Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 1213/QĐ-UBND 2021 Đề án Phát triển Khu kinh tế các khu công nghiệp Kon Tum

Số hiệu: 1213/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum Người ký: Lê Ngọc Tuấn
Ngày ban hành: 23/12/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1213/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 23 tháng 12 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ, CÁC KHU CÔNG NGHIỆP, CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA TỈNH GIAI ĐOẠN 2021-2025, CÓ TÍNH ĐẾN NĂM 2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Kết luận số 212-KL/TU ngày 04 tháng 6 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 724/QĐ-UBND ngày 09 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc thành lập Hội đồng thẩm định Đề án “Phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, có tính đến năm 2030”;

Theo đề nghị của Hội đồng thẩm định Đề án “Phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, có tính đến năm 2030” tại Tờ trình số 02/TTr-HĐTĐ ngày 13 tháng 12 năm 2021 về việc đề nghị phê duyệt Đề án “Phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, có tính đến năm 2030”.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, có tính đến năm 2030” (có Đề án và các phụ lục kèm theo), với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên cơ sở lấy hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường là mục tiêu cao nhất, phù hợp với định hướng phát triển và phân bố lực lượng sản xuất hợp lý của địa phương; gắn liền với việc đảm bảo quốc phòng - an ninh.

- Phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với nhiều hình thức hoạt động và đa dạng hóa các hình thức đầu tư nhằm tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế và hợp tác quốc tế; huy động, khai thác, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; từng bước đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng; hạ tầng đô thị được chỉnh trang, nâng cấp, mở rộng, gắn với xây dựng các khu đô thị mới.

- Cơ chế, chính sách và hoạt động của Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thực hiện theo pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp, các nghị định và văn bản hướng dẫn về quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu chung:

- Tập trung phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp; từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm.

- Triển khai quy hoạch, bố trí hệ thống Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo hợp lý và đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư.

- Tập trung đầu tư có trọng điểm hạ tầng thiết yếu và mở rộng diện tích các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở những nơi có hạ tầng đồng bộ, thuận lợi thu hút đầu tư gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp tham gia vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

b) Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu cuối năm 2025 khu vực Công nghiệp và Xây dựng chiếm khoảng 32-33% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; góp phần nâng tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 118.000 tỷ đồng.

- Đến năm 2030, có 05 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 941,76 ha; 33 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.733,825 ha; diện tích khu kinh tế khoảng 16.000 ha; mỗi huyện có ít nhất 02 cụm công nghiệp (riêng huyện Ia H’Drai và huyện Kon Rẫy bố trí 01 cụm/huyện).

- Phấn đấu nâng cao tỷ lệ lấp đầy các khu chức năng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được thành lập mới đến năm 2025 tối thiểu đạt 60%; năm 2030 là 90%.

- Phấn đấu 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn trước khi hoạt động.

3. Định hướng phát triển:

a) Điều chỉnh quy mô và quy hoạch xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y

Điều chỉnh quy mô diện tích Khu kinh tế thành 16.000 ha, bao gồm xã Pờ Y, xã Đăk Kan (thôn 1, 3, 4), xã Đăk Xú (thôn Thung Nai) và thị trấn Plei Kần (thôn 7) thuộc huyện Ngọc Hồi. Khu kinh tế được tổ chức thành các khu chức năng gồm khu công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị, dân cư và các khu chức năng khác phù hợp với quy định của pháp luật và đặc điểm của địa phương. Quy mô, vị trí từng khu chức năng được xác định trong quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch chi tiết Khu kinh tế (tại Phụ lục số 7 kèm theo Đề án).

b) Định hướng phát triển các khu công nghiệp

- Giữ nguyên quy hoạch các khu công nghiệp đã có trong quy hoạch Khu công nghiệp Việt Nam, gồm 03 khu công nghiệp sau: (1) Khu công nghiệp Hòa Bình (60 ha, tại Phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum); (2) Khu công nghiệp Sao Mai (150 ha, tại xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum); (3) Khu công nghiệp Đăk Tô (146,76 ha, tại thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô).

- Giữ nguyên Khu công nghiệp Bờ Y trong Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y nhưng điều chỉnh giảm diện tích còn khoảng 385 ha và điều chỉnh vị trí đến vị trí mới tại xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi (gần Quốc lộ 14C).

- Bổ sung quy hoạch Khu công nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu tập trung: Khu công nghiệp có quy mô diện tích khoảng 200 ha tại xã Tân Cảnh và thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô.

* Dự kiến đến năm 2030 có 05 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 941,76 ha.

c) Định hướng phát triển các cụm công nghiệp

- Giai đoạn 2021 - 2025 (23 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.069,325 ha):

+ Giữ nguyên 17/18 cụm công nghiệp, tổng diện tích 587,725 ha đã được quy hoạch tại Quyết định số 780/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về điều chỉnh cục bộ Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công Thương tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2025(1).

+ Điều chỉnh đưa Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi (quy mô 11 ha) ra khỏi Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công Thương tỉnh Kon Tum theo Quyết định số 780/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.

+ Bổ sung quy hoạch 06 cụm công nghiệp (tổng diện tích 392,6 ha)(2).

+ Điều chỉnh mở rộng 02 cụm công nghiệp tại huyện Ngọc Hồi (tổng diện tích 89 ha)(3):

- Giai đoạn 2026 - 2030 (10 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 664,5 ha):

+ Bổ sung quy hoạch 10 cụm công nghiệp (tổng diện tích khoảng 634,5 ha)(4).

+ Điều chỉnh mở rộng quy mô 01 cụm công nghiệp tại huyện Kon Rẫy (diện tích khoảng 30 ha): Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Đăk Ruồng từ 20 ha lên 50 ha.

* Dự kiến đến năm 2030 có 33 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.733,825 ha.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Các Sở, ban ngành, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: theo chức năng, nhiệm vụ chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, thực hiện Đề án đảm bảo hiệu quả, đúng quy định (cụ thể tại Mục III và Mục IV Chương 3 của Đề án kèm theo). Định kỳ hằng năm báo cáo tình hình thực hiện Đề án gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Ban Quản lý Khu kinh tế và Sở Công Thương) để theo dõi, chỉ đạo.

2. Ban Quản lý Khu kinh tế:

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu xây dựng Kế hoạch/Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Đề án tương ứng với từng giai đoạn cụ thể; trong đó đảm bảo phân công công việc cụ thể tương ứng với chức năng, nhiệm vụ của từng sở, ngành, địa phương và lộ trình triển khai phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của Đề án.

- Là cơ quan đầu mối, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các đơn vị triển khai thực hiện Đề án; định kỳ hằng năm chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện Đề án để Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo.

Điều 3. Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh; Giám đốc Sở Công Thương; Thủ trưởng các Sở, ban ngành, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (t/d);
- Thành ủy; các Huyện ủy (p/h);
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các đoàn thể cấp tỉnh và các tổ chức CTXH, XHNN (p/h);
- Lưu: VT, HTKT.HMC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Ngọc Tuấn

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ, CÁC KHU CÔNG NGHIỆP, CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, CÓ TÍNH ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 1213/QĐ-UBND ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

Chương 1

SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. Sự cần thiết

Kon Tum là tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 967.729,83 ha, dân số trung bình năm 2020 là 555.031 người; nằm ở vùng ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, rất thuận lợi trong giao thương kinh tế với các vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung, Đông Nam Bộ và các nước trong Khu vực Tam giác phát triển ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam; có cửa khẩu quốc tế với Lào và quy hoạch cửa khẩu chính với Campuchia.

Về giao thông, có các tuyến quốc lộ đi qua như: Quốc lộ 40 nối các tỉnh Duyên hải Miền Trung, Tây Nguyên với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y; Quốc lộ 24 nối Kon Tum với cụm Cảng biển và Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi; Quốc lộ 14 (Đường Hồ Chí Minh) nối Kon Tum với cụm Cảng biển Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh; Quốc lộ 19 nối với Cảng biển Quy Nhơn; tuyến cao tốc Bờ Y - Ngọc Hồi - Pleiku đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương đầu tư.

Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp là định hướng quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Vai trò của Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là một trong những điều kiện của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh trong những năm qua có sự chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành quả. Quy mô kinh tế của tỉnh tăng đáng kể; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đến cuối năm 2020 tăng gần 72% so với năm 2015. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 9,13%/năm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2020 là 3.031 tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 8,08%/năm, bằng 11,61% GRDP, đảm bảo 38,25% tổng chi ngân sách và 56,62% chi thường xuyên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ tăng dần. Nông nghiệp ngày càng phát triển theo chiều sâu, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ được chú trọng. Ngành công nghiệp chuyển biến cả về quy mô và chất lượng; sản phẩm công nghiệp thế mạnh của tỉnh có chiều hướng phát triển tốt. Các ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực của tỉnh được rà soát, đầu tư phát triển. Các nguồn lực được huy động, khai thác, sử dụng hiệu quả; kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ, hạ tầng lưới điện, thông tin, truyền thông, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch được đầu tư hoàn thiện; hạ tầng đô thị được chỉnh trang, nâng cấp, mở rộng, gắn với xây dựng các khu đô thị mới. Môi trường đầu tư được cải thiện; các thành phần kinh tế ngày càng phát triển. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo, trật tự xã hội được giữ vững, công tác đối ngoại được tăng cường.

Hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn nhiều khó khăn, song cũng đã góp phần trong việc thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp của tỉnh, từng bước mang lại kết quả về kinh tế - xã hội; thu hút vốn đầu tư, giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm, nguồn nguyên liệu của địa phương và tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Việc phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cho đến nay còn chậm so với mục tiêu đề ra; quá trình thực hiện quy hoạch, đầu tư và hoạt động của Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn, bất cập. Công tác quy hoạch và thực hiện đầu tư thiếu tính bền vững và ổn định, gây ảnh hưởng đến tâm lý, niềm tin của Nhà đầu tư; kết cấu hạ tầng chậm được đầu tư, chưa đồng bộ, hoàn chỉnh; thiếu quỹ đất sạch để giới thiệu, thu hút đầu tư.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI đã xác định một trong những mục tiêu tổng quát đó là: “…Huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tập trung phát triển dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đầu tư phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ và tăng cường cải cách hành chính; bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và mức sống của Nhân dân; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Giữ vững ổn định quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống. Đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững”. Đại hội xác định 03 lĩnh vực đột phá đó là: (1) Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến; (2) Đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều loại hình; (3) Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (đô thị, các khu, cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ) và đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, trong đó nhiệm vụ về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đó là: “…Tiếp tục huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y để phát triển mạnh kinh tế cửa khẩu, kinh tế biên mậu. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sao Mai, Khu sản xuất, chế biến dược liệu tập trung; Khu công nghiệp Đăk Tô và các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh …”.

Việc xây dựng Đề án: “Phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, có tính đến năm 2030” là cần thiết nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những bất cập, hạn chế; đề ra những giải pháp phù hợp để phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XVI của tỉnh.

II. Đối tượng, phạm vi Đề án:

1. Đối tượng:

Các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến hoạt động của Khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong Khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

2. Phạm vi:

- Phạm vi về thời gian: Giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

- Phạm vi về không gian: Tại Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

III. Căn cứ pháp lý

1. Các văn bản của Trung ương

- Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 16 tháng 7 năm 2020; Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ Quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng.

- Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến Luật quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018; Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải thích một số điều của Luật Quy hoạch.

- Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015.

- Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019.

- Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020.

- Luật Đất đai năm 2013; Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đất đai; Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

- Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý Khu công nghiệp và Khu kinh tế.

- Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ; Thông tư số 28/2020/TT-BCT ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Bộ Công Thương về quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP .

- Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

- Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025.

- Công văn số 8857/VPCP-KTN ngày 13 tháng 12 năm 2011 của Văn phòng Chính phủ đồng ý chủ trương điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y tỉnh Kon Tum.

- Thông báo số 369/TB-VPCP ngày 24 tháng 9 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị đầu tư phát triển Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác tại tỉnh Kon Tum.

- Công văn số 1389/TTg-CN ngày 12 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh đưa khu công nghiệp Hòa Bình (giai đoạn 2) tỉnh Kon Tum ra khỏi Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020.

- Vận dụng Quyết định số 65/QĐ-BXD ngày 20 tháng 01 năm 2021 của Bộ Xây dựng về việc ban hành suất vốn đầu tư và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2020.

2. Các văn bản của địa phương

- Nghị quyết số 06-NQ/ĐH ngày 30 tháng 9 năm 2020 Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2020 - 2025.

- Kết luận số 212-KL/TU ngày 04 tháng 6 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030.

- Thông báo số 86-TB/VPTU ngày 14 tháng 6 năm 2021 của Văn phòng Tỉnh ủy Thông báo ý kiến của đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tại buổi kiểm tra các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Tỉnh ủy Kon Tum về Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVI lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị 6 tháng cuối năm 2021.

- Nghị quyết số 36/NQ-HĐND ngày 26 tháng 10 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn ngân sách địa phương tỉnh Kon Tum.

- Quyết định số 1176/QĐ-UBND ngày 07 tháng 10 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Kon Tum đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

- Quyết định số 977/QĐ-UBND ngày 30 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt Quy hoạch các điểm đấu nối vào các Quốc lộ trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

- Quyết định số 54/QĐ-UBND ngày 13 tháng 01 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công Thương tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 780/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công Thương tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 1125/QĐ-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc bổ sung Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Phường Ngô Mây và xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum vào Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công Thương tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2025.

- Quyết định số 1466/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc ban hành Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

- Quyết định số 684/QĐ-UBND ngày 02 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc Ban hành Danh mục dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025.

- Quyết định số 724/QĐ-UBND ngày 09 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc thành lập Hội đồng thẩm định Đề án “Phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, có tính đến năm 2030”.

Chương 2

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ VÀ CÁC KHU, CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

I. Tình hình xây dựng và phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp:

1. Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Khu kinh tế)

- Về quy hoạch: Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế được phê duyệt với quy mô 70.438 ha(1); quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng đã được lập và phê duyệt (Chi tiết tại Phụ lục 01) đã góp phần tạo điều kiện để thực hiện đầu tư phát triển Khu kinh tế.

Tuy nhiên, sau 20 năm thực hiện, đến nay một số chỉ tiêu theo Quy hoạch không khả thi, các chỉ tiêu cơ bản không còn phù hợp với một số quy hoạch khác. Do đó, để thuận lợi trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch xây dựng... tránh chồng chéo giữa các quy hoạch của địa phương và quy hoạch Khu kinh tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương điều chỉnh quy mô Khu kinh tế giảm còn 16.000 ha, để tập trung nguồn lực đầu tư có trọng điểm(2).

