Đã có Nghị quyết 176 về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (Hình từ văn bản)
Quốc hội thông qua Nghị quyết 176/2025/QH15 ngày 18/02/2025 của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Theo đó, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 14 Bộ và 03 cơ quan ngang Bộ:
(1) Bộ Quốc phòng;
(2) Bộ Công an;
(3) Bộ Ngoại giao;
(4) Bộ Nội vụ;
(5) Bộ Tư pháp;
(6) Bộ Tài chính;
(7) Bộ Công Thương;
(8) Bộ Nông nghiệp và Môi trường;
(9) Bộ Xây dựng;
(10) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
(11) Bộ Khoa học và Công nghệ;
(12) Bộ Giáo dục và Đào tạo;
(13) Bộ Y tế;
(14) Bộ Dân tộc và Tôn giáo;
(15) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
(16) Thanh tra Chính phủ;
(17) Văn phòng Chính phủ.
Nghị quyết 176/2025/QH15 có hiệu lực thi hành từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua và thay thế Nghị quyết 08/2021/QH15 về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ quy định tại Điều 1 Nghị quyết 176/2025/QH15 chính thức hoạt động từ ngày 01/3/2025.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ thuộc cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo Nghị quyết 08/2021/QH15 của Quốc hội tiếp tục hoạt động cho đến hết ngày 28/02/2025.
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo Điều 5 Luật Tổ chức Chính phủ 2015 như sau:
- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; bảo đảm bình đẳng giới.
- Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chức năng, phạm vi quản lý giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu.
- Tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, năng động, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm nguyên tắc cơ quan cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cơ quan cấp trên.
- Phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Chính phủ và phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
- Minh bạch, hiện đại hóa hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan hành chính nhà nước các cấp; bảo đảm thực hiện một nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, hiện đại, phục vụ Nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân.
Trách nhiệm, phạm vi và cách thức giải quyết công việc của Chính phủ theo Điều 3 Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định 39/2022/NĐ-CP như sau:
- Chính phủ thống nhất quản lý hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, cơ sở; thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ được quy định trong Hiến pháp và pháp luật.
- Cách thức giải quyết công việc của Chính phủ:
+ Thảo luận và quyết nghị tại phiên họp Chính phủ;
+ Quyết nghị bằng phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ trong trường hợp Chính phủ không họp.
- Quyết nghị của Chính phủ phải được quá nửa tổng số thành viên Chính phủ biểu quyết tán thành. Trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến mà Thủ tướng Chính phủ đã biểu quyết.
- Chính phủ phân công Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách cần phải xử lý gấp thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc những vấn đề đã được Chính phủ thống nhất về chủ trương, nguyên tắc. Thủ tướng Chính phủ báo cáo hoặc giao Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thay mặt Thủ tướng Chính phủ báo cáo tại phiên họp Chính phủ gần nhất về những vấn đề đã quyết định.
- Chính phủ thực hiện phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Chính phủ thực hiện phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương quyết định hoặc thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực trên địa bàn quản lý phù hợp với điều kiện, năng lực của chính quyền địa phương đi đôi với việc phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực, trình độ cán bộ và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ.