1. Đại lý thương mại là gì?
Căn cứ Điều 166 Luật Thương mại 2005, đại lý thương mại được định nghĩa như sau:
Điều 166. Đại lý thương mại
Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.
Trong đó:
- Bên giao đại lý là thương nhân giao hàng hoá cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua hoặc là thương nhân uỷ quyền thực hiện dịch vụ cho đại lý cung ứng dịch vụ.
- Bên đại lý là thương nhân nhận hàng hoá để làm đại lý bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua hoặc là bên nhận uỷ quyền cung ứng dịch vụ.
Tổng hợp văn bản nổi bật về đại lý thương mại (Hình từ Internet)
2. Các hình thức đại lý
Theo Điều 169 Luật Thương mại 2005, các hình thức đại lý bao gồm:
- Đại lý bao tiêu là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý.
- Đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định.
- Tổng đại lý mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ là hình thức đại lý mà bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý. Tổng đại lý đại diện cho hệ thống đại lý trực thuộc. Các đại lý trực thuộc hoạt động dưới sự quản lý của tổng đại lý và với danh nghĩa của tổng đại lý.
- Các hình thức đại lý khác mà các bên thỏa thuận.
3. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong đại lý thương mại
Quyền và nghĩa vụ của bên giao đại lý được quy định tại Điều 172, Điều 173 Luật Thương mại 2005, cụ thể:
- Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên giao đại lý có các quyền sau đây:
+ Ấn định giá mua, giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ đại lý cho khách hàng;
+ Ấn định giá giao đại lý;
+ Yêu cầu bên đại lý thực hiện biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật;
+ Yêu cầu bên đại lý thanh toán tiền hoặc giao hàng theo hợp đồng đại lý;
+ Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của bên đại lý.
- Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên giao đại lý có các nghĩa vụ sau đây:
+ Hướng dẫn, cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho bên đại lý thực hiện hợp đồng đại lý;
+ Chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của đại lý mua bán hàng hóa, chất lượng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ;
+ Trả thù lao và các chi phí hợp lý khác cho bên đại lý;
+ Hoàn trả cho bên đại lý tài sản của bên đại lý dùng để bảo đảm (nếu có) khi kết thúc hợp đồng đại lý;
+ Liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của bên đại lý, nếu nguyên nhân của hành vi vi phạm pháp luật đó có một phần do lỗi của mình gây ra.
Quyền và nghĩa vụ của bên đại lý được quy định tại Điều 174, Điều 175 Luật Thương mại 2005 như sau:
- Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, bên đại lý có các quyền sau đây:
+ Giao kết hợp đồng đại lý với một hoặc nhiều bên giao đại lý, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 175 của Luật Thương mại 2005;
+ Yêu cầu bên giao đại lý giao hàng hoặc tiền theo hợp đồng đại lý; nhận lại tài sản dùng để bảo đảm (nếu có) khi kết thúc hợp đồng đại lý;
+ Yêu cầu bên giao đại lý hướng dẫn, cung cấp thông tin và các điều kiện khác có liên quan để thực hiện hợp đồng đại lý;
+ Quyết định giá bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng đối với đại lý bao tiêu;
+ Hưởng thù lao, các quyền và lợi ích hợp pháp khác do hoạt động đại lý mang lại.
- Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên đại lý có các nghĩa vụ sau đây:
+ Mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng theo giá hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ do bên giao đại lý ấn định;
+ Thực hiện đúng các thỏa thuận về giao nhận tiền, hàng với bên giao đại lý;
+ Thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật;
+ Thanh toán cho bên giao đại lý tiền bán hàng đối với đại lý bán; giao hàng mua đối với đại lý mua; tiền cung ứng dịch vụ đối với đại lý cung ứng dịch vụ;
+ Bảo quản hàng hoá sau khi nhận đối với đại lý bán hoặc trước khi giao đối với đại lý mua; liên đới chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của đại lý mua bán hàng hóa, chất lượng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ trong trường hợp có lỗi do mình gây ra;
+ Chịu sự kiểm tra, giám sát của bên giao đại lý và báo cáo tình hình hoạt động đại lý với bên giao đại lý;
+ Trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định thì phải tuân thủ quy định của pháp luật đó.
4. Danh sách tổng hợp các văn bản nổi bật về đại lý thương mại