Hồ sơ đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân năm 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
12/03/2024 14:45 PM

Tôi muốn hỏi hồ sơ đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân năm 2024 sẽ bao gồm những gì? – Duy Thanh (Long An)

Hồ sơ đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân năm 2024

Hồ sơ đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân năm 2024 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Thế nào là luật sư hành nghề với tư cách cá nhân?

Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân là luật sư làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức không phải là tổ chức hành nghề luật sư.

Khi đó, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân không được cung cấp dịch vụ pháp lý cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khác ngoài cơ quan, tổ chức mình đã ký hợp đồng lao động, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước yêu cầu hoặc tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và thực hiện trợ giúp pháp lý theo sự phân công của Đoàn luật sư mà luật sư là thành viên.

(Khoản 1, 3 Điều 49 Luật Luật sư 2006, sửa đổi 2012)

Hồ sơ đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân năm 2024

Theo quy định, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân đăng ký hành nghề tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có Đoàn luật sư mà luật sư đó là thành viên.

Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân phải có Đơn đề nghị đăng ký hành nghề luật sư theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành, kèm theo hồ sơ gửi Sở Tư pháp.

Hồ sơ gồm có:

- Bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư, bản sao Thẻ luật sư;

- Bản sao Hợp đồng lao động ký kết với cơ quan, tổ chức.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hành nghề luật sư.

Khi được cấp Giấy đăng ký hành nghề luật sư thì luật sư đó được hành nghề với tư cách cá nhân. Đồng thời, trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hành nghề luật sư, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân phải gửi thông báo bằng văn bản kèm theo bảo sao Giấy đăng ký hành nghề luật sư cho Đoàn luật sư mà mình là thành viên.

(Khoản 1, 2, 3 Điều 50 Luật Luật sư 2006, sửa đổi 2012)

Quyền, nghĩa vụ của luật sư năm 2024

Cụ thể tại Điều 21 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi 2012) quy định về quyền và nghĩa vụ của luật sư như sau:

- Về quyền:

+ Được pháp luật bảo đảm quyền hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư 2006 (sửa đổi 2012) và quy định của pháp luật có liên quan;

+ Đại diện cho khách hàng theo quy định của pháp luật;

+ Hành nghề luật sư, lựa chọn hình thức hành nghề luật sư và hình thức tổ chức hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư 2006 (sửa đổi 2012);

+ Hành nghề luật sư trên toàn lãnh thổ Việt Nam;

+ Hành nghề luật sư ở nước ngoài;

+ Các quyền khác theo quy định của Luật Luật sư 2006 (sửa đổi 2012).

- Về nghĩa vụ:

+ Tuân theo các nguyên tắc hành nghề luật sư quy định tại Điều 5 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi 2012):

(i) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

(ii) Tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.

(iii) Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.

(iv) Sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.

(v) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp luật sư.

+ Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và các quy định có liên quan trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng; có thái độ hợp tác, tôn trọng người tiến hành tố tụng mà luật sư tiếp xúc khi hành nghề;

+ Tham gia tố tụng đầy đủ, kịp thời trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu;

+ Thực hiện trợ giúp pháp lý;

+ Tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ;

+ Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Luật sư 2006 (sửa đổi 2012).

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,928

Bài viết về

lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn