Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Danh sách văn bản nổi bật quy định về Lương hưu

Vấn đề lương hưu ngày càng trở nên thu hút đông đảo sự quan tâm của xã hội, bởi các thay đổi về chế độ lương hưu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, đặc biệt là những người lao động sắp nghỉ hưu.

 

1. Lương hưu là gì?

Lương hưu (hay còn được gọi là khoản trợ cấp hưu trí) là một khoản tiền đều đặn được trả hằng tháng cho người lao động sau khi họ nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Đây được xem là chế độ phúc lợi xã hội mà nhà nước cung cấp cho người lao động sau khi họ không còn làm việc, theo đó khoản lương hưu giúp người lao động có thể trang trải chi phí sinh hoạt, nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống và duy trì một mức sống tối thiểu sau khi đã nghỉ hưu.

2. Đối tượng được hưởng lương hưu mới nhất

Theo quy định của Điều 53 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, đối tượng áp dụng chế độ hưu trí là người lao động, cụ thể bao gồm:

- Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; 

- Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

- Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội.

Danh sách các văn bản nổi bật liên quan đến vấn đề lương hưu (Hình từ Internet)

3. Điều kiện hưởng lương hưu mới nhất

Theo Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (được sửa đổi tại Điểm a Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019), điều kiện hưởng lương hưu được quy đinh như sau:

(1) Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019;

- Đủ tuổi theo quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021;

- Người lao động có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;

- Người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

(2) Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động, trừ trường hợp Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999Luật Công an nhân dân 2018Luật Cơ yếu 2011Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015 có quy định khác;

- Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021;

- Người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

(3) Lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 thì được hưởng lương hưu.

(4) Điều kiện về tuổi hưởng lương hưu đối với một số trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.

4. Tổng hợp văn bản hướng dẫn liên quan đến lương hưu mới nhất

Dưới đây là danh sách văn bản hướng dẫn liên quan đến vấn đề lương hưu hiện nay, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật khi có văn bản mới:

1

Luật Bảo hiểm xã hội 2024

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 số 41/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025 quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với bảo hiểm xã hội và tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội; trợ cấp hưu trí xã hội; đăng ký tham gia và quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện; quỹ bảo hiểm xã hội; bảo hiểm hưu trí bổ sung; khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội; quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.

Các nội dung liên quan đến vấn đề lương hưu trong Luật này được quy định tại Mục 3 Chương V về Chế độ hưu trí, chẳng hạn như quy định về đối tượng và điều kiện được hưởng lương hưu, mức lương hưu hằng tháng, điều chỉnh lương hưu lần lượt tại Điều 64, Điều 66 và Điều 67.

2

Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Luật Bảo hiểm xã hội 2014 số 58/2014/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 quy định chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động; cơ quan bảo hiểm xã hội; quỹ bảo hiểm xã hội; thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội và quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.

Các nội dung điều chỉnh về lương hưu được quy định tại Mục 4 Chương III Luật này, có thể kể đến một số quy định đáng chú ý như Đối tượng áp dụng chế độ hưu trí tại Điều 54, Điều kiện hưởng lương hưu tại Điều 55 và Thời điểm hưởng lương hưu tại Điều 59.

3

Nghị định 75/2024/NĐ-CP về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng

Nghị định 75/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 13/07/2024 quy định về điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trước ngày 01 tháng 7 năm 2024.

Một số nội dung đáng chú ý liên quan đến vấn đề lương hưu của Nghị định này là quy định về đối tượng được hưởng lương hưu, thời điểm và mức điều chỉnh lương hưu, nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh lương hưu.

4

Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu

Nghị định 135/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 quy định chi tiết Điều 169 Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Một số nội dung đáng chú ý của Nghị định này là quy định về thời điểm nghỉ hưu và thời điểm hưởng chế độ hưu trí tại Điều 3, quy định về tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường tại Điều 4, hay quy định về nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường tại Điều 5.

5

Nghị định 153/2018/NĐ-CP về chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng

Nghị định 153/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 24/12/2018 quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng, bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 so với Luật bảo hiểm xã hội năm 2006.

Một số nội dung đáng chú ý của Nghị định này có thể kể đến là quy định về mức điều chỉnh lương hưu của lao động nữ tại Điều 3, thời điểm điều chỉnh lương hưu của lao động nữ tại Điều 4.

6

Nghị định 33/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân

Nghị định 33/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 26/06/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân. 

Một số nội dung đáng chú ý liên quan đến vấn đề lương hưu trong Nghị định này là quy định về đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng tại Điều 8 và quy định về mức lương hưu hằng tháng đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu tại Điều 9.

7

Thông tư 37/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, thời điểm hưởng lương hưu đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Thông tư 37/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/03/2022 hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, thời điểm hưởng lương hưu đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc.

Một số nội dung đáng chú ý trong Thông tư này là quy định về đối tượng áp dụng tại Điều 1 và quy định về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tại Điều 2. Ngoài ra, Thông tư này còn sửa đổi khoản 17 Điều 1 Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH.

8

Thông tư 06/2023/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Thông tư 06/2023/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 14/08/2023 quy định hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.

Về nội dung đáng chú ý, Thông tư này bãi bỏ hiệu lực thi hành của khoản 1, khoản 2 Điều 1, Điều 2, Điều 4 và khoản 2 Điều 5 tại Thông tư số 37/2021/TT-BLĐTBXH.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 44.220.247.152
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!