Hằng năm, người lao động được nghỉ việc hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động từ 12 – 16 ngày. Vậy nếu xin nghỉ phép mà NSDLĐ không đồng ý thì NLĐ cần làm gì? Mời quý thành viên cùng tham khảo nội dung dưới đây:
>> Người lao động có bắt buộc phải gia nhập công đoàn cơ sở không?
>> Ngày nghỉ có hưởng lương của NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Theo khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
- Đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường: 12 ngày làm việc;
- Đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: 16 ngày làm việc.
Bên cạnh đó, cứ đủ 05 năm làm việc cho một NSDLĐ thì sẽ được tăng thêm 01 ngày nghỉ hằng năm.
Như vậy, NSDLĐ cần phải quy định lịch nghỉ hằng năm nhưng trước đó buộc phải tham khảo ý kiến của người lao động. Đồng thời, căn cứ vào lịch nghỉ hằng năm mà người sử dụng lao động thông báo, người lao động sẽ thu xếp công việc để tận dụng quyền nghỉ phép của mình.
Trong trường hợp NLĐ xin nghỉ phép nhưng không được NSDLĐ đồng ý thì NLĐ có thể thực hiện 02 cách sau để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình:
Cách 1: Khiếu nại
Theo Điều 5, Điều 15 và Điều 19 Nghị định 24/2018/NĐ-CP người lao động thực hiện khiếu nại theo trình tự, thủ tục như sau:
- Khiếu nại lần đầu: Tới người sử dụng lao động.
+ Thời gian thụ lý khiếu nại: 07 ngày làm việc.
+ Thời hạn giải quyết: Không quá 30 ngày hoặc 45 ngày (vụ việc phức tạp), kể từ ngày thụ lý.
Nếu quá thời hạn trên mà không được giải quyết hoặc không đồng ý với việc giải quyết của phía công ty, người lao động có thể khiếu nại lần 2 hoặc khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.
- Khiếu nại lần hai: Tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi công ty đặt trụ sở chính.
+ Thời hiệu khiếu nại: 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu.
+ Thời hạn thụ lý: 07 ngày làm việc.
+ Thời hạn giải quyết: 45 ngày hoặc 60 ngày (vụ việc phức tạp), kể từ ngày thụ lý.
Nếu không được giải quyết đúng hạn hoặc không đồng ý với việc giải quyết của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, người lao động có thể khởi kiện tới Tòa án.
Cách 2: Tố cáo
Người lao động có thể tố cáo vi phạm của công ty đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo Điều 37 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động có thể gửi đơn tố cáo hoặc tố cáo trực tiếp với Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, kèm theo đó là các bằng chứng vi phạm của công ty.
Thời hạn giải quyết: Không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo (Điều 30 Luật Tố cáo 2018).
Trong quá trình Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xử lý khiếu nại, tố cáo mà xác minh có hành vi vi phạm, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, đồng thời còn phải giải quyết quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Theo khoản 2 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định nếu NSDLĐ vi phạm quy định về ngày nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, Tết thì bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng (trường hợp NSDLĐ là tổ chức thì mức xử phạt gấp 02 lần theo khoản 2 Điều 6 Nghị định này).
Trên đây là quy định về Cần làm gì khi sếp không đồng ý cho nghỉ phép? Nếu còn thắc mắc khác, quý độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.
Căn cứ pháp lý: