Dân quân tự vệ bị tai nạn khi làm nhiệm vụ có thể được hưởng trợ cấp hơn 140 triệu đồng theo Nghị định 16/2025 (Hình từ Internet)
Ngày 04/02/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 16/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 72/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dân quân tự vệ 2019 về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.
Theo đó, tại điểm a khoản 3 Điều 15 Nghị định 72/2020/NĐ-CP (sửa đổi điểm a khoản 7 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP) thì mức hưởng chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm xã hội nếu bị tai nạn khi làm nhiệm vụ như sau:
Trong thời gian điều trị tai nạn được hưởng chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 72/2020/NĐ-CP kể cả trường hợp vết thương tái phát cho đến khi xuất viện, cụ thể:
“Điều 14. Điều kiện, mức hưởng, trình tự, thủ tục và cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho Dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm y tế nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương
...
2. Mức hưởng
Chi phí khám bệnh, chữa bệnh như mức hưởng bảo hiểm y tế cho hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ. Trong thời gian điều trị nội trú được bảo đảm tiền ăn bệnh lý. Trường hợp Dân quân tự vệ đang điều trị nội trú, nhưng hết thời gian làm nhiệm vụ thì được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và tiền ăn bệnh lý nhưng tối đa không quá 15 ngày; nếu hết 15 ngày bệnh vẫn chưa ổn định thì điều trị đến khi ổn định và được thanh toán 100% tiền khám, chữa bệnh.”
Nếu tai nạn làm suy giảm khả năng lao động 5% thì được hưởng trợ cấp một lần bằng 11.700.000 đồng; sau đó, cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng 1.170.000 đồng; suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì được hưởng 140.400.000 đồng.
Cỏn theo quy định hiện hành thì mức hưởng chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm xã hội nếu bị tai nạn khi làm nhiệm vụ được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 15 Nghị định 72/2020/NĐ-CP như sau:
Điều 15. Điều kiện, mức hưởng, trình tự, thủ tục và cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí, chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm xã hội nếu bị tai nạn, chết Mức hưởng: Trường hợp bị tai nạn: Trong thời gian điều trị tai nạn được hưởng như quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 72/2020/NĐ-CP kể cả trường hợp vết thương tái phát cho đến khi xuất viện. Nếu tai nạn làm suy giảm khả năng lao động 5% thì được hưởng 7.450.000 đồng; sau đó, cứ suy giảm 1% thì được hưởng thêm 745.000 đồng; |
Như vậy, Dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm xã hội khi làm nhiệm vụ bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì được hưởng 140.400.000 đồng.
Lưu ý:
- Trường hợp dân quân còn đang phục vụ trong đơn vị dân quân thường trực trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đến trước ngày Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, nếu chưa được đóng, hoặc đóng chưa đầy đủ bảo hiểm xã hội, thì địa phương có trách nhiệm đóng, truy đóng bảo hiểm xã hội cho dân quân thường trực theo quy định của Nghị định 16/2025/NĐ-CP, số tiền truy đóng bảo hiểm xã hội không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
- Dân quân thường trực vào viện điều trị trước ngày Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực nhưng ra viện từ ngày Nghị định có hiệu lực thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của Nghị định 16/2025/NĐ-CP.
Trên đây là phần nội dung nói về “Dân quân tự vệ bị tai nạn khi làm nhiệm vụ có thể được hưởng trợ cấp hơn 140 triệu đồng theo Nghị định 16/2025”
Xem thêm tại Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ 23/03/2025.