Thuê lại lao động là ngành nghề không còn mới tại Việt Nam. Bài viết dưới đây sẽ liệt kê một vài quy định về thuê lại lao động. Cụ thể:
>> Hướng dẫn thủ tục để người lao động nhận tiền hỗ trợ Covid-19 theo Nghị quyết 68
>> 04 chính sách hỗ trợ cho Doanh nghiệp trong mùa dịch
Theo đó, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định mới đối với hoạt động cho thuê lại động như sau:
Quy định mới đã bãi bỏ 02 điều kiện để doanh nghiệp được cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động (sau đây gọi tắt là Giấy phép), đó là:
- Điều kiện về vốn pháp định;
- Điều kiện về địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.
(Quy định cũ điều kiện để doanh nghiệp được cấp giấy phép gồm: điều kiện về ký quỹ; về vốn pháp định; về địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp và về người đứng đầu doanh nghiệp.)
Hồ sơ cấp giấy phép đã được sửa đổi lại như sau:
1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép của doanh nghiệp theo Mẫu số 05/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
2. Bản lý lịch tự thuật của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo Mẫu số 07/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Phiếu lý lịch tư pháp số 1 theo quy định pháp luật về lý lịch tư pháp của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Trường hợp người đại diện là người nước ngoài không thuộc đối tượng cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1 thì được thay thế bằng phiếu lý lịch tư pháp tại quốc gia mang quốc tịch.
Các văn bản nêu tại khoản này được cấp trước ngày nộp hồ sơ không quá 06 tháng. Văn bản bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt, chứng thực và được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định pháp luật.
4. Văn bản chứng minh thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý về cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 21 Nghị định này là một trong các loại văn bản sau:
a) Bản sao được chứng thực từ bản chính hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hoặc quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm, giao nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
b) Bản sao được chứng thực từ bản chính quyết định bổ nhiệm (đối với người làm việc theo chế độ bổ nhiệm) hoặc văn bản công nhận kết quả bầu (đối với người làm việc theo chế độ bầu cử) của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với trường hợp là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cho thuê lại hoặc cung ứng lao động).
Các văn bản quy định tại điểm a, điểm b khoản này là văn bản của nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt, chứng thực và được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định pháp luật.
5. Giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động theo Mẫu số 01/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
Đã sửa đổi thời hạn của Giấy phép như sau:
- Kéo dài thời hạn của Giấy phép lên tối đa là 60 tháng, thay vì 36 tháng theo Nghị định 55/2013/NĐ-CP.
- Giấy phép được gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối đa là 60 tháng thay vì chỉ được gia hạn không quá 02 lần, mỗi lần gia hạn không quá 24 tháng như hiện nay;
- Thời hạn Giấy phép được cấp lại bằng thời hạn còn lại của Giấy phép đã được cấp trước đó (quy định cũ là Giấy phép được cấp lại có thời hạn không quá thời hạn của Giấp phép đã được cấp trước đó).
Đã được bổ sung 03 công việc vào danh mục công việc được cho thuê lại lao động (theo quy định hiện hành là 17 công việc trong danh mục), bao gồm:
- Quản lý, vận hành, bảo dưỡng và phục vụ trên tàu biển;
- Quản lý, giám sát, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng và phục vụ trên giàn khoan dầu khí;
- Lái tàu bay, phục vụ trên tàu bay/Bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay/Điều độ, khai thác bay/Giám sát bay.
Doanh nghiệp có trách nhiệm niêm yết công khai bản chính giấy phép tại trụ sở chính và bản sao được chứng thực từ bản chính giấy phép tại các chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có) của doanh nghiệp cho thuê lại. Trường hợp sang địa bàn cấp tỉnh khác hoạt động thì doanh nghiệp cho thuê lại gửi bản sao chứng thực giấy phép đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đó để theo dõi, quản lý.
Ngân hàng nhận ký quỹ không được cho doanh nghiệp cho thuê lại rút tiền ký quỹ khi chưa có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).
Bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:
a) Để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động;
b) Không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động;
c) Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ, vì lý do kinh tế hoặc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập.
Căn cứ pháp lý: Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Quý thành viên hãy theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều tin tức: