Trường hợp nào công chứng viên không được thành lập, tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới từ 01/7/2025?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
19/12/2024 07:30 AM

Sau đây là bài viết về các trường hợp công chứng viên không được thành lập, tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới từ 01/7/2025 được quy định trong Luật Công chứng 2024.

Trường hợp nào công chứng viên không được thành lập, tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới từ 01/7/2025?

Trường hợp nào công chứng viên không được thành lập, tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới từ 01/7/2025? (Hình từ Internet)

Luật Công chứng 2024 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 26/11/2024.

Trường hợp nào công chứng viên không được thành lập, tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới từ 01/7/2025?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Công chứng 2024 thì công chứng viên thuộc một trong các trường hợp sau đây không được thành lập, tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới:

- Đang là viên chức của Phòng công chứng;

- Đang là thành viên hợp danh của 01 Văn phòng công chứng;

- Đang là Trưởng Văn phòng công chứng của Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân;

- Chưa hết thời hạn 02 năm theo quy định tại khoản 6 Điều 27, khoản 5 Điều 31 và khoản 4 Điều 34 Luật Công chứng 2024, cụ thể:

Điều 27. Chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng

...

6. Trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh theo quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều này, công chứng viên đã chấm dứt tư cách thành viên hợp danh vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của Văn phòng công chứng phát sinh trong thời gian là thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng đó; hết thời hạn này, công chứng viên mới được thành lập, tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới, hợp danh vào Văn phòng công chứng khác hoặc mua Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

...

Điều 31. Bán Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân

...

5. Hết thời hạn 02 năm kể từ ngày bán Văn phòng công chứng theo quy định tại Điều này, công chứng viên đã bán Văn phòng công chứng mới được thành lập, tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới, hợp danh vào Văn phòng công chứng khác hoặc mua Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

...

Điều 34. Chấm dứt hoạt động Văn phòng công chứng

...

4. Hết thời hạn 02 năm kể từ ngày quyết định thu hồi giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng có hiệu lực thi hành, thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng, Trưởng Văn phòng công chứng của Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này mới được thành lập, tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới, hợp danh vào Văn phòng công chứng khác, mua Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.”

Lưu ý:

- Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Công chứng 2024 và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh; tại các đơn vị hành chính cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh, Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Công chứng 2024 và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.

Chính phủ quy định danh mục các đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân và việc chuyển đổi loại hình Văn phòng công chứng tại các đơn vị hành chính cấp huyện này.

- Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh phải có từ 02 thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn. Các thành viên hợp danh phải là công chứng viên và có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề của Văn phòng công chứng. Trưởng Văn phòng công chứng phải là thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ đủ 02 năm trở lên.

Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là Trưởng Văn phòng công chứng và phải là công chứng viên đã hành nghề công chứng từ đủ 02 năm trở lên. (Theo khoản 1, 2 Điều 23 Luật Công chứng 2024)

Xem thêm Luật Công chứng 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

Luật Công chứng 2014 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Công chứng 2024 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 6, 7, 9, 11, 12 và 14 Điều 76 Luật Công chứng 2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 137

Bài viết về

lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]