Có phải đổi giấy tờ tùy thân khi cơ quan cấp giấy tờ bị tinh gọn?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
20/02/2025 16:00 PM

Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc về có phải đổi giấy tờ tùy thân khi cơ quan cấp giấy tờ bị tinh gọn?

Có phải đổi giấy tờ tùy thân khi cơ quan cấp giấy tờ bị tinh gọn? (Hình từ internet)

Ngày 19/02/2025, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết 190/2025/QH15 quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

1. Có phải đổi giấy tờ tùy thân khi cơ quan cấp giấy tờ bị tinh gọn?

Theo đó, tại Điều 10 Nghị quyết 190/2025/QH15 quy định về xử lý một số vấn đề về văn bản, giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền ban hành, cấp khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước như sau: 

- Văn bản, giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền ban hành, cấp trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà chưa hết hiệu lực hoặc chưa hết thời hạn sử dụng thì tiếp tục được áp dụng, sử dụng theo quy định của pháp luật cho đến khi hết thời hạn hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ, thu hồi bởi cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc cơ quan, người có thẩm quyền.

- Không được yêu cầu tổ chức, cá nhân làm thủ tục cấp đổi giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền cấp trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước khi các giấy tờ này chưa hết thời hạn sử dụng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật không còn được áp dụng do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành hoặc liên tịch với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ khác ban hành trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà sau khi sắp xếp không xác định được cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ văn bản.

Như vậy, theo quy định nêu trên, giấy tờ tùy thân đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà chưa hết thời hạn sử dụng thì tiếp tục sử dụng theo quy định của pháp luật. 

2. Giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước

Giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước được quy định tại Điều 13 Nghị quyết 190/2025/QH15 như sau: 

(1) Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, ban hành văn bản giải quyết hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của Quốc hội khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, định kỳ hằng quý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

(2) Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Tổng Kiểm toán nhà nước, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, ban hành văn bản hoặc ủy quyền ban hành văn bản để giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

(3) Cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản (1) và khoản (2) có thể ban hành văn bản hành chính để hướng dẫn giải quyết các vấn đề phát sinh. Việc ban hành văn bản hành chính phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Mục đích ban hành văn bản hành chính là để kịp thời hướng dẫn giải quyết các vấn đề phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 190/2025/QH15;

- Nội dung hướng dẫn phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền hướng dẫn và các nguyên tắc quy định tại Điều 2 Nghị quyết 190/2025/QH15;

- Không quy định thêm yêu cầu, điều kiện hoặc làm tăng thời gian giải quyết, phát sinh chi phí, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện;

- Văn bản hướng dẫn phải được công khai theo các phương thức quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị quyết 190/2025/QH15.

(4) Cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản (1) và khoản (2) có trách nhiệm đồng thời tổ chức xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan, người có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh nội dung quy định tại văn bản hành chính hoặc nội dung đã ủy quyền ban hành.

Văn bản hành chính, văn bản được ban hành theo ủy quyền phải được cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản đó bãi bỏ ngay khi văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành có hiệu lực thi hành.

Xem thêm tại Nghị quyết 190/2025/QH15 có hiệu lực từ ngày 19/02/2025.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 39

Bài viết về

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]