ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 729/KH-UBND
|
Kon Tum, ngày 17
tháng 3 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM NĂM 2023
Thực hiện Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng
4 năm 2022 của Chính phủ Quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương
trình mục tiêu quốc gia; Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch thực hiện
các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG
TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA NĂM 2022
1. Công tác quản lý, điều
hành triển khai thực hiện các chương trình
a) Kết quả xây dựng chính sách quản lý, tổ chức thực
hiện chương trình; công tác điều phối, phối hợp trong quản lý, tổ chức thực hiện
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ
trương đầu tư, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư các chương
trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã
thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Kon Tum giai đoạn
2021-2025(1); ban hành Quy chế hoạt động(2), Chương trình công tác năm 2022(3) phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan thành viên của Ban
chỉ đạo; thành lập 03 Tổ công tác và chỉ đạo ban hành Quy chế hoạt động của các
Tổ công tác các chương trình mục tiêu quốc gia(4);
tiếp tục duy trì Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới cấp tỉnh, cấp
huyện theo Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng
Chính phủ; 10/10 huyện, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục
tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, đồng thời ban hành quy chế hoạt động để triển
khai thực hiện. Ở cấp xã, các địa phương đã triển khai công tác kiện toàn,
thành lập Ban quản lý xã, Ban giám sát của cộng đồng xã, Ban phát triển thôn đảm
bảo năng lực quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, hoạt động thuộc
các chương trình mục tiêu quốc gia và quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của
Chính phủ. Đến nay công tác kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác và cơ
quan giúp việc các cấp được thực hiện kịp thời, đảm bảo cho công tác điều hành
và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU
ngày 19 tháng 5 năm 2022 “về lãnh đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc
gia trên địa bàn tỉnh Kon Tum”; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành
Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 18 tháng 02 năm 2022 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp
ủy các cấp đối với việc xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng
bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban
hành Chương trình số 3299/CTr-UBND ngày 04 tháng 10 năm 2022 về thực hiện các
chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ
trương đầu tư, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư các chương
trình, Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định
cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các quy
định của Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chủ động, tập trung triển khai xây
dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý, tổ chức thực hiện các
chương trình trên địa bàn, đến nay đã ban hành cơ bản đầy đủ, kịp thời các văn
bản quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định,
cụ thể: Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 19 Nghị quyết (trong đó có 13 Nghị
quyết quy phạm pháp luật), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành trên 40 Quyết định,
Chỉ thị, Kế hoạch làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện các chương trình trên
địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2025.
b) Hoạt động truyền thông, thông tin
Công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, nâng
cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế
- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được đẩy mạnh và
thực hiện thường xuyên, sâu rộng. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành và
triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch truyền thông, tuyên truyền các
chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025(5).
Đã tổ chức phát động và triển khai cuộc vận động “Làm
thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân
tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” gắn với triển khai cuộc vận động
“Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Kế hoạch tổ
chức thực hiện phong trào thi đua “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới”
giai đoạn 2021-2025(6), Kế hoạch thực hiện phong
trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn
2021-2025(7).
c) Công tác theo dõi, giám sát, đánh giá chương
trình
Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành và tổ chức triển
khai thực hiện các Kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện các chương
trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025(8) và năm 2022 theo quy định; triển khai đánh giá, báo cáo Hội đồng
nhân dân tỉnh khóa XII, kỳ họp thứ 4 kết quả thực hiện các chương trình mục
tiêu quốc gia năm 2022 theo quy định(9). Ngoài
ra, trong năm đã triển khai thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá, tổng hợp báo
cáo tình hình, kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phục vụ các
đoàn giám sát, đánh giá, kiểm tra, khảo sát của Hội đồng Dân tộc - Quốc hội, Bộ
Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền
thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... phục vụ các phiên họp của Ban Chỉ đạo
Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, Hội nghị trực
tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 03 chương
trình mục tiêu quốc gia,...
2. Tình hình huy động, phân bổ
và sử dụng nguồn vốn
a) Tình hình phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công
trung hạn giai đoạn 2021-2025
- Về vốn ngân sách Trung ương: Căn cứ kế hoạch vốn
đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 thực hiện 03
chương trình mục tiêu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao(10), Hội đồng nhân dân tỉnh(11), Ủy
ban nhân dân tỉnh(12) đã phân bổ, giao kế hoạch
vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các sở,
ngành và địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo tiến
độ trước ngày 01 tháng 7 năm 2022 theo yêu cầu của Trung ương. Theo đó, tổng vốn
đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 đã phân bổ,
giao cho các đơn vị, địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là
2.752.664 triệu đồng, bằng 100% kế hoạch vốn Trung ương giao; trong đó: Chương
trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu
số và miền núi 1.728.068 triệu đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo
bền vững 637.726 triệu đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn
mới 386.870 triệu đồng.
- Về vốn ngân sách địa phương: Căn cứ
quy định về tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện các chương trình mục
tiêu quốc gia của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh(13), Ủy ban nhân dân tỉnh(14)
đã giao tổng mức vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách địa phương đối ứng thực
hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025 là 623.450
triệu đồng, đảm bảo theo tỷ lệ đối ứng từng Chương trình theo quy định của Thủ
tướng Chính phủ(15) (riêng vốn sự nghiệp giai
đoạn 2021-2025 chưa có cơ sở để xác định mức đối ứng). Hiện nay các địa
phương đang tiếp tục rà soát, cân đối nguồn ngân sách các cấp để bố trí đối ứng
đảm bảo theo mức vốn nêu trên, trong đó kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn
2021-2025 nguồn ngân sách tỉnh(16) đã bố trí được
230.947 triệu đồng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (chưa tính
nguồn ngân sách cấp huyện, xã).
b) Tình hình phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân vốn
ngân sách nhà nước năm 2022, 2023
- Về vốn ngân sách Trung ương: Căn cứ
dự toán ngân sách Trung ương năm 2022, 2023 thực hiện 03 chương trình mục tiêu
quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân
tỉnh Kon Tum đã phân bổ, giao dự toán ngân sách trung ương, vốn đối ứng ngân
sách địa phương và mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022, 2023 cho các sở, ngành và địa
phương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo theo yêu cầu, tiến độ
của trung ương; đồng thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương hoàn thành
các thủ tục giao vốn, phê duyệt dự án, dự toán chi tiết, đồng thời xây dựng lộ
trình triển khai kế hoạch vốn ngân sách Trung ương, phấn đấu thực hiện giải
ngân kế hoạch vốn với tỷ lệ cao nhất.
Đến ngày 31 tháng 01 năm 2023 đã giải ngân 455.778
triệu đồng nguồn ngân sách Trung ương bố trí thực hiện các chương trình mục
tiêu quốc gia năm 2022 (vốn đầu tư phát triển 358.138 triệu đồng, vốn sự
nghiệp 97.640 triệu đồng), đạt 50,73% dự toán Trung ương giao.
- Về vốn ngân sách địa phương: Tổng kế
hoạch vốn ngân sách địa phương đã cân đối bố trí đối ứng, lồng ghép thực hiện
các chương trình năm 2022 khoảng 319.979 triệu đồng (ngân sách tỉnh 53.213
triệu đồng; ngân sách huyện, xã 266.766 triệu đồng).
3. Kết quả thực hiện mục
tiêu, nhiệm vụ
a) Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông
thôn mới: Đến nay toàn tỉnh đã có 42/85 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí (trong
đó đã có 36 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới), số tiêu chí đạt chuẩn
bình quân trên xã đến nay là 16 tiêu chí; có 03 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới
nâng cao, 07 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 19 thôn đạt chuẩn
thôn nông thôn mới; Chương trình mỗi xã một sản phẩm được duy trì thực hiện,
toàn tỉnh có 157 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao...
b) Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế
- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Giai đoạn 2021-2025, tỉnh
Kon Tum phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và
miền núi là 4%; trên 26 xã (trên 50%) ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn;
21 thôn (tỷ lệ 50%) ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Đây là chương
trình mới, lần đầu tiên thực hiện, thời gian triển khai ngắn, do vậy chưa đủ
thông tin, dữ liệu để đánh giá cụ thể kết quả thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu
của chương trình.
c) Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững:
Tính đến cuối năm 2022, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ hộ
nghèo toàn tỉnh là 15.943 hộ, chiếm tỷ lệ 10,86% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh;
tổng số hộ thoát nghèo trong năm 2022 là 6.781 hộ, tương ứng tỷ lệ giảm hộ
nghèo là 4,46% đạt 111,5% so với kế hoạch.
