BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1588/QĐ-BNN-TCCB
|
Hà Nội, ngày 09
tháng 07 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÂN CẤP CHO TỔNG CỤC THỦY LỢI, TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP, TỔNG CỤC THỦY SẢN
MỘT SỐ NHIỆM VỤ THUỘC THẨM QUYỀN QUẢN LÝ CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG
THÔN
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày
03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nghị định số 75/2009/NĐ-CP
ngày 10/9/2009 của Chính phủ Sửa đổi điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ;
Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng
Chính phủ: số 03/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy lợi trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn; số 04/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 Quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Lâm nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn; số 05/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 Quy định chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ
chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phân cấp nhiệm vụ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ
cho Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy sản về kế hoạch, đầu
tư, tài chính, khoa học, công nghệ và môi trường, hợp tác quốc tế, tổ chức cán
bộ, thanh tra; một số nhiệm vụ đê điều, phòng chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên
tai và lâm nghiệp như sau:
I. VỀ KẾ HOẠCH
1. Đề xuất phân bổ chi tiết vốn đầu
tư cho các dự án thuộc chuyên ngành do Tổng cục theo dõi, quản lý trên cơ sở
khung vốn được Bộ giao và báo cáo Bộ qua Vụ Kế hoạch để thẩm định, tổng hợp,
tham mưu trình Bộ trưởng phê duyệt.
2. Giám sát, đánh giá và tổng hợp việc
triển khai, thực hiện kế hoạch của chuyên ngành; xử lý kiến nghị liên quan đến
chuyên ngành, lĩnh vực được giao.
3. Quản lý công tác quy hoạch, điều
tra cơ bản thuộc chuyên ngành trên cơ sở danh mục dự án và dự toán kinh phí Bộ
giao:
a) Tổ chức thẩm định, phê duyệt đề
cương, tổng dự toán (bao gồm cả điều chỉnh đề cương, tổng dự toán);
b) Tuyển chọn tư vấn thực hiện theo
quy định;
c) Kiểm tra, giám sát thực hiện;
d) Thẩm định, nghiệm thu, công bố, quản
lý và sử dụng kết quả dự án;
đ) Giao dự toán và quyết toán.
II. VỀ ĐẦU TƯ
1. Đối với các chương trình, dự án đầu
tư (nhóm A, B, C) có nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và viện trợ
phi chính phủ nước ngoài (NGO) do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn quyết định đầu tư:
a) Tổng cục chủ trì, phối hợp với cơ
quan liên quan thẩm định về kỹ thuật theo chuyên ngành khi được Bộ trưởng phân
công;
b) Quản lý và chỉ đạo thực hiện
chương trình, dự án theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ: số
38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ
phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; số 93/2009/NĐ-CP
ngày 22/10/2009 Ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước
ngoài và quy định của pháp luật.
2. Đối với các dự án đầu tư xây dựng
công trình (nhóm A, B, C) có vốn trái phiếu Chính phủ, ngân sách tập trung
trong nước, sau khi được Bộ trưởng quyết định cho phép lập và điều chỉnh dự án:
a) Tổng cục chủ trì, phối hợp với các
cơ quan, đơn vị liên quan thẩm định, trình Bộ trưởng phê duyệt và quản lý, chỉ
đạo thực hiện các dự án được Bộ phân công theo quy định của pháp luật, cụ thể:
- Tổng cục Thủy lợi đối với các dự án
tu bổ, nâng cấp, sửa chữa công trình thủy lợi, công trình đê điều, cấp thoát nước,
nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn;
- Tổng cục Thủy sản đối với các dự án
cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá, hạ tầng nuôi
trồng thủy sản, giống thủy sản, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; chợ thủy
sản đầu mối, hệ thống thông tin thủy sản, thông tin tìm kiếm cứu nạn, tàu
chuyên dùng nghề cá (khai thác, dịch vụ hậu cần thủy sản, tàu kiểm ngư, tàu điều
tra nguồn lợi);
- Tổng cục Lâm nghiệp đối với các dự
án lâm nghiệp (lâm sinh, giống, các công trình phù trợ cho công trình lâm sinh,
công nghiệp rừng và lâm sản ngoài gỗ, quản lý rừng bền vững và quản trị rừng),
các dự án tăng cường năng lực quản lý chuyên ngành (bảo tồn thiên nhiên, đa dạng
sinh học các hệ sinh thái rừng), các loài động thực vật hoang dã, nguy cấp, quý
hiếm; phòng, chữa cháy rừng, cảnh báo dự báo cháy rừng, chống sa mạc hóa và biến
đổi khí hậu, hệ thống thông tin lâm nghiệp) và các dự án duy tu, bảo dưỡng sau
đầu tư thuộc lĩnh vực lâm nghiệp.
