Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 2757/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Lê Thanh Liêm
Ngày ban hành: 04/07/2018 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2757/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 7 năm 2018

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁC TIÊU CHÍ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI HUYỆN CẦN GIỜ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới và quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới;

Căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm;

Căn cứ Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công;

Căn cứ Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 35/2016/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND ngày 25 tháng 5 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy định về quản lý thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công của Thành phố Hồ Chí Minh;

Xét đề xuất của Liên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Sở Kế hoạch và Đầu tư - Sở Tài chính tại Tờ trình số 1552/TTr-NNPTNT-KHĐT-TC ngày 13 tháng 6 năm 2018 về Phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giờ, giai đoạn 2016 - 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giờ, giai đoạn 2016 - 2020 (Theo nội dung đề án đính kèm).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh thay đổi về cơ chế, chính sách đầu tư huyện nông thôn mới, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố phối hợp với Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giờ nghiên cứu, đề xuất kịp thời điều chỉnh, bổ sung.

Điều 3. Đối với việc đầu tư danh mục 08 dự án thuộc các tiêu chí giao thông, thủy lợi và văn hóa kèm theo đề án:

1. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trương đầu tư các công trình, dự án đầu tư công) chịu trách nhiệm cùng các thành viên của Hội đồng thực hiện thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, nguồn vốn, khả năng cân đối nguồn vốn của các dự án đầu tư theo đề án, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020.

2. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ tổ chức triển khai thực hiện các dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc nhà nước thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở - ngành có liên quan, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giờ có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND.TP;
- TTUB: CT, PCT/TT;
- Các thành viên BCĐ của Thành ủy về CTXDNTM TP;
- VP Điều phối CTXDNTM TP;
- VPUB: PVP/KT;
- Phòng KT;
- Lưu: VT, (KT/H.A) MH

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Lê Thanh Liêm

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁC TIÊU CHÍ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN CẦN GIỜ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2757/QĐ-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Phần I

THỰC TRẠNG NÔNG THÔN MỚI HUYỆN CẦN GIỜ

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - DÂN SỐ LAO ĐỘNG

1. Điều kiện tự nhiên

Huyện Cần Giờ là huyện ven biển duy nhất của Thành phố Hồ Chí Minh, nằm về phía Đông Nam, cách trung tâm thành phố khoảng 60km, chiều dài từ Bắc xuống Nam là 35km, từ Đông sang Tây là 30km. Hình thể huyện Cần Giờ như một quần đảo nhỏ nằm giữa 02 cửa sông chính là sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp. Huyện có bờ biển dài hơn 23km cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt, có rừng ngập mặn đã được Tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Phía Đông huyện Cần Giờ giáp huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai); phía Tây giáp huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An), huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang); phía Bắc giáp huyện Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh) và một phần huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai); phía Nam giáp biển Đông.

Huyện Cần Giờ có diện tích đất tự nhiên là 70.421,58ha, chiếm trên 33% diện tích đất tự nhiên của thành phố. Cần Giờ có vị trí đặc biệt quan trọng đối với thành phố về kinh tế, quốc phòng, là cửa ngõ ra biển Đông, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển và các loại hình dịch vụ.

2. Điều kiện kinh tế - xã hội

- Về dân số: Huyện Cần Giờ có 06 xã (gồm: Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông, Lý Nhơn, An Thới Đông và Thạnh An) và 01 thị trấn Cần Thạnh với 18.248 hộ dân, 75.354 người. Toàn huyện có 46.317 lao động trong độ tuổi, chiếm 62% dân số toàn huyện.

Trong đó, lao động có việc làm thường xuyên 32.694 người (chiếm 95,55% lao động trong độ tuổi sau khi đã trừ số lao động không có nhu cầu làm việc); lao động có việc làm qua đào tạo 26.643 người (chiếm 81,49% lao động có việc làm thường xuyên).

- Cơ cấu lao động có việc làm thường xuyên trong các ngành kinh tế:

+ Ngành nông - lâm - diêm nghiệp: 8.065 người (chiếm 24,67%).

+ Ngành công nghiệp - xây dựng: 8.105 người (chiếm 24,79%).

+ Ngành dịch vụ, thương mại: 16.524 người (chiếm 50,54%).

II. HIỆN TRẠNG CÁC TIÊU CHÍ HUYỆN NÔNG THÔN MỚI

1. Đối với các xã xây dựng nông thôn mới:

Đánh giá theo Bộ tiêu chí về nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn thành phố giai đoạn 2016 - 2020 tại Quyết định số 6182/QĐ-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố. Đến nay, chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cụ thể: các xã đạt bình quân 08/19 tiêu chí/xã, trong đó, cao nhất xã Long Hòa đạt 10/19 tiêu chí, thấp nhất xã An Thới Đông đạt 06/19 tiêu chí.

2. Về 09 tiêu chí huyện nông thôn mới:

2.1. Quy hoạch (Tiêu chí số 01)

- Về hiện trạng: Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung huyện Cần Giờ đến năm 2025 tại Quyết định số 4766/QĐ-UBND ngày 15 tháng 9 năm 2012. Hiện nay, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ lập nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng của huyện.

- Về quy hoạch xây dựng vùng huyện: huyện chưa có quy hoạch vùng huyện đạt yêu cầu theo Thông tư số 35/2016/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2.2. Giao thông (tiêu chí số 02)

2.2.1. Đường bộ

a) Có 100% số km đường do huyện quản lý đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm và kết nối tới trung tâm hành chính các xã trên địa bàn; Tỷ lệ mặt đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa xi măng đạt 100%:

+ Trên địa bàn huyện có 97,9km đường huyện (đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã và đường từ trung tâm xã đến khu sản xuất tập trung); trong đó, huyện được phân cấp quản lý 66,7km.

+ Huyện đã có đường ô tô kết nối từ trung tâm huyện đi trung tâm hành chính các xã, thị trấn (ngoại trừ xã đảo Thạnh An), đã được nhựa hóa trong giai đoạn từ năm 2009 - 2012. Do đặc thù thổ nhưỡng, nền đất yếu nên sau một thời gian đưa vào sử dụng thường xuyên phải duy tu, sửa chữa, cần thiết nâng cấp nhằm tăng khả năng khai thác trong giai đoạn 2018 - 2020.

+ Toàn huyện có 6,82km đường huyện (10,2% số km đường do huyện quản lý) kết nối phục vụ đi lại và lưu thông hàng hóa từ trung tâm xã vào khu sản xuất tập trung chưa được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng.

+ Trên địa bàn huyện chưa có tuyến đường giao thông nối từ đường Hà Quang Vóc nối dài ra sông Lòng Tàu, gây khó khăn trong việc vận chuyển vật tư phục vụ vùng nuôi tôm thẻ chân trắng 246ha đã được quy hoạch và khu vực nuôi trồng thủy sản lân cận.

b) Cấp kỹ thuật đường của huyện đạt tiêu chuẩn theo TCVN 4054:2005; cấp đường của huyện phù hợp với quy hoạch được duyệt:

Toàn huyện còn 6,82km đường của huyện có quy mô chưa đạt theo TCVN 4054:2005 và Quyết định số 4927/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 12 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; chiêu rộng nên đường không đảm bảo yêu cầu tối thiểu 6,5m, kết cấu mặt đường chưa được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng.

c) Hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường của huyện được xây dựng kiên cố, phù hợp với quy hoạch:

Huyện đang quản lý 130 cầu giao thông; trong đó có 12 cầu có tải trọng khai thác ≥ 08 tấn, 118 cầu giao thông có tải trọng khai thác từ 0,3 tấn đến nhỏ hơn 08 tấn và 01 công trình (cầu Bà Đua) với chiều dài 50m đã xuống cấp, chưa đáp ứng tải trọng khai thác phù hợp với cấp đường theo quy hoạch nên chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa theo yêu cầu phát triển của địa phương.

d) Có 100% km đường do Huyện quản lý được bảo trì hàng năm: các công trình đường huyện đều được duy tư, bảo dưỡng hàng năm đáp ứng yêu cầu.

2.2.2 Đường thủy:

Toàn huyện hiện có 34 tuyến đường thủy nội địa địa phương, 08 tuyến đường thủy nội địa quốc gia, 06 tuyến hàng hải và các tuyến sông, rạch do địa phương quản lý; 38 bến thủy nội địa (14 bến thủy nội địa vận chuyển hành khách, 05 bến ngang sông, 02 bến hàng hóa và 17 bến bốc dỡ vật liệu xây dựng).

Các tuyến đường thủy, các bến thủy trên địa bàn huyện chủ yếu do Sở Giao thông vận tải phân cấp cho Khu Quản lý đường thủy nội địa, Cảng vụ Hàng hải thành phố quản lý; các tuyến đường thủy trên đã được lắp đặt hệ thống báo hiệu đảm bảo an toàn, thuận tiện cho các phương tiện lưu thông. Các bến thủy nội địa phục vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn đã được cấp phép hoạt động.

2.2.3 Vận tải:

Toàn huyện hiện có 01 bến xe tại thị trấn Cần Thạnh, được đưa vào sử dụng từ năm 2017, với diện tích sử dụng khoảng 510m2 (đạt chuẩn bến xe loại 04 theo Thông tư số 49/2012/TT-BGTVT ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ Giao thông vận tải).

Toàn huyện, có 05 tuyến vận tải hành khách công cộng trên địa bàn huyện Cần Giờ: tuyến Sài Gòn - Cần Giờ (mã số 75), tuyến Phà Bình Khánh - Cần Thạnh (mã số 90), tuyến Đồng Hòa - Cần Thạnh (mã số 77), tuyến An Thới Đông - ngã ba Bà Xán (mã số 127) và tuyến Tân Điền - An Nghĩa (mã số 128).

Huyện đã phối hợp với Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan đề xuất lắp đặt bổ sung 37 nhà chờ xe buýt và 14 điểm dừng, điểm đỗ. Tuy nhiên đến nay, chưa được thực hiện.

2.3. Thủy lợi (tiêu chí số 03)

2.3.1. Về hệ thống thủy lợi liên xã:

Huyện đang triển khai thực hiện đầu tư các công trình thủy lợi thuộc Đề án quy hoạch mạng lưới thủy lợi phục vụ phát triển thủy sản, diêm nghiệp và Quy hoạch thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp (theo Quyết định số 4250/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2016 và Quyết định số 768/QĐ-UBND ngày 21 tháng 02 năm 2014).

Tuy nhiên, hệ thống thủy lợi tại các khu vực sản xuất liên xã như khu vực Doi Lầu (xã An Thới Đông và xã Lý Nhơn), khu vực Móc Keo (xã An Thới Đông và xã Tam Thôn Hiệp), khu vực Rạch Lở (xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh) bị bồi lắng, hạn chế dòng chảy, không đảm bảo tiêu thoát nước ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp theo hướng đô thị hiện đại. Do đó, cần được đầu tư nâng cấp để phục vụ sản xuất.

2.3.2. Về tổ chức quản lý khai thác hệ thống thủy lợi liên xã hoạt động hiệu quả, bền vững:

Huyện đã kiện toàn lực lượng quản lý để nhân dân tại các xã, thị trấn; lực lượng quản lý đê nhân dân có trách nhiệm chủ động và phối hợp với lực lượng chuyên trách quản lý đê điều trong việc thường xuyên kiểm tra, tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều thuộc địa bàn, tham gia xử lý sự cố đê điều và các công trình trên đê; kiểm tra, phát hiện, báo cáo kịp thời tình trạng đê điều, các diễn biến hư hỏng, sự cố đê điều và các công trình trên đê; phát hiện, ngăn chặn báo cáo kịp thời các hành vi vi phạm luật về đê điều cho các cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, huyện chưa xây dựng Quy chế thành lập đội quản lý khai thác hệ thống thủy lợi liên xã và phương án bảo vệ công trình thủy lợi, nhân sự thực hiện quản lý, khai thác hệ thống thủy lợi chủ yếu là kiêm nhiệm chưa đảm bảo hoạt động hiệu quả, bền vững.

2.4. Điện (tiêu chí số 04)

Toàn huyện có 170,43km đường dây trung thế, 182,74km đường dây hạ thế, 269 trạm biến áp với công suất tổng là 31.297,5 kVA đảm bảo phục vụ cho các khu vực sản xuất tập trung và sinh hoạt của nhân dân. Có 100% hộ dân được sử dụng điện từ các nguồn.

Hệ thống điện được phủ kín trên địa bàn huyện, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện.

