Thủ tục thực hiện cưỡng chế thu hồi nhà ở xã hội không thuộc tài sản công từ 01/08/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
30/07/2024 12:00 PM

Bài viết sau có nội dung về thủ tục thực hiện cưỡng chế thu hồi nhà ở xã hội không thuộc tài sản công từ 01/08/2024 được quy định trong Nghị định 100/2024/NĐ-CP.

Thủ tục thực hiện cưỡng chế thu hồi nhà ở xã hội không thuộc tài sản công từ 01/08/2024

Thủ tục thực hiện cưỡng chế thu hồi nhà ở xã hội không thuộc tài sản công từ 01/08/2024 (Hình từ Internet)

Ngày 26/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 100/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật nhà ở 2023 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

1. Thủ tục thực hiện cưỡng chế thu hồi nhà ở xã hội không thuộc tài sản công từ 01/08/2024

Theo quy định tại Điều 55 Nghị định 100/2024/NĐ-CP thì trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế thu hồi nhà ở xã hội không thuộc tài sản công như sau:

- Việc thực hiện cưỡng chế để thu hồi nhà ở xã hội được thực hiện sau khi Quyết định thu hồi nhà ở xã hội do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành có hiệu lực sau 30 ngày và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền vận động, thuyết phục trước đó mà người có nhà ở bị thu hồi không thực hiện.

Quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở xã hội do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và được gửi đến người bị cưỡng chế thu hồi nhà ở, đồng thời niêm yết công khai tại Sở Xây dựng, trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có nhà ở bị thu hồi.

- Trong thời hạn 10 ngày sau khi ban hành Quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban cưỡng chế thu hồi nhà ở xã hội, bao gồm:

+ Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp huyện là trưởng ban;

+ Đại diện các cơ quan thanh tra, xây dựng, tư pháp, tài nguyên và môi trường;

+ Chủ đầu tư dự án;

+ Đại diện Ban quản trị và các thành viên khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp huyện quyết định.

- Ban cưỡng chế thu hồi nhà ở xã hội vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế trong thời hạn 10 ngày; nếu người bị cưỡng chế chấp hành Quyết định cưỡng chế thì Ban cưỡng chế thu hồi lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao nhà ở xã hội được thực hiện chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.

Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành Quyết định cưỡng chế thì Ban cưỡng chế thu hồi tổ chức thực hiện cưỡng chế.

- Ban cưỡng chế thu hồi nhà ở xã hội có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi nhà ở bị cưỡng chế, tự chuyển tài sản ra khỏi nhà ở bị cưỡng chế; nếu không thực hiện thì Ban cưỡng chế thu hồi có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi nhà ở bị cưỡng chế.

- Ban cưỡng chế thu hồi nhà ở xã hội mời đại diện Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cấp huyện tham gia giám sát việc cưỡng chế thu hồi nhà ở xã hội.

2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở xã hội không thuộc tài sản công

Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở xã hội không thuộc tài sản công được quy định cụ thể tại Điều 56 Nghị định 100/2024/NĐ-CP như sau:

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cưỡng chế, giải quyết khiếu nại liên quan đến việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật về khiếu nại; bảo đảm điều kiện, phương tiện cần thiết phục vụ cho việc cưỡng chế; bố trí kinh phí cưỡng chế thu hồi nhà ở xã hội.

- Ban cưỡng chế thu hồi nhà ở xã hội có trách nhiệm chủ trì lập phương án cưỡng chế và dự toán kinh phí cho hoạt động cưỡng chế trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp huyện phê duyệt; bàn giao nhà ở xã hội cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội hoặc cơ quan chức năng để bố trí cho đối tượng có nhu cầu khác đủ điều kiện theo quy định.

- Lực lượng công an có trách nhiệm bảo vệ trật tự, an toàn trong quá trình tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi.

- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở xã hội bị thu hồi có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện việc gửi Quyết định cưỡng chế thu hồi đến người bị cưỡng chế thu hồi nhà ở, niêm yết công khai quyết định cưỡng chế; tham gia thực hiện cưỡng chế; phối hợp với Ban cưỡng chế thu hồi nhà ở xã hội thực hiện niêm phong, di chuyển tài sản của người bị cưỡng chế thu hồi.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm phối hợp với Ban cưỡng chế thu hồi nhà ở xã hội thực hiện việc cưỡng chế thu hồi khi Ban cưỡng chế thu hồi nhà ở xã hội có yêu cầu.

Xem thêm Nghị định 100/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/8/2024.

Các quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội sau đây hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định 100/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành:

- Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội;

- Nghị định 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội;

- Điều 6 và khoản 4 Điều 16 Nghị định 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;

- Điều 7 Nghị định 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Võ Tấn Đại

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 338

Bài viết về

lĩnh vực Đất đai

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn