủ 33 năm, nghỉ năm 2021 phải đủ 34 năm và nghỉ từ năm 2022 trở đi phải đủ 35 năm đóng BHXH mới được hưởng tỷ lệ tối đa là 75% (so với trước năm 2018 thì chỉ cần có đủ 30 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75%).
Có thể tham khảo thêm nội dung này tại công việc Hồ sơ giải quyết hưởng lương hưu.
4. Tiền lương tháng đóng BHXH
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Khoản 2, Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH, thì từ ngày 01/01/2018 tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác (hiện nay, tiền lương tháng đóng BHXH chỉ gồm 2 khoản là mức lương và phụ cấp lương). Trong đó các thành tố được xác định như sau: mức lương làm căn cứ đóng BHXH theo thang lương, bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng (xác định theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH); phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt…như: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên...(được xác định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH và Khoản 1, Điều 30 của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH); các khoản bổ sung khác là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động (được xác định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH).
Tham khảo chi tiết tại công việc Tiền lương tháng tính đóng các loại bảo hiểm.
Cơ sở pháp lý
- Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.
- Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH.
- Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.
Phạm Vinh