4. Tồn tại, vướng mắc phát
sinh và nguyên nhân
- Tiến độ xây dựng, ban hành thể chế, chính sách quản
lý, tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
của bộ, ngành Trung ương chưa đảm bảo, gây khó khăn và ảnh hưởng đến việc triển
khai các khâu phân bổ, giao kế hoạch thực hiện, giải ngân vốn các chương trình
tại địa phương. Bên cạnh đó, Trung ương yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn
thiện các quy định liên quan đến các chương trình, một số quy định hoàn thiện
và ban hành trong thời gian ngắn dẫn đến thiếu chặt chẽ, đầy đủ phải điều chỉnh,
bổ sung khi cơ quan Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn mới.
- Công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách
Trung ương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia chậm so với thời điểm
giao kế hoạch, dự toán hằng năm gây nhiều khó khăn cho địa phương trong cân đối
xác định nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương, huy động nguồn lực hợp pháp
để thực hiện các chương trình; gây khó khăn trong công tác tổng hợp nhu cầu từ
cấp trực thuộc để xác định danh mục dự án đầu tư trình Hội đồng nhân dân tỉnh.
- Theo quy định, địa phương ban hành kế hoạch thực
hiện các chương trình giai đoạn 05 năm (2021-2025) trong đó phải làm rõ
khả năng huy động vốn thực hiện, gồm: Vốn ngân sách nhà nước (ngân sách
trung ương, ngân sách địa phương), vốn tín dụng, vốn huy động khác. Bên cạnh
đó, theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc,
tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và quy định tỷ lệ đối ứng từ
ngân sách địa phương từng chương trình, địa phương phải cân đối, bố trí vốn đối
ứng trên cơ sở vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương hằng năm và giai đoạn. Tuy
nhiên, đến thời điểm hiện tại, địa phương mới được trung ương giao kế hoạch vốn
đầu tư phát triển, mục tiêu giai đoạn 2021-2025, chưa được giao kế hoạch vốn sự
nghiệp giai đoạn 2021-2025. Do vậy, địa phương gặp khó khăn trong thực hiện quy
định tại Điều 6 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP .
- Theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Nghị định số
27/2022/NĐ-CP , việc lập kế hoạch đầu tư công, dự toán ngân sách nhà nước thực
hiện các chương trình thực hiện theo quy định Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách
nhà nước. Tuy nhiên, công trình, dự án đầu tư thuộc các chương trình mục tiêu
quốc gia hầu hết là công trình có quy mô nhỏ, được phân cấp về cấp huyện, cấp
xã tổ chức thực hiện, việc quy định phải trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt
và giao kế hoạch dẫn đến kéo dài thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư và giảm sự
linh động trong triển khai thực hiện, không đáp ứng nguyên tắc “đẩy mạnh
phân cấp, trao quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động,
linh hoạt của các cấp chính quyền trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương
trình mục tiêu quốc gia” theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP
ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ.
- Điều kiện địa hình khu vực nông thôn của tỉnh
không thuận lợi, xuất phát điểm thấp do đó nhu cầu nguồn lực đầu tư xây dựng
nông thôn mới và thực hiện các mục tiêu giảm nghèo là rất lớn, tuy nhiên việc
huy động các nguồn lực khác ngoài ngân sách đầu tư trong thời gian qua còn hạn
chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
- Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn còn thấp so với yêu
cầu, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp do nhiều nội dung, nhiệm vụ các đơn vị, địa
phương chậm triển khai thực hiện hoặc chưa thể triển khai thực hiện do thiếu
quy định, hướng dẫn của cơ quan Trung ương.
- Sự phối hợp giữa các cơ quan chủ trì chương trình
và các địa phương có lúc chưa được chặt chẽ, đồng bộ; đặc biệt, trong công tác
hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ thuộc
chương trình mục tiêu quốc gia của các cơ quan chủ trì chương trình; một số ít
địa phương (cấp huyện, cấp xã) chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhận thức đầy
đủ vai trò, ý nghĩa của chương trình mục tiêu quốc gia, thiếu sự chủ động, sáng
tạo trong quá trình tổ chức thực hiện; các đơn vị, địa phương chưa quan tâm
đúng mức đến báo cáo và đề xuất những tồn tại trong việc thực hiện nhiệm vụ của
từng chương trình, dự án; tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ theo đề cương, biểu mẫu
hướng dẫn, báo cáo còn thiếu thông tin, thiếu nguồn vốn, dẫn đến khó khăn trong
công tác tổng hợp báo cáo định kỳ cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh.
II. MỤC TIÊU NĂM 2023
1. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển
kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn
2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025: Phấn đấu mức giảm tỷ lệ hộ
nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 là 4%; có 05 xã ra khỏi
địa bàn đặc biệt khó khăn (tỷ lệ xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn đạt
9,6%), có 04 thôn ra khỏi địa bàn thôn đặc biệt khó khăn (tỷ lệ thôn ra
khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn đạt 9,8%). Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số trên địa
bàn tỉnh có đất ở đạt 98,55%, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đất sản
xuất đạt 98,45%; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng
bào dân tộc thiểu số.
2. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo
bền vững giai đoạn 2021-2025: Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm 4%, trong
đó giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo từ 6 đến 8%.
3. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng
nông thôn mới giai đoạn 2021-2025: Phấn đấu tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới
năm 2023 là 56,5% (trong đó, tỷ lệ xã nông thôn mới nâng cao là 27,1% và tỷ
lệ xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu là 8,3%), có 01 đơn vị cấp huyện được công
nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
III. NỘI DUNG THỰC HIỆN NĂM 2023
1. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển
kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn
2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025: Chi tiết tại Phụ lục I kèm
theo.
2. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo
bền vững giai đoạn 2021-2025: Chi tiết tại Phụ lục II kèm theo.
3. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông
thôn mới giai đoạn 2021-2025: Chi tiết tại Phụ lục III kèm theo.
IV. DỰ KIẾN NGUỒN LỰC THỰC HIỆN
1. Ngân sách nhà nước bố trí thực hiện các
chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 tối thiểu là 1.491,91 tỷ đồng, trong
đó:
- Vốn ngân sách Trung ương: 1.243,102 tỷ đồng, bao
gồm:
+ Vốn đầu tư phát triển: 675,155 tỷ đồng;
+ Vốn sự nghiệp: 567,947 tỷ đồng.
- Vốn ngân sách địa phương: 248,808 tỷ đồng.
Trong quá trình điều hành, địa phương tiếp tục cân
đối ngân sách địa phương để ưu tiên hỗ trợ thêm cho các chương trình phù hợp với
điều kiện thực tế và có giải pháp huy động hợp lý mọi nguồn vốn hợp pháp để thực
hiện.
2. Tổng vốn huy động nguồn lực thực hiện các
chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 dự kiến khoảng 2.575,21 tỷ đồng, với cơ
cấu cụ thể như sau:
- Vốn ngân sách Trung ương bố trí trực tiếp để thực
hiện các chương trình: 1.243,102 tỷ đồng.
- Vốn ngân sách địa phương: Dự kiến khoảng 248,808
tỷ đồng.
- Vốn tín dụng: Dự kiến khoảng 361,3 tỷ đồng.
- Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án tại địa
phương: Dự kiến khoảng 470 tỷ đồng.
- Vốn huy động khác (doanh nghiệp, đóng góp tự
nguyện của người dân và cộng đồng): Dự kiến khoảng 252 tỷ đồng.
3. Các cơ quan, đơn vị, địa phương và các tổ
chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện việc lồng ghép các nguồn vốn
trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Nghị quyết
số 62/2022/NQ-HĐND ngày 29 tháng 8 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định
cơ chế lồng ghép các nguồn vốn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc
gia trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025; huy động các nguồn vốn hợp
pháp khác đầu tư thực hiện các chương trình, đảm bảo không trùng lắp, chồng
chéo giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, phù hợp với thực tế, đúng quy định
của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước.
4. Dự kiến mức vốn bố trí thực hiện nội
dung, hoạt động: Chi tiết tại các Phụ biểu kèm theo.
5. Danh mục dự án đầu tư, tỷ lệ dự án đầu tư thực
hiện theo cơ chế đặc thù:
- Danh mục dự án đầu tư: Chi tiết tại các Phụ biểu
kèm theo.
- Tỷ lệ dự án đầu tư thực hiện theo cơ chế đặc thù:
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các dự
án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn theo cơ chế đặc thù; đảm
bảo số lượng dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù không thấp hơn
số lượng dự án được các địa phương đăng ký tại Phụ biểu kèm theo.
V. GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
1. Công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến
- Tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin tuyên
truyền, phổ biến sâu rộng về ý nghĩa, mục đích, sự cần thiết của từng chương
trình mục tiêu quốc gia; nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua “Vì
người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cả nước chung sức xây dựng nông
thôn mới” và các Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng
bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền
vững”, “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
- Xây dựng và nhân rộng những mô hình hay, việc làm
hiệu quả trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo sự lan tỏa mạnh
mẽ trong cộng đồng về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển
kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
2. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện
các chương trình mục tiêu quốc gia
- Thực hiện rà soát, đánh giá sát, đúng tình hình
thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo từng nội dung, tiêu chí cụ thể;
kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện và
giao chỉ tiêu, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức, gắn với
trách nhiệm của người đứng đầu.
- Lựa chọn xây dựng mô hình mẫu, điển hình theo từng
tiêu chí để nhân rộng; chú trọng công tác sơ tổng kết, khen thưởng, vinh danh
các tập thể, cá nhân thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia.
- Thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch, đào tạo, bồi
dưỡng, tạo nguồn và phát triển đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ nữ, cán bộ trẻ,
cán bộ người dân tộc thiểu số, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Phân
công và phát huy vai trò trong việc vận động, hướng dẫn người dân thay đổi nếp
nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững.
- Đẩy mạnh triển khai các chủ trương, định hướng về
phân quyền, phân cấp giữa cấp tỉnh với các cấp địa phương trong xây dựng, tổ chức
quản lý và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo phù hợp với điều
kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của
các dân tộc, địa phương.
- Thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực
hiện chương trình mục tiêu quốc gia ở các cấp, các ngành; kịp thời phát hiện và
xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, lãng phí trong quá trình thực hiện.
- Cập nhật, hoàn thiện dữ liệu phục vụ công tác
theo dõi, phân tích và đánh giá việc thực hiện các chương trình trên nền tảng ứng
dụng công nghệ thông tin.
3. Huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các
nguồn lực
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn,
bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời nguồn lực thực hiện các chương trình theo quy
định; cân đối bố trí đủ vốn đối ứng ngân sách địa phương và tăng cường các nguồn
huy động, khuyến khích đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của
các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia, đóng góp của
người dân, đối tượng thụ hưởng của các chương trình. Phát huy và thực hiện tốt,
có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám
sát, dân thụ hưởng”, “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” trong thực hiện các
công trình và mô hình cụ thể.
- Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực Trung ương hỗ
trợ, huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức
triển khai các chương trình. Thực hiện có hiệu quả quy định phân cấp nguồn thu
để lại cho ngân sách xã, huyện từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất, có thu
tiền sử dụng đất (sau khi hoàn trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng)
trên địa bàn xã để thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới(17). Khuyến khích các địa phương có kinh tế phát
triển hỗ trợ cho các địa phương khó khăn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục
tiêu, nhiệm vụ của các chương trình mục tiêu quốc gia.
- Thực hiện lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của 03
chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn.
- Thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho
nông nghiệp, nông thôn, chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục
tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền
núi, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Bổ
sung vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, huyện, Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã
và huy động tối đa nguồn lực từ hệ thống Quỹ này; hàng năm cân đối, bố trí nguồn
vốn từ ngân sách địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện) ủy thác cho Ngân hàng
chính sách xã hội (cấp tỉnh, cấp huyện), khuyến khích cho vay ủy thác
qua Ngân hàng chính sách xã hội; thực hiện có hiệu quả cơ chế huy động nguồn vốn
tín dụng và nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các chương trình mục tiêu quốc
gia theo quy định tại Nghị quyết số 59/2022/NQ-HĐND ngày 29 tháng 8 năm 2022 của
Hội đồng nhân dân tỉnh.
4. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã
hội thiết yếu và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù
- Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững theo
thứ tự ưu tiên theo địa bàn đầu tư, đối tượng thụ hưởng, trên nhu cầu giải quyết
những vấn đề bức thiết nhất của từng chương trình về kết cấu hạ tầng kinh tế -
xã hội và các hoạt động đáp ứng nhu cầu sản xuất tại vùng đồng bào dân tộc thiểu
số, khu vực nông thôn. Trong đó, quan tâm hỗ trợ đầu tư tại các xã, các huyện
chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các xã an toàn khu, xã đạt dưới 15 tiêu
chí; hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất
lượng các tiêu chí và bảo đảm bền vững; hỗ trợ đầu tư xây dựng các thôn (làng)
nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện
công trình giao thông kết nối, công trình điện lưới... phục vụ phát triển kinh
tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh cho các huyện nghèo có nhiều xã biên
giới, xã khu vực III và thôn đặc biệt khó khăn.
- Giải quyết có hiệu quả đất ở, nhà ở, đất sản xuất
cho người dân; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng dân tộc thiểu số, miền núi,
biên giới, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở, khu vực rừng đặc dụng, rừng
phòng hộ; gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
- Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển các hình
thức tổ chức sản xuất kinh doanh, dịch vụ ở nông thôn gắn với xây dựng nông
thôn mới. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị. Thực hiện có
hiệu quả Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm và chủ trương dồn đổi ruộng đất
để xây dựng cánh đồng lớn, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ,
khuyến khích thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp và
các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu
số; nghiên cứu, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết
trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
- Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn
vay ưu đãi và hướng dẫn, hỗ trợ sử dụng hiệu quả vốn vay để phát triển kinh tế;
hỗ trợ cho các hộ nghèo, nhất là những hộ thuộc các nhóm dân tộc thiểu số khó
khăn nhất, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ
nữ; trong đó, tập trung vào 03 nhóm chính sách: (i) Hỗ trợ phát triển sản xuất;
(ii) Hỗ trợ về lao động - việc làm, nâng cao thu nhập; (iii) Hỗ trợ người nghèo
tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
- Tích cực kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư đến tìm
hiểu, triển khai các dự án quy mô lớn trên địa bàn để thúc đẩy phát triển kinh
tế - xã hội, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng vùng dự án, giải quyết việc làm,
đóng góp vào nguồn thu ngân sách và tham gia vào các chương trình an sinh và
phúc lợi xã hội của địa phương.
5. Phát triển văn hóa - xã hội, cải thiện khả
năng thụ hưởng, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân
- Bố trí nguồn vốn phù hợp để nâng cấp, xây dựng mới
cơ sở vật chất phục vụ dạy học, khám chữa bệnh; chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, y
bác sĩ, đảm bảo đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về năng lực chuyên môn và phẩm
chất đạo đức, y đức.
- Tuyên truyền, vận động hạn chế tình trạng tảo
hôn, hôn nhân cận huyết thống; đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới và giải quyết
những vấn đề bức thiết của trẻ em, phụ nữ.
- Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động
và triển khai việc xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn; bảo tồn, phát huy bản
sắc, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn, gắn với
phát triển du lịch nông thôn. Rà soát, đầu tư hoàn thiện và nâng cao hiệu quả sử
dụng các thiết chế văn hóa ở cơ sở.
- Đầu tư xây dựng Chương trình nước sạch và vệ sinh
môi trường nông thôn; thực hiện tốt việc thu gom, xử lý rác và nước thải sinh
hoạt, chăn nuôi. Kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô
nhiễm môi trường, xây dựng khu chôn cất tập trung theo đúng quy hoạch, quy định.
Quản lý và bảo vệ bền vững tài nguyên đất, nước, rừng.
6. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã
hội vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và biên giới
- Xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình hay,
hiệu quả về giữ gìn an ninh trật tự; phát huy vai trò của già làng, người có uy
tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, lực lượng công an xã, vai trò tự quản,
tính tích cực của Nhân dân tham gia đấu tranh; xử lý những vấn đề nhạy cảm phát
sinh ngay từ cơ sở.
- Ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đảm bảo
an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn; quản lý chặt chẽ người và
phương tiện ra, vào khu vực biên giới; bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đường biên, cột
mốc; đảm bảo an ninh trật tự, phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động
vượt biên, buôn lậu qua biên giới.