- Về cơ sở hạ tầng: Hạ tầng Khu kinh tế chủ yếu được đầu tư từ ngân sách Nhà nước và được bố trí cho các công trình thiết yếu như: Giao thông, điện, nước và khu kiểm soát cửa khẩu(3) và đầu tư của doanh nghiệp(4). Cơ bản hệ thống hạ tầng bước đầu đáp ứng được nhu cầu giao thông đi lại và các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Chi tiết tại Phụ lục 02).

- Về kết quả hoạt động thu hút đầu tư: Trên địa bàn Khu kinh tế hiện có 69 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư do Ban Quản lý Khu kinh tế tiếp nhận, theo dõi và quản lý, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.454,5 tỷ đồng, vốn thực hiện 581,3 tỷ đồng; diện tích đất 148,4 ha. Trong đó, có 35 dự án đang hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký 794,4 tỷ đồng, vốn thực hiện 409,2 tỷ đồng; 21 dự án đang triển khai, vốn đầu tư đăng ký 487,8 tỷ đồng, vốn thực hiện 66,3 tỷ đồng; 12 dự án tạm dừng hoạt động, 01 dự án hoàn thành nhưng chưa hoạt động. Tổng số lao động sử dụng của các dự án đang hoạt động 1.255 người; doanh thu hoạt động năm 2020 đạt khoảng 1.224 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước khoảng 44,8 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người lao động đạt 6.183.000 đồng/người/tháng (Chi tiết tại Phụ lục 03). Trên địa bàn Khu kinh tế còn có 133 doanh nghiệp, hợp tác xã(5) và khoảng 1.350 hộ kinh doanh hoạt động và một số dự án khác do Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận, theo dõi và quản lý.

- Khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện đầu tư phát triển Khu kinh tế: Quy mô và các mục tiêu về đầu tư phát triển Khu kinh tế theo Quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là rất lớn và trong một thời gian ngắn (đến năm 2025 phát triển thành đô thị loại II vùng biên giới, với hướng phát triển hiện đại, bền vững, môi trường thân thiện, văn minh, gồm các khu đô thị và nhiều khu chức năng…). Vốn đầu tư hạ tầng Khu kinh tế từ ngân sách Nhà nước thời gian qua chưa đáp ứng nhu cầu theo quy hoạch (khoảng 3,9% quy hoạch), do đó việc đầu tư phát triển Khu kinh tế không đạt được mục tiêu đề ra.

2. Hoạt động của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh

a) Khu công nghiệp Hòa Bình

- Vị trí: Nằm kề Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh), phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum, cách trung tâm thành phố Kon Tum 02 km về phía Nam. Quy mô: 60 ha. Được bổ sung vào Quy hoạch các Khu công nghiệp Việt Nam năm 1998(6); thành lập năm 2015(7).

- Về hạ tầng: Đã đầu tư hoàn thiện và đồng bộ bằng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước, với tổng vốn đầu tư 61,289 tỷ đồng, do Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Khu kinh tế (đơn vị sự nghiệp công lập) làm chủ đầu tư.

- Về kết quả thu hút đầu tư: Khu công nghiệp đã được lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp cho thuê với 37 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký 657,4 tỷ đồng, vốn thực hiện 383,1 tỷ đồng, diện tích đất cho thuê là 50,275 ha. Trong đó, đang hoạt động 24 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 431,2 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện 300,5 tỷ đồng; đang triển khai đầu tư 06 dự án, vốn đầu tư đăng ký 56,5 tỷ đồng; tạm dừng 06 dự án; dự án hoàn thành nhưng chưa hoạt động 01 dự án (Chi tiết tại Phụ lục 4a).

- Về hiệu quả đầu tư: Khu công nghiệp đã được lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp nhưng hiệu quả sử dụng đất thấp. Các doanh nghiệp hoạt động trong Khu công nghiệp đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, sản phẩm chủ yếu là lâm sản sơ chế và một số ngành nghề khác, giá trị gia tăng thấp; chậm đổi mới công nghệ. Gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp càng gặp khó khăn nhiều hơn; năm 2020, doanh thu hoạt động của cả Khu công nghiệp đạt thấp (880 tỷ đồng), nộp ngân sách Nhà nước đạt thấp (khoảng 16,357 tỷ đồng/cả Khu), sử dụng lao động ít (1.196 người, không tính Xí nghiệp may, số lao động bình quân làm việc tại một dự án là 26 người kể cả lao động quản lý), thu nhập bình quân của người lao động đạt khoảng 5.657.000 đồng/người/tháng.

b) Khu công nghiệp Sao Mai

- Vị trí: Nằm kề Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh), xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum, cách trung tâm thành phố Kon Tum 08 km về phía Nam. Quy mô:

150 ha. Được bổ sung vào Quy hoạch phát triển Khu công nghiệp Việt Nam từ năm 2004(8); đã phê duyệt quy hoạch chi tiết(9); giai đoạn I (79,41ha) được thành lập năm 2005(10).

- Về hạ tầng: Hiện đã có 88,88 ha diện tích được bồi thường giải phóng mặt bằng (trong đó: Khu công nghiệp khoảng 63,88 ha, Khu đô thị - dịch vụ khoảng 25 ha), đang tiếp tục triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư. Khu công nghiệp Sao Mai được quy hoạch phát triển gắn với Khu đô thị - dịch vụ theo Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ; đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung; đang đầu tư một số đường giao thông để thu hút đầu tư.

- Về kết quả thu hút đầu tư: Khu công nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư hạ tầng nhưng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Hiện nay, diện tích đất bồi thường đến đâu đều có nhà đầu tư đăng ký dự án; trong đó đã có 03 dự án được cấp chứng nhận đầu tư, đang xây dựng, tổng vốn đăng ký 680 tỷ đồng; diện tích 44,19 ha (Chi tiết tại Phụ lục 4b).

c) Khu công nghiệp Đăk Tô

- Vị trí: Nằm kề Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh), thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, cách thành phố Kon Tum 38 km về hướng Bắc. Quy mô 146,76 ha. Được bổ sung vào Quy hoạch phát triển Khu công nghiệp Việt Nam từ năm 2007(11); đã phê duyệt quy hoạch chi tiết(12).

- Về đầu tư hạ tầng: Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã thu hồi chủ trương đầu tư dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Đăk Tô đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai. Hiện nay, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kết luận số 2874/KL-CTUBND ngày 16 tháng 8 năm 2021 về việc thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai, môi trường tại Dự án nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai - Kon Tum; do vậy đến nay khu công nghiệp vẫn chưa được đầu tư (Chi tiết tại Phụ lục 4c).

d) Khu công nghiệp Bờ Y thuộc Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y

Đã quy hoạch chung 1.566 ha(13) và quy hoạch chi tiết giai đoạn I (815,4 ha)(14); hiện chưa đầu tư, chưa giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, qua đánh giá thực tế thì địa hình tương đối phức tạp, độ dốc lớn, chia cắt nhiều, tỷ lệ đất sử dụng cho sản xuất công nghiệp thấp, do vậy không thuận lợi để thu hút đầu tư cần điều chỉnh Khu công nghiệp đến vị trí khác thuận lợi hơn.

3. Tình hình đầu tư và hoạt động của các cụm công nghiệp

- Về quy hoạch, thành lập các cụm công nghiệp: Theo Quyết định số 780/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công Thương tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2025: đến năm 2025 (toàn tỉnh có 18 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 598,725 ha); trong đó có 13 cụm công nghiệp đã được thành lập và quy hoạch chi tiết với tổng diện tích là 467,725 ha (Chi tiết tại Phụ lục 5a).

- Về đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp: Tổng vốn ngân sách đã đầu tư cho các cụm công nghiệp: 117.368 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương: 31.000 triệu đồng; vốn khác: 86.368 triệu đồng (Chi tiết tại Phụ lục 5b). Tất cả các cụm công nghiệp đã thành lập ở các huyện và thành phố được giao cho Ban quản lý dự án các huyện, thành phố làm chủ đầu tư(15).

- Về kết quả thu hút đầu tư: Tính đến tháng 6 năm 2021, có 08/18 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy bình quân 65%, có 39 doanh nghiệp và 517 cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký đầu tư vào cụm công nghiệp, thu hút được hơn 2.500 lao động. Nộp ngân sách Nhà nước của các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong các cụm công nghiệp đạt 4,786 tỷ đồng, tổng số vốn đăng ký của các dự án đầu tư trong các cụm công nghiệp đạt 565,93 tỷ đồng.

- Khó khăn, hạn chế: Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư vào cụm công nghiệp đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng suất, chất lượng và cạnh tranh sản phẩm trên thị trường hạn chế. Tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp còn rất chậm, nhất là chưa được đầu tư hệ thống xử lý môi trường(16). Việc kêu gọi các nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng tại các cụm công nghiệp rất khó khăn, chưa có cụm công nghiệp nào thu hút được nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng (Chi tiết tại Phụ lục 5c).

II. Đánh giá kết quả

1. Đánh giá chung

Thời gian qua, hoạt động của Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn đã có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương; hỗ trợ thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp thương mại, dịch vụ; tăng thu ngân sách Nhà nước; thu hút vốn đầu tư, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy quá trình đô thị hóa trên địa bàn.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch, đầu tư và hoạt động của Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, bất cập, thiếu tính ổn định; kết cấu hạ tầng trong Khu kinh tế tỉnh, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa đồng bộ, hiện đại, chậm được đầu tư nâng cấp; các vướng mắc về đất đai chậm được tháo gỡ, thiếu quỹ đất sạch để giới thiệu, thu hút đầu tư; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa hiệu quả.

2. Những khó khăn, hạn chế

- Vốn đầu tư ngân sách Nhà nước còn hạn chế, chưa có nhà đầu tư phát triển hạ tầng nên việc phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chậm, hạ tầng không đồng bộ... ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của tỉnh.

- Các dự án đầu tư vào Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đa số có quy mô nhỏ, chủ yếu là ngành sản xuất chế biến lâm sản, công nghệ sản xuất giản đơn; sản phẩm sản xuất đa số là sơ chế, giá trị gia tăng thấp, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước; chưa thu hút được các dự án lớn, dự án đầu tư nước ngoài; hiệu quả sử dụng đất thấp.

3. Nguyên nhân

a) Nguyên nhân khách quan

- Kon Tum là tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, lợi thế so sánh hạn chế so với các địa phương khác trong cả nước; hoạt động thu hút đầu tư, huy động vốn đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp rất khó khăn.

- Hệ thống pháp luật có liên quan đến hoạt động đầu tư, thu hút đầu tư vào Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thiếu tính ổn định, còn chồng chéo; cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư chưa đủ mạnh và có tính đặc thù đối với các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Các doanh nghiệp đầu tư chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh hạn chế, vốn ít nên tiến độ triển khai dự án đầu tư chậm, một số dự án đăng ký nhưng không có khả năng triển khai phải thu hồi.

b) Nguyên nhân chủ quan

- Quy hoạch và xây dựng Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thiếu bền vững, thường xuyên thay đổi, điều chỉnh:

+ Khu công nghiệp Hòa Bình: Quy mô năm 2004 là 59,22 ha(17); năm 2006: 160 ha(18); năm 2010: 130 ha(19); năm 2018: 60 ha(20).

+ Khu công nghiệp Hòa Bình giai đoạn 2: trước năm 2018 tại xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum; năm 2018 chuyển qua phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum; năm 2020 đưa ra khỏi quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp ở Việt Nam(21).

+ Khu công nghiệp Sao Mai: năm 2004 bổ sung quy hoạch(22); năm 2005 xây dựng và thành lập giai đoạn 1 (79,4 ha)(23); năm 2006 giãn tiến độ thực hiện(24); năm 2014 giao hồ sơ quy hoạch và toàn bộ quỹ đất đã bồi thường (88,335 ha) cho Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý(25); năm 2017 giao Ban Quản lý Khu kinh tế tiếp tục đầu tư(26).

+ Khu công nghiệp Đăk Tô: bổ sung vào quy hoạch năm 2007(27); năm 2009 giao toàn bộ quỹ đất cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai xây dựng nhà máy giấy và bột giấy; năm 2015 thống nhất cho lập dự án đầu tư Khu công nghiệp và điều chỉnh diện tích từ 150 ha thành 146,76 ha; đến nay vẫn chưa được đầu tư.

+ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y: Quy mô năm 1999: 400 ha(28); năm 2001: 68.750 ha(29); năm 2007: 70.483 ha(30); nay đang đề nghị giảm quy mô còn 16.000 ha(31).

- Hạ tầng Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chậm được đầu tư, thiếu đồng bộ, quỹ đất sạch ít để thu hút đầu tư:

+ Khu kinh tế được đầu tư từ năm 1999(32) đến năm 2020 là 1.630,8 tỷ đồng (đạt 3,9%/tổng mức đầu tư theo quy hoạch 44.914 tỷ đồng(33)).

+ Khu công nghiệp Hòa Bình quy hoạch từ năm 1998, đầu tư xây dựng năm 2004 với tổng mức đầu tư 57,2 tỷ đồng(34), đã hoàn thành xây dựng và đã lấp đầy diện tích đất công nghiệp.

+ Khu công nghiệp Sao Mai (150 ha) được quy hoạch từ năm 2004, đầu tư xây dựng năm 2005 với tổng mức đầu tư (giai đoạn 1:111,533 tỷ/79,4 ha, trong đó Ngân sách Trung ương 60 tỷ đồng)(35), tuy nhiên năm 2006 tạm giãn tiến độ thực hiện cho đến năm 2017 tiếp tục đầu tư(36); Khu công nghiệp Đăk Tô (146,76 ha) được quy hoạch từ năm 2007, đến nay chưa được đầu tư.

- Công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính ở từng cấp, từng ngành chưa được thực hiện triệt để, chưa thực sự thông thoáng cho nhà đầu tư.

- Tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và việc phân cấp ủy quyền đối với Ban Quản lý Khu kinh tế quy định chưa rõ ràng và thiếu ổn định(37); các Nghị định của Chính phủ quy định về Khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp được ban hành nhưng chậm được các Bộ, ngành hướng dẫn thực hiện(38). Trụ sở làm việc của Ban Quản lý Khu kinh tế thay đổi địa điểm nhiều lần(39).

Chương 3

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ, CÁC KHU CÔNG NGHIỆP, CỤM CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, CÓ TÍNH ĐẾN NĂM 2030

I. Quan điểm, mục tiêu

1. Quan điểm

- Phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên cơ sở lấy hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường là mục tiêu cao nhất, phù hợp với định hướng phát triển và phân bố lực lượng sản xuất hợp lý của địa phương; gắn liền với việc đảm bảo quốc phòng - an ninh.

- Phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với nhiều hình thức hoạt động và đa dạng hóa các hình thức đầu tư nhằm tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế và hợp tác quốc tế; huy động, khai thác, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; từng bước đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng; hạ tầng đô thị được chỉnh trang, nâng cấp, mở rộng, gắn với xây dựng các khu đô thị mới.

