Dưới đây là quy định về hợp đồng lao động đối với lao động người giúp việc gia đình và mức xử phạt khi không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình.
>> Các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật
>> Lưu ý 02 trường hợp người lao động bị đuổi việc mà không cần báo trước
Lao động giúp việc gia đình là người làm việc thường xuyên cho một hoặc nhiều hộ gia đình, thực hiện các công việc như nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, người bệnh, người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác, không liên quan đến hoạt động thương mại (theo khoản 1 Điều 161 Bộ luật Lao động 2019).
Căn cứ Điều 162 Bộ luật Lao động 2019, quy định hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình như sau:
- Hợp đồng lao động đối với người giúp việc gia đình phải được giao kết bằng văn bản.
- Thời hạn của hợp đồng lao động do hai bên thỏa thuận. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày.
- Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở.
Như vậy, hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình phải giao kết bằng văn bản; thời hạn của hợp đồng, hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày và chỗ ở do hai bên thỏa thuận.
File Word Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn mới nhất [cập nhật ngày 21/10/2024] |
Hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
(i) Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 30 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, phạt cảnh cáo đối với người sử dụng lao động khi không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với lao động người giúp việc gia đình.
Đồng thời, người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình (theo điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
(ii) Trường hợp đã bị xử phạt cảnh cáo nhưng tiếp tục vi phạm thì người sử dụng lao động bị phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng (theo điểm b khoản 2 Điều 30 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Lưu ý: Mức phạt tiền đối với hành vi trên áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức thì mức phạt tiền gấp 02 lần đối với cá nhân (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Như vậy, người sử dụng lao động bị phạt cảnh cáo nếu không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với lao động là người giúp việc gia đình và buộc phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản. Trường hợp đã bị xử phạt cảnh cáo nhưng tiếp tục vi phạm thì bị phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng đối với cá nhân, phạt tiền từ 02 - 06 triệu đồng đối với tổ chức.
Căn cứ Điều 163 Bộ luật Lao động 2019, nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người giúp việc gia đình
(i) Thực hiện đầy đủ các thỏa thuận đã giao kết trong hợp đồng lao động.
(ii) Trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
(iii) Tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người giúp việc gia đình.
(iv) Bố trí chỗ ăn, ở hợp vệ sinh cho người giúp việc gia đình nếu có thỏa thuận.
(v) Tạo cơ hội cho người giúp việc gia đình được tham gia học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp.
(vi) Trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.