Tuy nhiên, trên địa bàn huyện còn 26 khu vực phục vụ sản xuất phân tán, xa khu dân cư tập trung, hạ tầng giao thông chưa kết nối cần được đầu tư phát triển lưới điện để đáp ứng nhu cầu ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất.

2.5. Y tế - Văn hóa - Giáo dục (Tiêu chí số 05)

2.5.1. Y tế

Toàn huyện có 01 bệnh viện đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng 3,01 phòng khám đa khoa khu vực An Nghĩa. Hiện đang đầu tư xây dựng mới bệnh viện huyện với diện tích khuôn viên 64.000m2, diện tích sàn xây dựng 17.521m2, quy mô 200 giường bệnh, đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng 2 (dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2018).

Huyện có Trung tâm y tế huyện với diện tích 2.300m2, có đủ các khoa theo quy định và đạt chuẩn quốc gia.

2.5.2. Văn hóa

- Trung tâm Văn hóa - Thể dục thể thao huyện đạt chuẩn: trên địa bàn huyện có 01 Trung tâm văn hóa và 01 Trung tâm Thể dục thể thao.

+ Trung tâm văn hóa huyện được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2007 với diện tích 28.000m2, diện tích sàn xây dựng 4.643m2 gồm khối hội trường biểu diễn (500 chỗ ngồi), khối nghiệp vụ hành chính và các hạng mục sân khấu ngoài trời đạt chuẩn theo quy định. Hiện nay, Trung tâm văn hóa huyện đã xuống cấp, nền sân, đường nội bộ bị sụt lún, một số hạng mục bị bong tróc, hư hỏng nặng, mái tôn bị dột...

+ Trung tâm thể dục thể thao huyện được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2016 với diện tích khuôn viên 15.837,41m2, diện tích sàn xây dựng 2.543,27m2, quy mô nhà thi đấu đa năng 470 chỗ ngồi đạt chuẩn theo quy định.

- Hoạt động kết nối của Trung tâm văn hóa - thể thao huyện với các trung tâm xã: các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được tổ chức thường xuyên để phục vụ nhân dân; hàng năm, thực hiện trên 40 chương trình văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị và biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp; tổ chức triển lãm hình ảnh về xã nông thôn mới, thành tựu kinh tế - xã hội và chuyên đề về biển đảo thu hút khoảng 7.800 lượt người xem; tổ chức thành công các chương trình văn nghệ vận động gây quỹ Vì người nghèo huyện Cần Giờ; tổ chức giao lưu liên hoan “Tiếng hát chung một dòng sông Lòng Tàu”; phối hợp Đài Tiếng nói nhân dân thành phố tổ chức chương trình “Tiếng hát nông thôn mới” tại các xã nông thôn mới.

2.5.3. Giáo dục

Toàn huyện có 03 trường trung học phổ thông (trường Trung học phổ thông Bình Khánh, trường Trung học phổ thông An Nghĩa, Trường Trung học phổ thông Cần Thạnh) chưa đạt chuẩn quốc gia theo Thông tư số 47/2012/TT-BGDĐT ngày 07 tháng 12 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2.6. Sản xuất (Tiêu chí số 06)

2.6.1. Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện: Vùng huyện sản xuất tập trung được xác định đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện như: xoài, chim yến, tôm, nhuyễn thể (nghêu, sò, hàu).

- Có quy mô đất đai, mặt nước lớn, liên xã theo quy định phù hợp với điều kiện thực tế của huyện:

+ Trồng trọt: Sản phẩm chủ lực là cây ăn trái (xoài) với diện tích 235ha, tập trung chủ yếu tại thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa; trong đó trồng xoài theo quy trình VietGAP là 13,8ha, năng suất bình quân từ 07 - 08 tấn/ha.

+ Chăn nuôi: Tập trung phát triển nghề nuôi chim yến lấy tổ. Hiện nay, toàn huyện có 256 nhà nuôi chim yến, trong đó có 190 căn cho thu hoạch. Sản lượng thu hoạch bình quân 2,5 tấn/năm, tăng bình quân 61%/năm, đóng góp trên 90% giá trị của lĩnh vực chăn nuôi.

+ Nuôi trồng thủy sản: Đối tượng nuôi chủ yếu là con tôm (tôm thẻ chân trắng, tôm sú), tập trung ở 04 xã phía Bắc (Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp) và nhuyễn thể (tập trung ở các xã Long Hòa, Thạnh An, Lý Nhơn và thị trấn Cần Thạnh). Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản hàng năm đạt 7.100ha; trong đó:

Nuôi tôm bình quân trên 6.000 ha/năm, nuôi nhuyễn thể 1.000 ha/năm và 100ha nuôi các loại thủy sản khác. Sản lượng đạt bình quân gần 23.800 tấn/năm, tăng bình quân 17,8%/năm; tương ứng giá trị sản lượng đạt gần 1.216 tỷ đồng/năm, tăng 10%/năm.

Nuôi nhuyễn thể: Đối tượng chủ lực là nghêu, sò, hàu, tập trung chủ yếu tại thị trấn Cần Thạnh, xã Long Hòa, xã Thạnh An và xã Lý Nhơn. Diện tích mặt nước bãi bồi ven sông, ven biển thả nuôi khoảng 1.000ha. Sản lượng bình quân 9.800 tấn/năm, tăng 36,4%/năm, trong đó mô hình nuôi hàu phát triển mạnh (sản lượng đạt bình quân trên 5.400 tấn/năm, tăng 56%/năm).

+ Sản xuất muối: Nghề làm muối có sự chuyển đổi mô hình sản xuất từ sản xuất muối truyền thống sang sản xuất theo phương thức kết tinh trên ruộng trải bạt, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Hàng năm, diện tích đưa vào sản xuất khoảng 1.500ha, trong đó trên 1.000ha sản xuất theo mô hình trải bạt. Năng suất thu hoạch đạt 80 tấn/ha, tăng 3,5%/năm. Tuy nhiên do tình hình giá muối tiêu thụ không ổn định nên người làm muối gặp nhiều khó khăn

- Áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững: chưa đáp ứng đồng bộ quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững.

Đến cuối năm 2017, toàn huyện có 672/1.771 hộ nuôi thủy sản đã ký cam kết sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm (theo Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 12 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ); cấp 44 giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (41 cơ sở sơ chế thực phẩm và 03 cơ sở kinh doanh thực phẩm); 157/521 cơ sở sản xuất ký cam kết an toàn thực phẩm; có 13,8 ha diện tích trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP.

2.6.2. Có mô hình liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và thực hiện tiêu thụ ít nhất 10% sản lượng đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện theo quy hoạch:

- Toàn huyện có 13 Hợp tác xã (không tính Hợp tác xã sản xuất muôi và các sản phẩm từ muối Tiến Thành đã ngừng hoạt động, đang làm thủ tục giải thể) với 194 thành viên, 78 tổ hợp tác hoạt động với 721 tổ viên; tuy nhiên, quy mô hoạt động nhỏ, hiệu quả chưa cao.

- Có hợp đồng thu mua sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp được ký giữa nông dân, tổ chức đại diện của nông dân với doanh nghiệp, thời gian thực hiện hợp đồng ổn định từ 02 năm trở lên: Trên địa bàn huyện chưa thực hiện thu mua sản phẩm nông nghiệp thông qua hợp đồng.

- Có liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên cơ sở hợp đồng liên kết cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được ký giữa nông dân, tổ chức đại diện của nông dân và doanh nghiệp theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp: Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên cơ sở hợp đồng liên kết cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa được thực hiện phổ biến trên địa bàn huyện. Chỉ có 03 hộ nuôi tôm đã đăng ký và có chứng nhận chuỗi sản xuất an toàn thực phẩm

- Đến năm 2017, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 45 triệu đồng/người/năm.

2.7. Môi trường (tiêu chí số 07)

2.7.1. Hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện đạt chuẩn:

- Phương án quản lý chất thải rắn trên địa bàn huyện:

+ Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn huyện Cần Giờ giai đoạn 2017 - 2020 (Quyết định số 797/QĐ-UBND ngày 25 tháng 7 năm 2017) nhằm đảm bảo phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt để tiết kiệm trong công tác vận chuyển và xử lý rác.

+ Triển khai thực hiện Đề án đầu tư “Xây dựng khu xử lý rác sinh hoạt và giải pháp xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường” đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt (theo Quyết định số 4251/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2016).

- Công tác thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý đối với chất thải rắn công nghiệp và chất thải sinh hoạt:

+ Trên địa bàn huyện không có khu công nghiệp và cơ sở sản xuất công nghiệp, chủ yếu là các cơ sở tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ nên hầu như không phát sinh chất thải công nghiệp.

+ Chất thải sinh hoạt trên địa bàn được Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích thu gom, vận chuyển về Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Đa Phước hàng ngày. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt 87%.

- Thực hiện phân loại, thu gom riêng đối với chất thải nguy hại: Đối với chất thải nguy hại hộ gia đình, vận động các hộ gia đình lưu giữ và thực hiện chuyển giao theo kế hoạch tuần thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình hàng năm của Ủy ban nhân dân huyện. Riêng đối với các cơ sở sản xuất có phát sinh chất thải nguy hại, sẽ tự lưu giữ và đăng ký với đơn vị có chức năng định kỳ thu gom, vận chuyển xử lý.

- Thu gom, vận chuyển và xử lý toàn bộ lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật: Chưa tổ chức thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế theo định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT: các cơ sở y tế trên địa bàn huyện đều đã thực hiện công tác phân loại đối với chất thải y tế. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện chưa có đơn vị thu gom chất thải y tế nguy hại mà chủ yếu thu gom bằng hình thức các chủ nguồn thải tự vận chuyển về Bệnh viện Cần Giờ để lưu giữ; định kỳ hàng tuần Bệnh viện Cần Giờ sử dụng xe cứu thương vận chuyển về điểm hẹn tại Trung tâm Y tế xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè tập kết để Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị vận chuyển xử lý.

- Khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện: Ủy ban nhân dân huyện đã giao cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt về Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Đa Phước; tổ chức cải tạo và đóng cửa các bãi chôn lấp rác. Do đó, hiện nay trên địa bàn huyện không có khu xử lý chất thải nào hoạt động.

2.7.2. Cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ (công nghiệp, làng nghề, chăn nuôi, chế biến lương thực - thực phẩm) thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường:

- Trên địa bàn huyện có 67/67 cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ có phát sinh nước thải thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và có kế hoạch bảo vệ môi trường.

- Việc đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại là dành cho các đối tượng phát sinh chất thải nguy hại trên 600kg/năm theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện không có cơ sở nào thuộc đối tượng này.

- Phương án bảo vệ môi trường đối với các đối tượng theo quy định tại Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Trên địa bàn huyện chưa có cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung. Tuy nhiên, làng muối tại xã Lý Nhơn được công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề truyền thống theo Quyết định số 104/QĐ-SNN ngày 24 tháng 4 năm 2014 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, hiện nay chưa triển khai thực hiện phương án bảo vệ môi trường theo Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đa số quy mô hộ gia đình, chăn nuôi nhỏ lẻ, hoạt động không thường xuyên, rải rác tại các xã và không tập trung. Đối với các cơ sở này, huyện tập trung công tác tuyên truyền, vận động hộ dân xây dựng hầm biogas, thu gom xử lý chất thải trong chăn nuôi và trong hoạt động nuôi tôm chú trọng công tác xử lý bùn thải sau thu hoạch, xử lý nước qua ao lắng trước khi xả ra môi trường.

2.8. An ninh, trật tự xã hội (Tiêu chí số 08)

2.8.1. Hàng năm, Huyện ủy có Nghị quyết, Ủy ban nhân dân huyện có kế hoạch về công tác an ninh trật tự; chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc:

Hàng năm, Công an huyện tham mưu Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác an ninh, trật tự; chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng quyết tâm thực hiện các biện pháp phòng, chống tội phạm, phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc.

2.8.2. Huyện không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người kéo dài; khiếu kiện vượt cấp trái pháp luật.

2.8.3. Huyện không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội; các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật khác được kiềm chế, giảm liên tục so với các năm liền kề trước.

2.8.4. Lực lượng vũ trang huyện (Công an, Bộ đội địa phương; dân quân tự vệ) hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương.

2.9. Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (tiêu chí số 09)

2.9.1. Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện thường xuyên được kiện toàn, tổ chức và hoạt động đúng quy định:

- Có quyết định thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo: Huyện đã ban hành Quyết định số 2123-QĐ/HU ngày 15 tháng 6 năm 2009 của Ban Thường vụ Huyện ủy về thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện để giúp cho Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ban Chỉ đạo thường xuyên được củng cố, kiện toàn nhằm nâng cao chất lượng hoạt động.