- Cơ chế, chính sách và hoạt động của Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thực hiện theo pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp, các nghị định và văn bản hướng dẫn về quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

- Tập trung phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp; từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm.

- Triển khai quy hoạch, bố trí hệ thống Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo hợp lý và đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư.

- Tập trung đầu tư có trọng điểm hạ tầng thiết yếu và mở rộng diện tích các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở những nơi có hạ tầng đồng bộ, thuận lợi thu hút đầu tư gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp tham gia vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

b) Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu cuối năm 2025 khu vực Công nghiệp và Xây dựng chiếm khoảng 32-33% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; góp phần nâng tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 118.000 tỷ đồng.

- Đến năm 2030, có 05 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 941,76 ha; 33 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.733,825 ha; diện tích khu kinh tế khoảng 16.000 ha; mỗi huyện có ít nhất 02 cụm công nghiệp (riêng huyện Ia H’Drai và huyện Kon Rẫy bố trí 01 cụm/huyện).

- Phấn đấu nâng cao tỷ lệ lấp đầy các khu chức năng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được thành lập mới đến năm 2025 tối thiểu đạt 60%; năm 2030 là 90%.

- Phấn đấu 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn trước khi hoạt động.

II. Định hướng phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, có tính đến năm 2030

Dựa trên kết quả phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định(40). Việc phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, có tính đến năm 2030 tập trung vào các định hướng sau (Chi tiết tại Phụ lục 06):

1. Điều chỉnh quy mô và quy hoạch xây dựng Khu kinh tế

Khu kinh tế sau khi điều chỉnh có tổng diện tích là 16.000 ha, bao gồm xã Pờ Y, xã Đăk Kan (thôn 1, 3, 4), xã Đăk Xú (thôn Thung Nai) và thị trấn Plei Kần (thôn 7) thuộc huyện Ngọc Hồi. Khu kinh tế được tổ chức thành các khu chức năng gồm khu công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị, dân cư và các khu chức năng khác phù hợp với quy định của pháp luật và đặc điểm của địa phương. Quy mô, vị trí từng khu chức năng được xác định trong quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch chi tiết Khu kinh tế (Chi tiết tại Phụ lục 07).

2. Định hướng phát triển các khu công nghiệp

a) Giữ nguyên quy hoạch các khu công nghiệp đã có trong quy hoạch Khu công nghiệp Việt Nam, gồm 03 khu công nghiệp sau:

- Khu công nghiệp Hòa Bình (60 ha, tại Phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum): Đã hoàn thành hạ tầng và lấp đầy diện tích đất công nghiệp; thời gian tới cần tăng cường quản lý hoạt động của khu công nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động của các dự án trong Khu công nghiệp.

- Khu công nghiệp Sao Mai (150 ha, tại xã Hoà Bình, thành phố Kon Tum): Tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng theo chủ trương sử dụng nguồn thu từ Dự án Chỉnh trang đô thị, tạo quỹ đất để thực hiện Khu công nghiệp Sao Mai; trước mắt ứng trước ngân sách tỉnh để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thi công các hạng mục thiết yếu (giao thông, nước, hệ thống xử lý nước thải…).

- Khu công nghiệp Đăk Tô (146,76 ha, tại thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô): Đưa vào danh mục kêu gọi nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; ngân sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng kết nối bên ngoài hàng rào khu công nghiệp.

b) Định hướng phát triển Khu công nghiệp Bờ Y (thuộc quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y): Giữ nguyên Khu công nghiệp Bờ Y trong Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y nhưng điều chỉnh giảm diện tích và vị trí như sau:

Điều chỉnh vị trí Khu công nghiệp Bờ Y từ xã Pờ Y đến vị trí mới tại xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi (gần Quốc lộ 14C). Diện tích Khu công nghiệp dự kiến khoảng 385 ha(41); Vị trí này theo quy hoạch thuộc một phần phạm vi Đồ án quy hoạch chi tiết: Khu Trung tâm thương mại quốc tế Bờ Y và Khu Đô thị Nam Bờ Y - Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, có địa hình bằng phẳng, thuận lợi để phát triển khu công nghiệp. Ban Quản lý Khu kinh tế chịu trách nhiệm cập nhật vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (quy mô 16.000 ha).

c) Bổ sung quy hoạch Khu công nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu tập trung (tại xã Tân Cảnh và thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô):

Khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất về chủ trương bổ sung quy hoạch; Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã thống nhất vị trí tại xã Tân Cảnh và thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, quy mô diện tích khoảng 200 ha(42). Hiện trạng, có khoảng 32 ha đất có nguồn gốc từ các Nông Lâm trường bàn giao về cho địa phương quản lý (Nông lâm trường Quang Trung). Diện tích đất còn lại người dân đang sử dụng canh tác nông nghiệp trồng các loại cây ngắn ngày và các loại cây lâu năm như cà phê, cao su, … ngoài ra, có khoảng 05 ha đất trồng lúa nước.

* Dự kiến đến năm 2030 có 05 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 941,76 ha.

3. Định hướng phát triển các cụm công nghiệp

Số cụm công nghiệp đã được quy hoạch đến năm 2025 dự kiến hoàn chỉnh xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là khu xử lý nước thải tập trung, tỷ lệ cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 85% trở lên, phấn đấu lấp đầy các cụm công nghiệp đã được thành lập giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, bổ sung 06 cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 và 10 cụm công nghiệp giai đoạn 2026 - 2030, trong đó cơ bản trên địa bàn mỗi huyện có 02 cụm công nghiệp (trừ huyện Ia H’Drai thành lập sau, huyện Kon Rẫy gần thành phố Kon Tum và hạn chế về quỹ đất nên bố trí 01 cụm) nhằm để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp trên địa bàn các huyện đến năm 2030. Riêng trên địa bàn thành phố Kon Tum bổ sung quy hoạch 09 cụm công nghiệp, trong đó có 08 cụm được xác định cùng tại một vị trí (Khu vực bổ sung quy hoạch đất công nghiệp phía Nam thành phố Kon Tum; Quy mô diện tích khoảng 569,5 ha(43)).

- Thuận lợi: Vị trí giáp Đường Ngô Đức Đệ và đường đi xã Ia Chim. Cách đường tránh phía Tây thành phố Kon Tum khoảng 2,8 km, cách đường cao tốc quy hoạch (Bờ Y - Ngọc Hồi - Pleiku) khoảng 1,4 km, cách Đường Hồ Chí Minh khoảng 9 km.

- Phương án thực hiện: Giai đoạn 2021 - 2025, hình thành 04 cụm công nghiệp trên diện tích 280 ha cao su hết chu kỳ khai thác (năm 2023) theo hình thức cuốn chiếu; Nhà nước thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kết nối chung 04 cụm công nghiệp. Giai đoạn 2025 - 2030 hình thành 04 cụm trên diện tích 289,5 ha cao su còn lại.

Cụ thể phân chia theo các giai đoạn sau:

a) Giai đoạn 2021 - 2025 (23 cụm với tổng diện tích khoảng 1.069,325 ha)

- Giữ nguyên 17/18 cụm công nghiệp, tổng diện tích 587,725 ha đã được quy hoạch tại Quyết định số 780/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về điều chỉnh cục bộ Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công Thương tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011 - 2020 định hướng đến năm 2025. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp (ưu tiên đầu tư khu xử lý nước thải tập trung, đảm bảo môi trường) để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư hoạt động sản xuất trong cụm công nghiệp, đồng thời đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp. Cụ thể:

+ Thành phố Kon Tum: 04 cụm công nghiệp, tổng diện tích 183,59 ha. Gồm: Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thanh Trung (70,285 ha); Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Hòa Bình (70 ha); Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp làng nghề H’Nor(44) (18,3 ha); Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp (ngành nghề phân loại, làm sạch, tái chế phế liệu tại 01 xã của thành phố Kon Tum, 25 ha).

+ Huyện Đăk Hà: 03 cụm công nghiệp, tổng diện tích 114,38 ha, gồm: Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp, làng nghề thị trấn Đăk Hà (10,6 ha); Cụm công nghiệp Đăk La (73,78 ha); Cụm công nghiệp Đăk Mar (30 ha).

+ Huyện Đăk Tô: 02 cụm công nghiệp, tổng diện tích 74,76 ha, gồm: Cụm công nghiệp và Dịch vụ 24/4 thị trấn Đăk Tô (24,76 ha); Cụm công nghiệp phía Tây thị trấn Đăk Tô (50 ha).

+ Huyện Ngọc Hồi: 02 cụm công nghiệp, diện tích 60 ha, gồm: Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Đăk Nông (50 ha) và Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp xã Đăk Xú (10 ha).

+ Huyện Đăk Glei: 01 cụm công nghiệp, diện tích 20 ha (Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Đăk Sút(45)).

+ Huyện Tu Mơ Rông: 01 cụm công nghiệp, diện tích 15 ha (Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Mô Pả).

+ Huyện Kon Plông: 01 cụm công nghiệp, diện tích 20 ha (Cụm công nghiệp huyện Kon Plông(46)).

+ Huyện Kon Rẫy: 01 cụm công nghiệp, diện tích 20 ha (Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Đăk Ruồng).

+ Huyện Sa Thầy: 01 cụm công nghiệp, diện tích 50 ha (Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp thị trấn Sa Thầy).

+ Huyện Ia H’Drai: 01 cụm công nghiệp, diện tích 30 ha (Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Ia H’Drai).

- Điều chỉnh đưa Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi (quy mô 11 ha) ra khỏi Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công Thương tỉnh Kon Tum theo Quyết định số 780/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Bổ sung quy hoạch 06 cụm công nghiệp (tổng diện tích 392,6 ha):

+ Tại thành phố Kon Tum:

* Bô sung Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp kết hợp với chỉnh trang đô thị, phát triển khu dân cư tại Phường Ngô Mây và xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum, diện tích 62,6 ha(47).

* Bổ sung quy hoạch 04 cụm công nghiệp tại khu vực quy hoạch đất công nghiệp phía Nam thành phố Kon Tum (tại thôn 5, xã Hòa Bình và thôn K'lâu Ngol, xã Ia Chim) trên diện tích 280 ha cao su hết chu kỳ khai thác (năm 2023).

+ Tại huyện Ngọc Hồi: Bổ sung quy hoạch 01 cụm công nghiệp tại xã Đăk Kan, quy mô 50 ha để phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khu vực phía Nam huyện Ngọc Hồi.

- Điều chỉnh mở rộng 02 cụm công nghiệp tại huyện Ngọc Hồi (tổng diện tích 89 ha):

+ Điều chỉnh mở rộng quy mô diện tích Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi từ 50 ha lên 75 ha.

+ Điều chỉnh mở rộng quy mô diện tích Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi từ 10 ha lên 74 ha và chuyển đến vị trí mới tại Thị trấn Plei Kần và xã Đăk Kan.

b) Giai đoạn 2026 - 2030 (10 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 664,5 ha)

- Bổ sung quy hoạch 10 cụm công nghiệp (tổng diện tích khoảng 634,5 ha):

+ Thành phố Kon Tum: Bổ sung quy hoạch 04 cụm công nghiệp, tổng diện tích khoảng 289,5 ha (quy mô bình quân 70ha/01 cụm công nghiệp) tại khu vực quy hoạch đất công nghiệp phía Nam thành phố Kon Tum.

+ Huyện Đăk Hà: 01 cụm công nghiệp (Nam Đăk Hà), khoảng 75 ha.

+ Huyện Ngọc Hồi: 01 cụm công nghiệp, quy mô 50 ha để phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

+ Huyện Đăk Glei: 01 cụm công nghiệp, khoảng 50 ha.

+ Huyện Tu Mơ Rông: 01 cụm công nghiệp, khoảng 70 ha.

+ Huyện Kon Plông: 01 cụm công nghiệp, khoảng 50 ha.

+ Huyện Sa Thầy: 01 cụm công nghiệp (tại xã Sa Nhơn), khoảng 50 ha.

- Điều chỉnh mở rộng quy mô 01 cụm công nghiệp tại huyện Kon Rẫy (diện tích khoảng 30 ha): Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Đăk Ruồng từ 20 ha lên 50 ha.

* Dự kiến đến năm 2030 có 33 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.733,825 ha.

4. Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (Chi tiết tại Phụ lục 06)

Tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng Khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đến năm 2030 khoảng 103.682,68 tỷ đồng. Trong đó:

- Giai đoạn 2021 - 2025: Khoảng 43.393,18 tỷ đồng (gồm: vốn ngân sách nhà nước 421,58 tỷ đồng; vốn kêu gọi đầu tư và vốn khác theo quy định của pháp luật là 42.971,6 tỷ đồng). Cụ thể:

+ Khu kinh tế cửa khẩu: Khoảng 40.629 tỷ đồng, bao gồm:

* Vốn ngân sách nhà nước: Khoảng 76,9 tỷ đồng(48).

* Vốn kêu gọi đầu tư và vốn khác theo quy định của pháp luật: Khoảng 40.552,1 tỷ đồng.

+ Các khu công nghiệp: Khoảng 1.105,18 tỷ đồng, bao gồm:

* Vốn ngân sách nhà nước: Khoảng 254,68 tỷ đồng.

* Vốn kêu gọi đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác: Khoảng 850,5 tỷ đồng.

+ Các cụm công nghiệp: Khoảng 1.659 tỷ đồng, bao gồm:

* Vốn ngân sách nhà nước: Khoảng 90 tỷ đồng.

* Vốn kêu gọi đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác: Khoảng 1.569 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2026 - 2030: Khoảng 60.289,5 tỷ đồng (trước mắt dự kiến nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ nguồn vốn kêu gọi đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác). Cụ thể:

+ Khu kinh tế cửa khẩu: Khoảng 57.989 tỷ đồng.

+ Các khu công nghiệp: Khoảng 1.040 tỷ đồng.

+ Các cụm công nghiệp: Khoảng 1.260,5 tỷ đồng.

5. Cơ sở xác định nguồn vốn đầu tư hạ tầng Khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp

- Nguồn vốn ngân sách Nhà nước: Xác định dựa trên Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt(49), vốn đã bố trí cho các dự án đầu tư hạ tầng Khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Riêng đối với dự kiến kinh phí đầu tư Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 (khoảng 76,9 tỷ đồng, hiện chưa có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh): Chỉ thực hiện khi cân đối được nguồn vốn và sau khi có chủ trương của cấp có thẩm quyền.

- Nguồn vốn kêu gọi đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

III. Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện

1. Giải pháp về quy hoạch xây dựng, phân khu chức năng đảm bảo đồng bộ, hiệu quả

- Nâng cao hiệu quả công tác lập quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đảm bảo các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng huyện, thành phố. Trong đó, chú trọng quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp tại các địa phương có điều kiện thuận lợi như: thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà. Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất làm cơ sở xác định quỹ đất cho phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhất là quy hoạch và thu hồi diện tích đất của Nhà nước cho Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum thuê trồng cây cao su đến thời kỳ tái canh.

- Trong quá trình xây dựng, thành lập khu công nghiệp, nghiên cứu, triển khai các mô hình khu công nghiệp hiện đại, nhất là các mô hình “khu công nghiệp tổng hợp”, “khu công nghiệp thông minh”, “khu công nghiệp sinh thái” … gắn lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường. Có giải pháp tăng tính kết nối trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và giữa Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo chuỗi cung ứng để tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến phát triển.

- Nghiên cứu, tích hợp nội dung Đề án vào Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch có liên quan, làm cơ sở để triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, chủ động nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung phương án triển khai Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên cơ sở bám sát tình hình thực tế, định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh theo từng thời kỳ và nguồn lực thực hiện.

2. Đẩy mạnh thu hút đầu tư

- Lập danh mục dự án đầu tư các khu chức năng trong Khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp để kêu gọi đầu tư; Căn cứ tình hình thực tiễn và dự báo thu hút đầu tư trong thời gian tới, xác định tính chất ngành nghề trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp (trừ các cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập) là các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp tổng hợp đa ngành, chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành sản xuất sạch, ít gây ô nhiễm môi trường như: cơ khí chế tạo, dệt may và sản xuất nguyên phụ liệu, giày dép; chế biến nông lâm sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng; xử lý chất thải; công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp(50).

- Tổ chức hoặc tham gia tích cực vào các hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, giới thiệu nguồn lực của tỉnh, nâng cao hiệu quả công tác vận động, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu kinh tế.

- Hỗ trợ đầu tư tích cực kêu gọi đầu tư, trong đó ưu tiên các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp sạch, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn để hình thành khả năng cung ứng chuỗi sản phẩm công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến và phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.

- Tạo ra sự đột phá lớn về kết cấu hạ tầng thông qua thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, hạ tầng Khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, có tính kết nối và lan tỏa.

- Công tác xúc tiến đầu tư phải được xác định là công tác quan trọng, là cầu nối để các nhà đầu tư đến với các cụm công nghiệp tại Kon Tum. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng trong việc tư vấn, hướng dẫn, giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư.

- Tăng cường công tác quảng bá, phân tích, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm chủ lực, các nguồn lực và khả năng đáp ứng địa phương trên nhiều phương tiện thông tin; quảng bá hình ảnh tinh Kon Tum để thu hút các dự án đầu tư. Thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

3. Đẩy mạnh khai thác các nguồn lực

- Huy động khai thác có hiệu quả các nguồn lực (nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, nguồn ngân sách địa phương, nguồn vốn của doanh nghiệp…) để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Trong đó tiếp tục huy động vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hạ tầng thiết yếu trong khu kinh tế tỉnh để phát triển mạnh kinh tế cửa khẩu, kinh tế biên mậu. Thu hút đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.

- Quy hoạch khai thác quỹ đất tạo vốn đầu tư hạ tầng. Tập trung vào khai thác quỹ đất do Nhà nước đang quản lý nhưng chưa sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả như: Đất tại các Tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước, các đơn vị Quốc phòng đang quản lý…

- Quy hoạch hình thành các khu đô thị, thương mại, dịch vụ gắn kết với phát triển khu công nghiệp theo Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, nhằm vừa thực hiện mục tiêu phát triển đô thị, vừa tạo vốn từ quỹ đất để đầu tư hạ tầng thực hiện được quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế.

- Chủ động nguồn vốn từ ngân sách để lập quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư.

- Tùy vào đặc điểm riêng của từng huyện, thành phố dự kiến phát triển sản xuất và bố trí ngành nghề ở các lĩnh vực khác nhau. Hạn chế tối đa các dự án đầu tư ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thuận tiện cho công tác quản lý và xử lý môi trường. Thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư, hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của từng địa phương, hiệu quả sử dụng và tuân thủ quy định của pháp luật, nhất là pháp luật bảo vệ môi trường, đất đai, xây dựng...

4. Khả năng đáp ứng quỹ đất, giải pháp thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch

- Tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về thu hồi đất, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch thực hiện quy hoạch phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư. Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Sao Mai và một số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu có giải pháp phù hợp về thời gian thuê đất, hình thức trả tiền thuê đất tại khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, gắn với tăng cường kiểm tra, rà soát hiệu quả sử dụng đất để nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, tuyệt đối không để tình trạng thuê đất dài hạn mà không thực hiện dự án.

- Thực hiện công tác đăng ký, điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; dự kiến phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất trong kế hoạch sử dụng đất quốc gia theo quy định.

- Rà soát quỹ đất(51), lập quy hoạch, kế hoạch khai thác quỹ đất tạo vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng.

- Rà soát việc thực hiện pháp luật về đất đai đối với các dự án đang thực hiện, công tác giao đất, cho thuê đất phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.

5. Giải pháp để đảm bảo môi trường

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường, đảm bảo các dự án khi đưa vào hoạt động phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường. Đồng thời nghiên cứu quy hoạch vị trí các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xa dân cư để tránh ô nhiễm.

- Ưu tiên những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm môi trường; nâng cao chất lượng thẩm định các dự án, trong đó yếu tố môi trường cần được xem xét đánh giá kỹ về lượng khí thải, nước thải, rác thải và chất thải nguy hại.

- Các dự án đầu tư khi được thuê đất phải có đầy đủ hồ sơ về bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, đảm bảo tuyệt đối an toàn khi vận hành và xả thải ra môi trường.

- Ưu tiên và có lộ trình đầu tư xây dựng các công trình xử lý nước thải, khu tập kết, xử lý chất thải rắn tại Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để bảo đảm công tác bảo vệ môi trường (đây là yêu cầu bắt buộc đối với quá trình hoạt động của khu công nghiệp, cụm công nghiệp); thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở công nghiệp.

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và triển khai mạnh mẽ chương trình sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; có chính sách hỗ trợ chuyển đổi công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.

- Thường xuyên tiến hành việc đánh giá hiện trạng môi trường đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất hiện có, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm, kịp thời đối với các doanh nghiệp vi phạm về môi trường. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo vệ môi trường; xây dựng và nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch.

6. Khả năng cung ứng nguồn lao động và giải pháp thu hút lao động

Theo Niên giám thống kê tỉnh Kon Tum năm 2019, dân số trung bình là 543.452 người. Mật độ dân số của tỉnh hiện nay là 56 người/km2. Phân bố dân cư có sự chênh lệch lớn giữa các huyện, thành phố trong tỉnh. Thành phố Kon Tum có mật độ dân số cao nhất (391 người/km2), tiếp đến là huyện Đăk Tô (94 người/km2), huyện Đăk Hà (89 người/km2). Huyện Ia H’Drai có mật độ dân số thấp nhất (chỉ 11 người/km2), tiếp đến là huyện Kon Plông (19 người/km2).

Tổng số lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của tỉnh Kon Tum năm 2019 là 316.359 người, chiếm 58,2% dân số của toàn tỉnh. Trong đó, tỷ lệ lao động nam chiếm 51,96%, tỷ lệ lao động nữ là 48,04%; lao động tại thành thị chiếm 30,41%, lao động tại nông thôn chiếm 69,59%.

* Giải pháp thu hút lao động để đáp ứng nhu cầu phát triển Khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp:

- Tăng cường kết nối giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề và cung ứng lao động tại chỗ, lao động có tay nghề, chuyên môn cao phục vụ cho nhu cầu sử dụng lao động tại Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho các ngành nghề có tính chất quyết định đến hình thành và phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong các ngành dịch vụ, sản xuất như: xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, quản lý và giám sát dự án, logistic, quản lý kho bãi, quản lý thuế, nghiệp vụ xuất nhập khẩu, tài chính, ngân hàng...

Thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động làm việc trong Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tổ chức đào tạo nghề cho những lao động nông nghiệp chuyển đổi sang sản xuất công nghiệp đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp hoạt động trong cụm công nghiệp.

Khả năng cung ứng nguồn lao động của các huyện, thành phố cơ bản đáp ứng được nhu cầu lao động của Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được thành lập.

7. Xây dựng cơ chế chính sách, khuyến khích phát triển doanh nghiệp công nghiệp

Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 09 tháng 01 năm 2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện các lĩnh vực đột phá trong năm 2019; Chương trình số 03-CTr/TU ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XVI về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đồng thời rà soát, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển khu, ngành nghề truyền thống. Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu, các nguồn vốn vay, nguồn kinh phí khuyến công để thực hiện hỗ trợ các chương trình, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý của doanh nghiệp.

- Rà soát, bổ sung và điều chỉnh các chính sách ưu đãi đầu tư phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phù hợp với tình hình thực tiễn theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư trên địa bàn, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực như đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phát triển các cơ sở sản xuất về Chế biến lâm sản, vật liệu xây dựng ....; mở rộng các hình thức tín dụng nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được tiếp cận vốn vay của các ngân hàng, quỹ tín dụng Nhân dân đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển công nghiệp và dịch vụ nông thôn. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân liên doanh, liên kết để kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp; duy trì, mở rộng các ngành nghề truyền thống trên địa bàn.

- Có cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi và khuyến khích phù hợp với quy định của pháp luật để thu hút đầu tư vào Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng thương mại, dịch vụ, các dự án hậu cần xuất nhập khẩu (Logistics) tại khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

8. Giải pháp về cung ứng nguồn vật liệu cho xây dựng; đồng thời định hướng các nguồn cung cấp nguyên vật liệu xây dựng để chủ động trong việc triển khai thực hiện

- Có cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích và định hướng các doanh nghiệp phát triển vật liệu xây dựng công nghệ hiện đại; chất lượng cao về kỹ, mỹ thuật; vật liệu mới, thân thiện môi trường đầu tư vào triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm với nhiều hình thức đa dạng như tham gia trưng bày, trình bày tham luận, giới thiệu sản phẩm tại các hội nghị chuyên đề; công bố giá vật liệu xây dựng trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng tỉnh. Sở Xây dựng tiếp tục đẩy mạnh việc hướng dẫn các chủ đầu tư, tư vấn và đơn vị thi công xây dựng chủ động trong công tác quản lý nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hóa vật liệu xây dựng sử dụng trong công trình xây dựng.

- Đẩy mạnh tổ chức triển khai Chương trình phát triển vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung truyền thống.

9. Giải pháp về quản lý nhà nước

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư, phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; thường xuyên theo dõi, giám sát, tổ chức thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hình thành và phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Phổ biến, hướng dẫn, và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến việc thành lập, đầu tư, xây dựng, phát triển và quản lý hoạt động của khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế; xây dựng và quản lý hệ thống thông tin về khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế.

- Tiếp tục triển khai mạnh mẽ cải cách hành chính nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tăng cường trách nhiệm các cấp, các ngành trong giải quyết và xử lý công việc; thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong thu hút đầu tư.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp và cơ quan quản lý chuyên ngành đối với hoạt động của khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Khu kinh tế và trong công tác kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, lao động … đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp và Khu kinh tế.

- Tổ chức kiểm tra, thanh tra và giám sát việc giải quyết các vấn đề trong quá trình hình thành và phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế; những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì phối hợp với các bộ, ngành giải quyết hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

10. Giải pháp về tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp để có sự đồng thuận, hỗ trợ

- Phát huy vai trò của Chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn thể trong vận động Nhân dân tin tưởng vào chính sách phát triển của tỉnh nhà. Truyền thông tốt công tác tuyên truyền chủ trương, pháp luật của Nhà nước, lấy ý kiến người dân để tìm sự đồng thuận trong triển khai dự án.

- Tạo sự nhất quán trong thực thi pháp luật nhất là đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng công khai, minh bạch, cho thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi Nhân dân. Dự án cần chú trọng đánh giá tác động môi trường, chú trọng phát triển bền vững.

- Đối với các doanh nghiệp sau khi có chủ trương của cấp có thẩm quyền cần phải đảm bảo thực hiện triển khai dự án theo tiến độ đặt ra, tránh trường hợp giữ đất không triển khai, chậm triển khai thực hiện dự án gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân và mất lòng tin đối với Nhân dân.

IV. Tổ chức thực hiện

Các sở, ban ngành, các đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và trên cơ sở Quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan được duyệt và Đề án này, chủ động xây dựng chương trình, đề án, dự án, kế hoạch hàng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để thực hiện có hiệu quả Đề án. Cụ thể:

1. Sở Công Thương

Xây dựng, trình và tổ chức thực hiện phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Theo dõi, đề xuất kịp thời việc điều chỉnh, bổ sung phương án phát triển cụm công nghiệp (nếu có).

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình cấp có thẩm quyền phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm để đầu tư phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Đề án được duyệt, đảm bảo khả năng cân đối ngân sách và điều kiện thực tế.

- Nghiên cứu, tích hợp nội dung Đề án vào Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch có liên quan làm cơ sở để triển khai thực hiện.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh theo quy định.

- Chủ trì phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện các hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến đầu tư; các biện pháp vận động, kêu gọi các nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và Khu kinh tế.

3. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu phân bổ nguồn vốn ngân sách theo kế hoạch hằng năm và 5 năm để thực hiện các mục tiêu quy hoạch về đầu tư xây dựng phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

4. Sở Giao thông vận tải

Phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan đề xuất, xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp các công trình hạ tầng giao thông kết nối vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

5. Sở Xây dựng

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; Hướng dẫn, kiểm tra, phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác quản lý, thực hiện quy hoạch xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định hiện hành.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; dự kiến phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất trong kế hoạch sử dụng đất quốc gia theo quy định.

- Trên cơ sở quy hoạch Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp vơi Ban Quản lý Khu kinh tế, các ngành và địa phương tham mưu, thực hiện các nội dung liên quan về đất đai theo quy định.

- Chủ trì phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện công tác thanh tra về môi trường; công tác quản lý, sử dụng đất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và Khu kinh tế.

7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động phù hợp với yêu cầu cho các đơn vị, doanh nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện công tác thanh tra về sử dụng lao động và chấp hành các quy định của pháp luật về lao động trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp và Khu kinh tế.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Căn cứ vào Đề án và tình hình thực tế của địa phương, tổ chức khảo sát, xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp trong từng giai đoạn. Tổ chức lập quy hoạch chi tiết và đầu tư, kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn.

- Tổ chức quản lý hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan kiểm tra, thanh tra chuyên ngành thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng, đầu tư, đất đai, môi trường, lao động … trong cụm công nghiệp.

9. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh

- Tổ chức công bố quy hoạch Khu kinh tế, khu công nghiệp theo quy định; triển khai thực hiện Đề án với vai trò là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về Khu kinh tế, khu công nghiệp. Theo dõi, đề xuất kịp thời việc điều chỉnh, bổ sung phương án phát triển Khu kinh tế, khu công nghiệp (nếu có).

- Chủ động phối hợp với các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố liên quan xây dựng kế hoạch trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để thực hiện. Hằng năm, phối hợp với Sở Công Thương báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện Đề án.

- Chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan xác định nhu cầu sử dụng đất Khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Chính phủ phê duyệt, phân bổ chỉ tiêu, kế hoạch sử dụng đất trong kỳ quy hoạch để bố trí sử dụng đất theo quy định.

- Tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ đối với hoạt động của Khu kinh tế và khu công nghiệp theo quy định tại Thông tư số 12/2020/TT-BKHĐT ngày 28 tháng 12 năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.

10. Các cơ quan, tổ chức có liên quan:

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan bố trí nguồn lực, cải cách thủ tục hành chính để hoạt động đầu tư vào Khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp được tiếp cận môi trường đầu tư thuận lợi như: điện, viễn thông, tín dụng, thuế; nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao, y tế cho công nhân Khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp./.


PHỤ LỤC 02

TỔNG HỢP KHỐI LƯỢNG HỆ THỐNG HẠ TẦNG KỸ THUẬT TẠI KHU KINH TẾ CỬA KHẨU QUỐC TẾ BỜ Y

TT

Tên đường

Lý trình

Chiều dài (m)

Diện tích mặt đường (m2)

Hệ thống thoát nước

Công trình phụ trợ

Vỉa hè

Cây xanh các loại (cây)

Năm đưa vào sử dụng

Cống dọc (m)

Cống ngang (m)

Cống + rãnh kỹ thuật (m)

Hố ga thu nước mưa, Cống kỹ thuật (cái)

Hố ga thu nước thải (cái)

Rãnh dọc + ngang bằng bê tông tấm đan (m)

Ốp mái ta luy nền đường (m2)

Rãnh đỉnh + bậc nước

Kè chắn đất ta luy (m)

Tường hộ lan mềm (m)

Cầu (m)

Diện tích (m2)

Quy mô

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

 

NĂM 2004

 

36.801.34

398.228.42

25.952.68

3.110.52

17.520.30

867.00

646.00

33.272.04

61.327.75

22.705.18

132.38

3.327.60

455.00

155.375.58

 

4.530.00

 

I

Khu I

 

5.154.31

69.865.96

6.503.92

646.00

3.928.00

224.00

200.00

 

9.957.80

 

132.38

 

6.00

34.931.60

 

903.00

 

A

Đường nhựa

 

2.503.75

44.778.80

4.226.00

441.00

3.928.00

151.00

122.00

 

8.962.50

 

132.38

 

6.00

25.030.50

 

626.00

 

1

Đường trục chính Khu I

Km0-Km1,335,07

1.335.07

24.066.39

2.222.00

274.00

3.623.00

86.00

62.00

 

 

 

 

 

 

13.350.70

Bề rộng 2x5m bằng tấm đan bê tông

523.00

31/21/2004

2

Đ.nội bộ Trạm KSLH

Km1+335,07-Km2 + 503,75

1.168.68

20.712.41

2.004.00

167.00

305.00

65.00

60.00

 

8.962.50

 

132.38

 

6.00

11.679.80

Bề rộng 2x5m bằng tấm đan bê tông

103.00

30/12/2004

B

Đường đất (D2+D3+D4+D5+D6+D8+D10)

 

2.650.56

10.211.73

400.00

116.00

 

11.00

4.00

 

995.30

 

 

 

 

9.901.10

 

 

 

2

Đường D2

Km0-Km0+377.95

377.95

2.200.38

200.00

58.00

 

8.00

2.00

 

995.30

 

 

 

 

1.889.75

Vĩa hè đất

 

09/01/2005

3

Đường D3

Km0-Km0+3518.5

518.50

2.592.50

200.00

58.00

 

3.00

2.00

 

 

 

 

 

 

2.592.50

Vĩa hè đất

 

09/01/2005

4

Đường D4

Km0-Km0+467.35

467.35

2.336.75

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2.336.75

Vĩa hè đất

 

09/01/2005

5

Đường D5

Km0-Km0+238.16

823.16

1.415.80

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1.415.80

Vĩa hè đất

 

09/01/2005

6

Đường D6

Km0-Km0+333.26

333.26

1.666.30

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1.666.30

Vĩa hè đất

 

09/01/2005

10

Đường D10

Km0-Km0+130.34

130.34

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

18/5/2009

II

Khu II

 

3.940.55

14.823.89

2.647.80

174.00

85.00

108.00

 

 

2.377.95

 

 

 

 

12.885.60

 

162.00

 

A

Đường nhựa

 

700.00

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

B

Đường đất (D1+D2+D3+D4+D5+D6)

 

3.240.55

14.823.89

2.647.80

174.00

85.00

108.00

 

 

2.377.95

 

 

 

 

12.885.60

 

162.00

 

1

Đường D1

Km0-Km0+496.12

946.12

4.465.08

841.00

38.00

85.00

31.00

 

 

 

 

 

 

 

3.968.96

Vĩa hè đất

 

27/1/2005

2

Đường D3

Km0-Km0+164.77

461.77

1.235.78

188.00

26.00

 

12.00

 

 

260.00

 

 

 

 

1.318.16

Vĩa hè đất

 

27/1/2006

3

Đường D4

Km0-Km0+156.96

156.96

941.76

88.00

10.00

 

4.00

 

 

 

 

 

 

 

470.88

Vĩa hè đất

 

27/1/2007

4

Đường D5

Km0-Km0+108.48

108.48

1.627.20

116.00

 

 

5.00

 

 

 

 

 

 

 

1.301.76

Vĩa hè đất

 

27/1/2008

5

Đường D6

Km0-Km0+728.23

1.567.22

6.554.07

1.414.80

100.00

 

56.00

 

 

2.117.95

 

 

 

 

5.825.84

Vĩa hè đất

 

27/1/2009

III

Khu III

 

15.095.58

136.438.68

13.997.96

1.325.76

10.517.80

447.00

362.00

16.636.02

25.592.00

11.352.59

 

1.663.80

245.50

92.393.68

 

1.812.00

 

A

Đường nhựa

 

7.015.70

107.557.64

13.997.96

1.325.76

10.517.80

447.00

362.00

16.636.02

25.592.00

11.352.59

 

1.663.80

203.50

87.892.95

 

1.812.00

 

1

Đường trục chính

Km7+243,86 - Km13+112,48

5.868.29

90.346.49

9.626.96

299.00

7.440.30

301.00

258.00

 

 

 

 

 

 

68.946.38

Bề rộng 2x7m bằng tấm đan bê tông

 

 

2

D24

Km0-Km0+850

850.00

12.750.00

1.206.00

31.00

24.00

38.00

 

 

2.192.00

 

 

 

 

1.700.00

Gạch Blook tự chèn kiểu Ziczac

124.00

12/01/2004

3

Nút giao thông

Km13+200

297.41

4.461.15

362.00

31.00

64.00

20.00

20.00

 

 

 

 

 

 

2.081.87

Gạch Blook tự chèn kiểu Ziczac

35.00

12/01/2004

B

Đường đất

 

8.079.88

28.881.04

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

42.00

4.500.73

 

 

 

1

N1 - 1

 

83.44

917.84

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

417.20

Vĩa hè đất

 

18/3/2009

2

N1 - 2

 

104.22

833.76

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

521.10

Vĩa hè đất

 

3

N1 - 3 - 1

 

255.90

2.814.90

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1.279.50

Vĩa hè đất

 

4

N1 - 3 - 2

 

219.35

1.754.80

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

438.70

Vĩa hè đất

 

5

N1 - 3 - 3

 

92.30

1.015.50

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

461.55

Vĩa hè đất

 

6

N1 - 4

 

383.84

3.070.72

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

21.00

767.68

Vĩa hè đất

 

7

N1 - 5

 

123.00

1.353.00

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

21.00

615.00

Vĩa hè đất

 

8

D - 1 - 1

 

541.70

5.968.70

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

31/12/2009

9

D - 1 - 2

 

231.60

2.547.60

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

10

D22

 

276.00

2.208.00

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

11

D5

 

349.48

1.922.14

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

12

D6

 

411.25

2.261.88

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

13

N17

 

277.80

2.222.40

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

14

D4

 

4.730.00

104.060.00

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

IV

Đường NT 18 (Đường nhựa)

Km0 - Km12+610,9

12.610.90

177.099.89

2.803.00

964.76

2.989.50

88.00

84.00

16.636.02

23.400.00

11.352.59

 

1.663.80

203.50

15.164.70

 

1.653.00

25/5/2010

1

Đoạn đầu tuyến

Km0 - Km1+516,47

1.516.47

21.230.58

2.803.00

169.00

2.989.50

88.00

84.00

 

 

 

 

 

 

15.164.70

Gạch Blook tự chèn 30x30 màu đỏ

 

 

2

Đoạn cuối tuyến

Km 1+516,47 - Km12+610,9

11.094.43

155.869.31

 

795.76

 

 

 

16.636.02

23.400.00

11.352.59

 

1.663.80

203.50

 

không có vĩa hè

 

 

 

NĂM 2011

 

8.051.83

185.650.62

15.655.02

1.170.92

7.304.90

507.00

201.00

16.267.26

6.061.42

4.761.44

50.00

2.936.36

34.00

42.510.64

 

1.812.00

 

V

Đường D1 - KHU I (Đường nhựa)

Km0-Km1+760.15

1.760.83

11.028.62

11.028.62

167.00

4.467.90

111.00

120.00

 

5.479.42

 

 

 

 

14.086.64

Gạch Blook tự chèn kiểu Ziczac

306.00

6/2011

VI

Đường N5 (Đường nhựa)

Km0 - Km6+291

6.291.00

174.622.00

4.626.40

1.003.92

2.837.00

396.00

81.00

16.267.26

582.00

4.761.44

50.00

2.936.36

34.00

28.424.00

Gạch Blook tự chèn kiểu Ziczac

1.506.00

04/6/2011

1

Đoạn đầu tuyến

Km0 - Km4+610

4.610.00

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

21.00

 

 

 

 

2

Đoạn cuối tuyến

Km 4+610 - Km 6+291

1.681.00

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

13.00

 

 

 

 

 

NĂM 2014

 

346.95

6.865.95

385.00

36.00

618.00

21.00

 

693.90

 

 

 

 

 

2.198.00

 

257.00

 

1

Đường tiếp giáp đường nội bộ trạm KSLH đến cột mốc 790

Km0-Km0+346,95

346.95

6.865.95

385.00

36.00

618.00

21.00

 

693.90

 

 

 

 

 

2.198.00

Gạch Blook tự chèn 30x30 màu đỏ

257.00

15/5/2014

 

NĂM 2015

 

2.556.95

18.511.24

1.877.92

89.00

 

62.00

74.00

2.644.72

 

 

 

 

 

6.598.83

 

277.00

 

A

Đường nhựa

 

1.322.36

9.251.81

 

 

 

 

 

2.644.72

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Đường D4

Km0-Km1+322,36

1.322.36

9.251.81

 

 

 

 

 

2.644.72

 

 

 

 

 

 

 

 

30/5/2015

B

Đường bê tông xi măng

 

1.234.59

9.259.43

1.877.92

89.00

 

62.00

74.00

 

 

 

 

 

 

6.598.83

 

277.00

 

1

Đường D7

Km0-Km1+092.63

1.092.63

8.194.73

1.594.00

89.00

 

52.00

66.00

 

 

 

 

 

 

5.463.15

Gạch Blook tự chèn kiểu Ziczac

249.00

08/5/2015

2

Đường D9

Km0-Km0+141,96

141.96

1.064.70

283.92

 

 

10.00

8.00

 

 

 

 

 

 

1.135.68

Gạch Blook tự chèn kiểu Ziczac

28.00

08/5/2015

C

Bải đổ xe

 

 

5.616.00

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Bải đổ xe GT4

 

 

2.457.00

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

Bải đổ xe GT5

 

 

3.159.00

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NĂM 2016

 

1.982.63

18.190.21

1.387.76

 

 

 

 

3.965.26

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đường nhựa

 

1.982.63

18.190.21

1.387.76

 

 

 

 

3.965.26

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Đường giao thông từ Trạm kiểm soát liên hợp đến đường NT18

 

1.982.63

10.904.47

 

 

 

 

 

3.965.26

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NĂM 2017

 

2.456.76

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Đường D8 - Khu I (đường BTXM)

Km0-Km1+1762.88

1.762.88

8.814.40

3.450.21

144.00

 

62.00

 

 

 

 

 

 

 

8.814.40

 

 

 

2

Đường D4 GĐ2

 

693.88

7.285.74

1.387.76

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TỔNG CỘNG

 

52.196.46

627.446.43

45.258.38

4.406.44

25.443.20

1.457.00

921.00

56.843.18

67.389.17

27.466.62

182.38

6.263.96

489.00

206.683.05

 

6.876.00

 

 

PHỤ LỤC 03

DANH MỤC CÁC DOANH NGHIỆP/DỰ ÁN ĐẦU TƯ TẠI KHU KINH TẾ CỬA KHẨU QUỐC TẾ BỜ Y
(Tính đến tháng 10 năm 2021)

STT

Tên doanh nghiệp/dự án

Ngành nghề sản xuất kinh doanh chính/mã ngành; Tên dự án

Vị trí, Lô quy hoạch dự án

Diện tích đất (m2)

Vốn đầu tư vào KKT
(Triệu đồng)

Số lao động cuối kỳ
(người)

Tình hình sản xuất kinh doanh (Thuế và DN cung cấp năm 2020) (Triệu đồng)

Năm ĐKĐT

Đăng ký

Thực hiện

Doanh thu

Xuất khẩu (USD)

Nhập khẩu (USD)

Nộp ngân sách

Lợi nhuận (lỗ)

1

2

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

A

DOANH NGHIỆP

44DN/47DA

1.063.113

957.851

508.824

1.255

1.224.708

79.762

78.455

44.818

 

 

I

Doanh nghiệp đang hoạt động

32DN/35DA

1.015.428

794.415

409.262

1.255

1.212.325

 

 

44.795

 

 

1

Công ty TNHH MTV Hải Dương Bờ Y

VPLV và Trung bày sản phẩm

CQ2 - Khu I

641

2.400

2.400

2

1.046

 

 

2

 

2016

2

Công ty TNHH TMDV Hồng Khuyên

Trung tâm thương mại

CQ2 - Khu I

3.115

14.890

5.000

 

 

 

 

 

 

2014

3

Công ty TNHHMTV Vương Trang Bờ y (CT TNHH MTV Hải Dương Bờ Y chuyển nhượng)

