Khi nào được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
03/05/2024 15:36 PM

Xin cho tôi hỏi việc cấp chứng chỉ hành nghề luật sư được thực hiện khi nào? - Anh Khoa (TPHCM)

Khi nào được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư?

Khi nào được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Luật sư là gì?

Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012), thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là khách hàng).

(Điều 2 Luật luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012)

2. Khi nào được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư? 

Căn cứ theo quy định tại Điều 17 Luật luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) thì cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư khi:

[1] Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư có hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư.

Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư khi: Bài kiểm tra được chấm theo thang điểm 100, khi thí sinh đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư khi mỗi bài kiểm tra đạt từ 50 điểm trở lên. (Khoản 6 Điều 25 Thông tư 10/2021/TT-BTP).

Hồ sơ gồm có:

- Đơn đề nghị cấp chứng Chỉ hành nghề luật sư theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;

- Phiếu lý lịch tư pháp;

- Giấy chứng nhận sức khỏe;

- Bản sao Bằng cử nhân luật hoặc bản sao Bằng thạc sỹ luật;

- Bản sao Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư;

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư chuyển hồ sơ cho Sở Tư pháp kèm theo bản xác nhận người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư có đủ tiêu chuẩn luật sư theo quy định của Luật luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012).

[2] Người được miễn tập sự hành nghề luật sư có hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Sở Tư pháp nơi người đó thường trú.

Người được miễn tập sự hành nghề luật sư gồm:

- Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp, điều tra viên trung cấp, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật, thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật được miễn tập sự hành nghề luật sư.

- Người đã là điều tra viên sơ cấp, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật được giảm hai phần ba thời gian tập sự hành nghề luật sư.

- Người có thời gian công tác ở các ngạch chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên ngành Tòa án, kiểm tra viên ngành Kiểm sát từ mười năm trở lên thì được giảm một nửa thời gian tập sự hành nghề luật sư.

(Điều 16 Luật luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012).

Hồ sơ gồm có:

- Các giấy tờ quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 17 Luật luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012);

- Giấy tờ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 17 Luật luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012), trừ những người là giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật;

- Bản sao giấy tờ chứng minh là người được miễn tập sự hành nghề luật sư quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012).

Nếu cá nhân thuộc các trường hợp trên và đủ điều kiện thì sẽ tiến hành làm hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư. Trong thời hạn quy định, nếu hồ sơ hợp lệ thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư; nếu từ chối sẽ có thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và Sở Tư pháp nơi gửi hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.

3. Những trường hợp không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư

Người thuộc một trong những trường hợp sau đây thì không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư:

- Không đủ tiêu chuẩn luật sư quy định tại Điều 10 của Luật luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012);

- Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

- Không thường trú tại Việt Nam;

-  Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng do cố ý, tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý kể cả trường hợp đã được xóa án tích;

- Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;

- Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

- Những người quy định tại điểm b khoản 4 Điều 17 Luật luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) bị buộc thôi việc mà chưa hết thời hạn ba năm, kể từ ngày quyết định buộc thôi việc có hiệu lực.

(Khoản 4 Điều 17 Luật luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012).

Dương Thị Hoài Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,628

Bài viết về

Luật sư

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]