- Có Quy chế hoạt động: Ban Chỉ đạo hoạt động theo quy chế làm việc ban hành kèm theo Quyết định số 863-QĐ/BCĐ ngày 26 tháng 8 năm 2014; tổ chức họp định kỳ, đột xuất theo yêu cầu để đánh giá kết quả thực hiện và tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

- Chỉ đạo, quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện: bình quân hàng năm tổ chức kiểm tra và tham gia cùng Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện tổ chức 03 - 04 cuộc kiểm tra, giám sát để đánh giá kết quả thực hiện.

- Chỉ đạo việc ban hành cơ chế hỗ trợ thúc đẩy các xã xây dựng nông thôn mới và chỉ đạo thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới trên địa bàn huyện: Huyện chỉ đạo các xã đa dạng hóa nguồn vốn để thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại các xã, tăng cường các hình thức xã hội hóa để thu hút đầu tư vào lĩnh vực quản lý và xử lý môi trường, giao thông nông thôn, cung cấp nước sạch, dịch vụ văn hóa, thể thao. Chỉ đạo các phòng ban chuyên môn là thành viên Ban Chỉ đạo tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng từng chỉ tiêu của 09 tiêu chí huyện nông thôn mới để đề ra giải pháp thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 phù hợp điều kiện thực tế tại huyện, đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.

- Chỉ đạo không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản và không huy động quá khả năng đóng góp tự nguyện của dân trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện: Ban Chỉ đạo đã ban hành văn bản, trong đó tập trung chỉ đạo không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản và không huy động quá khả năng đóng góp tự nguyện của dân trong quá trình thực hiện Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới các xã giai đoạn 2016 - 2020.

- Chỉ đạo các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới: Ban Chỉ đạo huyện đã chỉ đạo Ban Quản lý Xây dựng nông thôn mới các xã chủ động xây dựng kế hoạch giữ vững và thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

2.9.2. Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp huyện được tổ chức và hoạt động đúng quy định:

- Có quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện: Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện được thành lập theo Quyết định số 1088/QĐ- UBND ngày 20 tháng 11 năm 2015 của Ủy ban nhân dân huyện; có nhiệm vụ giúp Ban Chỉ đạo của Huyện ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Hiện nay, Văn phòng Điều phối được kiện toàn theo Quyết định số 856/QĐ-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2016 với 10 thành viên.

- Có quy chế hoạt động: Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện hoạt động theo quy chế làm việc ban hành kèm theo Quyết định số 728/QĐ-UBND ngày 22 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban nhân dân huyện; tổ chức họp định kỳ và đột xuất theo yêu cầu để kịp thời tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

- Đảm bảo thực hiện hoàn thành đúng, đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định tại Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ: Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện đảm bảo thực hiện đầy đủ 08 chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định tại Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Phần II

NỘI DUNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN CẦN GIỜ GIAI ĐOẠN 2016-2020

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

- Nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện theo Bộ tiêu chí nông thôn mới đặc thù vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phát huy các nguồn lực xã hội, tập trung đầu tư, khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng kỹ thuật; khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch sinh thái, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, bền vững, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập của nhân dân, giảm nghèo bền vững; phát huy các giá trị văn hóa tinh thần, bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng huyện Cần Giờ văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu đến năm 2020, triển khai hoàn thành Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã và có 06/06 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí đặc thù vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể:

+ Đến năm 2019: phấn đấu có 02/06 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí đặc thù vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh.

+ Đến năm 2020: 04 xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trên địa bàn huyện là 06/06 xã.

- Đến năm 2020, huyện Cần Giờ được Trung ương công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

II. NỘI DUNG VÀ NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Về triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới 06 xã:

a) Mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020 được thành phố công nhận 06/06 xã (100% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới. Cụ thể:

* Năm 2018: Các xã đạt từ 10 - 13 tiêu chí (riêng xã Long Hòa đạt 17 tiêu chí) theo Bộ tiêu chí nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020.

* Năm 2019: Các xã đạt từ 14 - 17 tiêu chí (riêng xã Lý Nhơn, Long Hòa phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới).

* Năm 2020: Có 04 xã còn lại (Bình Khánh, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, Thạnh An) hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

b) Nội dung thực hiện:

- Tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Trung ương, thành phố và Quyết định đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt đến đảng viên, cán bộ công chức, toàn thể nhân dân trên địa bàn xã.

- Trên cơ sở Đề án đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, các xã xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện đề án giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch triển khai thực hiện hàng năm.

- Tiếp tục triển khai thực hiện phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã, trong đó quan tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

- Hàng năm, tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện và đề ra giải pháp thực hiện cho năm tiếp theo.

2. Quy hoạch (Tiêu chí số 01)

a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu Tiêu chí số 01 theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 35/2016/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong năm 2019.

b) Nội dung thực hiện: Trên cơ sở chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố về việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng của huyện (theo Thông báo số 87/TB-VP ngày 17 tháng 02 năm 2017, Thông báo số 259/TB-VP ngày 10 tháng 4 năm 2017 của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố), sau khi có kết quả thi tuyển ý tưởng quy hoạch chung huyện Cần Giờ, Ủy ban nhân dân huyện sẽ phối hợp cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các đơn vị liên quan thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch phân khu huyện Cần Giờ với định hướng xây dựng huyện Cần Giờ trở thành đô thị biển, đô thị du lịch nghỉ ngơi và giải trí, đáp ứng các tiêu chí, nội dung được quy định tại Thông tư số 35/2016/TT-BNNPTNT .

c) Phân công thực hiện:

Giao Sở Quy hoạch-Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành có liên quan hướng dẫn Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giờ triển khai thực hiện.

3. Giao thông (Tiêu chí số 02)

a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 02 theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 35/2016/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong năm 2019.

b) Nội dung thực hiện:

* Đường bộ:

- Tổ chức khai thác, sử dụng và quản lý chất lượng các công trình hiện hữu trên địa bàn huyện và các xã, thị trấn, đặc biệt là các công trình đầu tư xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015; duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông hư hỏng, xuống cấp. Hàng năm, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo trì đối với các công trình hạ tầng đường bộ trên địa bàn.

- Thực hiện nâng cấp, mở rộng các tuyến đường trên địa bàn huyện nhằm đáp ứng nhu cầu kết nối phục vụ đi lại và vận chuyển hàng hóa từ các tuyến đường trục chính đến các tuyến đường liên xã.

- Triển khai xây dựng mới cầu Bà Đua với chiều dài 50m,

* Đường thủy:

- Phối hợp với các đơn vị quản lý kiểm tra hệ thống biển báo, giấy phép hoạt động... đối với các tuyến các tuyến đường thủy, các bến thủy trên địa bàn huyện nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

- Phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan đưa vào hoạt động các tuyến đường thủy nội địa kết nối các địa phương: tàu cao tốc Sài Gòn - Cần Giờ - Vũng Tàu và Bình Khánh (Cần Giờ) - Phước Khánh (Nhơn Trạch) và phà Cần Giờ - Cần Giuộc.

* Vận tải:

- Phối hợp với các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải để nâng cao chất lượng phục vụ của các tuyến giao thông đường bộ và đường thủy

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Trung tâm quản lý giao thông công cộng thành phố và các Hợp tác xã vận tải sớm lắp đặt bổ sung đầy đủ các điểm dừng, điểm đỗ trên các tuyến đường.

c) Phân công thực hiện:

Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành có liên quan hướng dẫn Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giờ triển khai thực hiện.

4. Thủy lợi (tiêu chí số 03)

a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 03 theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 35/2016/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong năm 2019.

b) Nội dung thực hiện:

- Triển khai thực hiện Đề án quy hoạch mạng lưới thủy lợi phục vụ phát triển thủy sản và diêm nghiệp trên địa bàn huyện Cần Giờ giai đoạn 2016 - 2020 đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

- Triển khai đầu tư 03 công trình thủy lợi liên xã phục vụ phát triển sản xuất trên địa bàn huyện.

- Quản lý, khai thác, phát huy hiệu quả sử dụng các công trình thủy lợi liên xã. Tổ chức duy tu, nạo vét các tuyến kênh thủy lợi phục vụ sản xuất, các công trình kè phòng, chống lụt bão, bảo vệ dân sinh.

- Thành lập đội quản lý khai thác hệ thống thủy lợi liên xã và xây dựng kế hoạch quản lý khai thác hệ thống thủy lợi liên xã và phương án bảo vệ công trình thủy lợi.

c) Phân công thực hiện:

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thủy lợi) chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành có liên quan hướng dẫn Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giờ triển khai thực hiện.

5. Điện (tiêu chí số 04)

a) Mục tiêu: Giữ vững và nâng chất tiêu chí số 04 theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 35/2016/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt trong năm 2017.

b) Nội dung thực hiện:

- Phối hợp ngành điện triển khai đầu tư mới hệ thống lưới điện tại 26 khu vực phục vụ sản xuất và lắp đặt năng lượng mặt trời cho 03 hộ dân xa khu dân cư tập trung, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của cả hệ thống.

- Phối hợp ngành điện rà soát, chỉnh trang hệ thống lưới điện các khu dân cư, các khu vực sản xuất đảm bảo an toàn, mỹ quan.

- Hàng năm, tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng về các biện pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, có sử dụng thiết bị tiết kiệm điện. Tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua Gia đình tiết kiệm điện.

c) Phân công thực hiện:

Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành có liên quan hướng dẫn Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giờ triển khai thực hiện.

6. Y tế - Văn hóa - Giáo dục (Tiêu chí số 05)

6.1. Y tế

a) Mục tiêu: Giữ vững và nâng chất chỉ tiêu 5.1 theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 35/2016/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt trong năm 2017.

b) Nội dung thực hiện: Đầu tư hoàn chỉnh, đưa vào hoạt động Bệnh viện Cần Giờ với quy mô 200 giường trong năm 2018. Duy trì Trung tâm y tế huyện đạt chuẩn quốc gia và nâng cao hiệu quả hoạt động để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn huyện.

c) Phân công thực hiện:

Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành có liên quan hướng dẫn Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giờ triển khai thực hiện.

6.2. Văn hóa

a) Mục tiêu: Giữ vững và nâng cao chất lượng chỉ tiêu 5.2 theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 35/2016/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt trong năm 2017.

b) Nội dung thực hiện:

- Triển khai đầu tư nâng cấp Trung tâm Văn hóa huyện.

- Tổ chức quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất văn hóa như trung tâm văn hóa huyện, trung tâm thể dục thể thao huyện, trung tâm văn hóa - thể thao các xã...

- Khai thác, phát huy các di tích lịch sử, di tích văn hóa, các giá trị văn hóa tinh thần; nghiên cứu nâng cao chất lượng, quảng bá các hoạt động Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của khách du lịch.

- Xây dựng và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ, đội nhóm văn nghệ, thể dục thể thao; tổ chức phát động các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ nhân dân gắn với truyền thống văn hóa, sản xuất của cư dân vùng biển.

c) Phân công thực hiện:

Giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành có liên quan hướng dẫn Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giờ triển khai thực hiện.

6.3. Giáo dục

a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu chỉ tiêu 5.3 theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 35/2016/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong năm 2019.

b) Nội dung thực hiện: Triển khai thực hiện nâng cấp, sửa chữa 03 công trình trường trung học phổ thông; xây dựng các trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia theo Thông tư số 47/2012/TT-BGDĐT ngày 07 tháng 12 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

c) Phân công thực hiện:

Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành có liên hướng dẫn Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giờ triển khai thực hiện.

7. Sản xuất (tiêu chí số 06)

a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 06 theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 35/2016/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào trong năm 2020.

b) Nội dung thực hiện:

Về hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện:

- Triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn huyện Cần Giờ giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định số 4249/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố, Kế hoạch số 206/KH-UBND ngày 19 tháng 01 năm 2017 của Ủy ban nhân dân huyện).

- Triển khai thực hiện quy hoạch về nuôi trồng thủy sản với quy mô diện tích đến năm 2020 là 5.824ha, đến năm 2025 là 5.860ha và đến năm 2030 là 5.845ha.

- Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề nuôi chim yến lấy tổ theo hướng phát triển công nghiệp nuôi yến trong nhà phù hợp với quy hoạch chung của thành phố.

- Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án quy hoạch phát triển ngành chế biến thủy hải sản trên địa bàn huyện đến năm 2020.

- Triển khai thực hiện các giải pháp phát triển diện tích trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh từ 13,8ha lên 33ha; xây dựng nhãn hiệu chứng nhận xoài Cần Giờ, phát triển mô hình du lịch sinh thái nhà vườn tại thị trấn Cần Thạnh, xã Long Hòa; tổ chức học tập các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái tại các địa phương. Phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 03 điểm du lịch nhà vườn hoạt động.

- Xây dựng, trình phê duyệt và triển khai thực hiện Phương án chuyển đổi diện tích sản xuất muối trên địa bàn huyện Cần Giờ đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; theo đó đến năm 2025, diện tích đất sản xuất muối là 854ha, năm 2030 là 664ha, tập trung chủ yếu tại xã Lý Nhơn và xã Thạnh An nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả, đời sống sản xuất người làm muối. Chuyển đổi diện tích sản xuất muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng vùng sản xuất muối tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất và sơ chế biến các sản phẩm từ muối nhằm hỗ trợ người làm muối nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng sản phẩm muối.

- Triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch sinh thái huyện Cần Giờ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; trong đó chú trọng du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch trải nghiệm gắn với các làng nghề, ngành nghề sản xuất.

- Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đô thị của thành phố, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo quy trình VietGAP.

- Triển khai thực hiện Kế hoạch liên tịch với Công ty Điện lực Duyên Hải về phát triển lưới điện trên địa bàn huyện Cần Giờ giai đoạn 2017 - 2020 (Kế hoạch số 109/KHLT-UBND-PCDH ngày 30 tháng 6 năm 2017) để phát triển lưới điện tại 26 khu vực để phục vụ nhu cầu sản xuất.

Phát triển các mô hình liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực:

- Triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể đến năm 2020; theo đó, đến năm 2020, mỗi xã xây dựng nông thôn mới đều có ít nhất 01 hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ hoạt động có hiệu quả.

- Triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo Kế hoạch số 2580/KH-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân huyện về phát triển 1.380 doanh nghiệp đến năm 2020 (thực hiện theo Quyết định số 1482/QĐ-UBND ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố).

- Xây dựng ít nhất 03 nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm đặc trưng Cần Giờ (yến sào, khô cá dứa, xoài...). Hàng năm, khảo sát, tìm kiếm và tổ chức các hội nghị kết nối tiêu thụ các sản phẩm thủy sản, muối giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác và người sản xuất với các doanh nghiệp; tổ chức cho người xuất tham gia các hội chợ triển lãm nông sản, tham gia các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm chủ lực Cần Giờ.

c) Phân công thực hiện:

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành có liên hướng dẫn Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giờ triển khai thực hiện.

8. Môi trường (tiêu chí số 07)

a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 07 theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 35/2016/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong năm 2019.

b) Nội dung thực hiện:

Hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện:

- Phương án quản lý chất thải rắn trên địa bàn huyện: triển khai thực hiện Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 797/QĐ-UBND ngày 25 tháng 7 năm 2017 của Ủy ban nhân dân huyện, trong năm 2018 tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại Thị trấn Cần Thạnh, năm 2019 sẽ triển khai thêm tại xã Long Hòa, Thạnh An, phấn đấu đến năm 2020 thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên toàn địa bàn huyện Cần Giờ; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án xây dựng khu xử lý rác sinh hoạt và giải pháp xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường theo Quyết định số 4251/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Công tác thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý đối với chất thải sinh hoạt: Tổ chức thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các khu dân cư tập trung theo đúng quy trình, riêng đối với các khu vực nội đồng, dân cư thưa thớt sẽ trang bị thùng rác tổ chức thu gom định kỳ, các khu vực đường giao thông chưa thuận lợi sẽ hướng dẫn người dân tự phân loại, xử lý theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố; đảm bảo 100% chất thải sinh hoạt trên địa bàn huyện được thu gom và xử lý theo quy định.

- Thực hiện phân loại, thu gom riêng đối với chất thải nguy hại: Tiếp tục vận động người dân thực hiện chương trình tuần thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình. Riêng đối với các cơ sở sản xuất có phát sinh chất thải nguy hại, huyện sẽ tổ chức kiểm tra việc lưu giữ, đăng ký với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyên xử lý và sẽ xử phạt theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ.

- Thu gom, vận chuyển và xử lý toàn bộ lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật: Tổ chức thu gom, vận chuyển xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16 tháng 5 năm 2016.

- Phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế theo định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT: Tiếp tục kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu bổ sung lộ trình thu gom rác y tế trên địa bàn huyện Cần Giờ vào để Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố tổ chức thu gom rác y tế trên địa bàn huyện xử lý thay cho việc vận chuyển bằng xe cứu thương như hiện nay.

- Khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện: Tiếp tục phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện.

* Đối với cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường:

- Thường xuyên thực hiện công tác thông tin tuyên truyền bảo vệ môi trường trong sản xuất, đảm bảo 100% các cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ (công nghiệp, làng nghề, chăn nuôi, chế biến lương thực, thực phẩm) thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường. Hộ gia đình và các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Đảm bảo tất cả các cơ sở sản xuất có phát sinh chất thải, các nhà yến, cơ sở nuôi trồng thủy sản có quy mô trên địa bàn huyện thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản phấn đấu tỷ lệ 100% các cơ sở thực hiện các quy định về môi trường; hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi quy mô hộ gia đình thực hiện phương án bảo vệ môi trường trong sản xuất.

- Thực hiện Phương án bảo vệ môi trường đối với làng muối tại xã Lý Nhơn theo Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c) Phân công thực hiện:

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành có liên quan hướng dẫn Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giờ triển khai thực hiện.

9. An ninh, trật tự, xã hội (Tiêu chí số 08)

a) Mục tiêu: Giữ vững và nâng chất tiêu chí số 08 theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 35/2016/TT-BNNNPTNT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt vào năm 2017.

b) Nội dung thực hiện:

- Hàng năm, Công an huyện tiếp tục tham mưu Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.

- Xây dựng và triển khai kế hoạch phòng ngừa, giải pháp ngăn chặn không để tình trạng khiếu kiện đông người kéo dài, vượt cấp.

- Xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển hóa địa bàn, đảm bảo không có tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự; các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật khác được kiềm chế, kéo giảm đến mức thấp nhất. Phấn đấu nâng tỷ lệ khám phá phạm pháp hình sự và số lượng chuyên án các loại được khám phá năm sau cao hơn năm trước, nhất là tội phạm cướp giật, trộm cắp tài sản, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng khám phá đạt trên 90%, án trộm tài sản đạt trên 55%.

- Tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang huyện (công an, quân sự, biên phòng) hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương.

c) Phân công thực hiện:

Giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành có liên quan hướng dẫn Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giờ triển khai thực hiện.

10. Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (Tiêu chí số 09)

a) Mục tiêu: Giữ vững và nâng chất tiêu chí số 09 theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 35/2016/TT-BNNNPTNT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt vào năm 2017.

b) Nội dung thực hiện:

- Tổ chức kiện toàn Ban Chỉ đạo và điều chỉnh Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo của Huyện ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp thực tiễn, đảm bảo bộ máy điều hành, quản lý thực hiện Chương trình.

- Tiếp tục chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý Xây dựng nông thôn mới các xã triển khai thực hiện đạt hiệu quả, đúng tiến độ Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới các xã giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt; không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản và không huy động quá khả năng đóng góp tự nguyện của dân trong quá trình thực hiện Đề án.

- Căn cứ vào hướng dẫn của Trung ương, Thành phố, Ban Chỉ đạo của Huyện ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới bố trí nhân sự và nguồn lực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện, đảm bảo đủ năng lực giúp Huyện ủy, Ban Chỉ đạo, Ủy ban nhân dân huyện điều hành thực hiện Chương trình; thường xuyên kiện toàn và điều chỉnh Quy chế hoạt động phù hợp thực tiễn.

c) Phân công thực hiện:

Giao Sở Nội vụ thành phố chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành có liên quan hướng dẫn Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giờ triển khai thực hiện.

III. DỰ KIẾN KINH PHÍ VÀ NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ HỖ TRỢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN:

1. Tổng vốn đầu tư triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giờ giai đoạn 2016 - 2020 là: 4.237.219 triệu đồng.

2. Nguồn vốn:

+ Vốn đầu tư ngân sách thành phố: 450.454 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 10,63%.

+ Vốn lồng ghép: Không có.

* Vốn sự nghiệp: Bố trí chi hoạt động thường xuyên hàng năm của các Sở, ngành và huyện.

+ Vốn cộng đồng: 3.786,765 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 89,4%. Gồm:

* Vốn dân, doanh nghiệp: 1.527,945 tỷ đồng.

* Vốn tín dụng: 2.258,82 tỷ đồng.

+ Vốn đầu tư các nguồn được xác định cụ thể theo chương trình, dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thời gian thực hiện đề án: Từ thời điểm phê duyệt đến năm 2020.

2. Quy mô và khối lượng thực hiện: Theo các biểu đính kèm.

3. Phương châm và nguyên tắc đầu tư, hỗ trợ:

Phát huy nội lực của địa phương là chính, đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ sự hỗ trợ của Trung ương và Thành phố, đáp ứng nhu cầu đầu tư, giúp đỡ của các doanh nghiệp.

Phát huy dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư, khẩn trương, đồng bộ và chặt chẽ trong thủ tục hành chính và đầu tư.

3.1. Cơ chế huy động và quản lý các nguồn vốn:

Thực hiện Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

Thực hiện Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí Huyện nông thôn mới và quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện Thông tư số 35/2016/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện tiêu chí Huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

Thực hiện Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Thông tư số 108/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Thực hiện Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước.

Thực hiện Thông tư số 349/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về thanh toán, quyết toán nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Thực hiện Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

3.2. Quản lý đầu tư và xây dựng:

Thực hiện Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

Thực hiện Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND ngày 25 tháng 5 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy định về quản lý thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công của Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Phân công thực hiện:

4.1. Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giờ

Tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân, đảng viên, cán bộ công chức quán triệt chủ trương của Trung ương và Thành phố về chương trình xây dựng mô hình nông thôn mới; vận động cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp và nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia và đóng góp hỗ trợ để thực hiện.

Thực hiện theo đúng nội dung của Đề án được phê duyệt, không được thay đổi nội dung của Đề án khi chưa được chấp thuận của Ban Chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo đúng quy định hướng dẫn của pháp luật hiện hành.

Tổ chức, triển khai thực hiện các dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.

Định kỳ hàng tháng, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giờ báo cáo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố kết quả thực hiện Đề án.

4.2. Các Sở - ngành thành viên Ban Chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố

Phân công cán bộ công chức theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giờ chuẩn bị và thực hiện, đảm bảo tiến độ thực hiện các tiêu chí của ngành trên địa bàn huyện.

Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu của Trung ương và Thành phố do Sở - ngành phụ trách trên địa bàn huyện.

Đối với việc đầu tư danh mục 08 dự án thuộc các tiêu chí giao thông, thủy lợi và văn hóa theo đề án: giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (Chủ tịch hội đồng thẩm định chủ trương đầu tư các công trình, dự án đầu tư công) sẽ có trách nhiệm cùng các thành viên của Hội đồng thực hiện thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, nguồn vốn, khả năng cân đối nguồn vốn của các dự án đầu tư theo đề án, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020.

Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc nhà nước, các Sở - ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ và Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giờ, đề xuất và dự thảo văn bản trình Ủy ban nhân dân thành phố bổ sung, giao kế hoạch kinh phí sự nghiệp chi thường xuyên để thực hiện các hoạt động, đảm bảo tiến độ thực hiện các tiêu chí Huyện nông thôn mới và quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

4.3. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố chịu trách nhiệm

Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các chương trình, dự án, các tiêu chí Huyện nông thôn mới và quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Cần Giờ; định kỳ hàng tháng báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình của Thành ủy xây dựng nông thôn mới thành phố, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện; tham mưu, đề xuất, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện; chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để thành phố tổ chức sơ kết hàng năm, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh./.

BIỂU 1a.