- Thực hiện tốt công tác đối ngoại với các tỉnh
giáp biên của nước Lào và Campuchia; xây dựng lực lượng dân quân vững mạnh, rộng
khắp, tích cực xây dựng địa bàn nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và
biên giới vững mạnh toàn diện, bảo đảm giữ vững tiêu chí quân sự, quốc phòng.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc
gia tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025 (Ban Chỉ đạo tỉnh):
Ban Chỉ đạo tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và quy chế hoạt động, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp
giải quyết những công việc liên quan đến quản lý và tổ chức thực hiện các
chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; điều phối hoạt động giữa các
cơ quan, đơn vị và địa phương trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các
chương trình mục tiêu quốc gia; theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện các
chương trình trên địa bàn tỉnh; đề xuất khen thưởng hoặc kiến nghị cấp có thẩm
quyền xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình
thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
2. Ban Dân tộc tỉnh, Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Các cơ quan chủ trì chương
trình mục tiêu quốc gia; Tổ công tác của các chương trình mục tiêu quốc gia:
- Căn cứ phạm vi quản lý, thẩm quyền, chức năng,
nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp với các cơ quan chủ trì dự án, tiểu dự
án, nội dung thành phần thuộc từng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng, ban
hành văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và địa phương tổ chức triển khai thực
hiện nội dung, nhiệm vụ của từng chương trình theo đúng quy định về cơ chế quản
lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, quản lý đầu tư công,
quản lý ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan.
- Chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc
tổ chức thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia của các cơ quan, đơn vị
và địa phương theo quy định; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý các vấn
đề phát sinh.
3. Các sở ngành, địa phương, thành viên Ban Chỉ
đạo tỉnh căn cứ phạm vi quản lý, thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao:
- Chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai
các nhiệm vụ, giải pháp tại kế hoạch này, quản lý, tổ chức thực hiện có hiệu quả
các chương trình mục tiêu quốc gia.
- Chủ động cập nhật văn bản hướng dẫn của các bộ,
cơ quan Trung ương, kịp thời tham mưu triển khai, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị
và địa phương tổ chức áp dụng triển khai thực hiện nội dung, nhiệm vụ của từng
chương trình theo đúng quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương
trình mục tiêu quốc gia, quản lý đầu tư công, quản lý ngân sách nhà nước và các
quy định có liên quan.
- Chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc
tổ chức thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia của các cơ quan, đơn vị
và địa phương theo quy định; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý các vấn
đề phát sinh.
4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện các
chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 của địa phương theo quy định tại Nghị định
số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ và Nghị quyết số
62/2022/NQ-HĐND ngày 29 tháng 8 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh; rà soát, đề
xuất cấp có thẩm quyền quyết định hoặc ban hành, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền
các văn bản để tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
trên phạm vi địa bàn quản lý.
- Triển khai lập kế hoạch thực hiện các chương
trình mục tiêu quốc gia có sự tham gia của cộng đồng theo quy định tại Điều 8
Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
- Chủ động nghiên cứu các mục tiêu, nội dung, hoạt
động, dự án, tiểu dự án thành phần thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia và
hướng dẫn của các cơ quan chủ trì chương trình mục tiêu quốc gia tổ chức triển
khai thực hiện có hiệu quả các chương trình trên địa bàn.
- Trong quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm
nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở, nhằm
nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp chính quyền địa phương trong quản
lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; phát huy vai trò chủ
thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện
và giám sát các chương trình. Bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng,
đúng quy định pháp luật trong quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các chương
trình mục tiêu quốc gia, tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham
nhũng, tiêu cực.
- Cân đối vốn đối ứng từ ngân sách địa phương bố
trí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm theo quy định của Hội
đồng nhân dân tỉnh về tỷ lệ đối ứng giữa các cấp ngân sách thực hiện các chương
trình mục tiêu quốc gia; chủ động lồng ghép, huy động các nguồn vốn hợp pháp
khác đầu tư thực hiện các chương trình, đảm bảo không trùng lắp, chồng chéo giữa
các chương trình mục tiêu quốc gia, phù hợp với thực tế, đúng quy định của Luật
Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình
triển khai thực hiện đối với cấp cơ sở, nhất là về cơ chế, chính sách quản lý,
sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, nguồn huy động đóng góp tự nguyện của Nhân
dân theo quy định hiện hành.
- Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định của
pháp luật về quản lý đầu tư công; quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục
tiêu quốc gia và các quy định có liên quan.
5. Trân trọng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên đẩy mạnh công tác
tuyên truyền; phối hợp với các sở ngành triển khai có hiệu quả các phong trào,
cuộc vận động trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát
triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phối hợp với
các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người
dân với kết quả thực hiện từng chương trình; thực hiện các hoạt động giám sát,
phản biện xã hội đối với quá trình tổ chức triển khai thực hiện các chương
trình mục tiêu quốc gia ở các cấp theo quy định.
Căn cứ nội dung Kế hoạch, các đơn vị, địa phương chủ
động triển khai thực hiện. Quá trình thực hiện nếu có phát sinh khó khăn, vướng
mắc kịp thời phản ánh về các cơ quan chủ trì chương trình mục tiêu quốc gia, Sở
Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung, điều chỉnh
cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (b/c);
- Bộ Tài chính (b/c);
- Ủy ban Dân tộc (b/c);
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (b/c);
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (b/c);
- Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo (b/c);
- Văn phòng Điều phối NTM Trung ương (b/c);
- Văn phòng Điều phối Trung ương CTMTQG phát triển KTXH vùng ĐBDTTS và miền
núi (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh (p/h);
- Các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh (p/h);
- Thành viên BCĐ CTMTQG tỉnh (t/h);
- Các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh (t/h);
- UBND các huyện, thành phố (t/h);
- VP UBND tỉnh: CVP, các PCVP;
- Lưu: VT, KGVX, NNTN, KTTH.PHD.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Ngọc Tuấn
|
PHỤ LỤC I
NỘI DUNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT
TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN
2021-2030, GIAI ĐOẠN I: TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM NĂM
2023
I. CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM
2023
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số
và miền núi đạt 4%.
- Có 05 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn (tỷ
lệ xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn đạt 9,6%).
- Có 04 thôn ra khỏi địa bàn thôn đặc biệt khó khăn
(tỷ lệ thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn đạt 9,8%).
- 98,55% hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có đất
ở, 98,45% hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đất sản xuất.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Dự án 1. Giải quyết tình trạng
thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt
a) Nội dung thực hiện
- Hỗ trợ đất ở; Hỗ trợ nhà ở.
- Hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất; Hỗ trợ chuyển đổi
nghề.
- Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán.
- Hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung khoảng 22 công
trình,
b) Phân công thực hiện
- Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành
liên quan hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện Dự án; kiểm tra, giám sát,
đánh giá kết quả thực hiện và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo quy
định.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực
hiện Dự án trên địa bàn; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện định kỳ, đột xuất của
Dự án trên địa bàn về Ban Dân tộc để tổng hợp theo quy định.
c) Vốn và cơ cấu nguồn vốn
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Dự án là 197.822 triệu
đồng, trong đó:
- Ngân sách trung ương: 55.929 triệu đồng (vốn đầu
tư phát triển: 35.283 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 20.646 triệu đồng).
- Ngân sách địa phương: 5.593 triệu đồng (vốn đầu
tư phát triển: 3.528 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 2.065 triệu đồng).
- Vốn vay tín dụng chính sách: 136.300 triệu đồng.
2. Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp,
bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết
a) Nội dung thực hiện: Thực hiện 12 dự
án sắp xếp, ổn định dân cư tại địa bàn 08 huyện: Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đăk Glei,
Sa Thầy, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Ia H’Drai, Đăk Hà(1).
b) Phân công thực hiện
- Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp
và phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Dự án trên địa bàn tỉnh; kiểm tra,
giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột
xuất.
- Ủy ban nhân dân các huyện: Tu Mơ Rông, Kon Plông,
Đăk Glei, Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Ia H’Drai tổ chức triển khai thực
hiện dự án trên địa bàn quản lý; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện định kỳ, đột
xuất của Dự án trên địa bàn về Ban Dân tộc để tổng hợp theo quy định.
c) Vốn và cơ cấu nguồn vốn
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Dự án là 102.893 triệu
đồng (vốn đầu tư phát triển), trong đó:
- Ngân sách Trung ương: 93.539 triệu đồng.
- Ngân sách địa phương: 9.354 triệu đồng.
3. Dự án 3: Phát triển sản xuất
nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản
xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị
3.1. Tiểu dự án 1: Phát triển kinh tế nông, lâm
nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và phát nâng cao thu nhập cho người dân
a) Nội dung thực hiện
- Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng;
- Hỗ trợ bảo vệ rừng;
- Hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ
sung;
- Hỗ trợ trồng rừng sản xuất, hỗ trợ phát triển lâm
sản ngoài gỗ;
- Hỗ trợ trồng rừng phòng hộ;
- Trợ cấp gạo cho người dân tham gia bảo vệ và phát
triển rừng.
b) Phân công thực hiện
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối
hợp các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực
hiện Tiểu dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo
kết quả thực hiện Tiểu dự án theo định kỳ, đột xuất.
c) Vốn và cơ cấu nguồn vốn
Dự kiến vốn thực hiện Tiểu dự án là 154.848 triệu đồng,
trong đó:
- Ngân sách Trung ương: 140.771 triệu đồng (vốn
sự nghiệp).