b) Về thực hiện quản lý đầu tư đối với
các dự án đầu tư xây dựng công trình chuyên ngành:
- Đối với dự án đầu tư xây dựng công
trình: Thực hiện theo Thông tư số 84/2011/TT-BNNPTNT ngày 12/12/2011 Quy định một
số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn ngân
sách nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và quy định
pháp luật có liên quan;
- Đối với dự án đầu tư xây dựng công
trình lâm sinh: Thực hiện theo Thông tư số 69/2011/TT-BNNPTNT ngày 21/10/2011 của
Bộ Hướng dẫn thực hiện một số nội dung Quy chế quản lý đầu tư xây dựng công
trình lâm sinh ban hành kèm theo Quyết định số 73/2010/QĐ-TTg ngày 16/11/2010 của
Thủ tướng Chính phủ và quy định pháp luật.
3. Đối với các hạng mục thuộc vốn sự
nghiệp có tính chất đầu tư có trong kế hoạch đã được Bộ duyệt thực hiện theo
Thông tư số 12/2011/TT-BNNPTNT ngày 15/3/2011 Hướng dẫn về quy trình, thủ tục đầu
tư từ nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và mua sắm, xử lý tài sản nhà nước
hàng năm tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức khoa học công
nghệ và các Ban quản lý dự án thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và
quy định hiện hành của pháp luật.
4. Về quản lý chất lượng công trình xây
dựng chuyên ngành:
a) Thẩm tra thiết kế các dự án đầu tư
do Tổng cục thẩm định;
b) Kiểm tra công tác nghiệm thu, bàn
giao công trình đưa vào sử dụng đối với các dự án đầu tư do Tổng cục thẩm định;
c) Giám sát, đánh giá các dự án đầu
tư do Tổng cục thẩm định;
d) Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra
chuyên ngành và tổng hợp báo cáo Bộ trưởng về chất lượng công trình xây dựng và
việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng các công trình chuyên ngành ở địa phương;
đ) Riêng Tổng cục Thủy lợi ngoài thực
hiện các điểm a, b, c, d Khoản 4 Mục II Điều 1 Quyết định này, chịu trách nhiệm
hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý chất lượng của các tổ chức, cá nhân tham
gia xây dựng công trình thủy lợi; kiểm tra, giám định chất lượng công trình xây
dựng, kiến nghị và xử lý các vi phạm về chất lượng công trình xây dựng theo quy
định của pháp luật đối với các công trình xây dựng quy định tại điểm a Khoản 2
Mục II Điều 1 Quyết định này và các công trình khác theo phân công của Bộ trưởng;
e) Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của
cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng công trình chuyên ngành nông nghiệp và
phát triển nông thôn theo phân công của Bộ trưởng và Nghị định số 15/2013/NĐ-CP
ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
III. VỀ TÀI
CHÍNH
1. Giao nhiệm vụ, kế hoạch tài chính
và dự toán ngân sách hàng năm cho các đơn vị trực thuộc Tổng cục theo kế hoạch
tài chính được Bộ trưởng giao.
