Tải App trên Android

Các yêu cầu đối với tên của Văn phòng công chứng từ 01/7/2025

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
18/12/2024 06:30 AM

Bài viết sau có nội dung về các yêu cầu đối với tên của Văn phòng công chứng từ 01/7/2025 được quy định trong Luật Công chứng 2024.

Các yêu cầu đối với tên của Văn phòng công chứng từ 01/7/2025

Các yêu cầu đối với tên của Văn phòng công chứng từ 01/7/2025 (Hình từ Internet)

Luật Công chứng 2024 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 26/11/2024.

Các yêu cầu đối với tên của Văn phòng công chứng từ 01/7/2025

Theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Công chứng 2024 thì tên của Văn phòng công chứng bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” và tên riêng bằng tiếng Việt do các thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh thỏa thuận lựa chọn hoặc công chứng viên là Trưởng Văn phòng công chứng của Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân lựa chọn, bảo đảm các yêu cầu sau đây:

- Không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của Văn phòng công chứng;

- Không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác đang hoạt động trong phạm vi toàn quốc;

- Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Còn theo quy định hiện hành thì tên của Văn phòng công chứng được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 22 Luật Công chứng 2014 như sau: Tên gọi của Văn phòng công chứng phải bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng do các công chứng viên hợp danh thỏa thuận, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Hướng dẫn thành lập Văn phòng công chứng từ 01/7/2025

Việc thành lập Văn phòng công chứng được quy định cụ thể tại Điều 24 Luật Công chứng 2024 được thực hiện như sau:

- Căn cứ vào quy định của pháp luật về điều kiện thành lập Văn phòng công chứng, công chứng viên đề nghị thành lập Văn phòng công chứng lập hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng gửi đến Sở Tư pháp nơi dự kiến thành lập Văn phòng công chứng.

- Công chứng viên thuộc một trong các trường hợp sau đây không được thành lập, tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới:

+ Đang là viên chức của Phòng công chứng;

+ Đang là thành viên hợp danh của 01 Văn phòng công chứng;

+ Đang là Trưởng Văn phòng công chứng của Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân;

+ Chưa hết thời hạn 02 năm theo quy định tại khoản 6 Điều 27, khoản 5 Điều 31 và khoản 4 Điều 34 Luật Công chứng 2024.

- Văn phòng công chứng thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế và các chính sách ưu đãi khác theo quy định của Chính phủ.

- Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập Văn phòng công chứng.

Xem thêm Luật Công chứng 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

Luật Công chứng 2014 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Công chứng 2024 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 6, 7, 9, 11, 12 và 14 Điều 76 Luật Công chứng 2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 93

Bài viết về

lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]