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÁC TIÊU CHÍ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN CÁC XÃ ĐẾN NĂM 2020

(Ban hành kèm theo Quyết định số 2757/QĐ-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Tiến độ thực hiện các tiêu chí

Quy hoạch

Giao thông

Thủy lợi

Điện

Trường học

Cơ sở vật chất văn hóa

Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn

Thông tin và truyền thông

Nhà ở dân cư

Thu nhập

Hộ nghèo

Lao động có việc làm

Tổ chức sản xuất

Giáo dục và đào tạo

Y tế

Văn hóa

Môi trường và an toàn thực phẩm

Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật

An ninh và quốc phòng

Tổng

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

Lý Nhơn

Hiện trạng năm 2017

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

10

Năm 2018

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

14

Năm 2019

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

19

Năm 2020

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

19

Bình Khánh

Hiện trạng năm 2017

x

x

x

x

x

x

x

7

Năm 2018

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

12

Năm 2019

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

17

Năm 2020

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

19

An Thới Đông

Hiện trạng năm 2017

x

x

x

x

x

x

6

Năm 2018

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

10

Năm 2019

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

14

Năm 2020

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

19

Tam Thôn Hiệp

Hiện trạng năm 2017

x

x

x

x

x

x

x

7

Năm 2018

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

12

Năm 2019

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

17

Năm 2020

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

19

Long Hòa

Hiện trạng năm 2017

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

10

Năm 2018

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

15

Năm 2019

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

19

Năm 2020

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

19

Thạnh An

Hiện trạng năm 2017

x

x

x

x

x

x

x

x

8

Năm 2018

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

12

Năm 2019

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

17

Năm 2020

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

19

BIỂU 1b.

TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÁC TIÊU CHÍ HUYỆN NÔNG THÔN MỚI

(Ban hành kèm theo Quyết định số 2757/QĐ-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố)

TT

Tên tiêu chí

Hiện trạng Năm 2017

Mục tiêu thực hiện

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

1

Quy hoạch

x

x

2

Giao thông

x

x

3

Thủy lợi

x

x

4

Điện

x

x

x

x

5

Y tế - Văn hóa - Giáo dục

x

x

6

Sản xuất

x

7

Môi trường

x

x

8

An ninh, trật tự xã hội

x

x

x

x

9

Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới

x

x

x

x

Tổng cộng

3

3

8

9

BIỂU 2.

HIỆN TRẠNG VÀ NHIỆM VỤ THỰC HIỆN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁC TIÊU CHÍ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI HUYỆN CẦN GIỜ GIAI ĐOẠN 2016-2020

(Ban hành kèm theo Quyết định số 2757/QĐ-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố)

1. Triển khai hoàn thành 100% Đề án các xã.

2. Thực hiện 09 tiêu chí huyện nông thôn mới:

STT

Nội dung tiêu chí

Hiện trạng

Nhiệm vụ thực hiện giai đoạn 2016 - 2020

Tiến độ hoàn thành tiêu chí

1

Quy hoạch

1.1

Có quy hoạch xây dựng vùng huyện được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 và được công bố công khai; có quy định quản lý xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt

Chưa đạt

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung huyện Cần Giờ đến năm 2025 được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 4766/QĐ-UBND ngày 15 tháng 9 năm 2012. Vừa qua, Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ lập nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng của huyện; hiện nay, đang tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch chung huyện Cần Giờ

Sau khi có kết quả thi tuyển ý tưởng quy hoạch chung huyện Cần Giờ, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ sẽ phối hợp cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các đơn vị liên quan thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch phân khu huyện Cần Giờ với tiêu chí đảm bảo các nội dung được quy định tại Thông tư số 35/2016/TT-BNNPTNT .

Năm 2019

1.2

Quy hoạch xây dựng vùng huyện đảm bảo yêu cầu về nội dung nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng theo quy định tại: Điều 6, Điều 7, Điều 8 Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng

Chưa đạt

Hiện nay, một số Đề án quy hoạch nhằm định hướng quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cũng đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt như Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2009 về phê duyệt “Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”; Quyết định số 3179/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2011 về phê duyệt Quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; Quyết định số 5765/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2010 về duyệt Đề án quy hoạch sản xuất muối trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (huyện Cần Giờ) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; Quyết định số 310/QĐ-UBND ngày 15 tháng 01 năm 2014 ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” theo Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, 06 đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn 06 xã và 28 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 thuộc khu vực đô thị đã được phê duyệt. Tuy nhiên, quy hoạch vùng huyện phải đảm bảo các yêu cầu theo Thông tư 35/2016/TT-NNNPTNT ngày 26 tháng 12 năm 2016 chưa đạt, hiện đang chờ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng huyện để thực hiện.

Năm 2019

2

Giao thông

2.1

Đường bộ

a)

Có 100% km đường huyện do huyện quản lý đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm và kết nối tới trung tâm hành chính các xã trên địa bàn; tỷ lệ mặt đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa đạt 100%.

Chưa đạt

Hiện tại, huyện Cần Giờ đã có đường ô tô kết nối từ trung tâm huyện đi trung tâm hành chính các xã, thị trấn (ngoại trừ xã đảo Thạnh An).

Trên địa bàn huyện Cần Giờ có 97,9 km đường huyện (đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã và đường từ trung tâm xã đến khu sản xuất tập trung); trong đó, huyện được phân cấp quản lý 66,7 km; có 6,82 km đường huyện (tương đương với 10,2% đường do huyện quản lý) kết nối phục vụ đi lại và lưu thông hàng hóa từ trung tâm xã vào khu sản xuất tập trung chưa được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng.

Triển khai đầu tư 03 công trình giao thông với tổng mức đầu tư là 181,490 tỷ đồng; ngoài ra, triển khai nâng cấp bê tông nhựa nóng 03 tuyến đường từ trung tâm huyện đến địa bàn các xã từ nguồn vốn tập trung nhằm đáp ứng nhu cầu kết nối phục vụ đi lại và vận chuyển hàng hóa.

2019

b)

Cấp kỹ thuật đường huyện đạt tiêu chuẩn theo TCVN 4054:2005; cấp đường huyện phù hợp với quy hoạch được duyệt.

Chưa đạt

Hiện nay, toàn huyện còn 6,82 km đường huyện (tương đương với 10,2% đường do huyện quản lý) có quy mô chưa đạt theo TCVN 4054 : 2005 và Quyết định số 4927/QĐ-BGTVT ngày 25/12/2014 về việc ban hành “Hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020”

2019

c)

Hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường huyện được xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp đường quy hoạch.

Chưa đạt

Hiện nay, còn 01 công trình (cầu Bà Đua) đã xuống cấp, chưa đáp ứng tải trọng khai thác phù hợp với cấp đường theo quy hoạch nên chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa theo yêu cầu phát triển của địa phương.

Triển khai xây dựng mới cầu Bà Đua với chiều dài 50m, vốn đầu tư 46 tỷ đồng để đáp ứng tải trọng khai thác phù hợp với cấp đường theo quy hoạch và phục vụ nhu cầu đi lại thuận tiện từ huyện đến vùng sản xuất và Trung tâm thủy sản thành phố.

2019

d)

Có 100% km đường huyện do huyện quản lý được bảo trì hàng năm.

Đạt

Hàng năm, nguồn ngân sách thành phố phân cấp về cho huyện Cần Giờ đều được giành một phần kinh phí để thực hiện công tác duy tu giao thông đối với các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn theo phân cấp quản lý.

Tăng cường chất lượng quản lý công tác duy tu giao thông trên địa bàn huyện; Xây dựng kế hoạch duy tu, bảo trì hàng năm đối với các công trình hạ tầng đường bộ trên địa bàn

Duy trì

2.2

Đường thủy (nếu có): Đường thủy nội địa do địa phương quản lý được lắp đặt hệ thống báo hiệu đảm bảo an toàn, thuận tiện cho các phương tiện lưu thông. Các bến thủy nội địa phục vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa phải đảm bảo các điều kiện về an toàn và được cấp phép hoạt động.

Đạt

Các tuyến đường thủy, các bến thủy trên địa bàn huyện chủ yếu do Sở Giao thông Vận tải phân cấp cho Khu Quản lý đường thủy nội địa, Cảng vụ hàng hải thành phố quản lý; các tuyến đường thủy trên đã được lắp đặt hệ thống báo hiệu đảm bảo an toàn, thuận tiện cho các phương tiện lưu thông. Và các bến thủy nội địa phục vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn đã được cấp phép hoạt động

Thường xuyên phối hợp với các đơn vị quản lý kiểm tra hệ thống biển báo, giấy phép hoạt động... đối với các tuyến đường thủy, các bến thủy trên địa bàn huyện nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

Phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan đưa vào hoạt động các tuyến đường thủy nội địa kết nối các địa phương: tàu cao tốc Sài Gòn - Cần Giờ - Vũng Tàu và Bình Khánh (Cần Giờ) - Phước Khánh (Nhơn Trạch) và phà Cần Giờ - Cần Giuộc.

Duy trì

2.3

Vận tải: Bến xe khách tại trung tâm huyện (nếu có theo quy hoạch) tối thiểu đạt loại 4; bố trí điểm dừng, điểm đỗ tại trung tâm các xã dọc theo quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện có tuyến vận tải khách công cộng theo quy hoạch.

Chưa đạt

Các tuyến vận tải hành khách công cộng trên địa bàn huyện chưa được bố trí đầy đủ các điểm dừng, điểm đỗ trên các tuyến đường.

Kiến nghị Sở Giao thông Vận tải, Trung tâm quản lý giao thông công cộng thành phố và các Hợp tác xã vận tải sớm lắp đặt bổ sung đầy đủ các điểm dừng, điểm đỗ trên các tuyến đường.

2019

2.4

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy định của Bộ Giao thông vận tải tại Quyết định số 1509/QĐ-BGTVT ngày 08/7/2011 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quyết định số 4927/QĐ-BGTVT ngày 25/12/2014 về việc ban hành “Hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020” để quy định cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Chưa đạt

Ủy ban nhân dân thành phố chưa có quy định cụ thể theo yêu cầu tiêu chí

Kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố sớm có quy định cụ thể theo yêu cầu tiêu chí

2019

3

Thủy lợi

3.1

Hệ thống thủy lợi liên xã được xây dựng phù hợp với quy hoạch thủy lợi đã được phê duyệt

Chưa đạt

Huyện Cần Giờ đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt Đề án quy hoạch mạng lưới thủy lợi phục vụ phát triển thủy sản và diêm nghiệp trên địa bàn huyện Cần Giờ giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định số 4250/QĐ-UBND ngày 17/8/2016); theo đó, đang tổ chức triển khai thực hiện 24 công trình thuộc Đề án.

Tuy nhiên, để đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng đô thị hiện đại, phục vụ cấp, thoát nước cần đầu tư hệ thống thủy lợi liên xã phù hợp quy hoạch.

Triển khai đầu tư 03 công trình thủy lợi liên xã phục vụ phát triển sản xuất trên địa bàn huyện với tổng kinh phí 205,329 tỷ đồng; thi công hoàn thành 24 công trình thuộc Đề án quy hoạch mạng lưới thủy lợi phục vụ phát triển thủy sản và diêm nghiệp trên địa bàn huyện Cần Giờ giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định số 4250/QĐ-UBND ngày 17/8/2016)

2019

3.2

Tổ chức quản lý khai thác hệ thống thủy lợi liên xã hoạt động hiệu quả bền vững

Chưa đạt

Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ chưa xây dựng Quy chế thành lập đội quản lý khai thác hệ thống thủy lợi liên xã và phương án bảo vệ công trình thủy lợi, nhân sự thực hiện quản lý, khai thác hệ thống thủy lợi chủ yếu là kiêm nhiệm chưa đảm bảo hoạt động hiệu quả, bền vững.

Thành lập đội quản lý khai thác hệ thống thủy lợi liên xã và xây dựng kế hoạch Quản lý khai thác hệ thống thủy lợi liên xã và phương án bảo vệ công trình thủy lợi.

2019

4

Điện

Huyện đạt chuẩn tiêu chí điện: Các công trình hệ thống điện trung thế liên xã đầu tư trên địa bàn huyện theo quy hoạch, đảm bảo cấp điện an toàn đạt tiêu chuẩn và đảm bảo nhu cầu sử dụng

Đạt

Giai đoạn 2010 - 2015, hệ thống lưới điện được tập trung đầu tư, phát triển mới 20km đường dây trung thế, 30km đường dây hạ thế, 112 trạm biến áp với 20.367 kVA. Đặc biệt, trong năm 2015 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến cáp điện ngầm 06km vượt sông Lòng Tàu qua trung tâm xã Thạnh An và ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An.