2. Điều hành dự toán:
a) Phê duyệt kế hoạch sử dụng kinh
phí không thường xuyên theo đúng kế hoạch được Bộ giao;
b) Phê duyệt hoặc ủy quyền cho Thủ
trưởng các đơn vị trực thuộc Tổng cục phê duyệt nhiệm vụ chi và dự toán chi tiết
những nội dung ngoài thường xuyên thuộc thẩm quyền quản lý của Tổng cục;
c) Phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm
vật tư, tài sản phục vụ hoạt động thường xuyên, thực hiện các chương trình, dự
án thuộc quyền quản lý của Tổng cục;
3. Công tác quyết toán:
a) Đối với nguồn kinh phí hành chính
sự nghiệp và nguồn viện trợ không hoàn lại có tính chất sự nghiệp: Tổ chức thẩm
tra báo cáo quyết toán tài chính năm của các đơn vị dự toán cấp dưới trực thuộc;
tổng hợp và lập báo cáo quyết toán tài chính của Tổng cục để báo cáo Bộ. Thông
báo xét duyệt quyết toán tài chính năm cho các đơn vị trực thuộc Tổng cục trên
cơ sở thông báo của Bộ;
b) Quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản
thực hiện theo các Quyết định của Bộ trưởng: số 1195/QĐ-BNN-TC ngày 06/6/2011
Ban hành Quy định về lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành thuộc
nguồn vốn Nhà nước do Bộ quản lý; số 747/QĐ-BNN-TC ngày 14/4/2011 Ban hành quy
định về lập, gửi, thẩm định quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn
ngân sách nhà nước theo niên độ ngân sách năm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và quy định hiện hành của pháp luật, phân cấp
cụ thể như sau:
- Thẩm định báo cáo quyết toán theo
niên độ năm;
- Tổng hợp, trình Bộ (qua Vụ Tài
chính để thẩm tra) phê duyệt quyết toán các dự án hoàn thành nhóm A sử dụng vốn
ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, vốn hỗ trợ của nước ngoài (ODA, NGO)
do Tổng cục chủ trì thẩm định trình Bộ trưởng quyết định đầu tư;
- Chủ trì thẩm tra, phê duyệt quyết
toán dự án hoàn thành đối với các dự án nhóm B, C sử dụng vốn ngân sách nhà nước,
trái phiếu Chính phủ, vốn hỗ trợ của nước ngoài (ODA, NGO) do Tổng cục thẩm định
trình Bộ trưởng quyết định đầu tư và các dự án đầu tư nhóm B, C Bộ giao các đơn
vị trực thuộc Tổng cục làm chủ đầu tư;
- Thực hiện chế độ báo cáo quyết toán
về Bộ (qua Vụ Tài chính) theo quy định.
IV. VỀ KHOA HỌC,
CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
1. Quản lý các nhiệm vụ khoa học công
nghệ chuyên ngành:
a) Lựa chọn và tổng hợp trình Bộ danh
mục các đề tài, dự án (danh sách ngắn) thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành trên
cơ sở các đề xuất của các tổ chức, cá nhân đăng ký với Bộ (qua Vụ Khoa học,
Công nghệ và Môi trường); phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường
trong xét chọn, tuyển chọn, đấu thầu các đề tài, dự án chuyên ngành;
Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
chủ trì, phối hợp với các Tổng cục và các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ lựa
chọn, trình Bộ trưởng phê duyệt danh mục các đề tài, dự án của toàn Ngành nông
nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở đề xuất của các Tổng cục và các cơ
quan, đơn vị; chủ trì, phối hợp với các Tổng cục tổ chức đấu thầu, xét chọn,
tuyển chọn, trình Bộ trưởng phê duyệt nội dung và kinh phí các đề tài, dự án do
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý;
b) Căn cứ danh mục, nội dung và kinh
phí đề tài, dự án được Bộ giao: Tổng cục phê duyệt thuyết minh; giao nhiệm vụ
thực hiện đối với các đơn vị thuộc Tổng cục hoặc ký hợp đồng, đối với các đơn vị
ngoài Tổng cục; kiểm tra, giám sát, nghiệm thu và công nhận kết quả thực hiện
nhiệm vụ theo quy định của Bộ; sử dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu; báo cáo
định kỳ và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ;
c) Các đề tài, dự án khoa học công
nghệ từ hai lĩnh vực chuyên ngành (ví dụ như: thủy sản và thủy lợi) trở lên do
Bộ (Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường) quản lý theo quy định.
2. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị
liên quan hướng dẫn, giám sát, thẩm định, công nhận tiến bộ kỹ thuật, giống mới,
vật tư, thiết bị chuyên dùng; quy trình công nghệ mới thuộc lĩnh vực quản lý
chuyên ngành của Tổng cục.
3. Về khuyến nông: Thực hiện theo
Thông tư số 15/2013/TT-BNNPTNT ngày 26/02/2013 của Bộ trưởng Quy định thực hiện
một số điều của Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ về
khuyến nông và quy định pháp luật hiện hành.
