Dưới đây là quy định về 02 khoản tiền người lao động cao tuổi khi nghỉ việc không được lấy và những chế độ dành cho người lao động cao tuổi năm 2025 mà doanh nghiệp cần biết.
>> 06 tranh chấp lao động được khởi kiện tại tòa án mà không cần hòa giải
>> Mẫu khai báo tai nạn lao động mới nhất 2025
Căn cứ khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019, quy định trợ cấp thôi việc như sau:
Trợ cấp thôi việc
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
Theo đó, khi chấm dứt hợp đồng lao động thuộc các trường hợp quy định thì công ty có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ các trường hợp sau:
- Người đủ điều kiện hưởng lương hưu được quy định tại Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019).
- Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên.
Như vậy, nếu đủ điều kiện hưởng lương hưu thì người lao động cao tuổi khi nghỉ việc sẽ không được hưởng tiền trợ cấp thôi việc.
Lưu ý: Nếu chưa đủ điều hưởng lương hưu thì người lao động cao tuổi vẫn được chi trả trợ cấp thôi việc. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đóng BHXH đủ 20 năm thì người lao động cao tuổi vẫn được lấy tiền trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động.
02 khoản tiền người lao động cao tuổi khi nghỉ việc không được lấy (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 1 Điều 49 Luật Việc làm 2013, chấm dứt hợp đồng lao động là một trong các điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật.
- Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Theo đó, nếu người lao động cao tuổi hưởng lương hưu thì sẽ không được chi trả trợ cấp thất nghiệp khi nghỉ việc.
Mặt khác, căn cứ khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019, quy định như sau:
Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
…
3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, dù không được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi nghỉ việc như người lao động được công ty chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Lưu ý: Nếu chưa hưởng lương hưu hằng tháng, khi nghỉ việc người lao động cao tuổi vẫn được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013.
Như vậy, 02 khoản tiền người lao động cao tuổi khi nghỉ việc không được lấy là tiền trợ cấp thôi việc và tiền trợ cấp thất nghiệp.
![]() |
File Word Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn mới nhất [cập nhật ngày 21/10/2024] |
Quý khách hàng xem chi tiết: TẠI ĐÂY