VP và trưng bày giới thiệu sản phẩm

Một phần CQ2 - Khu I

177

500

500

2

944

 

 

2

 

2017

4

CN Xăng dầu Kon Tum - Cửa hàng xăng dầu số 12

KD xăng dầu

CQ12 - Khu I

1.388

2.500

2.967

3

21.870

 

 

4

 

2005

5

Công ty Nhân Thành Lộc Phát (chuyển nhượng từ C.ty N Thành Bờ Y)

Cây xăng dầu

TM16 - Khu I

2.894

3.470

3.470

6

11.714

 

 

119

 

2 .014

6

Công ty TNHH Hương Sơn Kon Tum

Cây xăng dầu

TM2-Khu III

1.055

610

610

2

13

 

 

40

 

2003

7

Chi nhánh Công ty CP tinh bột sắn Phú Yên - Nhà máy tinh bột sắn Kon Tum

Nhà máy sản xuất tinh bột sắn

Thôn Nông Nhầy 2

344.522

107.137

107.137

98

175.496

 

 

13.888

 

2013

8

Công ty TNHH MTV 732

Nhà máy chế biến mủ cao su

Đăk Kan - NH

127.913

79.680

63.002

970

152.847

 

 

5.166

 

2009

9

Công ty TNHH MTV Thuận Lợi

Nhà máy chế biến mủ cao su

KT05 -Thôn 5 - TT pleiKan)

47.258

50.000

50.000

33

296.044

 

 

9.101

 

2010

10

HTX Vạn Thành

Khai thác đá xây dựng thông thường

Thôn Nông Nhầy 2 - Đăk Nông

50.000

16.000

16.000

8

4.573

 

 

727

 

2012

Nhà máy sản xuất gạch không nung

Đăk Nông - Ngọc Hồi

6.319

7.305

7.305

8

 

 

 

 

 

2016

11

Công ty TNHH MTV XNK&ĐT NLN Đông Dương

VPLV

CQ10 - Khu I

738

2.000

2.000

4

 

 

 

11

 

2007

12

Công ty TNHH Nhân Thành -10B

Đầu tư XDKD TMDV cửa khẩu QTBY giai đoạn 1

Một phần TM11 - KHU I

19.434

58.234

15.894

4

 

 

 

3

 

2015

Dự án đầu tư kho ngoại quan (Kho xuất)

KH1 - Khu I

10.577

31.124

23.670

 

 

 

 

 

 

2015

Địa điểm tập kết kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu số 2

CQ4,CQ5 (DA Đấu thầu)

7.981

11.097

10.044

 

 

 

 

 

 

2014

13

Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Quốc Huy

Công trình Thương mại - dịch vụ

CQ12,TM22

323

2.000

 

2

 

 

 

 

 

2018

14

Công ty TNHH Xây lắp và TM Hoàng Quân

Khai thác khoáng sản đá làm VLXD thông thường

Thôn Nông Nhầy II

41.808

4.800

4.800

10

10

 

 

48

 

2010

15

Công ty TNHH Cao su Đại Lợi Kon Tum

Nhà máy chế biến mủ cao su

Thôn Nông Nhầy 2

23.000

100.000

30.000

29

547.121

 

 

15.680

 

2017

16

Công ty Cao su Kon Tum

Nhà máy chế biến mủ cao su

Thôn Nông Nhầy II

129.808

63.606

48.113

43

 

 

 

 

 

2007

17

Công ty CP địa ốc và thương mại Thành Ngọc

Khai thác mỏ đá xây dựng

CN8-1 Khu II

25.000

3.500

3.500

 

 

 

 

 

 

2011

18

Công ty TNHH Tuấn Lâm Phát Ngọc Hồi

Nhà máy chế biến lâm sản

Đăk Xú - Ngọc Hồi

1.200

12.850

12.850

11

 

 

 

2

 

2018

19

Công ty TNHH Kinh doanh TH Sâm Tý

Cửa hàng bán lẻ xăng dầu

Đăk Xú - Ngọc Hồi

1.262

4.900

 

 

648

 

 

2

 

2019

20

Công ty TNHH Hoàng Gia

Trang trại nông nghiệp hữu cơ kết hợp điện năng lượng mặt trời áp mái Hoàng Gia

Thôn Nông Kon, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum

15.104

19.994

 

 

 

 

 

 

 

Tháng 6 năm 2020

21

Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Xây dựng Thanh Hà

Trang trại nông nghiệp công nghệ cao kết hợp năng lượng tái tạo Thanh Hà

Thôn Nông Kon, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum

12.852

20.468

 

 

 

 

 

 

 

Tháng 6 năm 2020

22

Công ty TNHH MTV Ngọc Huy Ngọc Hồi

Trang trại nông nghiệp hữu cơ kết hợp năng lượng tái tạo Ngọc Huy

Thôn Nông Kon, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum

16.819

20.081

 

 

 

 

 

 

 

Tháng 6 năm 2020

23

Công ty Cổ phần TTC Tây Nguyên

Trang trại Nông nghiệp hỗn hợp CLC Đăk Kan 1

Thôn Ngọc Tặng xã Đăk Kan huyện Ngọc hồi

10.706

8.600

 

 

 

 

 

 

 

tháng 7 năm 2020

24

Công ty Cổ phần Ngọc Hồi HNT

Trang trại Nông nghiệp hỗn hợp CLC Đăk Kan 2

Thôn Ngọc Tặng xã Đăk Kan huyện Ngọc hồi

10.650

9.122

 

10

 

 

 

 

 

Tháng 7 năm 2020

25

Công ty TNHH Khuê Minh Phát

Trang trại nông nghiệp xanh Khuê Minh Phát

Thôn Ngọc Tiền, xã Đắk Xú

12.525

19.110

 

 

 

 

 

 

 

tháng 7 năm 2020

26

Công ty TNHH MTV năng lượng xanh An Minh Phát

Trang trại nông nghiệp CLC Chiên Chiết

Thôn Chiên Chiết, xã Đắk Xú

13.053

19.020

 

 

 

 

 

 

 

Tháng 7 năm 2020

27

Công ty TNHH năng lượng xanh Châu Nguyên Phát

Trang trại nông nghiệp CLC Ngọc Tiền

Thôn Ngọc Tiền, xã Đắk Xú

12.258

19.780

 

 

 

 

 

 

 

Tháng 7 năm 2020

28

Công ty TNHH MTV Năng lượng xanh An Nam Phát

Trang trại Nông nghiệp CLC Ngọc Hồi

Thôn Chiên Chiết, xã Đắk Xú

12.274

20.910

 

 

 

 

 

 

 

Tháng 7 năm 2020

29

Công ty Cổ phần năng lượng Hoa Tây Nguyên

Trang trại nông nghiệp hữu cơ kết hợp năng lượng tái tạo mặt trời áp mái

Thôn Ngọc Tiền, xã Đắk Xú

11.721

16.780

 

5

 

 

 

 

 

Tháng 8 năm 2020

30

Công ty Cổ phần năng lượng HIGHLAND

Trang trại nông nghiệp hữu cơ kết hợp năng lượng tái tạo mặt trời áp mái

Thôn Ngọc Tiền, xã Đắk Xú

10.841

16.679

 

 

 

 

 

 

 

Tháng 8 năm 2020

31

Công ty Cổ phần năng lượng Tây Nguyên Xanh

Trang trại nông nghiệp hữu cơ kết hợp năng lượng tái tạo mặt trời áp mái

Thôn Ngọc Tiền, xã Đắk Xú

11.278

16.687

 

5

 

 

 

 

 

Tháng 8 năm 2020

32

Ông Trần Văn Trưởng

Dự án nông nghiệp công nghệ cao trồng cây dược liệu, trồng nấm

Thôn Thung Nai, xã Đắk Xú, huyện Ngọc hồi

18.936

8.580

 

 

 

 

 

 

 

Tháng 8 năm 2020

II

Các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động

8DN/8DA

47.587

71.436

25.962

 

 

 

 

 

 

 

1

Bưu điện tỉnh Kon Tum

Bưu cục

Khu I

1.500

2.000

2.000

 

 

 

 

 

 

2015

2

Chi nhánh Công ty TNHH TM Minh Trung (Đổi tên thành Tân Tân Phú)

Xưởng chế biến lâm sản

CN6-1 Khu II

8.330

3.000

3.000

 

 

 

 

 

 

2010

3

Công ty TNHH MTV Tuấn sỹ

Xưởng chế biến lâm sản

CN13-1, CN14- 1 - Khu II

5.128

10.200

2.000

 

 

 

 

 

 

2016

4

Công ty CP Công trình 6

VP Đại diện

HT10, CN13-1, CN14-1 - Khu II

2.994

3.304

1.462

 

 

 

 

 

 

2006

5

DNTN TM Gia Bảo

Xưởng CBLS

CN17-1 - Khu I

6.055

 

 

 

 

 

 

 

 

2016

6

Công ty TNHH MTV Thiện Chí Kon Tum

Xây dựng xưởng chế biến lâm sản

CN4, CN5 Khu I,II

16.291

44.155

13.000

 

 

 

 

 

 

2013

7

Công ty TNHH MTV Bảo Long Ngọc Hồi

Công trình dịch vụ - Thương mại

Một phần Lô CQ2 Khu I

289

2.000

2.000

 

 

 

 

 

 

2016

8

Công ty TNHH Minh Ngọc Bờ Y

Chế biến lâm sản

CN15 Khu II

7.000

6.777

2.500

 

 

 

 

 

 

2013

III

Tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng bởi Covid-19

 

4DN/4DA

98

92.000

73.600

 

12.383

79.762

78.455

23

 

 

1

Công ty TNHH Phát Thành Vinh PT

Cửa hàng miễn thuế

Trạm KSLH

18

20.000

1.600

 

791

21.626

69.239

4

 

2016

2

Công ty TNHH MTV Thương mại Bờ Y

Cửa hàng miễn thuế

Trạm KSLH

40

50.000

50.000

 

1.352

58.136

9.216

3

 

2016

3

Công ty TNHH MTV Nguyên Hồng KT

Thu đổi ngoại tệ

Trạm KSLH

18

2.000

2.000

 

1.603

 

 

2

 

2011

4

Công ty TNHH MTV TM Đông Dương

Kinh doanh hàng miễn thuế

Q8-Trạm KSLH

22

20.000

20.000

 

8.637

 

 

14

 

2017

B

CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ

13DN/22DA

421.707

496.730

72.571

 

 

 

 

 

 

 

I

Dự án đã hoàn thành nhưng chưa hoạt động

01DA

4.465

8.835

6.180

 

 

 

 

 

 

 

1

Công ty TNHH Nhân Thành - 10B

Nhà hàng ăn uống, giải khát

Đầu đường N5

4.465

8.835

6.180

 

 

 

 

 

 

2015

II

Dự án đang triển khai

13DN/21DA

417.242

487.895

66.391

 

 

 

 

 

 

 

1

Công ty TNHH MTV Tiến Anh Đạt

Nhà hàng, khách sạn

CM18-Khu II

7.089

9.800

4.869

 

 

 

 

 

 

2018

2

Công ty TNHH MTV XNK&ĐT NLN Đông Dương

Nhà nghỉ kết hợp với ăn uống giải khát

TM3-1

1.686

4.000

 

 

 

 

 

 

 

2019

Kho chứa hàng

TM29 Khu I

27.512

13.171

 

 

 

 

 

 

 

2018

Cơ sơ SX đồ mỹ nghệ, tăm tre, đũa tre xuất khẩu

Thửa 180, tờ BĐ 71-CCN - TTCN Đăk Xú

2.685

1.400

 

 

 

 

 

 

 

2020

3

Công ty TNHH Nhân Thành -10B

ĐTXD Khu dịch vụ, TM

CX12 - Khu I

17.034

20.575

5.197

 

 

 

 

 

 

2018

Đầu tư XDKD TMDV cửa khẩu QTBY

TM11 - Khu I

38.015

66.159

6.647

 

 

 

 

 

 

 

4

Công ty Cổ phần Đăk RiPen

Khách sạn và các công trình phụ trợ

TM20; CD5; CD6 Khu I

22.487

38.181

8.000

 

 

 

 

 

 

2015

5

Công ty CP Dương Minh Châu

Khách sạn và dịch vụ

Khu III, TM7

11.158

31.087

 

 

 

 

 

 

 

2014

6

Công ty TNHH MTV Nghĩa Lào (Đổi tên từ Cty Quốc Huy)

Cửa hàng xăng dầu Nghĩa Lào

TM30 - Khu I

5.628

7.000

 

 

 

 

 

 

 

2018

7

Công ty cổ phần Nhân Thành Bờ Y

Dịch vụ ăn uống, siêu thị, nhà nghỉ, bảo dưỡng xe

GT5-Khu I

1.107

 

 

 

 

 

 

 

 

2016

8

Công ty TNHH MTV Tân Tân Phú

Nhà hàng - Khách sạn kết hợp với Khu vui chơi giải trí

Một phạn Lô TM 19 và CX14

108.746

83.364

4.500

 

 

 

 

 

 

2015

9

Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai

Kho ngoại quan

KH2 - Khu I

38.556

51.560

9.100

 

 

 

 

 

 

2015

10

DNTN Xuân Trình

Khách sạn, nhà hàng

TM14 Khu I

1.095

2.552

 

 

 

 

 

 

 

2016

11

Cơ sở tái chế kim loại màu Sơn Hùng Phát

Tái chế rác thải kim loại màu

Thôn Nông Nhầy II

9.500

11.500

5.000

 

 

 

 

 

 

2018

12

Công ty TNHH Vương Bảo Ngọc

Chợ biên giới

TM12-KI - Khu I

21.153

30.000

1.200

 

 

 

 

 

 

2018

13

Công ty Cao su Kon Tum

Nâng cấp Nhà máy xử lý nước thải - Nhà máy chế biến mủ cao su

Đăk Nông - Ngọc Hồi

 

21.878

21.878

 

 

 

 

 

 

2019

14

Công ty TNHH TM và Công nghệ An Thiện

Nhà máy liên hợp xử lý chất thải Ngọc Hồi

Đăk Kan - Ngọc Hồi

49.632

74.669

 

 

 

 

 

 

 

2019

15

Công ty Cổ phần đầu tư phát triển thương mại SHP

Trang trại nông nghiệp tổng hợp SHP

Thôn Kà Nhảy, xã Đăk Nông, huyện Ngọc hồi

19.593

6.000

 

 

 

 

 

 

 

Tháng 9 năm 2020

16

Công ty Cổ phần Vintec Group

Kho chứa nông sản Kon Tum

Một phần Lô TM32-1, TM32- 2, TM32-3, Khu I

20.166

8.000

 

 

 

 

 

 

 