- Ngân sách địa phương: 14.077 triệu đồng (vốn sự
nghiệp).
3.2. Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất
theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi
nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
a) Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá
trị; Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào
dân tộc thiểu số và miền núi
a.1) Nội dung số 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất
theo chuỗi giá trị
* Nội dung thực hiện
- Hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi
giá trị do các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, ...) và
người dân trong vùng cùng tham gia thực hiện.
- Hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất, đa dạng
hóa sinh kế đối với các địa phương không có điều kiện thực hiện phát triển sản
xuất theo chuỗi giá trị.
* Phân công thực hiện
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì,
phối hợp với Ban Dân tộc; các Sở, ngành liên quan hướng dẫn tổ chức triển khai
thực hiện; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai các dự án;
kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ,
đột xuất.
- Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hướng dẫn và thực
hiện cho vay vốn tín dụng chính sách theo quy định hiện hành.
a.2) Nội dung số 2: Đầu tư hỗ trợ phát triển
vùng trồng dược liệu quý
* Nội dung thực hiện
- Cải tạo cơ sở hạ tầng về: điện, nước, nhà xưởng...
Đường giao thông kết nối cấp V miền núi; Cơ sở bảo quản dược liệu quý và mua sắm
trang thiết bị trên địa bàn các xã có dược liệu quý.
- Đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý
* Phân công thực hiện
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì,
phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và
Công nghệ, Sở Công Thương và Hội Dược liệu tỉnh Kon Tum, Ủy ban nhân dân huyện
Tu Mơ Rông, Ủy ban nhân dân huyện Đăk Glei nghiên cứu khảo sát, điều tra xây dựng
phương án vùng phát triển dược liệu.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì,
phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị
trường tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông xây dựng, đề xuất cơ chế quản
lý dược liệu (từ khâu giống đến sản phẩm đưa ra thị trường).
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở,
ban ngành, địa phương liên quan nghiên cứu tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có cơ
chế chính sách thu hút các doanh nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu có tiềm lực
về kinh tế, có thị trường để nâng cao năng lực sơ chế, chế biến và phát triển
thị trường.
- Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hướng dẫn và thực
hiện cho vay vốn tín dụng chính sách theo quy định hiện hành.
a.3) Nội dung số 3: Thúc đẩy khởi sự kinh
doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
* Nội dung thực hiện
- Hỗ trợ xây dựng các mô hình khởi nghiệp, mô hình
khởi sự kinh doanh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
- Tổ chức biểu dương thanh niên, sinh viên, người
có uy tín tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công ở vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi;
- Tổ chức các hoạt động thu hút đầu tư vùng đồng
bào dân tộc thiểu số và miền núi;
- Tổ chức các diễn đàn, hội chợ, hội nghị, hội thảo,
tập huấn, đào tạo nâng cao phát triển nguồn nhân lực...; triển khai các hoạt động
thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
* Phân công thực hiện
- Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành
liên quan; Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức hoạt động thúc đẩy khởi sự kinh
doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số và
miền núi trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết
quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột xuất.
- Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành liên quan hướng dẫn thực hiện nội dung hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
b) Vốn và cơ cấu nguồn vốn
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Tiểu dự án là 69.055
triệu đồng, trong đó:
- Ngân sách trung ương: 62.777 triệu đồng (vốn đầu
tư phát triển: 8.572 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 54.205 triệu đồng).
- Ngân sách địa phương: 6.278 triệu đồng (vốn đầu
tư phát triển: 857 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 5.421 triệu đồng).
4. Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng
thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và
miền núi
4.1. Tiểu dự án 1: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu,
phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
a) Nội dung thực hiện
- Đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa khoảng
201 các loại công trình (trong đó có 160 dự án khởi công trình và 41 dự án
chuyển tiếp) như: công trình đường đi khu sản xuất; công trình cầu treo;
công trình nước sinh hoạt tập trung phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh;
công trình đường dây trung thế, trạm biến áp và đường dây hạ thế để cung cấp điện
phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; trạm chuyển tiếp phát
thanh xã; nhà sinh hoạt cộng đồng; công trình khu thể thao; công trình cổng
chào; công trình nhà, lớp và các hạng mục phụ trợ cho trường học các cấp; công
trình kênh mương thủy lợi để từng bước đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất;
các công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác...
- Xây mới 02 Trạm Y tế tại xã Tu Mơ Rông, huyện Tu
Mơ Rông; xã Đăk PXi, huyện Đăk Hà và Xây mới phòng khám đa khoa khu vực Đăk
RVe, huyện Kon Rẫy; chuyển tiếp dự án Cải tạo, sửa chữa 05 Trạm Y tế tại các
xã: xã Hiếu, Đăk Ring, Đăk Nên, Đăk Tăng, huyện Kon Plông và xã Đăk Tờ Re, huyện
Kon Rẫy.
- Mua sắm trang thiết bị y tế theo tiêu chuẩn định
mức trang bị cho các trạm y tế trên địa bàn toàn tỉnh.
- Đầu tư kiên cố hóa đường đến trung tâm xã chưa được
kiên cố hóa, ưu tiên đầu tư đối với xã chưa có đường đến trung tâm xã (đường từ
huyện đến xã), đường liên xã hoặc đã được cứng hóa nhưng bị hư hỏng nặng, với
10 danh mục công trình, khoảng 114 km đã được rà soát báo cáo Ủy ban Dân tộc(2). Trong đó, đường từ huyện đến trung tâm xã 4
danh mục, với 36 km đi đến 9 xã khu vực III thuộc địa bàn 4 huyện (Tu Mơ
Rông, Đăk Glei, Ngọc Hồi, Kon Plông); đường liên xã 6 danh mục, với 78 km
đi đến 9 xã khu vực III thuộc địa bàn 5 huyện (Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy, Kon
Rẫy, Ia H’Drai).
- Duy tu, bảo dưỡng khoảng 80 công trình cơ sở hạ tầng
trên địa bàn đặc biệt khó khăn; công trình cơ sở hạ tầng các xã, thôn đã đầu tư
từ Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020.
- Đầu tư xây dựng mới 02 chợ trung tâm xã tại các
huyện: Tu Mơ Rông, Ia H’Drai và cải tạo, nâng cấp 05 chợ tại các huyện Đăk Hà,
Sa Thầy, Ngọc Hồi. Đăk Glei và Đăk Tô.
b) Phân công thực hiện
- Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hướng dẫn, rà soát, tổ chức
thực hiện Dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo
kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột xuất.
- Sở Y tế chủ trì thực hiện đầu tư, sửa chữa các Trạm
Y tế xã tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Kon Rẫy, Kon Plông; tổng hợp báo cáo
kết quả thực hiện định kỳ, đột xuất của Dự án trên địa bàn về Ban Dân tộc để tổng
hợp theo quy định.
c) Vốn và cơ cấu nguồn vốn
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Dự án là 231.317 triệu
đồng, trong đó:
- Ngân sách Trung ương: 210.288 triệu đồng (vốn
đầu tư phát triển: 192.710 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 17.578 triệu đồng).
- Ngân sách địa phương: 21.029 triệu đồng (vốn đầu
tư phát triển: 19.271 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 1.758 triệu đồng).
5. Dự án 5: Phát triển giáo dục
đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
5.1. Tiểu dự án 1: Đổi mới hoạt động, củng cố
phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán
trú, trường phổ thông dân tộc có học sinh sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người
dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
a) Nội dung thực hiện
- Bổ sung cơ sở vật chất cho 05 trường phổ thông
dân tộc nội trú, trường phổ thông có học sinh bán trú trực thuộc Sở Giáo dục và
Đào tạo.
- Bổ sung trang thiết bị cho 74 trường phổ thông
dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán
trú.
- Tổ chức lớp xóa mù chữ cho người dân vùng đồng
bào dân tộc thiểu số.
- Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cho các trường phổ
thông dân tộc bán trú.
- Nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất cho các trường
phổ thông dân tộc bán trú.
b) Phân công thực hiện
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện Tiểu
dự án; kiểm tra, giám sát, báo cáo và đánh giá kết quả thực hiện định kỳ, đột
xuất Dự án theo quy định.
c) Vốn và cơ cấu nguồn vốn
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Tiểu dự án là 115.080
triệu đồng, trong đó:
- Ngân sách Trung ương: 104.618 triệu đồng (vốn
đầu tư phát triển: 64.096 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 40.522 triệu đồng).
