Người lao động nghỉ từ 14 ngày trở lên đóng BHXH như thế nào? Dưới đây là 04 lưu ý cho doanh nghiệp khi đóng BXXH khi người lao động nghỉ từ 14 ngày trở lên trong tháng.
>> NLĐ lưu ý: CN bảo hiểm thất nghiệp Quận 8 chuyển địa điểm mới
>> Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp 2024
Căn cứ khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động không làm việc và không nhận lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì sẽ không đóng BHXH cho tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, ngoại trừ trường hợp nghỉ việc để hưởng chế độ thai sản.
Mặt khác, tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghỉ phép năm như sau:
1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Theo đó, nếu người lao động không làm việc và không nhận lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong một tháng, họ sẽ không tham gia đóng BHXH cho tháng đó. Tuy nhiên, trong thời gian nghỉ phép năm, người lao động vẫn được trả lương đầy đủ.
Do đó, việc người lao động nghỉ phép năm không ảnh hưởng đến việc đóng BHXH.
Công cụ tính số tiền nhận bảo hiểm xã hội một lần |
4 lưu ý cho doanh nghiệp đóng BHXH cho lao động nghỉ từ 14 ngày trong tháng
(Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Vậy, trường hợp người lao động nghỉ việc riêng thì thời tính thời gian làm việc để đóng BHXH như thế nào?
Căn cứ khoản 1, khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghỉ việc riêng của người lao động:
- Người lao động được nghỉ việc riêng có hưởng lương khi thông báo với người sử dụng lao động trong các trường hợp sau: kết hôn (03 ngày), con kết hôn (01 ngày), cha mẹ, cha mẹ nuôi, vợ/chồng, con qua đời (03 ngày).
- Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày khi thông báo với người sử dụng lao động trong các trường hợp: ông bà nội, ngoại; anh, chị, em ruột mất; cha mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
Theo đó, trong trường hợp người lao động nghỉ việc riêng, doanh nghiệp vẫn phải đóng BHXH cho người lao động nếu họ không làm việc và không nhận lương dưới 14 ngày trong tháng.
Ngược lại, nếu người lao động không làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày trở lên, doanh nghiệp sẽ không cần đóng BHXH cho khoảng thời gian đó.
Trong thời gian người lao động nghỉ chế độ thai sản như:
- Nghỉ khám thai: 05 lần, mỗi lần 01 ngày hoặc 02 ngày.
- Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý: tối đa 50 ngày.
- Khi sinh con: 06 tháng với lao động nữ hoặc tối đa 14 ngày đối với lao động nam.
Vậy thời gian này doanh nghiệp có đóng BHXH không?
Căn cứ khoản 6 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động.
Như vậy, người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH.
Căn cứ Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời gian nghỉ chế độ ốm đau của người lao động như sau:
(i) Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường
- Đóng BHXH dưới 15 năm: được hưởng 30 ngày nghỉ.
- Đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm: được hưởng 40 ngày nghỉ.
- Đóng từ đủ 30 năm trở lên: được hưởng 60 ngày nghỉ.
(ii) Người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên:
- Đóng BHXH dưới 15 năm: được hưởng 40 ngày nghỉ.
- Đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm: được hưởng 50 ngày nghỉ.
- Đóng từ đủ 30 năm trở lên: được hưởng 70 ngày nghỉ.
(iii) Người lao động còn được nghỉ trên 180 ngày nếu mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày.
Vậy thời gian này doanh nghiệp có đóng BHXH không?
Căn cứ khoản 5 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.
Như vậy, người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong thì không phải đóng BHXH.
Tóm lại, 4 lưu ý cho doanh nghiệp về đóng BHXH khi lao động nghỉ từ 14 ngày trong tháng:
(i) Nghỉ phép năm: Người lao động nghỉ phép năm vẫn được hưởng lương nên việc đóng BHXH không bị ảnh hưởng.
(ii) Nghỉ việc riêng: Doanh nghiệp phải đóng BHXH nếu người lao động nghỉ không hưởng lương dưới 14 ngày. Nếu nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày trở lên, doanh nghiệp không phải đóng BHXH.
(iii) Nghỉ thai sản: Khi người lao động nghỉ hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày trở lên không phải đóng BHXH.
(iv) Nghỉ ốm đau: Người lao động nghỉ hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên không phải đóng BHXH.