Khi nào luật sư được chuyển giao vụ việc đã nhận cho luật sư khác làm thay?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
28/02/2024 16:30 PM

Tôi muốn biết khi nào luật sư được chuyển giao vụ việc đã nhận cho luật sư khác làm thay? – An Hương (Cà Mau)

Khi nào luật sư được chuyển giao vụ việc đã nhận cho luật sư khác làm thay?

Khi nào luật sư được chuyển giao vụ việc đã nhận cho luật sư khác làm thay? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Khái quát chung về luật sư theo Luật Luật sư

Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật Luật sư 2006 (sửa đổi 2012), thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Theo đó, công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư. Ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn này, cá nhân muốn được hành nghề luật sư thì cũng cần phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.

Luật sư được lựa chọn một trong hai hình thức hành nghề sau đây:

- Hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư được thực hiện bằng việc thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư; làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư.

- Hành nghề với tư cách cá nhân theo quy định tại Điều 49 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi 2012).

(Điều 2 10, 11, 23 Luật Luật sư 2006, sửa đổi 2012)

Khi nào luật sư được chuyển giao vụ việc đã nhận cho luật sư khác làm thay?

Tại Điều 24 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi 2012) đã quy định về việc nhận và thực hiện vụ việc của khách hàng như sau:

- Luật sư tôn trọng sự lựa chọn luật sư của khách hàng; chỉ nhận vụ, việc theo khả năng của mình và thực hiện vụ, việc trong phạm vi yêu cầu của khách hàng.

- Khi nhận vụ, việc, luật sư thông báo cho khách hàng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng.

- Luật sư không chuyển giao vụ, việc mà mình đã nhận cho luật sư khác làm thay, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc trường hợp bất khả kháng.

Như vậy, khi nào được khách hàng đồng ý hoặc trường hợp bất khả kháng thì luật sư đã nhận vụ việc của khách hàng có thể chuyển giao cho một luật sư khác thực hiện thay.

Và luật sư được chuyển giao vụ việc phải có trách nhiệm thực hiện vụ việc của khách hàng theo đúng Quy tắc 12 - Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 201/QĐ-HĐLSTQ năm 2019.

Ngoài ra, còn phải đảm bảo bí mật thông tin của vụ việc, cụ thể:

- Luật sư không được tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.

- Luật sư không được sử dụng thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

(Điều 24 và Điều 25 Luật Luật sư 2006, sửa đổi 2012)

Phạm vi hành nghề luật sư theo Luật Luật sư

Điều 22 Luật Luật sư 2006, sửa đổi 2012 quy định về phạm vi hành nghề luật sư như sau:

- Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.

- Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện tư vấn pháp luật.

- Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật.

- Thực hiện dịch vụ pháp lý khác theo quy định của Luật Luật sư 2006, sửa đổi 2012.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,529

Bài viết về

lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]