Văn bản công chứng điện tử có hiệu lực khi nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
14/12/2024 13:45 PM

Triển khai hình thức công chứng điện tử từ 01/7/2025 là một trong những điểm mới tại Luật Công chứng 2024.

Văn bản công chứng điện tử có hiệu lực khi nào? (Hình từ internet)

Ngày 26/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Công chứng 2024, thay thế Luật Công chứng 2014.

Từ 01/7/2025, sẽ triển khai hình thức công chứng điện tử

Luật Công chứng 2024 đã bổ sung quy định mới về công chứng điện tử tại Mục 3 Chương V. 

Theo đó, công chứng điện tử là việc công chứng được thực hiện bằng phương tiện điện tử để tạo lập văn bản công chứng điện tử.

Để cung cấp dịch vụ công chứng điện tử, công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng phải đáp ứng các điều kiện sau: 

(1) Công chứng viên được cung cấp dịch vụ công chứng điện tử khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Có tài khoản để thực hiện công chứng điện tử;

- Có chữ ký số và sử dụng dịch vụ cấp dấu thời gian theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

(2) Tổ chức hành nghề công chứng được cung cấp dịch vụ công chứng điện tử khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Có tài khoản để thực hiện công chứng điện tử;

- Có chữ ký số và sử dụng dịch vụ cấp dấu thời gian theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;

- Có đủ trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công chứng điện tử.

Như vậy, theo quy định mới, sẽ triển khai hình thức công chứng điện tử từ 01/7/2025.

Xem chi tiết: 04 quy định về công chứng điện tử từ ngày 01/7/2025

Văn bản công chứng điện tử có hiệu lực khi nào?

Theo Điều 6 Luật Công chứng 2024 quy định về hiệu lực và giá trị pháp lý của văn bản công chứng như sau: 

- Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ thời điểm được công chứng viên ký và tổ chức hành nghề công chứng đóng dấu vào văn bản; trường hợp là văn bản công chứng điện tử thì có hiệu lực kể từ thời điểm được ký bằng chữ ký số của công chứng viên và chữ ký số của tổ chức hành nghề công chứng.

- Văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan, là cơ sở để các bên tham gia giao dịch đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các thủ tục liên quan đến giao dịch đã được công chứng.

- Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

Như vậy, văn bản công chứng điện tử có hiệu lực kể từ thời điểm được ký bằng chữ ký số của công chứng viên và chữ ký số của tổ chức hành nghề công chứng.

Được biết, văn bản công chứng chứng thư điện tử được tạo lập theo nguyên tắc và phạm vi quy định tại Điều 62 Luật Công chứng 2024.

- Văn bản công chứng điện tử có hiệu lực kể từ thời điểm được ký bằng chữ ký số của công chứng viên và chữ ký số của tổ chức hành nghề công chứng.

- Văn bản công chứng điện tử có giá trị pháp lý theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Luật Công chứng 2024.

- Việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản công chứng điện tử và văn bản công chứng giấy được thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Văn bản công chứng được chuyển đổi có giá trị như bản gốc khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, trừ trường hợp pháp luật quy định loại văn bản đó được chuyển giao quyền sở hữu và chỉ được tồn tại dưới một hình thức duy nhất.

(Điều 64 Luật Công chứng 2024)

Luật Công chứng 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 314

Bài viết về

lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]