Các nội dung cần có trong hợp đồng đào tạo nghề 2024 theo Bộ Luật lao động 2019 là gồm những nội dung nào? Rất mong được giải đáp cụ thể. – Thành Đô (Thừa Thiên Huế).
>> Quy định về trợ cấp thôi việc 2024
>> Quy định về tổ chức đối thoại tại nơi làm việc năm 2024
Căn cứ theo khoản 3 Điều 61 và khoản 1 Điều 62 Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động tuyển người lao động vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình, kể cả trường hợp người lao động được đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động thì phải ký hợp đồng đào tạo nghề.
Theo đó, hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu quy định tại khoản 2 Điều 62 Bộ luật Lao động 2019 sau đây:
- Nghề đào tạo;
- Địa điểm, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo;
-Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo;
- Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;
- Trách nhiệm của người sử dụng lao động;
- Trách nhiệm của người lao động.
Bộ luật Lao động 2019 và văn bản hướng dẫn (có hiệu lực từ 18/9/2023)
Các nội dung cần có trong hợp đồng đào tạo nghề 2024 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo khoản 3 Điều 62 Bộ luật Lao động 2019 thì chi phí đào tạo bao gồm:
- Các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học.
- Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.
Căn cứ khoản 1 Điều 14 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
“Điều 14. Vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề
1. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: không đào tạo cho người lao động trước khi chuyển người lao động sang làm nghề khác cho mình; hợp đồng đào tạo nghề không có các nội dung chủ yếu theo quy định tại khoản 2 Điều 62 của Bộ luật Lao động; thu học phí của người học nghề, tập nghề để làm việc cho mình; không ký hợp đồng đào tạo với người học nghề, tập nghề để làm việc cho mình đối với trường hợp người sử dụng lao động không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 61 của Bộ luật Lao động; không trả lương cho người học nghề, tập nghề trong thời gian họ học nghề, tập nghề mà trực tiếp hoặc tham gia lao động; không ký kết hợp đồng lao động đối với người học nghề, người tập nghề khi hết thời hạn học nghề, tập nghề và đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.”
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 6. Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.”
Như vậy, doanh nghiệp có hành vi giao kết hợp đồng đào tạo nghề mà không có các nội dung chủ yếu của hợp đồng đào tạo theo quy định tại Mục 1 bài viết này thì có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 40 triệu đồng tùy số lượng người lao động bị vi phạm.