Đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp năm 2023, cá nhân, doanh nghiệp khi đăng ký sở hữu công nghiệp cần lưu ý những vấn đề gì? – Tấn Phát (Nam Định).
>> Điều kiện bảo hộ quyền đối với giống cây trồng năm 2023
>> Quy định về bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế năm 2023
Theo quy định tại Điều 100 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được bổ sung bởi khoản 32 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 thì đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bao gồm các tài liệu sau:
- Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;
- Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ quy định tại các điều từ Điều 102 đến Điều 106 Luật Sở hữu trí tuệ 2005;
- Giấy uỷ quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;
- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
- Tài liệu thuyết minh về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen trong đơn đăng ký sáng chế, đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen;
- Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Ngoài ra, đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và giấy tờ giao dịch giữa người nộp đơn và cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phải được làm bằng tiếng Việt, trừ các tài liệu sau đây có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp yêu cầu:
- Giấy uỷ quyền;
- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký;
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên;
- Các tài liệu khác để bổ trợ cho đơn.
Trong đó, tài liệu chứng minh quyền ưu tiên đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bao gồm:
- Bản sao đơn hoặc các đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên;
- Giấy chuyển nhượng quyền ưu tiên nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác.
Toàn văn file word Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành |
Những lưu ý về đơn đăng ký sở hữu công nghiệp năm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Trong năm 2023, tính thống nhất của đơn đăng ký sở hữu công nghiệp phải đảm bảo các yêu cầu được quy định tại Điều 101 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, cụ thể:
(1) Mỗi đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chỉ được yêu cầu cấp một văn bằng bảo hộ cho một đối tượng sở hữu công nghiệp duy nhất, trừ trường hợp (2), (3) và (4) dưới đây.
(2) Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp một Bằng độc quyền sáng chế hoặc một Bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho một nhóm sáng chế có mối liên hệ chặt chẽ về kỹ thuật nhằm thực hiện một ý đồ sáng tạo chung duy nhất.
(3) Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp một Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho nhiều kiểu dáng công nghiệp trong các trường hợp sau đây:
- Các kiểu dáng công nghiệp của một bộ sản phẩm gồm nhiều sản phẩm thể hiện ý tưởng sáng tạo chung duy nhất, được sử dụng cùng nhau hoặc để thực hiện chung một mục đích;
- Một kiểu dáng công nghiệp kèm theo một hoặc nhiều phương án là biến thể của kiểu dáng công nghiệp đó, theo ý tưởng sáng tạo chung duy nhất, không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp đó.
(4) Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho một nhãn hiệu dùng cho một hoặc nhiều hàng hoá, dịch vụ khác nhau.
Việc uỷ quyền đại diện trong các thủ tục liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 107 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 như sau:
- Việc uỷ quyền tiến hành các thủ tục liên quan đến việc xác lập, duy trì, gia hạn, sửa đổi, chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ phải được lập thành giấy uỷ quyền.
- Giấy uỷ quyền phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
+ Tên, địa chỉ đầy đủ của bên uỷ quyền và bên được uỷ quyền;
+ Phạm vi uỷ quyền;
+ Thời hạn uỷ quyền;
+ Ngày lập giấy uỷ quyền;
+ Chữ ký, con dấu (nếu có) của bên uỷ quyền.
- Giấy uỷ quyền không có thời hạn uỷ quyền được coi là có hiệu lực vô thời hạn và chỉ chấm dứt hiệu lực khi bên uỷ quyền tuyên bố chấm dứt uỷ quyền.
>> Xem thêm bài viết:
>> Căn cứ xác lập quyền sở hữu trí tuệ năm 2023? Giới hạn quyền sở hữu trí tuệ?
>> Những điểm nổi bật về chủ sở hữu và nội dung quyền sở hữu công nghiệp năm 2023