Quy định mới về cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Chính phủ ban hành Nghị định 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương.
Theo đó, cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương có sự thay đổi về các cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ như sau:
Cụ thể, cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương bao gồm 28 cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, bao gồm:
(1) Vụ Kế hoạch - Tài chính.
(2) Vụ Khoa học và Công nghệ.
(3) Vụ Thị trường châu Á - châu Phi.
(4) Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ.
(5) Vụ Chính sách thương mại đa biên.
(6) Vụ Thị trường trong nước.
(7) Vụ Dầu khí và Than.
(8) Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững.
(9) Vụ Tổ chức cán bộ.
(10) Vụ Pháp chế.
(11) Thanh tra Bộ.
(12) Văn phòng Bộ.
(13) Tổng cục Quản lý thị trường.
(14) Ủy ban Cạnh tranh quốc gia.
(15) Cục Điều tiết điện lực.
(16) Cục Công nghiệp.
(17) Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo.
(18) Cục Phòng vệ thương mại.
(19) Cục Xúc tiến thương mại.
(20) Cục Công Thương địa phương.
(21) Cục Xuất nhập khẩu.
(22) Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp.
(23) Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.
(24) Cục Hóa chất.
(25) Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương.
(26) Báo Công Thương.
(27) Tạp chí Công Thương.
(28) Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương
Trong đó:
- Các tổ chức quy định từ (1) đến (24) là các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước;
- Các tổ chức quy định từ (25) đến (28) là các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của bộ.
So với trước đây, Nghị định 96/2022/NĐ-CP đã thành lập, sáp nhập và giải thể một số cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, cụ thể như sau:
- Giải thể 01 cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ: Cục Công tác phía Nam.
- Sáp nhập “Vụ Kế hoạch” và “Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp” thành “Vụ Kế hoạch - Tài chính”
- Chuyển đổi “Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng” thành “Ủy ban Cạnh tranh quốc gia”
Theo khoản 18 Điều 3 Nghị định 96/2022/NĐ-CP, về thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
- Thực hiện quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Chủ trì, phối hợp, tổ chức thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển thương mại điện tử, chính sách và pháp luật điều chỉnh trong hoạt động thương mại điện tử;
- Tổ chức thực hiện các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ và định hướng phát triển những mô hình kinh doanh mới trên nền tảng ứng dụng thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực công thương;
- Hướng dẫn, kiểm tra về nội dung, điều kiện hoạt động thương mại điện tử; quản lý, giám sát hoạt động thương mại điện tử và các mô hình hoạt động kinh doanh dựa trên ứng dụng công nghệ số theo quy định của pháp luật;
- Thiết lập và vận hành những hạ tầng thiết yếu cho thương mại điện tử; xây dựng khung kiến trúc và nền tảng kỹ thuật dùng chung cho các mô hình kinh doanh dựa trên ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực công thương;
- Xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ số trong ngành công thương, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết thông qua chuỗi giá trị, phát triển thị trường thúc đẩy hoạt động xuất khẩu;
- Thực hiện quản lý nhà nước về chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, phát triển kinh tế số ngành công thương.
Nghị định 96/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2022 và thay thế Nghị định 98/2017/NĐ-CP.