Thông báo 2056 về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy TP Hà Nội (Hình từ internet)
Ban Thường vụ Thành ủy Hà nội có Thông báo 2056-TB/TU về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố Hà Nội.
Theo đó, thống nhất về phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị Thành phố như sau:
(1) Các cơ quan, tổ chức đảng
(1.1) Cấp Thành phố
(1) Hợp nhất Ban Tuyên giáo Thành ủy và Ban Dân vận Thành ủy thành Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy.
(2) Kết thúc hoạt động của 03 đảng ủy: Đảng ủy Khối các cơ quan Thành phố, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Hà Nội và Đảng ủy các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội.
(3) Kết thúc hoạt động của 03 ban cán sự đảng (Ban cán sự đảng UBND Thành phố, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân Thành phố, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố), 08 đảng đoàn thuộc Thành ủy (Đảng đoàn HĐND Thành phố, Đảng đoàn Ủy ban MTTQ Thành phố, Đảng đoàn Liên đoàn Lao động Thành phố, Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, Đảng đoàn Hội Nông dân Thành phố, Đảng đoàn Hội Cựu chiến binh Thành phố, Đảng đoàn Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Thành phố, Đảng đoàn Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Thành phố).
(4) Thành lập 02 đảng bộ:
- Đảng bộ Các cơ quan Đảng thành phố Hà Nội trực thuộc Thành ủy, gồm các đảng bộ (chi bộ) trong các cơ quan tham mưu, giúp việc của Thành ủy (Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo và Dân vận, Ban Nội chính, Văn phòng Thành ủy), Báo Hànộimới, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân, các hội quần chúng cấp Thành phố do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
- Đảng bộ Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trực thuộc Thành ủy, gồm các đảng bộ (chi bộ) trong các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND Thành phố, một số doanh nghiệp nhà nước (tùy theo quy mô, tính chất quan trọng của đảng bộ doanh nghiệp).
(5) Rà soát lại tất cả hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ thực sự cần thiết.
(1.2) Cấp huyện
(1) Hợp nhất Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận quận, huyện, thị ủy thành Ban Tuyên giáo và Dân vận quận, huyện, thị ủy.
(2) Rà soát lại tất cả hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ thực sự cần thiết.
(2) Các cơ quan của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố; Hội đồng nhân dân Thành phố và Hội đồng nhân dân cấp huyện
Giữ nguyên tổ chức bộ máy như hiện nay, cấp Thành phố gồm Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Thành phố và 04 ban (Pháp chế, Kinh tế và Ngân sách, Đô thị, Văn hóa - Xã hội), cấp huyện gồm 02 ban (Pháp chế, Văn hóa - Xã hội).
(3) Các sở và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố
Dự kiến Thành phố giảm từ 21 sở và cơ quan chuyên môn còn 15 sở, cụ thể tên gọi như sau:
(1) Văn phòng UBND Thành phố (sáp nhập Sở Ngoại vụ);
(2) Thanh tra Thành phố;
(3) Sở Tư pháp;
(4) Sở Văn hóa và Thể thao;
(5) Sở Tài chính (hợp nhất Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư);
(6) Sở Nông nghiệp và Môi trường (hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);
(7) Sở Khoa học và Công nghệ (hợp nhất Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Thông tin và Truyền thông);
(8) Sở Nội vụ (hợp nhất Sở Nội vụ và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội); (9) Sở Y tế;
(10) Sở Giáo dục và Đào tạo;
(11) Sở Công Thương;
(12) Sở Dân tộc và Tôn giáo (Ban Dân tộc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và đổi tên);
(13) Sở Xây dựng (hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải); (14) Sở Du lịch;
(15) Sở Quy hoạch - Kiến trúc.
(4) Các phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện
Dự kiến các quận, huyện, thị xã giảm từ 12 phòng chuyên môn (riêng UBND huyện Ba Vì có 13 phòng) còn 10 phòng, cụ thể tên gọi như sau:
(1) Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện;
(2) Thanh tra quận, huyện, thị xã;
(3) Phòng Tư pháp;
(4) Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin (Phòng Văn hóa - Thông tin tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và đổi tên);
(5) Phòng Tài chính - Kế hoạch;
(6) Phòng Nông nghiệp và Môi trường (ở các quận là Phòng Tài nguyên và Môi trường);
(7) Phòng Nội vụ (hợp nhất Phòng Nội vụ và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội);
(8) Phòng Y tế;
(9) Phòng Giáo dục và Đào tạo;
(10) Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (hợp nhất Phòng Kinh tế và Phòng Quản lý đô thị).