Trong năm 2024, thời gian hưởng chế độ khi thực hiện biện pháp tránh thai được quy định như thế nào? Chế độ trên quy định tại văn bản nào? Trân trọng cảm ơn – Thu Hà (Trà Vinh).
>> Mức hưởng chế độ ốm đau 2024 đối với người lao động
>> Thời gian hưởng chế độ ốm đau 2024 với người lao động
Về vấn đề thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai năm 2014 được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội 2014, vấn đề trên được quy định như sau:
Căn cứ Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, khi người lao động thực hiện các biện pháp tránh thai thì sẽ được hưởng chế độ thai sản theo sự chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai được quy định như sau:
- Đối với trường hợp lao động nữ đặt vòng tránh thai thì được nghỉ 07 ngày;
- Đối với trường hợp người lao động thực hiện triệt sản thì được nghỉ 15 ngày.
Lưu ý: Thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ hàng tuần.
Ví dụ: Chị A làm việc tại Công ty B có ngày nghỉ hàng tuần là ngày chủ nhật, ngày 05/10/2023 chị A thực hiện triệt sản để tránh thai, chị A sẽ được nghỉ 15 ngày từ ngày 05/10/2023 đến hết ngày 19/10/2023.
Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản sửa đổi, hướng dẫn thi hành 2023 |
Thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai 2024 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng một ngày đối với người lao động thực hiện các biện pháp tránh thai được tính bằng: mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày. Trong đó mức trợ cấp được tính như sau:
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, được hướng dẫn bởi điểm a khoản 1 Điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, mức trợ cấp theo tháng được dùng để tính chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai năm 2024 được quy định như sau:
- Mức trợ cấp theo tháng khi thực hiện các biện pháp tránh thai bằng 100% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng liền kề gần trước khi nghỉ việc hưởng chế độ khi thực các biện pháp tránh thai, nếu thời gian đóng không liên tục thì được cộng dồn. Trường hợp chưa đóng bảo hiểm xã hội đủ 06 tháng thì mức hưởng bằng bình quân tiền lương của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
Ví dụ: Chị B thực hiện đặt vòng tránh thai vào ngày 30/10/2023, có quá trình đóng bảo hiểm xã hội như sau:
- Từ tháng 01/2023 đến tháng 08/2023 (07 tháng) đóng bảo hiểm xã hội với mức lương 5.500.000 đồng/tháng;
- Từ tháng 09/2023 đến tháng 10/2023 (02 tháng) đóng bảo hiểm xã hội với mức lương 6.550.000 đồng/tháng.
Khi này mức trợ cấp dùng để tính mức hưởng chế độ khi thực các biện pháp tránh thai bằng: ((5.000.000 x 4) + (6.000.000 x 2)) : 6 = 5.850.000 đồng.
Mức hưởng sẽ bằng: 5.850.000 đồng : 30 ngày = 195.000 đồng/ngày.
- Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, trường hợp người lao động hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai ngay trong tháng đầu tiên đóng bảo hiểm xã hội, thì mức trợ cấp được dụng để tính mức hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai sẽ được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của chính tháng đó.
Ví dụ: Chị B tham gia bảo hiểm xã hội với mức lương là 7.500.000 đồng từ ngày 01/9/2023, nhưng đến ngày 30/9/2023 chị B nghỉ hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai do đặt vòng tránh thai. Nên mức trợ cấp dùng để tính mức hưởng chế độ của chị B sẽ là 7.500.000 đồng.
Khi này mức hưởng bằng: 7.500.000 : 30 ngày = 250.000 đồng/ngày.