Giải thể doanh nghiệp được hiểu là việc doanh nghiệp thực hiện thủ tục về giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh của mình, nhằm chấm dứt tư cách chủ thể và các quyền, nghĩa vụ liên quan của doanh nghiệp.
>> Tổ chức đại diện cộng đồng doanh nghiệp – Họ là ai?
>> Một số án lệ liên quan đến hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp cần phải biết
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2014 doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp:
Thứ nhất, Doanh nghiệp bị giải thể do kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn.
Luật Doanh nghiệp 2014 không có quy định về thời hạn hoạt động của các doanh nghiệp. Do đó, trường hợp Điều lệ công ty có quy định về thời hạn hoạt động mà khi hết thời hạn hoạt động này, nếu các thành viên không xin gia hạn hoạt động, thì công ty phải tiến hành giải thể.
Thứ hai, Doanh nghiệp bị giải thể theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần.
Quyết định giải thể này xuất phát từ ý chí của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp của mình. Việc chủ doanh nghiệp không muốn tiếp tục hoạt động kinh doanh của mình có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: doanh nghiệp làm ăn thua lỗ; lợi nhuận thấp; doanh nghiệp muốn chuyển mục đích kinh doanh;…
Lưu ý:
- Đối với Công ty Cổ phần, Quyết định giải thể phải được Đại hội đồng cổ đông của công ty thông qua. Theo đó, quyết định giải thể chỉ được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả các cổ đông dự họp tán thành.
- Đối với Công ty TNHH NTV trở lên, Quyết định giải thể phải được Hội đồng thành viên của công ty thông qua. Theo đó, quyết định giải thể chỉ được thông qua nếu được số phiếu đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành.
- Đối với Công ty Hợp danh, Quyết định giải thể phải được Hội đồng thành viên thông qua. Nếu Điều lệ công ty không quy định thì quyết định giải thể phải được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên hợp danh chấp thuận.
Quý thành viên vui lòng xem chi tiết tại công việc: Thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp
Thứ ba, Doanh nghiệp bị giải thể do Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
Số lượng thành viên là một trong những điều kiện bắt buộc phải tuân thủ của doanh nghiệp. Pháp luật quy định số lượng thành viên tối thiểu cho mỗi loại hình công ty là khác nhau. Đối với công ty cổ phần, pháp luật quy định số lượng thành viên tối thiểu là 3. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, số lượng thành viên tối thiểu là 2. Còn đối với công ty hợp danh, phải có ít nhất 2 cá nhân là thành viên hợp danh. Khi số lượng thành viên tối thiểu của doanh nghiệp không đáp ứng được số lượng nêu trên, công ty phải kết nạp thêm số lượng thành viên cho đủ số lượng tối thiểu được quy định này. Nếu trong thời hạn 6 tháng liên tục, công ty không đáp ứng được điều kiện về số lượng thành viên tối thiểu này và cũng không chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp phù hợp thì công ty phải tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp.
Quý thành viên vui lòng xem chi tiết tại công việc:
- Chuyển đổi Công ty Cổ phần thành Công ty TNHH NTV.
- Chuyển đổi Công ty Cổ phần thành Công ty TNHH MTV.
- Chuyển đổi Công ty TNHH NTV thành Công ty TNHH MTV.
Cuối cùng, Doanh nghiệp bị giải thể do bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 211 Luật Doanh nghiệp 2014, Doanh nghiệp sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp sau:
1. Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây: a) Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo; b) Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo khoản 2 Điều 18 của Luật này thành lập; c) Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế; d) Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 209 của Luật này đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản; đ) Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án. |
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là căn cứ pháp lý cho sự tồn tại và hoạt động của các doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bắt buộc phải giải thể.
Lưu ý: Trong tất cả các trường hợp doanh nghiệp bị giải thể, doanh nghiệp phải đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và đang không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa hoặc cơ quan trọng tài.
Về trình tự, thủ tục giải thể, Quý thành viên có thể xem hệ thống công việc: Giải thể doanh nghiệp.
Quý thành viên hãy theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều tin tức:
Phương Ngọc