Đến nay, toàn huyện có 170,43km đường dây trung thế, 182,74km đường dây hạ thế, 269 trạm biến áp với công suất tổng là 31.297,5 kVA đảm bảo tương đối phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Có 100% hộ dân được sử dụng điện từ các nguồn. Hệ thống điện được phủ kín trên địa bàn huyện, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện còn 26 khu vực phục vụ sản xuất và 03 hộ dân xa khu dân cư tập trung chưa có lưới điện để phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Triển khai đầu tư mới hệ thống lưới điện tại 26 khu vực phục vụ sản xuất và lắp đặt năng lượng mặt trời cho 03 hộ dân xa khu dân cư tập trung, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của cả hệ thống.

Phối hợp ngành điện chỉnh trang hệ thống lưới điện các khu dân cư, các khu vực sản xuất đảm bảo an toàn, mỹ quan.

Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng về các biện pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, có sử dụng thiết bị tiết kiệm điện. Tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua Gia đình tiết kiệm điện.

Duy trì

5

Y tế - văn hóa- giáo dục

5.1

Bệnh viện huyện đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng 3 theo quy định; Trung tâm y tế huyện đạt chuẩn quốc gia

Đạt

Huyện có 01 bệnh viện đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng 3, 01 phòng khám đa khoa khu vực An Nghĩa. Hiện đang đầu tư xây dựng mới bệnh viện huyện với diện tích khuôn viên 64.000 m2, diện tích sàn xây dựng 17.521 m2, quy mô 200 giường bệnh, đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng 2 (dự kiến đưa vào sử dụng tháng 6 năm 2018).

Trung tâm Y tế huyện với quy mô 2.300 m2, có đủ các khoa theo quy định và đạt chuẩn Quốc gia.

- Đầu tư hoàn chỉnh, đưa vào hoạt động Bệnh viện Cần Giờ với quy mô 200 giường trong năm 2018.

- Duy trì Trung tâm y tế huyện đạt chuẩn quốc gia và nâng cao hiệu quả hoạt động để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn huyện.

Duy trì

5.2

Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện đạt chuẩn, có nhiều hoạt động văn hóa - thể thao kết nối với các xã

Chưa đạt

- Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện đạt chuẩn: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 01 Trung tâm Văn hóa và 01 Trung tâm Thể dục thể thao.

+ Trung tâm Văn hóa huyện được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2007 với diện tích 28.000 m2, diện tích sàn xây dựng 4.643 m2 gồm khối hội trường biểu diễn (500 chỗ ngồi), khối nghiệp vụ hành chính và các hạng mục sân khấu ngoài trời đạt chuẩn theo quy định. Hiện nay, Trung tâm Văn hóa huyện đã xuống cấp, nền sân, đường nội bộ bị sụt lún, một số hạng mục bị bong tróc, hư hỏng nặng, mái tôn bị dột...

+ Trung tâm Thể dục thể thao huyện được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2016 với diện tích khuôn viên 15.837,41 m2, diện tích sàn xây dựng 2.543,27 m2, quy mô nhà thi đấu đa năng 470 chỗ ngồi đạt chuẩn theo quy định.

- Hoạt động kết nối của Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện với các trung tâm xã: Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được tổ chức thường xuyên phục vụ nhân dân; hàng năm, thực hiện trên 40 chương trình văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị và biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp; tổ chức triển lãm hình ảnh về xã nông thôn mới, thành tựu kinh tế - xã hội và chuyên đề về biển đảo thu hút khoảng 7.800 lượt người xem; tổ chức thành công các chương trình văn nghệ vận động gây quỹ Vì người nghèo huyện Cần Giờ; tổ chức giao lưu liên hoan “Tiếng hát chung một dòng sông Lòng Tàu”; phối hợp Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố tổ chức chương trình Tiếng hát nông thôn mới tại các xã nông thôn mới.

- Xây dựng phương án tổ chức quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất văn hóa như Trung tâm Thể dục thể thao huyện, Trung tâm Văn hóa - Thể thao các xã, Văn phòng ấp kết hợp tụ điểm sinh hoạt văn hóa các ấp.

- Triển khai đầu tư Nâng cấp Trung tâm Văn hóa huyện với tổng kinh phí 30 tỷ đồng.

- Khai thác, phát huy các di tích lịch sử, di tích văn hóa, các giá trị văn hóa tinh thần; nghiên cứu nâng cao chất lượng, quảng bá các hoạt động Lễ hội Nghinh ông của xã vào ngày rằm tháng 10 âm lịch, đồng thời phát triển loại hình đờn ca tài tử kết hợp văn hóa ẩm thực đặc trưng của địa phương nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của khách du lịch.

- Hàng năm, tổ chức ít nhất 20 chương trình hoạt động tại Trung tâm Văn hóa huyện; có ít nhất 10 chương trình hoạt động lưu động của Trung tâm Văn hóa huyện đến các xã, thị trấn; có ít nhất 100 buổi hoạt động của đội tuyên truyền lưu động thuộc Trung tâm Văn hóa huyện; ít nhất 06 lượt tổ chức các chương trình văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tại các xã; tổ chức tối thiểu 12 lớp năng khiếu về văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; tổ chức 14 cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, thi đấu thể dục thể thao. Tổ chức 06 lớp/năm hướng dẫn nghiệp vụ cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao các xã; tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí phục vụ trẻ em ít nhất 30% thời gian hoạt động và huy động tối thiểu 10.000 lượt người đến tham gia sinh hoạt tại Trung tâm Văn hóa huyện, Trung tâm Văn hóa - Thể thao các xã.

- Xây dựng và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ, đội nhóm văn nghệ, thể dục thể thao; tổ chức phát động các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ nhân dân gắn với truyền thống văn hóa, sản xuất của cư dân vùng biển.

Duy trì

5.3

Có 60% trở lên trường Trung học phổ thông trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia theo quy định

Chưa đạt

Toàn huyện có 03 trường trung học phổ thông chưa đạt chuẩn quốc gia theo Thông tư số 47/2012/TT-BGDĐT ngày 07 tháng 12 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chi tiết các tiêu chuẩn như sau:

+ Tiêu chuẩn 1 - Tổ chức và quản lý nhà trường: Đạt.

+ Tiêu chuẩn 2 - Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên: Chưa đạt, vì tiêu chí giáo viên đạt tiêu chuẩn dạy giỏi từ cấp cơ sở trở lên chưa đạt tỷ lệ 30% không đảm bảo theo quy định tại tiêu chí 2 (Trường THPT An Nghĩa: 29%, Trường THPT Bình Khánh: 5,26%, Trường THPT Cần Thạnh: 20%).

+ Tiêu chuẩn 3 - Chất lượng giáo dục: Chưa đạt, vì tiêu chí tỷ lệ học sinh bỏ học hàng năm lớn hơn 01% không đảm bảo theo quy định tại tiêu chí 1 (Trường THPT An Nghĩa: 3,5%, Trường THPT Bình Khánh: 2,52%, Trường THPT Cần Thạnh: 5,8%).

+ Tiêu chuẩn 4 - Tài chính, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học: Chưa đạt, vì cơ sở vật chất bị xuống cấp, thiếu phòng chức năng, nhà tập đa năng; phòng học, phòng chức năng không đảm bảo tiêu chuẩn, quy cách, diện tích nhỏ; trang thiết bị lỗi thời, thiếu so với danh mục tối thiểu,...

+ Tiêu chuẩn 5 - Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội: Đạt.

- Xây dựng các trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia theo Thông tư số 47/2012/TT-BGDĐT ngày 07 tháng 12 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cụ thể như sau:

+ Tiêu chuẩn 1 - Tổ chức và quản lý nhà trường: Tiếp tục duy trì và hoàn thiện tiêu chuẩn.

+ Tiêu chuẩn 2 - Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên: Tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ giáo viên; tổ chức các cuộc thi giáo viên dạy giỏi hàng năm, khuyến khích giáo viên tham gia đăng ký, phấn đấu đến năm học 2019 - 2020 có trên 30% giáo viên đạt tiêu chuẩn dạy giỏi từ cấp cơ sở trở lên.

+ Tiêu chuẩn 3 - Chất lượng giáo dục: Tăng cường công tác vận động học sinh ra lớp, thực hiện tốt ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, thực hiện tốt quy trình vận động học sinh ra lớp, xây dựng kế hoạch duy trì sỉ số.

+ Tiêu chuẩn 4 - Tài chính, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học: Hoàn thiện cơ sở vật chất sau khi các dự án hoàn thành, thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng, phát huy tốt công năng sử dụng cơ sở vật chất.

+ Tiêu chuẩn 5 - Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội: Tiếp tục duy trì và hoàn thiện tiêu chuẩn. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục.

Năm 2019

6

Sản xuất: Huyện đạt chuẩn tiêu chí này khi đáp ứng yêu cầu tại mục 6.1 hoặc 6.2.

6.1

Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện, đảm bảo:

Đạt

Bước đầu hình thành được vùng sản xuất tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện như: xoài, chim yến, tôm thẻ, tôm sú, nghêu, sò, ốc hương, hàu...

a)

Có quy mô đất đai, mặt nước lớn, liên xã theo quy định của từng tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương

- Diện tích trồng xoài 235 ha, tập trung ở thị trấn càn Thạnh và xã Long Hòa

- Có 256 nhà nuôi chim yến trải rộng trên địa bàn 5 xã và 1 thị trấn (trừ xã đảo Thạnh An)

- Tôm thẻ, tôm sú được nuôi tập trung ở 4 xã phía Bắc (Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp) với diện tích 6.000 ha/năm. Nuôi nhuyễn thể tập trung ở các xã Long Hòa, Thạnh An, Lý Nhơn, và thị trấn Cần Thạnh, với diện tích 1.000 ha/năm

- Diện tích sản xuất muối theo quy hoạch khoảng 1.000 ha, tập trung ở 2 xã: Lý Nhơn 920 ha, Thạnh An 80 ha

Quy hoạch các vùng nuôi, trồng cây, con tập trung với quy mô diện tích đất đai, mặt nước tương đối lớn.

- Theo quy hoạch phát triển thủy sản thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 thì Diện tích nuôi trồng thủy sản (nuôi tôm) trên địa huyện Cần Giờ đến năm 2020 là 6.914 ha.

- Đề xuất điều chỉnh diện tích quy hoạch sản xuất muối đến năm 2020 - 2025 là 854 ha (Lý Nhơn 774 ha, Thạnh An 80 ha), đến năm 2030 là 663,8 ha (Lý Nhơn 583,8 ha, Thạnh An 80 ha).

Diện tích đất sản xuất muối chuyển đổi là: 1.268,72 ha, trong đó:

+ Chuyển đổi diện tích 918,22 ha sản xuất muối trong rừng phòng hộ sang đất rừng phòng hộ.

+ Chuyển đổi diện tích 216 ha trong vùng quy hoạch sản xuất muối sang nuôi trồng thủy sản.

+ Chuyển 134,5 ha diện tích đất sản xuất muối (xã Long Hòa 70,1 ha, thị trấn Cần Thạnh 64,4 ha) sang đất phi nông nghiệp để đầu tư khu du lịch sinh thái nhà vườn SADECO, khu dân cư Tân An Huy, khu du lịch đô thị lấn biển.

Duy trì

b)

Áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững.

Chưa đạt

Chưa đáp ứng đồng bộ quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững

- Có 672 hộ nuôi thủy sản đã ký cam kết sản xuất đảm bảo ATTP (theo Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 12 năm 2014 Quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ)

- Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm: Tính đến nay đã cấp 44 giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (41 cơ sở sơ chế thực phẩm và 03 cơ sở kinh doanh thực phẩm).

- Ký cam kết an toàn thực phẩm: 157/521 cơ sở

- Có 13,8 ha diện tích trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP.

- Phối hợp với Phòng Y tế, UBND các xã, thị trấn, Ban Quản lý các chợ tăng cường hoạt động thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm.

- Tổ chức xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho các chủ cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện theo quy định.

- Tổ chức ký cam kết an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn huyện.

2020

c)

Các khâu sản xuất trồng trọt được cơ giới hóa đồng bộ; các khâu sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được cơ giới hóa theo quy định của từng tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương

Chưa đạt

- Các khâu sản xuất trồng trọt, chăn nuôi chưa đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa đồng bộ hoặc theo quy định

- 748 ha nuôi tôm ứng dụng một phần công nghệ cao (cơ giới hóa trong sản xuất: máy bơm nước, máy sục khí, máy cho ăn...)