- Ngân sách địa phương: 10.462 triệu đồng (vốn đầu
tư phát triển: 6.410 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 4.052 triệu đồng).
5.2. Tiểu dự án 2: Bồi dưỡng kiến thức dân tộc,
đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng
đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
a) Nội dung bồi dưỡng kiến thức dân tộc và
đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học
a.1) Nội dung bồi dưỡng kiến thức dân tộc
- Tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho 09 lớp
thuộc đối tượng 3,4 khoảng 630 học viên.
- Tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho lực lượng
công an, quân đội công tác, đóng quân trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu
số và miền núi.
- Tổ chức bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cán bộ,
công chức, viên chức cấp huyện, xã trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số
và miền núi
a.2) Nội dung đào tạo dự bị đại học, đại học
và sau đại học
Hỗ trợ đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ)
cho 12 đối tượng thuộc nhóm dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù, nhóm dân tộc
thiểu số còn có khó khăn, dân tộc thiểu số có chất lượng nguồn nhân lực thấp.
Trong đó: trình độ Tiến sĩ 9 người; trình độ thạc sĩ 03 người.
b) Phân công thực hiện
- Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, các
sở, ngành liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện nội
dung Bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho đối tượng 2, 3, 4 trên địa bàn; kiểm tra,
giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột
xuất.
- Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp với
đơn vị chức năng tổ chức bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức,
viên chức; chủ trì, phối hợp với đơn vị địa phương thực hiện công tác đào tạo dự
bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào
dân tộc thiểu số trên địa bàn.
c) Vốn và cơ cấu nguồn vốn
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Tiểu dự án là 11.717
triệu đồng (vốn sự nghiệp), trong đó:
- Ngân sách trung ương: 10.652 triệu đồng.
- Ngân sách địa phương: 1.065 triệu đồng.
5.3. Tiểu dự án 3: Phát triển giáo dục nghề nghiệp
và giải quyết việc làm cho thanh niên vùng dân tộc thiểu số và miền núi
a) Nội dung thực hiện
- Xây dựng mô hình đào tạo nghề, đặt hàng đào tạo
nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán của vùng đồng bào dân tộc thiểu
số và miền núi gắn với giải quyết việc làm và hiệu quả việc làm sau đào tạo.
- Hỗ trợ đào tạo nghề, tổ chức chuẩn hóa kỹ năng lao
động và kết nối hiệu quả đào tạo và giải quyết việc làm; cung cấp thông tin thị
trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho các đối tượng (trong
đó, đào tạo mới; đào tạo lại, cập nhật, nâng cao kiến thức kỹ năng lao động, kỹ
năng sống cho người lao động đào tạo nâng cao năng lực và dịch vụ cho người lao
động khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; đào tạo nhằm chuyển đổi nghề nghiệp cho
người lao động; đào tạo để đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài;
đào tạo nghề nghiệp tại doanh nghiệp...; đào tạo nghề nhằm phát triển thị trường
dược liệu quý, du lịch cộng đồng, nghề thủ công, mỹ nghệ...).
- Hỗ trợ cho lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc
thiểu số học nghề, học ngoại ngữ để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp
đồng.
- Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy
và học tại cơ sở.
- Tổ chức phiên giới thiệu việc làm và các hội nghị
tư vấn nhằm tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm
và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài.
- Kiểm tra, giám sát đánh giá; xây dựng bộ chỉ số (KPI)
để làm cơ sở giám sát và đánh giá việc triển khai các nội dung theo mục tiêu của
dự án và xây dựng phương pháp, cơ chế giám sát, đánh giá và đề xuất điều chỉnh
trong quá trình thực hiện dự án.
b) Phân công thực hiện
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp
với các sở, ngành liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực
hiện Tiểu dự án 3 trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo
cáo kết quả thực hiện Tiểu dự án 3 theo định kỳ, đột xuất.
c) Vốn và cơ cấu nguồn vốn
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Tiểu dự án là 47.864
triệu đồng (vốn sự nghiệp), gồm:
- Ngân sách trung ương: 43.513 triệu đồng.
- Ngân sách địa phương: 4.351triệu đồng.
5.4. Tiểu dự án 4: Đào tạo nâng cao năng lực cho
cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp
a) Nội dung thực hiện
- Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng
cao năng lực cho đối tượng là cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các
cấp.
- Tổ chức Hội nghị chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về
đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và các bộ triển khai Chương trình ở các
cấp.
- Tổ chức các đợt học tập, trao đổi, chia sẻ kinh
nghiệm tại các tỉnh, thành phố trong nước cho các đối tượng trực tiếp thực hiện
Chương trình.
- Hỗ trợ chuyển đổi số và nâng cao khả năng học tập,
chia sẻ kinh nghiệm trực tuyến cho cán bộ triển khai thực hiện Chương trình ở
các cấp; thực hiện các hoạt động để nâng cao nhận thức và năng lực của các bên
liên quan (ngoài các cơ quan tổ chức chủ trì và tham gia thực hiện Chương
trình) để có sự phối hợp hiệu quả, huy động nguồn lực tổng hợp cho Chương
trình.
b) Phân công thực hiện
Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành
liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện Tiểu dự án;
kiểm tra, giám sát, báo cáo và đánh giá kết quả thực hiện định kỳ, đột xuất Dự
án theo quy định.
c) Vốn và cơ cấu nguồn vốn:
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Tiểu dự án là 12.646
triệu đồng (vốn sự nghiệp), trong đó:
- Ngân sách trung ương: 11.496 triệu đồng.
- Ngân sách địa phương: 1.150 triệu đồng.
6. Dự án 6: Bảo tồn, phát huy
giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển
du lịch
a) Nội dung thực hiện
- Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống tại
địa phương: thực hiện khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hoá di sản văn hóa
truyền thống, bảo tồn 01 lễ hội truyền thống, hỗ trợ nghệ nhân ưu tú trong lĩnh
vực di sản văn hóa phi vật thể.
- Tổ chức 02 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn
nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể.
- Hỗ trợ 03 chương trình nghiên cứu, phục dựng, bảo
tồn, phát triển văn hóa phi vật thể; 03 chương trình tuyên truyền, quảng bá văn
hóa truyền thống chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch.
- Xây dựng 05 câu lạc bộ văn hóa dân gian các thôn
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng di dân tái định cư; Xây dựng
03 mô hình văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; Hỗ trợ hoạt động cho 50 đội
văn nghệ truyền thống.
- Tổ chức hoạt động thi đấu thể dục thể thao vùng đồng
bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
- Hỗ trợ 10 trang thiết bị vùng đồng bào dân tộc
thiểu số; đầu tư xây dựng 40 thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn vùng đồng
bào dân tộc thiểu số và miền núi.
- Hỗ trợ đầu tư điểm du lịch tiêu biểu tại vùng đồng
bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
- Hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng, bản truyền thống tiêu
biểu của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
- Đầu tư, tu bổ tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt,
di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
b) Phân công thực hiện
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với
các sở, ngành liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện
Dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực
hiện Dự án theo định kỳ, đột xuất.
c) Vốn và cơ cấu nguồn vốn
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Dự án là 27.909 triệu
đồng, trong đó:
- Ngân sách trung ương: 25.372 triệu đồng (vốn đầu
tư phát triển: 17.864 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 7.508 triệu đồng).
- Ngân sách địa phương: 2.537 triệu đồng (vốn đầu
tư phát triển: 1.786 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 751 triệu đồng).
7. Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe
Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy
dinh dưỡng trẻ em
a) Nội dung thực hiện
* Nội dung số 01: Xây dựng và phát triển y tế cơ
sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
- Tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp, mua sắm trang
thiết bị y tế cho Trung tâm Y tế huyện Kon Plông.
- Hỗ trợ đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I cho bác
sĩ đã tốt nghiệp được tuyển dụng làm việc tại các cơ sở y tế thuộc các huyện
nghèo, khó khăn, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
- Thực hiện công tác chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực
khám, chữa bệnh nhằm hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật về trạm y tế xã; hỗ trợ phụ cấp
cho cô đỡ thôn bản thuộc các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã
được đào tạo và đang trực tiếp thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản
tại cộng đồng.
- Triển khai điểm tiêm chủng ngoài trạm trong tiêm
chủng thường xuyên đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về địa lý hoặc
trong chiến dịch tiêm chủng.
* Nội dung số 02: Nâng cao chất lượng dân số
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
- Phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết
hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh với sự
tham gia của toàn xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
- Đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người
cao tuổi thích ứng với già hóa dân số: Tăng cường tuyên truyền, vận động; xây dựng
môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi;
Tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, sàng
lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi, bao gồm cả khuyến khích, hỗ trợ
người cao tuổi tham gia.
