Lâu nay, cả doanh nghiệp lẫn người lao động đều vẫn mang tâm lý e ngại và không mấy mặn mà với việc thành lập công đoàn cơ sở vì không hiểu được vai trò quan trọng của công đoàn trong việc “điều hòa” mối quan hệ lao động.
>> Những công việc liên quan đến sức khỏe, an toàn vệ sinh lao động doanh nghiệp nên làm
>> Giao kết hợp đồng với người lao động có làm việc ở nơi khác, doanh nghiệp cần chú ý điều gì?
Thực tế cho thấy, vì không có CĐCS hoặc có nhưng không phát huy được vai trò, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với những rắc rối pháp lý không đáng có và thiệt hại cũng không nhỏ.
Vậy, xét từ góc độ của người sử dụng lao động, doanh nghiệp có nên thành lập CĐCS không? Bài viết này sẽ đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi trên.
Căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 16 của Điều lệ công đoàn năm 2013 và Điểm a, Khoản 1, Điều 5 của Nghị định 98/2014/NĐ-CP về việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, doanh nghiệp được coi là đủ điều kiện thành lập CĐCS khi có ít nhất năm đoàn viên Công đoàn hoặc năm người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.
Cần lưu ý, người lao động có quyền chủ động hoàn toàn và phải tự nguyện trong việc tham gia Công đoàn và thành lập CĐCS. Doanh nghiệp phải phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động của CĐCS.
Xem chi tiết tại công việc Thành lập công đoàn
Trước hết, vì có CĐCS đóng vai trò “điều hòa”, nên doanh nghiệp sẽ hạn chế được những tranh chấp không đáng có với người lao động, chủ yếu thông qua cơ chế đối thoại định kỳ và tổ chức hội nghị người lao động định kỳ.
Mặt khác, dù doanh nghiệp có thành lập CĐCS hay không, thì mỗi tháng vẫn phải trích 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động để đóng kinh phí công đoàn lên công đoàn cấp trên trực tiếp.
Trong khi đó, nếu có CĐCS, Ban chấp hành CĐCS sẽ được sử dụng theo tỷ lệ phần trăm trên tổng số thu kinh phí công đoàn, tổng số thu đoàn phí công đoàn theo hướng dẫn hàng năm của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn (tỷ lệ này hiện nay là 65%) và được sử dụng 100% tổng số thu khác của mình, theo Khoản 1, Điều 21 của Quyết định 1908/QĐ-TLĐ về Quy định quản lý tài chính, tài sản công đoàn; thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu nộp tài chính công đoàn. Như vậy, doanh nghiệp và CĐCS sẽ có thêm nguồn kinh phí để bảo đảm phúc lợi tốt hơn cho người lao động.
Về phía người lao động, CĐCS sẽ là tổ chức đại diện cho họ để “đàm phán” với doanh nghiệp nhằm bảo đảm quyền lợi cho chính họ, bởi lẽ doanh nghiệp sẽ phải tham khảo ý kiến Ban chấp hành CĐCS trước khi ban hành các quy định có liên quan đến quyền, nghĩa vụ, chế độ chính sách đối với người lao động. Đây cũng sẽ là cầu nối truyền tải những tâm tư, nguyện vọng của người lao động đến với doanh nghiệp.
Với những lợi ích như trên, việc thành lập CĐCS tại doanh nghiệp là điều cần thiết, không chỉ nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động tốt hơn mà còn hạn chế những rủi ro không đáng có cho doanh nghiệp trong quan hệ lao động.
Quý khách hàng có thể tham khảo thêm thông tin tại Trích nộp kinh phí công đoàn.
Quý khách hàng có thể tham khảo thêm thông tin tại Tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc.
Quý khách hàng có thể tham khảo thêm thông tin tại Tổ chức hội nghị người lao động định kỳ.