Tháng 10 năm 2020

17

Công ty Cổ phần thiết bị điện E-BRIGHT Việt Nam

Kho chứa hàng Kon Tum

Một phần Lô CT10 KKT của khẩu quốc tế Bờ Y

12.500

4.000

 

 

 

 

 

 

 

Tháng 10 năm 2020

18

Công ty TNHH MTV Nguyên Phát Ngọc Hồi

Cửa hàng kinh doanh tổng hợp

Một phần Lô TM 17 - Khu I - KKT của khẩu quốc tế

1.900

3.000

 

 

 

 

 

 

 

Tháng 10 năm 2020

TỔNG CỘNG (A+B)

57DN/69DA

1.484.820

1.454.582

581.395

1.255

1.224.708

79.762

78.455

44.818

 

 

 

PHỤ LỤC 4A

DANH MỤC CÁC DOANH NGHIỆP/DỰ ÁN ĐẦU TƯ TẠI KHU CÔNG NGHIỆP HOÀ BÌNH - TP KON TUM
(Tính đến tháng 10 năm 2021)

STT

Tên doanh nghiệp và nhà đầu tư

Ngành nghề và dự án đầu tư

Vị trí, Lô quy hoạch dự án

Diện tích đất (m2)

Vốn đầu tư (Triệu đồng)

Lao động (người)

Tình hình sản xuất kinh doanh (Thuế và DN cung cấp năm 2020) (Triệu đồng)

Năm ĐKĐT

Đăng ký

Thực hiện

Doanh thu

Xuất khẩu (USD)

Nhập khẩu (USD)

Nộp ngân sách

Lợi nhuận (lỗ)

1

2

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

A

DOANH NGHIỆP

29DN/30DA

463.176

562.530

367.497

1.196

880.128

5.465.917

 

16.357

 

 

I

Doanh nghiệp đang hoạt động

23DN/24DA

317.258

431.993

300.497

1.196

879.428

5.465.917

 

16.354

 

 

1

Tổng Công ty May Nhà Bè - Công ty CP Xí nghiệp May Kon Tum

Sản xuất hàng may mặc

Lô A và A'

17.435

26.246

26.246

581

89.417

1.684.717

 

8.182

 

1996

2

Công ty CP xuất nhập khẩu và Đầu tư Kon Tum

Chế biến lâm sản

B1,B1', T1B

69.665

24.256

24.256

50

18.635

 

 

2.344

 

2008

Điện năng lượng mặt trời áp mái

B1

 

16.500

 

 

 

 

 

 

 

2020

3

Công ty TNHH Công Danh

Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu

C3,C6

45.905

26.894

26.350

180

105.351

2.581.200

 

2.079

 

2006

4

Công ty TNHH MTV Chiến Thắng I

SX bê tông tươi

CX

9.300

52.881

50.000

3

60.247

 

 

8

 

2016

5

Chi nhánh Công ty CP TM Bia Sài Gòn tại Kon Tum

VP làm việc và kho trung chuyển Bia Sài Gòn

C4A

5.323

3.352

3.352

47

284.024

 

 

1.444

 

2008

6

Công ty TNHH MTV Ngọc Thy

VPLV, phòng trưng bày sản phẩm, xưởng sửa chữa lắp ráp ô tô

T1A

4.753

11.133

8.000

 

18.365

 

 

94

 

2008

7

Công ty TNHH MTV Lợi Lợi

Sản xuất dây thun

D6

20.736

12.000

12.000

25

193.945

1.200.000

 

311

 

2009

8

Công ty CP sách và TBTH Kon Tum

Nhà máy sx TB, dụng cụ học sinh và sp đồ gỗ

D5

12.850

14.927

6.927

58

 

 

 

 

 

2012

9

Xí Nghiệp tư nhân Lâm Tùng

Chế biến lâm sản xuất khẩu

D4

11.459

11.055

2.000

12

2.409

 

 

3

 

2004

10

Công ty CP khí hoá lỏng Long Phụng Kon Tum

Nhà máy Chiết nạp khí hóa lỏng

D3

6.003

15.332

10.000

20

36.163

 

 

285

 

2011

11

Cty TNHH công nghệ hữu cơ sinh học An Thái

SX Phân bón

C4B

3.472

25.000

18.000

20

 

 

 

2

 

2016

12

Công ty CP Năng lượng xanh Kon Tum

SX viên nén năng lượng

C5,C6

31.960

86.812

45.840

20

 

 

 

3

 

2016

13

Công ty TNHH Gỗ Phúc Nhân

CB Lâm sản

C2.2

5.717

6.000

6.000

75

41.682

 

 

1.102

 

2017

14

Công ty TNHH NNB Kon Tum

X.dựng NMSX BT & gạch không nung polymer khoáng tổng hợp

D3-3

6.003

27.082

 

20

 

 

 

184

 

2016

15

Công ty TNHH MTV Lý Thành

Nhà máy công nghiệp cơ khí, gia công, chế tạo

C2-1

5.382

10.210

7.000

50

15.092

 

 

274

 

2015

16

Chi nhánh DNTN Nam Phương tại Kon Tum

Trung tâm điều hành sản xuất, kinh doanh ô tô, showrom

T2

2.512

4.392

4.392

5

9.647

 

 

35

 

2016

17

Công ty TNHH Phú Quý

Nhà máy chế biến lâm sản xuất khẩu

C5

22.962

14.987

12.200

 

 

 

 

 

 

2006

18

Công ty Cổ phần Tấn phát

VPLV và xưởng cơ khí công nghiệp

T2

2.045

18.320

18.320

 

 

 

 

 

 

2008

19

Viễn Thông Kon Tum

Bưu cục

T2

1.373

414

414

 

 

 

 

 

 

2005

20

Cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giải khát hiệu Tây Đô

Xưởng sản xuất các mặt hàng giải khát

D5

2.455

3.000

 

 

 

 

 

 

 

2019

21

Công ty TNHH MTV Trường Nguyên Khánh (nhận chuyển nhượng lại của Cty TNHH năng lượng Viet Land)

XD nhà máy sản xuất viên nén năng lượng

B2-1

9.011

8.200

8.200

30

4.439

 

 

2

 

2019

22

Công ty TNHH Phú Mỹ Hưng Kon Tum

SX, gia công các sản phẩm từ gỗ

Một phần Lô E2

2.500

2.000

 

 

12

 

 

2

 

2018

23

Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Xuất Nhập khẩu Cát Vũ (Nhận chuyển nhượng của Công ty TNHH Xuân Mai từ tháng 10/2020)

Nhà máy chế biến ván dăm và các sản phẩm từ gỗ

C7

18.437

11.000

11.000

 

 

 

 

 

 

2006

II

Doanh nghiệp tạm dừng hoạt động

6DN/6DA

145.918

130.537

67.000

 

700

 

 

3

 

 

1

Công ty CP In và Bao bì Kon Tum

Nhà máy SX bao bì nông sản

C1

11.591

15.000

10.000

 

 

 

 

 

 

2004

2

Công ty TNHH Năng lượng DIC

XD nhà máy sản xuất viên nén năng lượng

B2-2

26.826

33.000

31.000

 

 

 

 

 

 

2014

3

Công ty TNHH Thắng Lợi LUMBER (thuê lại đất của Công ty TNHH An Phước)

Nhà máy chế biến gỗ Thắng Lợi

D4 (ĐC: 96B Lê Hồng Phong, TT Đăk Hà, Huyện Đăk Hà)

31.892

7.500

 

 

 

 

 

 

 

2007

4

Công ty cổ phần đầu tư phát triển Duy Tân

Chế biến lâm sản xuất khẩu

C1,D1

61.174

58.237

17.000

 

 

 

 

 

 

2009

5

DNTN Hồng Ngọc

Sản xuất chai nhựa và nước uống không cồn

C4

6.435

5.800

4.000

 

 

 

 

 

 

 

6

Công ty TNHH Định Phát

Xưởng sản xuất chế biến lâm sản và kho chứa hàng

P/S

8.000

11.000

5.000

 

700

 

 

3

 

2017

B

DỰ ÁN ĐẦU TƯ

 

39.912

94.890

15.660

 

 

 

 

 

 

 

I

Dự án đã hoàn thành nhưng chưa hoạt động

1DN/1DA

14.126

38.320

15.660

 

 

 

 

 

 

 

1

Công ty TNHH Thương mại Lâm Đại Mộc

XD nhà máy sx đá Granite tiêu thụ nội địa và xuất khẩu

C2A

14.126

38.320

15.660

 

 

 

 

 

 

2011

II

Dự án đang triển khai

4DN/6DA

25.786

56.570

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Công ty cổ phần ĐTPT Rồng Đông Dương (Nhận chuyển nhượng của Công ty CP Trung Phần)

Nhà máy chế biến nông sản

D3

3.411

2.500

 

 

 

 

 

 

 

2018

2

Công ty CP xuất nhập khẩu và Đầu tư Kon Tum

Trung tâm điều hành SXKD, dịch vụ, trưng bày và giới thiệu sản phẩm

T1

1.500

 

 

 

 

 

 

 

 

2018

3

Công ty TNHH Nhựa Thông SJ

Dự án nhà máy sản xuất, chế biến nhựa thông, dầu thông tại Kon Tum

E2,F1

12.000

25.570

 

 

 

 

 

 

 

2018

4

Công ty Cổ phần Thương mại Nông nghiệp & Dược liệu Đồng xanh Kon Tum

Nhà máy chiết xuất đa năng dược liệu Đồng xanh số 1 Kon Tum

C9

5.500

12.000

 

 

 

 

 

 

 

2019

5

Công ty TNHH Gỗ Phúc Nhân

Kho chứa hàng

D9

1.600

1.500

 

 

 

 

 

 

 

2020

6

Công ty TNHH cung ứng gỗ Hải Vân

Trung tâm điều hành kết hợp trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các dịch vụ khác

T1

1.775

15.000

 

 

 

 

 

 

 

2021

TỔNG CỘNG (A+B)

34DN/37DA

503.088

657.419

383.157

1.196

880.128

5.465.917

 

16.357

 

 

 

PHỤ LỤC 4B

DANH MỤC CÁC DOANH NGHIỆP/DỰ ÁN ĐẦU TƯ TẠI KHU CÔNG NGHIỆP SAO MAI - TP KON TUM
(Tính đến tháng 10 năm 2021)

STT

Tên doanh nghiệp/dự án

Ngành nghề sản xuất kinh doanh chính/mã ngành; Tên dự án

Vị trí, Lô quy hoạch dự án

Diện tích đất (m2)

Vốn đầu tư vào KKT (Triệu đồng)

Lao động (người)

Tình hình sản xuất kinh doanh (Ước thực hiện năm 2020) (Triệu đồng)

Năm ĐKĐT

Đăng ký

Thực hiện

Doanh thu

Xuất khẩu (USD)

Nhập khẩu (USD)

Nộp ngân sách

Lợi nhuận (lỗ)

1

2

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

 

DỰ ÁN ĐẦU TƯ

3 DA

441.924

680.000

 

 

 

 

 

 

 

 

I

Dự án đang triển khai

3 DA

441.924

680.000

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Công ty TNHH MTV Phương Phong Linh

Nhà máy sản xuất nước giải khát và nước uống từ dược liệu

Một phần lô N1- 19

50.000

80.000

 

 

 

 

 

 

 

 

2

Công ty TNHH chế biến nông sản Sao Mai

Nhà máy sơ chế và chế biến dược liệu

Lô N1-18 và một phần lô N1-17

49.924

80.000

 

 

 

 

 

 

 

 

3

Công ty CP Dược liệu và thực phẩm Măng Đen

Cụm nhà máy chế biến thực phẩm và dược liệu công nghệ cao

Lô N1-1; N1-2; N1-3; N1-4; N1- 5; N1-6; N1-21; N1-22; N1-23; N1-24; N1-25; N1-26 và N1-27

342.000

520.000

 

 

 

 

 

 

 

Tháng 2/2021

TỔNG CỘNG

03DN/3DA

441.924

680.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC 4C

DANH MỤC CÁC DOANH NGHIỆP/DỰ ÁN ĐẦU TƯ TẠI KHU CÔNG NGHIỆP ĐĂK TÔ
(Tính đến tháng 10 năm 2021)

STT

Tên doanh nghiệp/dự án

Ngành nghề sản xuất kinh doanh chính/mã ngành; Tên dự án

Vị trí, Lô quy hoạch dự án

Diện tích đất (m2)

Vốn đầu tư vào KKT (Triệu đồng)

Lao động (người)

Tình hình sản xuất kinh doanh (Ước thực hiện năm 2020) (Triệu đồng)

Năm ĐKĐT

Đăng ký

Thực hiện

Doanh thu

Xuất khẩu (USD)

Nhập khẩu (USD)

Nộp ngân sách

Lợi nhuận (lỗ)

1

2

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

DỰ ÁN ĐẦU TƯ

 

1.577.600

1.306.031

632.808

 

 

 

 

 

 

 

I

Dự án đang triển khai

 

1.577.600

1.306.031

632.808

 

 

 

 

 

 

 

1

Công ty CP Tập đoàn Tân Mai

Nhà máy giấy và bột giấy Tân Mai

KCN Đăk Tô

1.577.600

1.306.031

632.808

 

 

 

 

 

 

2009

TỔNG CỘNG (A+B)

01DN/01DA

 

1.577.600

1.306.031

632.808

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



(1) Cụ thể:

- Thành phố Kon Tum: 04 cụm công nghiệp, tổng diện tích 183,59 ha, gồm: Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thanh Trung (70,285 ha); Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Hòa Bình (70 ha); Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp làng nghề H’Nor (18,3 ha); Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp (ngành nghề phân loại, làm sạch, tái chế phế liệu tại 01 xã của thành phố Kon Tum: 25 ha).

- Huyện Đăk Hà: 03 cụm công nghiệp, tổng diện tích 114,38 ha, gồm: Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp, làng nghề thị trấn Đăk Hà (10,6 ha); Cụm công nghiệp Đăk La (73,78 ha); Cụm công nghiệp Đăk Mar (30 ha).

- Huyện Đăk Tô: 02 cụm công nghiệp, tổng diện tích 74,76 ha, gồm: Cụm công nghiệp và Dịch vụ 24/4 thị trấn Đăk Tô (24,76 ha); Cụm công nghiệp phía Tây thị trấn Đăk Tô (50 ha).

- Huyện Ngọc Hồi: 02 cụm công nghiệp, diện tích 60 ha, gồm: Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Đăk Nông (50 ha) và Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp xã Đăk Xú (10 ha).

- Huyện Đăk Glei: 01 cụm công nghiệp, diện tích 20 ha (Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Đăk Sút).

- Huyện Tu Mơ Rông: 01 cụm công nghiệp, diện tích 15 ha (Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Mô Pả).

- Huyện Kon Plông: 01 cụm công nghiệp, diện tích 20 ha (Cụm công nghiệp huyện Kon Plông).