Thực hiện cơ giới hóa từng bước trong các khâu sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, tăng cường tốc độ cơ giới hóa trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

2020

6.2

Có mô hình liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và thực hiện tiêu thụ ít nhất 10% sản lượng đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện theo quy hoạch. Mô hình liên kết thực hiện theo một trong hai hình thức sau:

a)

Có hợp đồng thu mua sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp được ký giữa nông dân, tổ chức đại diện của nông dân với doanh nghiệp, thời gian thực hiện hợp đồng ổn định từ 02 năm trở lên.

Chưa đạt

Chưa thực hiện thu mua sản phẩm nông nghiệp thông qua hợp đồng

Phối hợp các sở ngành giới thiệu các doanh nghiệp, tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa doanh nghiệp và người sản xuất, thúc đẩy việc ký kết hợp đồng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.

2020

b)

Có liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên cơ sở hợp đồng liên kết cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được ký kết giữa nông dân, tổ chức đại diện của nông dân và doanh nghiệp theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân kiểm tra, giám sát quá trình sản xuất của nông dân và cung ứng các yếu tố đầu vào, vốn, kỹ thuật để đạt được sản lượng, chất lượng nông sản theo yêu cầu của doanh nghiệp và tổ chức đại diện của nông dân, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông nghiệp cho nông dân.

Chưa đạt

- Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên cơ sở hợp đồng liên kết cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa được thực hiện phổ biến trên địa bàn huyện.

- Chỉ có 03 hộ nuôi tôm đã đăng ký và có chứng nhận chuỗi sản xuất an toàn thực phẩm (Phạm Duy Khánh, ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn; Phan Văn Chín, ấp Bình Trường, xã Bình Khánh; Nguyễn Trọng Thấn, Thành phố Hồ Chí Minh)

- Có 23 hộ/13,8 ha diện tích trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP.

Vận động người dân từng bước tổ chức sản xuất theo chuỗi vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ người dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

2020

7

Môi trường

7.1

Hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện

a)

Phương án quản lý chất thải rắn trên địa bàn huyện

Chưa đạt

Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn huyện Cần Giờ giai đoạn 2017-2020 (theo Quyết định 797/QĐ-UBND ngày 25 tháng 7 năm 2017 của Ủy ban nhân dân huyện) nhằm đảm bảo phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt nhằm tiết kiệm trong công tác vận chuyển và xử lý rác. Huyện đang tập trung triển khai thực hiện Đề án đầu tư “Xây dựng khu xử lý rác sinh hoạt và giải pháp xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường” đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt (theo Quyết định số 4251/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2016).

Thực hiện Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định 797/QĐ-UBND ngày 25 tháng 7 năm 2017 của Ủy ban nhân dân huyện, trong năm 2018 tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại Thị trấn Cần Thạnh, năm 2019 sẽ triển khai thêm tại xã Long Hòa, Thạnh An, phấn đấu đến năm 2020 sẽ thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên toàn địa bàn huyện Cần Giờ; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án xây dựng khu xử lý rác sinh hoạt và giải pháp xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường theo Quyết định số 4251/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Năm 2020

b)

Công tác thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý đối với chất thải rắn công nghiệp và chất thải sinh hoạt

Chưa đạt

Trên địa bàn huyện không có khu công nghiệp và cũng không có cơ sở sản xuất công nghiệp nên hầu như không có phát sinh chất thải công nghiệp; Chất thải sinh hoạt trên địa bàn huyện được Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích thu gom, vận chuyển về Khu liên hiệp chất thải rắn Đa Phước xử lý hàng ngày. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt 87%.

Giám sát công tác thu gom chất thải sinh hoạt tại nguồn của Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện theo Kế hoạch số 1101/UBND ngày 30 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân huyện, đảm bảo trên 90% chất thải sinh hoạt được thu gom và xử lý theo quy định.

Năm 2019

c)

Thực hiện phân loại, thu gom riêng đối với chất thải nguy hại

Đạt

Đối với chất thải nguy hại hộ gia đình, vận động các hộ gia đình lưu giữ và thực hiện chuyển giao theo kế hoạch tuần thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình hàng năm của Ủy ban nhân dân huyện. Riêng đối với các cơ sở sản xuất có phát sinh chất thải nguy hại, sẽ tự lưu giữ và đăng ký với đơn vị có chức năng đinh kỳ thu gom, vận chuyển xử lý.

Tiếp tục vận động người dân thực hiện chương trình tuần thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình. Riêng đối với các cơ sở sản xuất có phát sinh chất thải nguy hại, huyện sẽ tổ chức kiểm tra việc lưu giữ, đăng ký với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển xử lý và sẽ xử phạt theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ.

Duy trì

d)

Thu gom, vận chuyển và xử lý toàn bộ lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Chưa đạt

Chưa tổ chức thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16 tháng 5 năm 2016.

Tổ chức thu gom, vận chuyển xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16 tháng 5 năm 2016.

Năm 2019

e)

Phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế theo định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT

Chưa đạt

Các cơ sở y tế trên địa bàn huyện đều đã thực hiện công tác phân loại đối với chất thải y tế. Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn huyện chưa có đơn vị thu gom chất thải y tế nguy hại mà chủ yếu thu gom bằng hình thức các chủ nguồn thải tự vận chuyển về Bệnh viện Cần Giờ để lưu giữ và định kỳ hàng tuần Bệnh viện Cần Giờ sử dụng xe cứu thương vận chuyển về điểm hẹn tại trung tâm y tế xã Phú xuân, huyện Nhà Bè tập kết để Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị vận chuyển xử lý.

Tiếp tục kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu bổ sung lộ trình thu gom rác y tế trên địa bàn huyện Cần Giờ vào để Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố tổ chức thu gom rác y tế trên địa bàn huyện xử lý thay cho việc vận chuyển bằng xe cứu thương như hiện nay.

Năm 2019

f)

Khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện

Chưa đạt

Trước đây, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện được xử lý tại 03 bãi chôn lấp Lý Nhơn, Long Hòa, Bình Khánh. Từ ngày 14 tháng 7 năm 2016, Ủy ban nhân dân huyện dã giao cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt về Khu liên hiệp chất thải rắn Đa Phước xử lý; cải tạo đóng cửa các bãi chôn lấp rác trên địa bàn huyện. Hiện nay, trên địa bàn huyện không có khu xử lý chất thải nào hoạt động.

Kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận dự án đầu tư Khu xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn xã An Thới Đông (quy mô 100 tấn/ngày) do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị làm chủ đầu tư.

Năm 2019

7.2

Cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ thực hiện đúng các quy định về môi trường

Đạt

- Trên địa bàn huyện có 67/67 cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ có phát sinh nước thải thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

- Việc đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại là dành cho các đối tượng phát sinh chất thải nguy hại trên 600kg/năm theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện không có cơ sở nào thuộc đối tượng này.

- Phương án bảo vệ môi trường đối với các đối tượng theo quy định tại Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/20/2016: Trên địa bàn huyện hiện nay chưa có cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung và làng nghề nên không thuộc đối tượng thực hiện phương án bảo vệ môi trường theo Thông tư số 31/2016/TT- BTNMT ngày 14/20/2016.

- Các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đa số quy mô hộ gia đình, chăn nuôi nhỏ lẻ, hoạt động không thường xuyên, rải rác tại các xã và không tập trung. Đối với các cơ sở này, huyện tập trung công tác tuyên truyền, vận động hộ dân xây dựng hầm biogas, thu gom xử lý chất thải trong chăn nuôi và trong hoạt động nuôi tôm chú trọng công tác xử lý bùn thải sau thu hoạch, xử lý nước qua ao lắng trước khi xả ra môi trường.

- Thường xuyên thực hiện công tác thông tin tuyên truyền bảo vệ môi trường trong sản xuất, đảm bảo 100% các cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ (công nghiệp, làng nghề, chăn nuôi, chế biến lương thực, thực phẩm) thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường. Hộ gia đình và các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Đảm bảo tất cả các cơ sở sản xuất có phát sinh chất thải, các nhà yến, cơ sở nuôi trồng thủy sản có quy mô trên địa bàn huyện thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản phấn đấu tỷ lệ 100% các cơ sở thực hiện các quy định về môi trường; hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi quy mô hộ gia đình thực hiện phương án bảo vệ môi trường trong sản xuất.

Duy trì

8

An ninh, trật tự xã hội

8.1

Hằng năm, Huyện ủy có Nghị quyết, Ủy ban nhân dân huyện có kế hoạch về công tác an ninh trật tự; chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Đạt

Hằng năm, Công an huyện tham mưu Huyện Ủy ban hành Nghị quyết, Ủy ban nhân dân huyện ban hành kế hoạch về công tác an ninh, trật tự; chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng quyết tâm thực hiện các biện pháp phòng, chống tội phạm, phát động mạnh mẽ phong trào Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc

Hàng năm, Công an huyện tiếp tục tham mưu Huyện Ủy ban hành Nghị quyết, Ủy ban nhân dân huyện ban hành kế hoạch về công tác an ninh, trật tự; chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Duy trì

8.2

Không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người kéo dài, khiếu nại vượt cấp trái pháp luật

Đạt

Hằng năm, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng ngừa, giải pháp ngăn chặn không để tình trạng khiếu kiện đông người kéo dài, khiếu kiện vượt cấp trái pháp luật. Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể quan tâm tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác cho cán bộ, nhân dân trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; lực lượng vũ trang, công an nhân dân kịp thời nắm đối tượng, tình hình địa bàn để ngăn chặn và xử lý kịp thời; các ngành, các cấp thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như những phản ánh của nhân dân; thực hiện tốt cải cách hành chính, giải quyết kịp thời các bức xúc trong nhân dân không để diễn biến phức tạp.

Tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch phòng ngừa, giải pháp ngăn chặn không để tình trạng khiếu kiện đông người kéo dài, khiếu kiện vượt cấp trái pháp luật.

Duy trì

8.3

Không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội

Đạt

Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chuyển hóa địa bàn hàng năm, đảm bảo trên địa bàn huyện không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội; các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật khác được kiềm chế, kéo giảm đến mức thấp nhất.

Xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển hóa địa bàn, đảm bảo trên địa bàn huyện không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội; các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật khác được kiềm chế, kéo giảm đến mức thấp nhất. Phấn đấu nâng tỷ lệ khám phá phạm pháp hình sự và số lượng chuyên án các loại được khám phá năm sau cao hơn năm trước, nhất là cướp giật, trộm cắp tài sản, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng khám phá đạt trên 90%, án trộm tài sản đạt trên 55%.

Duy trì

8.4

Lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện (Công an, Bộ đội địa phương, Dân quân tự vệ) hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương

Đạt

Lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện (Công an, Bộ đội địa phương, Dân quân tự vệ) hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương. Do đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện luôn được giữ vững và ổn định, đảm bảo phát hiện và xử lý kịp thời các loại tội phạm; phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được tăng cường, đi vào chiều sâu. Tình hình an ninh trật tự và phạm pháp hình sự hàng năm luôn được kéo giảm từ 10% - 20%; tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông được kiềm chế; không xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp. Trong năm 2017, điều tra khám phá 24/32 vụ phạm pháp hình sự, phát hiện 08 vụ phạm pháp về ma túy, phát hiện xử lý 39/41 vụ tệ nạn xã hội; 06/06 xã được đánh giá đạt tiêu chí an ninh, trật tự xã hội.

Tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang huyện (Công an, Bộ đội địa phương, Dân quân tự vệ) hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương.

Duy trì

9

Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới

9.1.

Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện

a)

Có Quyết định thành lập, kiện toàn tổ chức Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện của cấp có thẩm quyền

Đạt

Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Quyết định 2123-QĐ/HU ngày 15 tháng 6 năm 2009 về thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện. Trong quá trình hoạt động, Ban Chỉ đạo thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Năm 2014, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới được đổi tên thành Ban Chỉ đạo của Huyện ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngày 07 tháng 11 năm 2017, Ban Chỉ đạo được kiện toàn theo Quyết định số 602-QĐ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy với 40 thành viên, do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban. Đến nay, Huyện ủy đã ban hành 08 Quyết định thành lập, thay đổi, bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện.

