Đoàn luật sư là gì? Không gia nhập Đoàn luật sư có được không?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
01/11/2023 12:15 PM

Xin cho tôi hỏi Đoàn luật sư là gì? Cá nhân hành nghề luật sư có cần phải gia nhập Đoàn luật hay không? – Ngọc Dũng (Tiền Giang)

Đoàn luật sư là gì? Không gia nhập Đoàn luật sư có được không?

Đoàn luật sư là gì? Không gia nhập Đoàn luật sư có được không? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đoàn luật sư là gì?

Đoàn luật sư là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức và hoạt động theo Luật Luật sưĐiều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam.

Đoàn luật sư có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải bằng nguồn thu từ phí thành viên, các khoản đóng góp của thành viên và các nguồn thu hợp pháp khác.

Tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có từ ba người có Chứng chỉ hành nghề luật sư trở lên thì được thành lập Đoàn luật sư.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép thành lập Đoàn luật sư sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

(Khoản 1, 2 Điều 60 Luật Luật sư 2006, sửa đổi 2012)

2. Không gia nhập Đoàn luật sư có được không?

Theo Luật Luật sư, người có Chứng chỉ hành nghề luật sư có quyền lựa chọn gia nhập một Đoàn luật sư để hành nghề luật sư.

Người đã gia nhập Đoàn luật sư phải làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư, hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức hoặc thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư tại địa phương nơi Đoàn luật sư có trụ sở.

Tuy nhiên nếu không gia nhập một Đoàn luật sư nào trong thời hạn hai năm, kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư thì người được cấp sẽ bị thu hồi chứng chỉ đó.

Do vậy, cá nhân hành nghề luật sư phải gia nhập Đoàn luật sư.

(Điểm d khoản 1 Điều 18 và khoản 1 Điều 20 Luật Luật sư 2006, sửa đổi 2012)

3. Hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư năm 2024

Người có Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư đến Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư.

Hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư gồm có:

- Giấy đề nghị gia nhập Đoàn luật sư theo mẫu do Liên đoàn luật sư Việt Nam ban hành;

- Phiếu lý lịch tư pháp đối với trường hợp nộp hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư quá sáu tháng, kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư;

- Bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư.

(Khoản 2 Điều 20 Luật Luật sư 2006, sửa đổi 2012)

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn luật sư

Cụ thể tại Điều 61 Luật Luật sư 2006, sửa đổi 2012 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn luật sư như sau:

- Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư trong hành nghề.

- Thực hiện rà soát, đánh giá hàng năm chất lượng đội ngũ luật sư; giám sát, phối hợp với Đoàn luật sư ở địa phương khác giám sát luật sư là thành viên, luật sư hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư và chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương trong việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam; xử lý kỷ luật đối với luật sư.

- Giám sát, phối hợp với Đoàn luật sư ở địa phương khác giám sát hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư; yêu cầu tổ chức hành nghề luật sư chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý.

- Cấp Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư và giám sát người tập sự hành nghề luật sư; lập danh sách những người đủ điều kiện tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư gửi Liên đoàn luật sư Việt Nam.

- Nhận hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và gửi Sở Tư pháp; đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư.

- Tổ chức đăng ký việc gia nhập Đoàn luật sư, tổ chức việc chuyển, tiếp nhận luật sư; đề nghị Liên đoàn luật sư Việt Nam cấp, đổi, thu hồi Thẻ luật sư.

- Thực hiện bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng kỹ năng quản trị, điều hành tổ chức hành nghề luật sư.

- Giám sát việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư.

- Hòa giải tranh chấp giữa người tập sự hành nghề luật sư, luật sư với tổ chức hành nghề luật sư; giữa khách hàng với tổ chức hành nghề luật sư và luật sư.

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.

- Tổng kết, trao đổi kinh nghiệm và thực hiện các biện pháp khác nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho luật sư.

- Tập hợp, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp, kiến nghị của luật sư.

- Quy định về mức phí gia nhập Đoàn luật sư, phí tập sự hành nghề luật sư trên cơ sở khung phí do Liên đoàn luật sư Việt Nam ban hành.

- Báo cáo Liên đoàn luật sư Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về đề án tổ chức đại hội, phương án xây dựng nhân sự Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật.

- Thực hiện nghị quyết, quyết định, quy định của Liên đoàn luật sư Việt Nam.

- Tổ chức để các luật sư tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện trợ giúp pháp lý.

- Báo cáo Liên đoàn luật sư Việt Nam về tổ chức, hoạt động của Đoàn luật sư, kết quả Đại hội; gửi Liên đoàn luật sư Việt Nam nghị quyết, quyết định, nội quy, quy định của Đoàn luật sư theo quy định của Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam hoặc khi được yêu cầu.

- Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tổ chức và hoạt động, kết quả Đại hội; báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi được yêu cầu; gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghị quyết, quyết định, quy định của Đoàn luật sư.

- Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 17,914

Bài viết về

Luật sư

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]