Các quy định pháp luật về việc giới hạn quyền sở hữu công nghiệp năm 2023 có gì mới không? Quy định pháp luật nào mới nhất? – Hồng Phát (Nghệ An).
>> Những lưu ý về đơn đăng ký sở hữu công nghiệp năm 2023
>> Điều kiện bảo hộ quyền đối với giống cây trồng năm 2023
Căn cứ quy định tại Điều 132 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, quyền sở hữu công nghiệp có thể bị hạn chế bởi các yếu tố sau:
- Quyền của người sử dụng trước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp;
- Các nghĩa vụ của chủ sở hữu, bao gồm:
+ Trả thù lao cho tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;
+ Sử dụng sáng chế, nhãn hiệu.
- Chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Toàn văn file word Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành |
Các nội dung nổi bật về giới hạn quyền sở hữu công nghiệp năm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Trong năm 2023, các nội dung nổi bật về giới hạn quyền sở hữu công nghiệp được quy định từ Điều 133 đến Điều 137 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 cụ thể như sau:
Theo Điều 133 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định bộ, cơ quan ngang bộ có quyền nhân danh Nhà nước sử dụng hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng sáng chế thuộc lĩnh vực quản lý của mình nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân và đáp ứng các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu sáng chế hoặc người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng độc quyền (người nắm độc quyền sử dụng sáng chế) theo quy định tại Điều 145 và Điều 146 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Lưu ý: Việc sử dụng sáng chế nêu trên chỉ được giới hạn trong phạm vi và điều kiện chuyển giao quyền sử dụng quy định tại khoản 1 Điều 146 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, trừ trường hợp sáng chế được tạo ra bằng việc sử dụng cơ sở vật chất - kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Đây là một trong những nội dung mới về giới hạn quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại khoản 52 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022, cụ thể đại diện chủ sở hữu nhà nước thông báo công khai trong thời hạn chín mươi ngày để giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu trong các trường hợp sau:
- Tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ không thực hiện nghĩa vụ thông báo theo quy định tại khoản 1 Điều 136a Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được bổ sung tại khoản 54 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022;
- Tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ có văn bản báo cáo đại diện chủ sở hữu nhà nước về việc không có nhu cầu đăng ký;
- Tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ không nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 136a Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được bổ sung tại khoản 54 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022.
Quyền sử dụng trước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được quy định tại Điều 134 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 16 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 như sau:
- Trường hợp trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên (nếu có) của đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp mà có người đã sử dụng hoặc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp đồng nhất với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trong đơn đăng ký nhưng được tạo ra một cách độc lập (sau đây gọi là người có quyền sử dụng trước) thì sau khi văn bằng bảo hộ được cấp, người đó có quyền tiếp tục sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trong phạm vi và khối lượng đã sử dụng hoặc đã chuẩn bị để sử dụng mà không phải xin phép hoặc trả tiền đền bù cho chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ. Việc thực hiện quyền của người sử dụng trước sáng chế, kiểu dáng công nghiệp không bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp.
- Người có quyền sử dụng trước sáng chế, kiểu dáng công nghiệp không được phép chuyển giao quyền đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển giao quyền đó kèm theo việc chuyển giao cơ sở sản xuất, kinh doanh nơi sử dụng hoặc chuẩn bị sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp. Người có quyền sử dụng trước không được mở rộng phạm vi, khối lượng sử dụng nếu không được chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp cho phép.
Theo Điều 135 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 53 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả theo thỏa thuận (trừ trường hợp (*)); nếu không có thỏa thuận thì mức thù lao trả cho tác giả quy định như sau:
- 10% lợi nhuận trước thuế mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;
- 15% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí trước khi nộp thuế theo quy định.
Trường hợp (*): Đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, chủ sở hữu trả thù lao cho tác giả theo quy định sau:
- Tối thiểu 10% và tối đa 15% lợi nhuận trước thuế mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;
- Tối thiểu 15% và tối đa 20% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí trước khi nộp thuế theo quy định.
Lưu ý: Trong trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí có đồng tác giả, mức thù lao nêu trên là mức dành cho các đồng tác giả. Các đồng tác giả tự thỏa thuận việc phân chia số tiền thù lao do chủ sở hữu chi trả.
Bên cạnh đó, nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tồn tại trong suốt thời hạn bảo hộ của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.
Theo Điều 136 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 2 Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019 quy định chủ sở hữu sáng chế có nghĩa vụ sản xuất sản phẩm được bảo hộ hoặc áp dụng quy trình được bảo hộ để đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội. Khi có các nhu cầu quy định tại mục này mà chủ sở hữu sáng chế không thực hiện nghĩa vụ đó thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cho người khác mà không cần được phép của chủ sở hữu sáng chế.
Chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu. Việc sử dụng nhãn hiệu bởi bên nhận chuyển quyền theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu cũng được coi là hành vi sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu. Trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng liên tục từ năm năm trở lên thì Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực theo quy định tại Điều 95 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Đây là nội dung mới được quy định tại Điều 136a Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 54 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022. Trong đó có các nghĩa vụ sau đây:
- Thông báo cho đại diện chủ sở hữu nhà nước trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được tạo ra.
- Nộp đơn đăng ký xác lập quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước tại Việt Nam trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày gửi thông báo cho đại diện chủ sở hữu nhà nước.
- Trả thù lao cho tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí theo quy định tại Điều 135 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Căn cứ Điều 137 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định sáng chế phụ thuộc là sáng chế được tạo ra trên cơ sở một sáng chế khác (sáng chế cơ bản) và chỉ có thể sử dụng được với điều kiện phải sử dụng sáng chế cơ bản. Trong đó:
- Nếu chứng minh được sáng chế phụ thuộc tạo ra một bước tiến quan trọng về kỹ thuật so với sáng chế cơ bản và có ý nghĩa kinh tế lớn, chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc có quyền yêu cầu chủ sở hữu sáng chế cơ bản chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cơ bản với giá cả và điều kiện thương mại hợp lý.
- Nếu chủ sở hữu sáng chế cơ bản không đáp ứng yêu cầu của chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc mà không có lý do chính đáng thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể chuyển giao quyền sử dụng sáng chế đó cho chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc mà không cần được phép của chủ sở hữu sáng chế cơ bản theo quy định tại Điều 145 và Điều 146 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
>> Xem thêm bài viết:
>> Căn cứ xác lập quyền sở hữu trí tuệ năm 2023? Giới hạn quyền sở hữu trí tuệ?
>> Những điểm nổi bật về chủ sở hữu và nội dung quyền sở hữu công nghiệp năm 2023