4. Về môi trường:
a) Chủ trì thẩm định, trình Bộ phê
duyệt báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường các chương
trình, dự án liên quan đến chuyên ngành thuộc nhiệm vụ của Tổng cục do Bộ trưởng
phê duyệt và giao Tổng cục quản lý, chỉ đạo thực hiện;
b) Chủ trì giám định, xử lý sự cố kỹ
thuật, môi trường thuộc lĩnh vực chuyên ngành được giao quản lý;
c) Tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ
môi trường, đánh giá môi trường thuộc nhiệm vụ của Tổng cục;
d) Quản lý, tổ chức thực hiện các nhiệm
vụ sự nghiệp môi trường thuộc chuyên ngành của Tổng cục được giao: Căn cứ danh
mục, nội dung và kinh phí nhiệm vụ môi trường Bộ trưởng giao, Tổng cục giao nhiệm
vụ thực hiện đối với các đơn vị thuộc Tổng cục hoặc ký hợp đồng đối với các đơn
vị ngoài Tổng cục; kiểm tra, giám sát, đánh giá, nghiệm thu kết quả; thẩm tra,
phê duyệt quyết toán theo quy định; báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất theo
yêu cầu của Bộ.
5. Về tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn
kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật theo quy định thuộc lĩnh vực quản
lý của Tổng cục:
a) Tổng hợp, trình Bộ (qua Vụ Khoa học,
Công nghệ và Môi trường) danh mục xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật;
b) Phê duyệt đề cương, dự toán các
nhiệm vụ được giao, kiểm tra, giám sát thực hiện;
c) Tổ chức xây dựng, nghiệm thu và
hoàn thiện hồ sơ trình Bộ (qua Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường).
6. Về chứng nhận hợp quy, đánh giá,
chỉ định phòng thử nghiệm: Thực hiện theo các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn: số 55/2012/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2012 Hướng dẫn
thủ tục chỉ định tổ chức chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy thuộc phạm vi quản
lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; số 16/2011/TT-BNNPTNT ngày
01/4/2011 Quy định về đánh giá, chỉ định và quản lý phòng thử nghiệm ngành nông
nghiệp và phát triển nông thôn; số 52/2012/TT-BNNPTNT ngày 22/10/2012 Sửa đổi,
bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2011/TT-BNNPTNT ngày 01/04/2011 và Thông
tư số 54/2011/TT-BNNPTNT ngày 03/8/2011 và quy định của pháp luật hiện hành.
V. VỀ HỢP TÁC
QUỐC TẾ
1. Đầu mối tổ chức thực hiện nhiệm vụ
hợp tác quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế về kỹ thuật chuyên ngành với cấp Tổng
cục và tương đương của các nước trong hợp tác song phương và vùng lãnh thổ sau
khi báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ (qua Vụ Hợp tác quốc tế) và được Bộ trưởng
chấp thuận về chủ trương.
2. Đại diện Bộ tham gia và giữ mối
liên hệ hợp tác thường xuyên với các tổ chức quốc tế và khu vực về kỹ thuật
chuyên ngành theo phân công của Bộ trưởng, báo cáo Bộ trưởng về kết quả thực hiện
nhiệm vụ.
3. Đối với các chương trình, dự án hỗ
trợ kỹ thuật nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và viện trợ phi chính
phủ nước ngoài (NGO) được Bộ giao cho các tổ chức thuộc Tổng cục làm chủ chương
trình, dự án: Chủ trì thẩm định kỹ thuật, trình Bộ phê duyệt nội dung kỹ thuật
chuyên ngành; quản lý, chỉ đạo thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật
theo quy định của pháp luật.
4. Đối với các chương trình, dự án đầu
tư (nhóm A, B, C) nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và viện trợ phi
chính phủ nước ngoài (NGO) thực hiện quy định tại Khoản 1 Mục II Điều 1 Quyết định
này.
VI. VỀ TỔ CHỨC
CÁN BỘ
1. Công tác tổ chức, biên chế:
a) Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Tổng cục trên cơ sở hướng
dẫn của Bộ và quy định của pháp luật;
b) Chủ trì thẩm định, quyết định
thành lập, tổ chức lại, giải thể: Ban Chỉ đạo, Hội đồng khoa học, Hội đồng tư vấn,
Tổ công tác giúp Tổng cục trưởng thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền;
c) Giao biên chế công chức hành chính
nhà nước, công chức và viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, hợp đồng 68
cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc Tổng cục trên cơ sở quyết định giao chỉ tiêu
biên chế công chức hành chính nhà nước, công chức và viên chức hàng năm của Bộ
trưởng; báo cáo Bộ trưởng về kết quả thực hiện nhiệm vụ.
2. Về hướng dẫn, kiểm tra đối với hoạt
động các hội và tổ chức phi Chính phủ trong lĩnh vực chuyên ngành:
a) Đầu mối liên hệ công tác với các hội,
tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành thuộc phạm vi quản
lý của Tổng cục sau khi được Bộ trưởng chấp thuận về chủ trương. Những việc có
tính chất phức tạp, ảnh hưởng rộng, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị và quốc
tế phải báo cáo Bộ trưởng để xin ý kiến chỉ đạo thực hiện;
b) Xây dựng, trình Bộ ban hành cơ chế
để Hội tham gia các hoạt động thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của Tổng cục;
c) Thẩm định, đề nghị Bộ quyết định
công nhận Ban vận động thành lập Hội thuộc chuyên ngành được giao quản lý theo
quy định; có văn bản tham gia về Điều lệ Hội đối với cơ quan nhà nước có thẩm
quyền;
d) Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của
các hội, tổ chức phi chính phủ về chấp hành pháp luật chuyên ngành; kiến nghị
giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các vi phạm pháp luật về Hội thuộc ngành,
lĩnh vực quản lý của Tổng cục.
3. Quản lý cán bộ:
a) Đề xuất, trình Bộ trưởng quyết định
quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, luân chuyển,
biệt phái, kỷ luật đối với Phó Tổng cục trưởng;
b) Tổng cục trưởng quyết định quy hoạch,
điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, luân chuyển, biệt phái trong nội
bộ Tổng cục đối với cấp trưởng, cấp phó, công chức, viên chức lãnh đạo các cơ
quan, đơn vị trực thuộc Tổng cục theo quy định của pháp luật và gửi quyết định
để báo cáo Bộ trưởng. Việc bổ nhiệm lần đầu cấp trưởng, cấp phó các cơ quan,
đơn vị trực thuộc Tổng cục phải báo cáo và được Bộ trưởng đồng ý bằng văn bản về
chủ trương trước khi triển khai quy trình, thủ tục bổ nhiệm.
c) Thực hiện việc khen thưởng, kỷ luật
công chức, viên chức của Tổng cục theo quy định của pháp luật;
d) Tiếp nhận công chức sau khi có ý
kiến chấp thuận của Bộ; quản lý, sử dụng công chức thuộc Tổng cục theo vị trí
việc làm và quy định của pháp luật;
đ) Tuyển dụng, quản lý, sử dụng viên
chức của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục theo quy định của pháp luật;
e) Tổng cục trưởng quyết định xuất cảnh
đối với tất cả cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng không xác định
thời hạn thuộc Tổng cục đi công tác, học tập tại nước ngoài (không bao gồm: Tổng
cục trưởng, các Phó Tổng cục trưởng; cán bộ, công chức, viên chức đi làm chuyên
gia hoặc cộng tác viên dài hạn tại nước ngoài; cán bộ, công chức được cử đi
cùng đoàn cao cấp của Đảng và Nhà nước; cán bộ, công chức, viên chức tham gia
đoàn ra sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí thanh toán qua
Văn phòng Bộ); chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Bộ trưởng về quản lý
nhân sự được cử đi công tác, học tập ở nước ngoài.
4. Công tác chính sách, tiền lương:
a) Bổ nhiệm ngạch hoặc chức danh nghề
nghiệp, chuyển ngạch hoặc thay đổi chức danh nghề nghiệp theo quy định đối với
công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Tổng cục từ ngạch chuyên viên
và tương đương trở xuống;
b) Về nâng lương: Quyết định nâng
lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn đối với công chức, viên chức của
Tổng cục từ ngạch chuyên viên chính và tương đương trở xuống theo quy định của
pháp luật;
c) Quyết định nghỉ hưu, thôi việc, chấm
dứt hợp đồng lao động đối với công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm
quyền quản lý của Tổng cục; giải quyết chế độ chính sách có liên quan theo quy
định của pháp luật;
d) Giải quyết đơn thư khiếu nại về
các vấn đề có liên quan thuộc lĩnh vực phân cấp quản lý về chính sách, tiền
lương;
đ) Quản lý hồ sơ cán bộ, công chức,
viên chức từ cấp trưởng các đơn vị trực thuộc Tổng cục trở xuống theo quy định.
