Dưới đây là thông tin về các trường hợp ngừng đình công, trình tự ngừng đình công và thủ tục thực hiện ngừng đình công theo quy định tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
>> Đà Nẵng bắn pháo hoa Tết Nguyên đán, Tết Ất tỵ 2025 tại 03 điểm
>> Tổng hợp 38 công việc ảnh hưởng tới lao động nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi
Căn cứ khoản 2 Điều 109 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, ngừng đình công là việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân (“UBND”) cấp tỉnh ra quyết định tạm dừng cuộc đình công đang diễn ra cho đến khi không còn nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng, đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con người.
Căn cứ khoản 4 Điều 109 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, các trường hợp ngừng đình công bao gồm:
(i) Khi đình công diễn ra trên địa bàn xuất hiện thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm hoặc tình trạng khẩn cấp.
(ii) Khi đình công diễn ra đến ngày thứ ba tại các đơn vị cung cấp điện, nước, vệ sinh công cộng làm ảnh hưởng tới môi trường, điều kiện sinh hoạt và sức khỏe của nhân dân tại thành phố thuộc tỉnh.
(iii) Khi đình công diễn ra có các hành vi bạo động, gây rối làm ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của nhà đầu tư, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng, đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con người.
Như vậy, khi đình công thuộc các trường hợp trên chủ tịch UBND tỉnh sẽ thực hiện ngừng đình công.
File Word Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn mới nhất |
03 trường hợp thực hiện ngừng đình công
(Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ Điều 111 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, trình tự, thủ tục thực hiện ngừng đình công như sau:
(i) Khi xét thấy cuộc đình công thuộc các trường hợp quy định tại Mục 1.2, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phải báo cáo ngay Chủ tịch UBND cấp huyện về việc ngừng đình công.
(ii) Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định ngừng đình công, đồng thời gửi Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đề nghị ngừng đình công gửi Chủ tịch UBND cấp tỉnh gồm các nội dung cơ bản sau:
- Tên người sử dụng lao động nơi đang diễn ra đình công.
- Tên tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.
- Địa điểm đình công.
- Thời điểm bắt đầu đình công.
- Phạm vi diễn ra đình công.
- Số lượng người lao động đang tham gia đình công.
- Yêu cầu của tổ chức đại diện người lao động.
- Lý do ngừng đình công.
- Kiến nghị về việc ngừng đình công và các biện pháp để thực hiện quyết định ngừng đình công của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
(iii) Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được báo cáo của Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải có ý kiến để Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét quyết định ngừng đình công.
(iv) Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được ý kiến của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, ra quyết định ngừng đình công.
(v) Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ra quyết định, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải thông báo cho Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công, người sử dụng lao động nơi đang diễn ra đình công.
Quyết định ngừng đình công của Chủ tịch UBND cấp tỉnh có hiệu lực kể từ ngày ký.
(vi) Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định ngừng đình công, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công, người lao động, người sử dụng lao động và các cá nhân, tổ chức liên quan phải thực hiện ngay việc ngừng đình công theo quy định.
(vii) Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định ngừng đình công, Chủ tịch UBND cấp huyện phải báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh về kết quả thực hiện ngừng đình công.