Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCi) là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam (sau đây gọi chung là cộng đồng doanh nghiệp) nhằm mục đích phát triển, bảo vệ và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học - công nghệ với nước ngoài trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, theo quy định của pháp luật.
>> Một số án lệ liên quan đến hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp cần phải biết
>> Danh sách các ngân hàng cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử
1. Chức năng
Đại diện để thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong các quan hệ trong nước và quốc tế;
Thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp; xúc tiến và hỗ trợ các hoạt động thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học - công nghệ và các hoạt động kinh doanh khác của cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài; xúc tiến, thúc đẩy xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong các doanh nghiệp.
2. Nhiệm vụ
- Tập hợp, nghiên cứu thực trạng và kiến nghị với Đảng và Nhà nước các vấn đề về pháp luật, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và xây dựng quan hệ lao động hài hòa;
- Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh và quan hệ lao động dưới các hình thức khác nhau theo quy định hiện hành;
- Là đầu mối tập hợp thông tin, ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức và tham gia quá trình tham vấn với các đoàn đàm phán về kinh tế, thương mại;
- Tiến hành những hoạt động để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cộng đồng doanh nghiệp trong các quan hệ kinh doanh trong nước và quốc tế; tư vấn và tham gia hỗ trợ giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý trong quá trình kinh doanh và thực thi pháp luật;
- Tổ chức vận động cộng đồng doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm xã hội, xây dựng đạo đức và văn hóa kinh doanh, bảo vệ môi trường và tham gia các hoạt động xã hội khác liên quan tới hoạt động của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật;
- Tổ chức các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực phát triển;
- Và một số nhiệm vụ khác, Quý thành viên có thể tham khảo tại Điều 2 Quyết định 2177/QĐ-TTg
3. Hội viên
Hội viên là các tổ chức, cá nhân đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định, tán thành điều lệ của VCCI, tự nguyện tham gia và được Ban Thường trực hoặc Ban Chấp hành của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam quyết định kết nạp hoặc mời.
Hội viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bao gồm hội viên chính thức, hội viên liên kết và hội viên danh dự:
- Hội viên chính thức là các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp (hiệp hội ngành nghề có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hiệp hội, hội doanh nghiệp khác), tổ chức kinh tế, tổ chức nghề nghiệp phục vụ hoạt động kinh doanh có đăng ký và hoạt động hợp pháp ở Việt Nam theo quy định của pháp luật;
- Hội viên liên kết là các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hiệp hội doanh nghiệp, hội, tổ chức nghề nghiệp phục vụ hoạt động kinh doanh có đăng ký và hoạt động hợp pháp ở Việt Nam nhưng không có điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện làm hội viên chính thức theo quy định của pháp luật;
- Hội viên danh dự là những cá nhân, tổ chức Việt Nam có đóng góp đặc biệt vào việc thực hiện nhiệm vụ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Thủ tục kết nạp hội viên
Ban Thường trực xét và quyết định kết nạp hội viên chính thức và hội viên liên kết.
Theo đề nghị của Ban Thường trực, Ban Chấp hành quyết định về việc mời hội viên danh dự của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Trường hợp bị từ chối, tổ chức, cá nhân liên quan có thể khiếu nại lên Ban Chấp hành hoặc Đại hội. Quyết định của Ban Chấp hành hoặc Đại hội là quyết định cuối cùng.
Đăng ký hội viên
Doanh nghiệp có thể đăng ký hội viên trực tiếp hay trực tuyến tại website của VCCI tuỳ theo khu vực hoạt động của doanh nghiệp. (Ví dụ: VCCI Hồ Chí Minh – Website: https://vcci-hcm.org.vn)
Phí hội viên
Mức lệ phí gia nhập bằng mức hội phí hàng năm, được tính căn cứ vào doanh số của tổ chức trong năm trước theo các mức:
Doanh số dưới 10 tỉ đồng đóng 3 triệu đồng/năm
Doanh số từ 10 – 50 tỉ đồng đóng 7 triệu đồng/năm
Doanh số trên 50 tỉ đồng đóng 15 triệu đồng/năm
Mức lệ phí gia nhập và hội phí trên có thể được điều chỉnh bởi quyết định của Hội đồng Quản trị trong từng thời gian cụ thể.
Các tổ chức, cá nhân được coi là hội viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kể từ thời điểm được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kết nạp (đối với hội viên chính thức và hội viên liên kết) hoặc kể từ thời điểm tổ chức, cá nhân đó chấp nhận quyết định mời tham gia của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đối với hội viên danh dự).
4. Quyền lợi và nghĩa vụ của hội viên
Quyền của Hội viên
- Tham dự hội nghị hội viên ở các khu vực;
- Tham dự Đại hội nếu được hội nghị hội viên hiệp thương cử;
- Biểu quyết hoặc bỏ phiếu ở Đại hội (chỉ đối với hội viên chính thức);
- Được đề cử hoặc ứng cử vào Ban Chấp hành (chỉ đối với hội viên chính thức);
- Đề đạt ý kiến với Đại hội, Ban Chấp hành, Ban Thường trực về hoạt động của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và những vấn đề về chính sách, pháp luật kinh tế và môi trường kinh doanh;
- Yêu cầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi bị xâm hại;
- Được hưởng dịch vụ tư vấn, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá hình ảnh, đào tạo và các loại dịch vụ, hỗ trợ khác mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cung cấp với điều kiện ưu tiên, ưu đãi hoặc miễn phí;
- Được khen thưởng theo quy định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Thôi là hội viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nếu xét thấy không thể hoặc không muốn tiếp tục tham gia.
Nghĩa vụ của hội viên
- Đóng phí gia nhập và hội phí theo quy định của Ban Chấp hành (chỉ áp dụng với hội viên chính thức và liên kết, trừ các hội viên liên kết đương nhiên vì là thành viên của các hiệp hội doanh nghiệp);
- Thực hiện nghị quyết, quyết định của Đại hội và Ban Chấp hành;
- Tham dự các cuộc họp do Ban Chấp hành triệu tập hoặc mời;
- Đoàn kết, hợp tác với các hội viên khác để cùng thực hiện mục đích của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Bảo vệ uy tín của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, không nhân danh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong các hoạt động, giao dịch trừ khi được Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ủy quyền bằng văn bản;
- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Căn cứ: Quyết định 2177/QĐ-TTg và nguồn tin từ website của các chi nhánh của VCCI.
Quý thành viên hãy theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều tin tức:
Tài Giỏi