VII. VỀ THANH
TRA
1. Quyết định thanh tra chuyên ngành
và thành lập Đoàn thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch được Bộ trưởng phê duyệt.
Đối với những vụ việc phức tạp, liên quan đến các Bộ, ngành, địa phương và
trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều cấp, nhiều ngành thì Bộ
trưởng quyết định việc thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra.
2. Về thanh tra đột xuất: Trường hợp
Tổng cục trưởng ra quyết định thanh tra đột xuất phải gửi để báo cáo Chánh
Thanh tra Bộ. Đối với vụ việc phức tạp, liên quan đến các Bộ, ngành, địa phương
và trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều cấp, nhiều ngành thì Bộ
trưởng quyết định việc thanh tra đột xuất và thành lập Đoàn thanh tra.
VIII. VỀ MỘT SỐ
NHIỆM VỤ ĐÊ ĐIỀU, PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO, GIẢM NHẸ THIÊN TAI
1. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi
ban hành các văn bản chấp thuận:
a) Việc cấp giấy phép cho những hoạt
động đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II, cấp III và việc xây dựng, cải tạo
công trình giao thông có liên quan đến đê điều đối với công trình ảnh hưởng đến
hai tỉnh, thành phố trở lên theo quy định của pháp luật. Những công việc có
tính chất phức tạp, nhạy cảm, Tổng cục phải báo cáo xin ý kiến Bộ trưởng trước
khi quyết định;
b) Ban hành văn bản thỏa thuận kỹ thuật
về thủy lợi, đê điều, phòng chống lụt bão hoặc có liên quan đến thủy lợi, đê điều
và phòng chống lụt bão theo đề nghị của các Bộ, ngành, địa phương.
2. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi
cấp, thu hồi, gia hạn giấy phép cho các hoạt động phải có phép trong phạm vi bảo
vệ công trình thủy lợi, xả nước thải vào hệ thống thủy lợi theo quy định của
pháp luật.
IX. VỀ MỘT SỐ
NHIỆM VỤ THUỘC LĨNH VỰC LÂM NGHIỆP
1. Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp
tổ chức thẩm định và trình Bộ về phân bổ chỉ tiêu khai thác rừng tự nhiên cho
các địa phương, đơn vị theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương trên cơ sở tổng hạn mức khai thác hàng năm do Thủ tướng Chính
phủ giao.
2. Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp
cho phép các tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu giống cây lâm nghiệp theo
quy định pháp luật về giống cây trồng.
3. Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp
thỏa thuận việc thăm dò, khai thác khoáng sản trên diện tích rừng (trừ rừng đặc
dụng) theo đề nghị của các Bộ, ngành, địa phương.
Điều 2. Trách nhiệm
của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng
cục trưởng Tổng cục Thủy sản
1. Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trước pháp luật về thực hiện các nhiệm vụ
được Bộ phân cấp. Tổng cục trưởng có thể phân công cấp phó ký thay để giải quyết
một số công việc cụ thể thuộc lĩnh vực được Bộ trưởng phân cấp.
2. Thực hiện đúng quy định của pháp
luật về công tác văn thư, lưu trữ.
3. Chấp hành nghiêm túc chế độ báo
cáo quý, năm hoặc đột xuất về kết quả thực hiện các nhiệm vụ được Bộ trưởng phân
cấp (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng.
Điều 3. Trách nhiệm
của các Vụ, Cục
1. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch có trách nhiệm
rà soát, trình Bộ trưởng điều chỉnh, bổ sung các Quyết định số 2238/QĐ-BNN-KH
ngày 20/8/2010, số 2239/QĐ-BNN-KH ngày 20/8/2010 và quy định hiện hành để phân
cấp cho 03 Tổng cục về kế hoạch phù hợp với nội dung quy định tại Quyết định
này; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện phân cấp quản lý nhiệm vụ về kế hoạch.