- Ổn định và phát triển dân số của đồng bào dân tộc
thiểu số tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực biên giới:
Tuyên truyền, vận động chính sách, pháp luật về dân số, cư trú, biên giới phù hợp
tâm lý, tập quán của đồng bào sinh sống tại khu vực biên giới; Khảo sát tình
hình thực hiện các chính sách dân số hiện hành; Xây dựng mô hình tổng quát các
chính sách dân số thực hiện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Bổ
sung trang thiết bị cho Kho dữ liệu chuyên ngành; Rà soát các thông tin, số liệu
dân số trong kho dữ liệu chuyên ngành dân số tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng
lực cán bộ làm công tác thống kê, tin học; Tổ chức chiến dịch truyền thông lồng
ghép cung cấp dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình tại các xã khu vực III và
II thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực biên giới; Thí điểm
một số mô hình can thiệp; tăng cường tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình phù
hợp với đặc điểm, văn hóa của một số dân tộc thiểu số ở vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi, khu vực biên giới.
- Nâng cao năng lực quản lý dân số vùng đồng bào
dân tộc thiểu số và miền núi: Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng
cho cán bộ y tế, dân số, cộng tác viên dân số về chuyên môn kỹ thuật; nghiệp vụ
quản lý dân số; Kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật, đánh giá, quản lý.
* Nội dung số 03: Chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng
bà mẹ trẻ em nhằm giảm thiểu tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc,
thể lực người dân tộc thiểu số
- Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế/người cung cấp
dịch vụ tại các tuyến về chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời:
+ Tập huấn nâng cao năng lực cho người cung cấp dịch
vụ tuyến tỉnh, huyện, tuyến xã về chăm sóc dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời;
Triển khai mô hình Chăm sóc dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời.
+ Hỗ trợ để cải thiện sức khoẻ và dinh dưỡng cho bà
mẹ mang thai và trẻ nhỏ bao gồm cả các trường hợp khẩn cấp, mất mùa, thiên tai,
dịch bệnh,...( Cung cấp sắt cho phụ nữ có thai, Cấp phát sản phẩm dinh dưỡng
cho trẻ trên 6 tháng đến 23 tháng tuổi bị suy dinh dưỡng để bổ sung vào bữa bột/cháo;
Phát hiện, điều trị và quản lý suy dinh dưỡng cấp tỉnh ở trẻ em tại cộng đồng).
+ Củng cố và hoàn thiện mạng lưới chuyên trách và cộng
tác viên dinh dưỡng ở thôn/bản vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.
- Chăm sóc sức khỏe, giảm tử vong bà mẹ, trẻ em:
+ Điều tra tử vong mẹ, tử vong sơ sinh ở các vùng đồng
bào dân tộc thiểu số và miền núi; Thẩm định tử vong mẹ; Điều tra, đánh giá năng
lực người đỡ đẻ.
+ Triển khai, thực hiện các gói chính sách hỗ trợ về
chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại các xã khu vực III vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi.
- Thực hiện các hoạt động truyền thông về chăm sóc
sức khoẻ bà mẹ, trẻ em tại các xã khu vực III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và
miền núi.
b) Phân công thực hiện
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên
quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện Dự án trên địa
bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án
theo định kỳ, đột xuất.
c) Vốn và cơ cấu nguồn vốn
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Dự án là 16.442 triệu
đồng, trong đó:
- Ngân sách trung ương: 14.947 triệu đồng (vốn đầu
tư phát triển: 7.235 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 7.712 triệu đồng).
- Ngân sách địa phương: 1.495 triệu đồng (vốn đầu
tư phát triển: 724 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 771 triệu đồng).
8. Dự án 8: Thực hiện bình đẳng
giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em
a) Nội dung thực hiện
a.1) Nội dung 1: Hoạt động tuyên truyền, vận
động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu
giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề
xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em
- Xây dựng các nhóm truyền thông tiên phong thay đổi
trong cộng đồng.
- Tổ chức các chiến dịch truyền thông tuyên truyền,
vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu
giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề
xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em với 1.646 cuộc (hoạt động)(3).
- Tiếp tục thành lập 163 tổ truyền thông tiên phong
thay đổi trong cộng đồng.
- Thực hiện các chiến dịch truyền thông xóa bỏ định
kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ.
- Xây dựng 2000 quyển cẩm nang truyền thông về vận
hành các mô hình địa chỉ tin cậy cộng đồng, Tổ truyền thông, gói chính sách hỗ
trợ sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khoẻ trẻ em; Xây dựng 03 clip truyền thông
về xoá bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ
và trẻ em (mỗi clip 5 phút).
- Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
xây dựng 12 chuyên mục về triển khai Dự án 8 (mỗi tháng 01 chuyên mục). Phối hợp
với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng 03 chương trình truyền thông,
nâng cao nhận thức các nội dung thúc đẩy, xoá bỏ định kiến, khuôn mẫu giới, những
tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em
phát trên loa truyền thanh.
- Tổ chức 82 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho
thành viên các tổ truyền thông cộng đồng theo phương pháp "Cầm tay, chỉ việc"
với 30 người/lớp.
- Tổ chức Hội thi truyền thông về xóa bỏ định kiến
và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ; Tổ chức
10 Hội thi tại 10 huyện, thành phố nhằm lựa chọn các tiết mục dự thi có chất lượng
nhất để tham gia dự thi cấp tỉnh. Tổ chức Hội thi truyền thông về xóa bỏ định
kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ với
số lượng: 10 đội (mỗi huyện chọn 02 đội), 05 người/đội thi.
- Tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá hoạt động truyền
thông dự án 8; Tổ chức 10 hội nghị (cấp huyện) đánh giá kết quả sau khi kết
thúc chiến dịch truyền thông, xác định chủ đề cho chiến dịch truyền thông của
năm tiếp theo tại 10 huyện, thành Hội. Tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá hoạt động
truyền thông (cấp tỉnh).
- Các hoạt động tập huấn hướng dẫn triển khai các
mô hình dự án 8.
- Tổ chức 01 lớp tập huấn hướng dẫn triển khai các
mô hình dự án 8; Tổ chức 01 lớp tập huấn chăm sóc sức khoẻ cho bà mẹ sau sinh
và trẻ em; Tổ chức 01 lớp tập huấn hỗ trợ kiến thức, kỹ năng cho các địa chỉ
tin cậy tại cộng đồng và cán bộ cơ sở.
- Các hoạt động truyền thông: Tổ chức 03 đợt Chiến
dịch truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới. Tổ chức 50 đợt
Chiến dịch truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới. Hỗ trợ
04 gói chính sách hỗ trợ cho 1.110 phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc trẻ
em tại 370 thôn ĐBKK (3PN/thôn) cho 1.110 bà mẹ.
a.2) Nội dung 2: Xây dựng và nhân rộng các mô
hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc
đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em
- Tổ chức 60 lớp tập huấn phương pháp hỗ trợ ứng dụng
công nghệ.
- Tổ chức lớp tập huấn hỗ trợ công nghệ thông tin,
bán hàng trên sàn giao dịch điện tử, kết nối đầu ra cho sản phẩm trong thành lập
mô hình phát triển kinh tế tập thể tại thành phố Kon Tum cho nữ doanh nhân, hợp
tác xã/tổ hợp tác và hộ kinh doanh.
- Hỗ trợ 5 tổ sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ
nữ làm chủ, đồng làm chủ ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 để nâng cao quyền năng
kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số.
a.3) Nội dung 3: Đảm bảo tiếng nói và sự tham
gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã
hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong
hệ thống chính trị
- Tổ chức diễn đàn chia sẻ cho thành viên Câu lạc bộ
thủ lĩnh của sự thay đổi.
- Thành lập 40 Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi
của trẻ em, nâng cao năng lực năng lực và hỗ trợ tổ chức hoạt động tại các huyện,
thành phố.
a.4) Nội dung 4: Trang bị kiến thức về bình đẳng
giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già
làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng
- Tổ chức 04 lớp tập huấn phổ biến cách sử dụng Sổ
tay do Trung ương cấp.
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn giám sát, đánh giá về
bình đẳng giới trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia theo sổ tay hướng
dẫn của Trung ương cho cán bộ cấp xã, thôn, làng.
- Tổ chức 20 cuộc (2 cuộc/huyện) đối thoại chính
sách ở cấp cơ sở.
- Tổ chức 03 lớp tập huấn tại tỉnh về phát triển
năng lực lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị cấp huyện, xã, già
làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.
