Giảm số giờ làm nội trợ, chăm sóc gia đình không lương của phụ nữ (mục tiêu năm 2025)

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
20/02/2025 17:35 PM

Mục tiêu giảm số giờ làm nội trợ, chăm sóc gia đình không lương của phụ nữ so với nam giới theo Báo cáo 102/BC-CP sẽ đạt được trong năm 2025.

Giảm số giờ làm nội trợ, chăm sóc gia đình không lương của phụ nữ (mục tiêu năm 2025)

Giảm số giờ làm nội trợ, chăm sóc gia đình không lương của phụ nữ (mục tiêu năm 2025) (Hình từ Internet)

Ngày 15/02/2025, Chính phủ có Báo cáo 102/BC-CP kết quả thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới. 

Giảm số giờ làm nội trợ, chăm sóc gia đình không lương của phụ nữ (mục tiêu năm 2025)

Để thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả công tác bình đẳng giới, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024: Tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; tổ chức triển khai thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; huy động, bố trí nguồn lực; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong công tác bình đẳng giới. Tất cả các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng Kế hoạch và triển khai công tác bình đẳng giới, tiến bộ của phụ nữ năm 2024 và hướng tới mục tiêu năm 2025.

Mục tiêu giảm số giờ làm nội trợ, chăm sóc gia đình không lương của phụ nữ

Mục tiêu bình đẳng giới trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới theo Báo cáo 102/BC-CP với 4 chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu giảm số giờ làm nội trợ, chăm sóc gia đình không lương của phụ nữ như sau:

(1) Giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới.

Theo kết quả sơ bộ từ điều tra Lao động việc làm năm 2024, số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của nữ giới là 15,5 giờ/tuần, nam giới là 8,6 giờ/tuần số giờ trung bình của phụ nữ gấp 1,8 lần so với nam giới (so với năm 2023 thì thời gian làm việc nhà của cả nữ và nam trong năm 2024 đều giảm, trong đó thời gian làm việc nhà của nữ giới giảm nhiều hơn so với nam giới, năm 2023 nữ làm 16,13 giờ/tuần, nam làm 8,75 giờ/tuần tương đương gần 1,9 lần); Với xu hướng này, chỉ tiêu này có thể đạt mục tiêu như Chiến lược đề ra vào năm 2025.

Ngoài ra các chỉ tiêu còn lại được đề cập như sau:

(2) Đến năm 2025 đạt 80% và đến 2030 đạt 90% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; đến năm 2025 đạt 50% và đến năm 2030 đạt 70% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn.

Theo số liệu tổng hợp, năm 2024 có 2.194 hộ xảy ra bạo lực gia đình với tổng số 2.303 vụ (năm 2023 là 3.240 vụ ). Trong tổng số vụ bạo lực gia đình, bạo lực tinh thần là hình thức bạo lực xảy ra nhiều nhất với 1.058 vụ, tiếp đến là bạo lực thân thể 1.037 vụ, bạo lực kinh tế 153 vụ và bạo lực tình dục 65 vụ. Có 2.256 nạn nhân của bạo lực gia đình, trong đó: nạn nhân nữ là 1.976 người, chiếm 87,6% (năm 2023 là 2.628 người, chiếm 82,3%); nạn nhân là nam giới là 280 người, chiếm 12,4%, năm 2023 là 565 người, chiếm 17,7%.” Như vậy, so với năm 2023 số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm. Năm 2024 có 2486 nan nhân bị bạo lực nhận được một trong các dịch vụ cơ bản.

Năm 2024, tổng số người gây bạo lực gia đình là 2.246 người (năm 2023 là 3.208 người ), trong đó nam giới là 1.991 người chiếm (88,6%), nữ giới là 255 người chiếm (11,4%). Số người gây bạo lực gia đình bị chịu các hình thức xử lý là 2.146/2.246 người (95,5%), trong đó biện pháp chủ yếu là góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư (1.643 người, chiếm 76,7%); áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc 76 người; Áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã/phường/thị trấn 118 người; xử phạt vi phạm hành chính 203 người; xử lý hình sự 106 người. Chỉ tiêu này đạt mục tiêu đề ra đến năm 2025.

Năm 2024 có 2.486 lượt nạn nhân trên tổng số 2.256 nạn nhân bị bạo lực gia đình nhận được một trong các dịch vụ cơ bản. Nội dung này đạt mục tiêu đề ra đến năm 2025.

Theo số liệu báo cáo của các địa phương, khoảng 81,4% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2025.

(3): Từ năm 2025 trở đi, 100% số nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng.

Trong năm 2024 có 327 người được tiếp nhận xác minh trong đó xác nhận 255 người là nạn nhân của mua bán người (163 người là nữ, 92 người là nam giới). Trên cơ sở nhu cầu của nạn nhân các lực lượng chức năng đã hỗ trợ cho 207 người (bao gồm cả những nạn nhân trở về từ năm trước và những người nghi là nạn nhân). Như vậy, 100% nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ đều được hưởng các dịch vụ hỗ trợ.

(4): Đến năm 2025 có 70% và năm 2030 có 100% cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Hiện nay cả nước có 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 195 cơ sở trợ giúp xã hội công lập. 100% cơ sở trợ giúp xã hội công lập đều triển khai nhiệm vụ trợ giúp cho đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục, nạn nhân bị buôn bán, nạn nhân bị cưỡng bức lao động theo quy định. Đến nay, cả nước có khoảng trên 235.000 người làm công tác xã hội, trong đó có trên 35.000 công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở xã hội công lập và ngoài công lập, gần 100.000 người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp (Phụ nữ, thanh niên, hội chữ thập đỏ, hội người cao tuổi, mặt trận tổ quốc, hội nông dân, liên đoàn lao động, cựu chiến binh); khoảng 100.000 cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình,... tạo thành mạng lưới cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội và người có hoàn cảnh khó khăn ở các cơ sở và cộng đồng, trong đó bao gồm nạn nhân bị bạo lực gia đình.

 Lê Quang Nhật Minh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 22

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]