2. Vụ trưởng Vụ Tài chính có trách
nhiệm rà soát, trình Bộ trưởng điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 1195/QĐ-BNN-TC
ngày 06/6/2011 và quy định hiện hành để phân cấp cho 03 Tổng cục về tài chính
phù hợp với nội dung quy định tại Quyết định này; hướng dẫn, kiểm tra việc thực
hiện phân cấp quản lý nhiệm vụ về tài chính, ngân sách.
3. Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế có
trách nhiệm rà soát, trình Bộ trưởng điều chỉnh, bổ sung Thông tư số
49/2009/TT-BNNPTNT ngày 04/8/2009 và các quy định hiện hành để phân cấp cho 03
Tổng cục về hợp tác quốc tế phù hợp với nội dung quy định tại Quyết định này;
hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện phân cấp quản lý nhiệm vụ về hợp tác quốc tế.
4. Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ
và Môi trường có trách nhiệm rà soát, trình Bộ trưởng điều chỉnh, bổ sung các
Quyết định số 36/2006/QĐ-BNN ngày 15/5/2006, số 86/2008/QĐ-BNN ngày 11/8/2008
và quy định hiện hành để phân cấp cho 03 Tổng cục về khoa học, công nghệ và môi
trường phù hợp với nội dung quy định tại Quyết định này; hướng dẫn, kiểm tra việc
thực hiện phân cấp quản lý nhiệm vụ về khoa học, công nghệ và môi trường; xây dựng,
trình Bộ trưởng Quy chế phối hợp giữa Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường với
các Tổng cục, Vụ liên quan trong xét chọn, tuyển chọn, đấu thầu các đề tài, dự
án theo quy định.
5. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm rà
soát, trình Bộ trưởng điều chỉnh, bổ sung các quy định hiện hành để phân cấp
cho 03 Tổng cục về tổ chức cán bộ phù hợp với nội dung quy định tại Quyết định
này; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện phân cấp quản lý nhiệm vụ về tổ chức
cán bộ.
6. Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng
công trình có trách nhiệm rà soát, trình Bộ trưởng điều chỉnh, bổ sung Thông tư
số 84/2011/TT-BNNPTNT ngày 12/12/2011 và quy định hiện hành để phân cấp cho 03
Tổng cục về quản lý đầu tư xây dựng phù hợp với nội dung quy định tại Quyết định
này; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện phân cấp quản lý nhiệm vụ về đầu tư.
7. Chánh Thanh tra Bộ có trách nhiệm
hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện phân cấp quản lý nhiệm vụ về thanh tra, tiếp
dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo phòng chống tham nhũng.
8. Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp
với Vụ Pháp chế và Văn phòng Bộ kiểm tra, tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng tình hình
thực hiện nội dung phân cấp theo quy định tại Quyết định này.
Điều 4. Hiệu lực
thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày ký ban hành.
2. Bãi bỏ các Quyết định của Bộ trưởng:
số 1604/QĐ-BNN-TCCB ngày 15/6/2010 Phân cấp quản lý một số nhiệm vụ cho Tổng cục
Thủy lợi, Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn; số 3122/QĐ-BNN-TCCB ngày 19/11/2010 Phân cấp quản lý nhiệm
vụ khoa học, công nghệ và môi trường cho Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Lâm nghiệp,
Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; số
742/QĐ-BNN-TCCB ngày 25/3/2010 Giao trách nhiệm giải quyết một số công việc cho
Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp; số 743/QĐ-BNN-TCCB ngày 25/3/2010 Giao
trách nhiệm giải quyết một số công việc cho Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi;
số 1808/QĐ-BNN-TCCB ngày 28/6/2010 Bổ sung về việc giao trách nhiệm giải quyết
công việc cho Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi; số
741/QĐ-BNN-TCCB ngày 25/3/2010 Giao trách nhiệm giải quyết một số công việc cho
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và các quy định trước đây của Bộ trái với Quyết
định này.
Điều 5. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Vụ trưởng Vụ Tài chính, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng
Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chánh Thanh
tra Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy
lợi, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Bộ trưởng;
- Các Thứ trưởng;
- UBND, Sở NN&PTNT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các Tổng cục, Cục, Vụ, VP Bộ, TTr Bộ, Ban ĐM&QLDNNN;
- Lưu: VT, TCCB.TMĐ.(160b).
|
BỘ TRƯỞNG
Cao Đức Phát
|