- Huyện Kon Rẫy: 01 cụm công nghiệp, diện tích 20 ha (Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Đăk Ruồng).

- Huyện Sa Thầy: 01 cụm công nghiệp, diện tích 50 ha (Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp thị trấn Sa Thầy).

- Huyện Ia H’Drai: 01 cụm công nghiệp, diện tích 30 ha (Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Ia H’Drai).

(2) Cụ thể:

- Tại thành phố Kon Tum: (1) Bổ sung Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp kết hợp với chỉnh trang đô thị, phát triển khu dân cư tại Phường Ngô Mây và xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum, diện tích 62,6 ha (đã được Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung quy hoạch tại Quyết định số 1125/QĐ-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2021); (2) Bổ sung quy hoạch 04 cụm công nghiệp tại khu vực quy hoạch đất công nghiệp phía Nam thành phố Kon Tum (tại thôn 5, xã Hòa Bình và thôn K'lâu Ngol, xã Ia Chim) trên diện tích 280 ha cao su hết chu kỳ khai thác (năm 2023).

- Tại huyện Ngọc Hồi: Bổ sung quy hoạch 01 cụm công nghiệp tại xã Đăk Kan, quy mô 50 ha để phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khu vực phía Nam huyện Ngọc Hồi.

(3) Cụ thể: (1) Điều chỉnh mở rộng quy mô diện tích Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi từ 50 ha lên 75 ha; (2) Điều chỉnh mở rộng quy mô diện tích Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi từ 10 ha lên 74 ha và chuyển đến vị trí mới tại Thị trấn Plei Kần và xã Đăk Kan.

(4) Cụ thể:

- Thành phố Kon Tum: Bổ sung quy hoạch 04 cụm công nghiệp, tổng diện tích khoảng 289,5 ha (quy mô bình quân 70ha/01 cụm công nghiệp) tại khu vực quy hoạch đất công nghiệp phía Nam thành phố Kon Tum.

- Huyện Đăk Hà: 01 cụm công nghiệp (Nam Đăk Hà), khoảng 75 ha.

- Huyện Ngọc Hồi: 01 cụm công nghiệp, quy mô 50 ha để phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

- Huyện Đăk Glei: 01 cụm công nghiệp, khoảng 50 ha.

- Huyện Tu Mơ Rông: 01 cụm công nghiệp, khoảng 70 ha.

- Huyện Kon Plông: 01 cụm công nghiệp, khoảng 50 ha.

- Huyện Sa Thầy: 01 cụm công nghiệp (tại xã Sa Nhơn), khoảng 50 ha.

(1) Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế.

(2) Công văn số 895-CV/TU ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

(3) Từ năm 1999 đến năm 2020, vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho hạ tầng Khu kinh tế là 1.630,8 tỷ đồng

(4) Công trình: Đường Ngọc Hồi - Dốc Muối đầu tư theo hình thức BOT: 18 tỷ đồng.

(5) Báo cáo số 790/BC-UBND ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hồi.

(6) Quyết định số 194/1998/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 433/TTg-CN ngày 06 tháng 4 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án chuyển đổi vị trí quy hoạch Khu công nghiệp Hòa Bình (giai đoạn 2) tỉnh Kon Tum.

(7) Quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.

(8) Công văn số 948/CP-CN ngày 07 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ.

(9) Quyết định số 1182/QĐ-BXD ngày 30 tháng 5 năm 2005 của Bộ Xây dựng; Quyết định số 1476/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.

(10) Quyết định số 539/QĐ-UBND ngày 12 tháng 5 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.

(11) Công văn số 487/TTg-CN ngày 19 tháng 4 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.

(12) Quyết định số 278/QĐ-UBND ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân huyện Đăk Tô.

(13) Quyết định số 1323/QĐ-UBND ngày 07 tháng 12 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.

(14) Quyết định số 1470/QĐ-UBND ngày 23 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.

(15) Cụm công nghiệp Đăk La, huyện Đăk Hà đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum chuyển từ Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh về Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đăk Hà (đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà) làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại Quyết định số 867/QĐ-UBND ngày 17 tháng 9 năm 2021.

(16) Đến nay có 13 cụm công nghiệp đã được thành lập, trong đó có 02 cụm công nghiệp được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng chưa hoạt động (Cụm công nghiệp Đăk Tô, huyện Đăk Tô; Cụm công nghiệp Đăk La, huyện Đăk Hà), 11 cụm công nghiệp chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.

(17) Quyết định số 194/1998/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 133/QĐ-UB ngày 13 tháng 02 năm 2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Hòa Bình quy mô 59,22 ha.

(18) Nghị quyết số 04/2006/NQ-HĐ ngày 14 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum Khóa IX điều chỉnh quy mô từ 59,22 ha lên 160 ha.

(19) Công văn số 712/TTg-KTN ngày 05 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc Đề án điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch các khu công nghiệp tỉnh Kon Tum.

(20) Công văn số 433/TTg-CN ngày 06 tháng 4 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi vị trí quy hoạch Khu công nghiệp Hòa Bình (giai đoạn 2).

(21) Công văn số 1389/TTg-CN ngày 12 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc Điều chỉnh đưa khu công nghiệp Hòa Bình (giai đoạn 2) tỉnh Kon Tum ra khỏi Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020.

(22) Công văn số 948/CP-CN ngày 07 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ về việc chủ trương xây dựng Khu công nghiệp Sao Mai.

(23) Công văn số 448/TTg-CN ngày 19 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc dự án Khu công nghiệp Sao Mai; Quyết định số 539/QĐ-UB ngày 12 tháng 5 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc Thành lập Khu công nghiệp Sao Mai.

(24) Công văn số 1783/UBND-XD ngày 28 tháng 8 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum; Thông báo số 155/TB-UBND ngày 20 tháng 8 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về Kết luận của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Sao Mai.

(25) Công văn số 1089/UBND-KTTH ngày 08 tháng 5 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Sao Mai và Hòa Bình.

(26) Công văn số 3329/UBND-HTKT ngày 08 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc tiếp tục đầu tư, quản lý Khu công nghiệp Sao Mai.

(27) Công văn số 487/TTg-CN ngày 19 tháng 4 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc Bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp vào danh mục các khu công nghiệp dự kiến ưu tiên thành lập mới đến năm 2015.

(28) Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án phát triển kinh tế - xã hội khu vực cửa khẩu Bờ Y - Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.

(29) Quyết định số 1369/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y.

(30) Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế.

(31) Tờ trình số 46/TTr-UBND ngày 20 tháng 4 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.

(32) Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt dự án phát triển kinh tế - xã hội khu vực cửa khẩu Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.

(33) Đồ án quy hoạch chung kèm theo Quyết định phê duyệt số 225/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.

(34) Quyết định số 1700/QĐ-UB ngày 30 tháng 11 năm 2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt dự án: Đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Hòa Bình.

(35) Quyết định số 533/QĐ-UB ngày 12 tháng 5 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Phê duyệt dự án: Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Sao Mai (giai đoạn 1: 79,4 ha).

(36) Công văn số 421-CV/TU ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Tỉnh ủy Kon Tum thống nhất chủ trương tiếp tục đầu tư hạ tầng và quản lý Khu Công nghiệp Sao Mai theo quy hoạch để thu hút đầu tư dự án Cụm nhà máy chế biến thực phẩm và dược liệu công nghệ cao Nam Kon Tum (theo Công văn số 381-CV/TU ngày 07-9-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy).

(37) Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y có 02 lần trực thuộc Thủ tướng Chính phủ; 03 lần trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.

(38) Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ Quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế có hiệu lực từ ngày 10 tháng 7 năm 2018, nhưng đến ngày 28 tháng 12 năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới ban hành Thông tư số 12/2020/TT-BKHĐT để hướng dẫn thực hiện.

(39) Năm 2010, Trụ sở làm việc được xác định tại thành phố Kon Tum; năm 2012 Trụ sở được chuyển lên xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi; đến năm 2021 mới được chuyển về lại thành phố Kon Tum tại Công văn số 4242/UBND-KTTH ngày 11 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.

(40) Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 từ 10%/năm trở lên. Đến năm 2025, tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 19 - 20%, nhóm ngành công nghiệp và xây dựng đạt 32 - 33%, nhóm ngành dịch vụ đạt 42 - 43%...

(41) Thuận lợi: Hiện trạng: Đất do Công ty TNHH MTV 732 quản lý; có khoảng 300 ha trồng cây cao su đã đến thời kỳ khai thác, cây hoa màu 03 ha, cà phê 10 ha, keo 03 ha, cây bụi và đất trống 12 ha, mặt nước 4 ha, cây xanh - đồi 5 ha, đường đất + đất khác: 48 ha. Về giao thông: Cách Quốc lộ 40 đi Khu III khoảng 2 km, cách Quốc lộ 14C khoảng 1,5 km, giáp tuyến Cao tốc Bờ Y - Ngọc Hồi - Pleiku (dự kiến); địa hình bằng phẳng, khu vực không có công trình kiên cố, gần nguồn điện - nước, có thể mở rộng Khu công nghiệp khi cần thiết.

(42) Thông báo số 369/TB-VPCP ngày 24 tháng 9 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về đầu tư phát triển Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác tại tỉnh Kon Tum; Văn bản số 1092-CV/TU ngày 21 tháng 5 năm 2020 của Tỉnh ủy Kon Tum; Công văn số 1839/UBND-KTTH ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum; Công văn số 2157/VP-HTKT ngày 04 tháng 8 năm 2020 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.

(43) Đất do Công ty Cao su Kon Tum đang quản lý, gồm cao su đang tái canh năm 1 là 246,64 ha, diện tích cao su đến năm 2023 hết chu kỳ khai thác là 270 ha, đất giao thông và đất khác là 52,86 ha. Diện tích đất trên thuộc địa bàn xã Hòa Bình là 105,5 ha và thuộc địa bàn xã Ia Chim là 464 ha.

(44) Quyết định thành lập số 1095/QĐ-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc Thành lập Cụm Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề H'nor, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

(45) Quyết định số 29/QĐ-UBND ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc thành lập Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Đăk Sút, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum.

(46) Quyết định số 527/QĐ-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc thành lập Cụm công nghiệp huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

(47) Quyết định số 1125/QĐ-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc bổ sung Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Phường Ngô Mây và xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum vào Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công Thương tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2025.

(48) Chưa tính 410,3 tỷ đồng bố trí để thu hồi số vốn đã ứng trước ngân sách trung ương để đầu tư đường NT18 và đường N5 trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách trung ương được phê duyệt tại Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 889/QĐ-UBND ngày 27 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.

(49) Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 36/NQ-HĐND ngày 22 tháng 10 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum; Quyết định số 889/QĐ-UBND ngày 27 tháng 9 năm 2021 và Quyết định số 994/QĐ-UBND ngày 29 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum. Trong đó có bố trí vốn đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Sao Mai và phân cấp hỗ trợ đầu tư cụm công nghiệp cho 03 huyện, thành phố (Đăk Hà, Đăk Tô và thành phố Kon Tum).

(50) Cụ thể trên địa bàn các huyện, thành phố như sau:

- Thành phố Kon Tum: Sản xuất gạch ngói, gốm, cơ khí, mộc dân dụng, thủ công mỹ nghệ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đa ngành…

- Huyện Ngoc Hồi: Sản xuất mộc dân dụng, tăm tre, đũa, đá mỹ nghệ, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, trầm hương, chế biến thức ăn gia súc, các ngành nghề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến; các ngành năng lượng sạch…

- Huyện Đăk Hà: Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đa ngành nghề, chế biến nông sản, sản xuất bao bì, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông lâm sản, sản xuất phế phẩm sinh học, cơ khí, mộc dân dụng, phế liệu và tái chế sản xuất hạt nhựa, …

- Huyện Đăk Tô: Chế biến lâm sản, nông sản, công nghiệp lắp ráp đồ điện tử dân dụng, cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống, chế biến gỗ (có nguồn gốc hợp pháp), lâm sản; sản xuất mộc dân dụng; sản xuất gạch ngói không nung; sản xuất phân vi sinh; sản xuất đồ gia dụng, thiết bị nội thất, chế biến dược liệu...

- Huyện Sa Thầy: Chế biến gỗ - lâm sản; Sản xuất mộc dân dụng; Sản xuất gạch ngói không nung; Sản xuất sản phẩm, phụ tùng lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp, nông thôn; Tiểu thủ công nghiệp - nghề truyền thống, chế biến dược liệu...

- Huyện Kon Plông: Mộc dân dụng, đan lát mây tre truyền thống, thủ công mỹ nghệ; gia công, sản xuất các mặt hàng thép trong xây dựng, cơ khí nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp nông thôn; chế biến nông, lâm sản, thảo dược và sản xuất vật liệu xây dựng (gạch xây không nung), chế biến dược liệu.

- Huyện Kon Rẫy: Chế biến nông, lâm sản; cơ khí nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn; sản xuất đồ gia dụng và thủ công mỹ nghệ, các nghề truyền thống, chế biến dược liệu…

- Huyện Đăk Glei: Chế biến nông, lâm sản; cơ khí nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn; sản xuất đồ gia dụng, thủ công mỹ nghệ và các nghề truyền thống, chế biến dược liệu…

- Huyên Ia H’Drai: Chế biến gỗ, mộc dân dụng và chế biến lâm sản khác; Sản xuất gạch, ngói không nung; Sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp, nông thôn, các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống; chế biến dược liệu, …

- Huyên Tu Mơ Rông: Chế biến nông, lâm sản; cơ khí nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn; sản xuất đồ gia dụng, thủ công mỹ nghệ và các nghề truyền thống, chế biến dược liệu…

(51) Khả năng đáp ứng quỹ đất, giải pháp thu hồi đất trên địa bàn các huyện, thành phố như sau:

- Thành phố Kon Tum: Vị trí dự kiến triển khai thành lập Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố Kon Tum giai đoạn 2021 - 2030, tại Phường Ngô Mây, xã Đăk Cấm (diện tích 62,6 ha) và vị trí thuộc ranh giới Thôn 5, xã Hòa Bình và Thôn K'Lâu Ngol, xã Ia Chim (tổng diện tích khoảng 569 ha), phần lớn là đất trồng cây cao su do Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum đang quản lý và khai thác (cây cao su hết chu kỳ khai thác), tương đối thuận lợi để triển khai đầu tư các Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp.

- Đối với địa bàn các huyện:

+ Thực hiện công tác đăng ký, điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất cụm công nghiệp; dự kiến phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất trong kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện theo quy định.

+ Thực hiện việc thu hồi diện tích đất, mặt nước, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định canh, tái định cư và thực hiện các thủ tục cho thuê hoặc giao đất trong cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1213/QĐ-UBND ngày 23/12/2021 về Đề án “Phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025, có tính đến năm 2030”

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.247

DMCA.com Protection Status
IP: 3.15.5.125
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!