Tiếp tục rà soát kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động Ban Chỉ đạo

Duy trì

b)

Có Quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cụ thể đối với các thành viên của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đạt

Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện hoạt động theo Quy chế làm việc ban hành kèm theo Quyết định số 02/QĐ-BCĐ ngày 28 tháng 02 năm 2012. Sau khi được đổi tên, Ban Chỉ đạo hoạt động theo quy chế làm việc ban hành kèm theo Quyết định số 863-QĐ/BCĐ ngày 26 tháng 8 năm 2014; phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng thành viên Ban Chỉ đạo; tổ chức họp định kỳ, đột xuất theo yêu cầu để đánh giá kết quả thực hiện và tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thường xuyên hoàn thiện Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Duy trì

c)

Chỉ đạo, quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên phạm vi địa bàn huyện đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng quy định.

Đạt

Thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn là thành viên Ban Chỉ đạo tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng từng chỉ tiêu 09 tiêu chí huyện nông thôn mới để đề ra giải pháp thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 phù hợp điều kiện thực tế tại huyện, đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.

- Nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo của Huyện ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới trong công tác thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã và huyện.

- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn là thành viên Ban Chỉ đạo, hàng năm, tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng từng chỉ tiêu 09 tiêu chí huyện nông thôn mới để đề ra giải pháp thực hiện các tiêu chí, đảm bảo hoàn thành vào năm 2020.

- Tiếp tục chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý Xây dựng nông thôn mới các xã triển khai thực hiện đạt hiệu quả, đúng tiến độ Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới các xã giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt; không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản và không huy động quá khả năng đóng góp tự nguyện của dân trong quá trình thực hiện Đề án.

Duy trì

d)

Chỉ đạo việc ban hành cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy các xã xây dựng nông thôn mới và chỉ đạo thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương

Đạt

Chỉ đạo Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới các xã chủ động xây dựng kế hoạch giữ vững và thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (không chờ phê duyệt Đề án); chỉ đạo thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới phù hợp với điều kiện ở Cần Giờ (kết hợp sử dụng ngân sách với việc vận động sự đóng góp tự nguyện của nhân dân; xây dựng, triển khai thực hiện 3 Đề án khắc phục hạn chế trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 theo khuyến nghị của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương).

Duy trì

đ)

Chỉ đạo không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản và không huy động quá khả năng đóng góp tự nguyện của dân trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Đạt

Chỉ đạo Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới các xã không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản và không huy động quá khả năng đóng góp tự nguyện của dân trong quá trình thực hiện Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới các xã giai đoạn 2016-2020.

Duy trì

e)

Chỉ đạo các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.

Đạt

Chỉ đạo các xã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Đến nay, Đề án của 5/6 xã đã được Thành phố phê duyệt (còn lại Đề án của xã Bình Khánh đang chờ Thành phố thẩm định); trước đó, các xã đã được chỉ đạo triển khai thực hiện những nội dung có thể, không chờ đến khi Thành phố phê duyệt mới triển khai có thể bị chậm về tiến độ thời gian.

Duy trì

9.2.

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp huyện (gọi tắt là Văn phòng nông thôn mới huyện)

a)

Có Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Văn phòng nông thôn mới huyện của cấp có thẩm quyền.

Đạt

Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện dược thành lập theo Quyết định số 1088/QĐ-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2015 của Ủy ban nhân dân huyện; có nhiệm vụ giúp Ban Chỉ đạo của Huyện ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Hiện nay, Văn phòng Điều phối được kiện toàn theo Quyết định số 856/QĐ-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2016 với 10 thành viên do đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phụ trách lãnh vực đô thị làm Chánh Văn phòng.

Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện

Duy trì

b)

Có quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cụ thể đối với các thành viên của Văn phòng nông thôn mới huyện được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đạt

Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện hoạt động theo Quy chế làm việc ban hành kèm theo Quyết định số 728/QĐ-UBND ngày 22 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban nhân dân huyện; tổ chức họp định kỳ và đột xuất theo yêu cầu để kịp thời tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện;

Thường xuyên rà soát, điều chỉnh Quy chế hoạt động phù hợp với tình hình

Duy trì

c)

Đảm bảo thực hiện hoàn thành đúng, đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định tại Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 05/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và biên chế của Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp.

Đạt

Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện thực hiện hoàn thành đúng, đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định tại Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 05/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và biên chế của Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp.

Thường xuyên kiểm tra, rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và biên chế của Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện theo đúng quy định theo đúng quy định

Duy trì

BIỂU 3.

NỘI DUNG VÀ NGUỒN VỐN PHÂN BỔ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁC TIÊU CHÍ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI HUYỆN CẦN GIỜ 2016 – 2020

(Ban hành kèm theo Quyết định số 2757/QĐ-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố)

STT

Tên tiêu chí

Nội dung thực hiện

ĐVT

Số lượng

Kinh phí thực hiện (triệu đồng)

Vốn ngân sách

Vốn cộng đồng

Tổng cộng

Tổng

Dân

Tín dụng

TỔNG CỘNG

450.454

3.786.765

1.527.945

2.258.820

4.237.219

1

Quy hoạch

2

Giao thông

Tổng

17.999

225.400

2.090

2.090

227.490

Đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã

m

9.769

69.560

69.560

Đường đến vùng sản xuất của huyện

m

8.180

109.840

2.090

2.090

111.930

Công trình cầu, cống

m

50

46.000

46.000

3

Thủy lợi

Tổng

15.270

195.054

10.275

10.275

205.329

Nâng cấp hệ thống thủy lợi

m

15.270

195.054

3.600

3.600

46.418

4

Điện

5

Y tế - Văn hóa - Giáo dục

Tổng

30.000

30.000

Nâng cấp trung tâm văn hóa huyện Cần Giờ

TT

1

30.000

30.000

6

Sản xuất

3.774.400

1.515.580

2.258.820

3.774.400

7

Môi trường

8

An ninh trật tự xã hội

9

Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới

BIỂU 4.

DANH MỤC TỔNG HỢP CÁC HẠNG MỤC, CÔNG TRÌNH CƠ SỞ HẠ TẦNG ĐỀ XUẤT ĐẦU TƯ THUỘC ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI HUYỆN CẦN GIỜ GIAI ĐOẠN 2016 – 2020

(Ban hành kèm theo Quyết định số 2757/QĐ-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố)

STT

Công trình đề xuất

Địa điểm

Hiện trạng

Đầu tư

Kinh phí thực hiện (triệu đồng)

Dài (m)

Rộng (m)

Kết cấu

Dài (m)

Rộng (m)

Kết cấu

Vốn ngân sách

Vốn cộng đồng

Tổng cộng

Tổng

Dân

Doanh nghiệp

TỔNG CỘNG

450.454

12.365

12.365

462.819

I

GIAO THÔNG

225.400

2.090

2.090

227.490

2.1

Đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã

69.560

69.560

1

Nâng cấp đường đê Soài Rạp - Dương Văn Hạnh

Xã Lý Nhơn

9.769

- Đoạn đường đê Soài Rạp dài 5319m, rộng 9m, 6m láng nhựa.

- Đoạn đường Dương Văn Hạnh dài 4450m, rộng 12m (8m láng nhựa + 2mx2 lề đất).

Công trình xây dựng năm 2010 - 2012. Mặt đường láng nhựa, lề đường đất đỏ (đoạn đê Soài Rạp), lát gạch tezazo (đoạn Dương Văn Hạnh). Cống ngang đường (đoạn dê Soài Rạp), cống thoát nước dọc và ngang đường (đoạn Dương Văn Hạnh). Hiện nay mặt đường bị đọng nước, xuất hiện nhiều ổ gà, bong tróc, cống thoát nước xuống cấp, công trình chưa được sửa chữa lớn.

9.769

- Đoạn đường đê Soài Rạp dài 5319m, rộng 9m (6m+1,5mx2).

- Đoạn đường Dương Văn Hạnh dài 4450m, rộng 12m (8m BTN+2mx2).

Nâng cấp bê tông nhựa nóng, mặt đường rộng 6-8m.

69.560

69.560

2.2

Đường đến vùng sản xuất của huyện

109.840

2.090

2.090

111.930

1

Nâng cấp đường vào khu sản xuất muối Lý Nhơn

Xã Lý Nhơn

6.280

Nền 6,5m sỏi đỏ

Công trình đầu tư năm 2009 - 2012. Nền mặt đường đất sỏi dò. Hiện trạng đường bị hư hỏng nặng, cống ngang đường xuống cấp trầm trọng. Công trình chưa được sửa chữa lớn.

6.280

6,5m = 5,5m láng nhựa + 0,5mx2 lề đất

Nâng cấp đá dăm, láng nhựa mặt đường. Sửa chữa, xây dựng mới một số cống ngang đường.

32.000

32.000

2

Xây dựng mới tuyến đường Hà Quang Vóc nối dài ra sông Lòng Tàu

Xã Bình Khánh

Chưa có đường giao thông, gây khó khăn trong việc vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản.

Xây dựng tuyến đường mới nối dài đường Hà Quang Vóc, L=1.900m; nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 6m, láng nhựa, kết hợp xây dựng mới 05 cầu giao thông.

77.840

2.090

2.090

79.930

2.3

Công trình cầu, cống

46.000

46.000

1

Xây mới cầu Bà Đua

Xã Bình Khánh

50

3,0

Cầu nằm trên tuyến đường EC. Đầu tư xây dựng năm 2003, tải trọng khai thác 8T, hiện đã xuống cấp. Đường đầu cầu hư hỏng nặng

50

7,5

Cầu vĩnh cửu dầm BT DƯL, móng cục BTCT, tải trọng HL93. Nâng cấp đường đầu cầu dài 1,1 km

46.000

46.000

3

Thủy lợi

195.054

10.275

10.275

205.329

1

Nâng cấp hệ thống thủy lợi khu vực Rạch Lở

TT Cần Thạnh - xã Long Hòa

3.800

Bđáy= 3

Rạch bị bồi lắng, hạn chế dòng chảy, không bảo đảm cấp và tiêu thoát nước

3.800

Bđáy= 8

Nâng cấp bờ bao, xây dựng mới cống thoát nước; nạo vét rạch cao trình đáy Z= -2,0.

42.818

3.600

3.600

46.418

2

Nâng cấp hệ thống thủy lợi khu vực Mốc Keo

Xã An Thới Đông - xã Tam Thôn Hiệp

7.500

Bđáy= 3-5

Rạch bị bồi lắng, hạn chế dòng chảy, không bảo đảm cấp và tiêu thoát nước

7.500

Bđáy= 6-8

Nâng cấp đê, các cầu hiện hữu và xây dựng mới cống thoát nước; nạo vét rạch cao trình đáy Z=-1,0 đến -1,5.

124.339

5.625

5.625

129.964

3

Nâng cấp hệ thống thủy lợi khu vực Doi Lầu

Xã An Thới Đông - xã Lý Nhơn

3.970

Bđáy= 3

Rạch bị bồi lắng, hạn chế dòng chảy, không bảo đảm cấp và tiêu thoát nước

3.970

Bđáy= 6

Nâng cấp bờ bao, nạo vét rạch, cao trình đáy Z= -1,5.

27.897

1.050

1.050

28.947

4

Điện

5

Y tế-văn hóa - giáo dục

30.000

30.000

5.1

Y tế

5.2

Văn hóa

30.000

30.000

1

Nâng cấp Trung tâm văn hóa huyện Cần Giờ

Thị trấn Cần Thạnh

- Nền tầng trệt hiện trạng bị sụt lún; nền gạch ceramic bị bể, bong tróc khoảng 20%; đá granit ốp chân cột bị bong tróc, hư hỏng; một số cửa đi, cửa sổ bằng nhôm kính và khóa cửa bị hư hỏng; lan can hành lang, lan can ram dốc bằng sắt bị gỉ sét; tường sơn nước bị ẩm mốc, bong tróc; các thiết bị điện quạt, bóng đèn bị hư hỏng; thiết bị vệ sinh bị hư hỏng; sê nô bị thấm nước, mái tôn bị dột.

- Nền sân, đường nội bộ hiện trạng bị sụt lún nhiều nơi; hệ thống mương chữ U thoát nước tổng thể bị nghẽn không đảm bảo độ thoát nước, nắp đan mương và hố ga bị bể, hư hỏng.

Nâng cấp, sửa chữa Khối hội trường biểu diễn; sửa chữa, cải tạo các khối hành chánh quản trị, sân khấu ngoài trời và các khối phụ, sân, đường và hạ tầng thoát nước.

30.000

30.000

5.3

Giáo dục

6

Sản xuất

7

Môi trường

8

An ninh, trật tự xã hội

9

Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 2757/QĐ-UBND ngày 04/07/2018 về phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


267

DMCA.com Protection Status
IP: 18.227.48.237
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!