Thủ trưởng cơ quan là ai? Chế độ thủ trưởng gì?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
11/05/2023 11:46 AM

Trong văn bản quy phạm pháp luật thường ghi “thủ trưởng cơ quan”. Vậy thủ trưởng cơ quan là ai? – Khánh Băng (Long An)

Thủ trưởng cơ quan là ai? Chế độ thủ trưởng gì?

Thủ trưởng cơ quan là ai? Chế độ thủ trưởng gì?

Thủ trưởng cơ quan là ai?

Thủ trưởng hay người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị là cụm từ được sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Căn cứ vào từng loại hình cơ quan, tổ chức, đơn vị, pháp luật chuyên ngành quy định tên gọi của người đứng đầu (thủ trưởng) cơ quan, tổ chức đơn vị đó.

Chẳng hạn, tại Điều 32 Luật Tổ chức Chính phủ quy định về Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ như sau:

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo công tác của bộ, cơ quan ngang bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.

Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ hiện nay gồm có: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Kiểm toán Nhà nước; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Còn tại Thông tư 23/2019/TT-BGDĐT thì: “Thủ trưởng đơn vị là công chức, viên chức đang công tác tại các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.”

Chế độ thủ trưởng

Chế độ thủ trưởng là chế độ lãnh đạo, làm việc trong đó người đứng đầu cơ quan, tổ chức có toàn quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm cá nhân về mọi vấn đề trong phạm vi thẩm quyền của cơ quan, tổ chức do mình quản lý.

Chế độ thủ trưởng thường được áp dụng trong cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn (Bộ, cơ quan ngang Bộ) hoặc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (Sở, Phòng, Ban, Ngành). Bộ trưởng, Giám đốc Sở, Trưởng Phòng... là những người có toàn quyền tự quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của cơ quan, tổ chức và chịu trách nhiệm trước cấp trên về quyết định của mình.

Chẳng hạn, tại Điều 37 Luật Tổ chức Chính phủ quy định trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ như sau:

- Chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công; về kết quả, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ, cơ quan ngang bộ; về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao; cùng các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ.

- Thực hiện báo cáo công tác trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

- Thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý.

Tại Điều 7 Nghị định 24/2014/NĐ-CP có quy định: Sở thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm việc theo chế độ thủ trưởng và theo Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Thủ trưởng của Sở là Giám đốc Sở, ví dụ như: Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Giám đốc Sở Tài chính; Chánh Thanh tra tỉnh;….

Tại Điều 6 Nghị định 37/2014/ND-CP quy định: “Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện làm việc theo chế độ thủ trưởng và theo Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân cấp huyện; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của các cơ quan chuyên môn theo quy định.”

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 67,121

Bài viết về

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]