- Tổ chức các lớp tập huấn về phát triển năng lực
thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng trưởng thôn, phó trưởng thôn, bí thư
chi bộ, trưởng các tổ chức chính trị - xã hội, chức sắc tôn giáo, người có uy
tín và một số nam, nữ tiên phong hạt nhân thay đổi trong cộng đồng.
- Tổ chức 01 lớp tập huấn cho đội ngũ giảng viên
nguồn cấp huyện, thành phố tham gia thực hiện Dự án và về lồng ghép giới.
b) Phân công thực hiện
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chủ trì, phối hợp với các
sở, ngành liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện Dự
án 8 trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực
hiện Dự án 8 theo định kỳ, đột xuất.
c) Vốn và cơ cấu nguồn vốn
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Dự án là 18.901 triệu
đồng (vốn sự nghiệp), gồm:
- Ngân sách trung ương: 17.183 triệu đồng.
- Ngân sách địa phương: 1.718 triệu đồng.
9. Dự án 9: Đầu tư tạo sinh kế,
phát triển kinh tế nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và dân tộc còn nhiều khó
khăn
9.1. Tiểu dự án 1: Đầu tư phát triển kinh tế-xã
hội nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn, dân tộc
có khó khăn đặc thù
a) Nội dung thực hiện
a.1) Nội dung số 1: Đầu tư xây dựng, nâng cấp,
cải tạo cơ sở hạ tầng tại các thôn tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số có
khó khăn đặc thù: Xây dựng cơ sở hạ tầng dự kiến 01 danh mục công
trình.
a.2) Nội dung số 02: Hỗ trợ phát triển sản xuất
và sinh kế
- Hỗ trợ bò cái sinh sản, chuồng trại, vật tư đầu
vào để chuyển đổi cơ cấu trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, vắc xin tiêm
phòng dịch bệnh.
- Tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức,
năng lực sản xuất, tập huấn cho các hộ gia đình về kiến thức sản xuất, giống
cây trồng vật nuôi: 01 lớp và kiến đề xuất mô hình do cộng đồng đề xuất phù hợp
với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng.
a.3) Nội dung số 03: Hỗ trợ bảo tồn, phát huy
giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, thông tin-truyền thông nâng cao đời sống
tinh thần cho đồng bào
- Tổ chức lớp học tiếng dân tộc theo hình thức truyền
khẩu, lớp học truyền dạy văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc Rơ Măm; Tổ
chức 02 lớp học truyền dạy văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc Rơ Măm (đan
lát, làm rượu cần).
- Cấp trang thiết bị cho nhà sinh hoạt cộng đồng.
- Khôi phục và bảo tồn nhạc cụ, trang phục, nghề
truyền thống tiêu biểu.
- Thành lập và duy trì hoạt động đội văn nghệ thôn
Làng Le.
- Thông tin - truyền thông nâng cao đời sống tinh
thần cho đồng bào:
+ Xây dựng phóng sự trên các phương tiện thông tin
đại chúng (phát thanh, truyền hình...); phát hành, sửa chữa các sản phẩm
truyền thông, thông tin khác (tờ rơi, áp-phích, pa-nô, khẩu hiệu ...):
Xây dựng 01 phóng sự truyền hình; Phát hành các sản phẩm truyền thông; thông
tin khác (tờ rơi, áp phích, pa no, khẩu hiệu...) để tăng cường nội dung
thông tin, tuyên truyền.
+ Tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu, các lớp giáo
dục truyền thông, tư vấn, nói chuyện chuyên đề.
+ Chi tổ chức mít tinh, tháng hành động, chiến dịch
truyền thông, chiến dịch truyền thông lồng ghép.
+ Chi tổ chức các cuộc thi phục vụ công tác thông
tin, tuyên truyền, phổ biến; tổ chức ngày hội, giao lưu.
a.4) Nội dung số 04: Hỗ trợ bảo vệ và phát
triển các dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù
- Đối với bà mẹ mang thai:
+ Tổ chức hoạt động tư vấn dinh dưỡng.
+ Hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc Rơ Măm sinh con đúng
chính sách dân số.
- Đối với trẻ em dưới 05 tuổi:
+ Hỗ trợ trẻ sơ sinh được tầm soát các loại bệnh bẩm
sinh phổ biến.
+ Hỗ trợ 01 lần chi phí đi lại cho trẻ đến cơ sở y
tế thực hiện tầm soát các loại bệnh tật bẩm sinh.
+ Hỗ trợ đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cân đối hợp lý
cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập.
- Xây dựng mô hình nâng cao chất lượng dân số tại
thôn, bản có đông đồng bào các dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù sinh sống tập
trung: Hỗ trợ xây dựng mô hình nâng cao chất lượng dân số tại làng Le.
b) Phân công thực hiện
- Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị
liên quan tổ chức thực hiện Tiểu dự án; Ủy ban nhân dân huyện Sa Thầy tổ chức
thực hiện nội dung 1 trên địa bàn bảo đảm không trùng lắp đối tượng, nội dung với
các Dự án, Tiểu dự án khác thuộc Chương trình; kiểm tra, giám sát, đánh giá và
tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Tiểu dự án theo định kỳ, đột xuất.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực
hiện nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế đối với các hộ dân tộc thiểu
số còn nhiều khó khăn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả
theo định kỳ, đột xuất.
c) Vốn và cơ cấu nguồn vốn
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Tiểu dự án là 4.605
triệu đồng, trong đó:
- Ngân sách trung ương: 4.186 triệu đồng (vốn đầu
tư phát triển: 2.506 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 1.680 triệu đồng).
- Ngân sách địa phương: 419 triệu đồng (vốn đầu
tư phát triển: 251 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 168 triệu đồng).
9.2. Tiểu dự án 2: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn
và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
a) Nội dung thực hiện
- Công tác truyền thông: Biên soạn, cung cấp tài liệu
tập huấn cho 04 lớp với khoảng 400 bộ; 1.000 cuốn cẩm nang hôn nhân, tảo hôn và
hôn nhân cận huyết thống, thông tin về chính sách pháp luật, kiến thức hôn nhân
và gia đình, sức khỏe sinh sản; khoảng 5.000 tờ rơi, tờ gấp, 30 pa nô, 500 khẩu
hiệu, tranh cổ động...; truyền truyền trên Đài phát thanh truyền hình tỉnh bằng
tiếng phổ thông và tiếng DTTS... Tổ chức 50 hội nghị tuyên truyền, Hội nghị lồng
ghép, tư vấn, giao lưu ... nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết
thống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Tổ chức khoảng 10 hội thi tìm
hiểu về pháp luật về hôn nhân về kết hôn tảo hôn và hôn nhân cận huyết ...
- Duy trì, nhân rộng và triển khai 11 mô hình(4).
- Bồi dưỡng nâng cao năng lực: Tổ chức tập huấn 04
lớp tập huấn cho các đối tượng là cán bộ không chuyên trách cấp xã và cấp thôn
về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn
nhân và gia đình; 1-2 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ
cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc; tổ chức 01 đoàn tham quan học tập
kinh nghiệm ngoài tỉnh và các đoàn học tập kinh nghiệm trong tỉnh, tổ chức đoàn
đi Hội thảo, tập huấn do Ủy ban Dân tộc hoặc các ngành liên quan Trung ương tổ
chức.
- Tổ chức các đợt kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng
kết việc thực hiện mô hình, dự án và thực hiện các chính sách.
c) Phân công thực hiện
- Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện Tiểu Dự
án 2 trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả
theo định kỳ, đột xuất.
- Sở Y tế hướng dẫn về chuyên môn nội dung giảm thiểu
tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
b) Vốn và cơ cấu nguồn vốn
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Tiểu dự án là 4.686
triệu đồng (vốn sự nghiệp), gồm:
- Ngân sách Trung ương: 4.260 triệu đồng.
- Ngân sách địa phương: 426 triệu đồng.
10. Dự án 10: Truyền thông,
tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm
tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình
10.1. Tiểu dự án 1: Biểu dương, tôn vinh điển
hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp
luật và tuyên truyền, vận động đồng bào; truyền thông phục vụ tổ chức triển
khai thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh
tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025
a) Nội dung thực hiện
* Nội dung số 01: Biểu dương, tôn vinh điển hình
tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín
- Cấp Báo Dân tộc phát triển: Dự kiến cấp 65.936 tờ
báo cho 634 người có uy tín trên địa bàn tỉnh; Cấp Báo địa phương (Báo ảnh Kon
Tum): Dự kiến cấp 11.952 tờ báo ảnh Kon Tum cho 332 người có uy tín trên địa
bàn tỉnh.
- Thăm hỏi, hỗ trợ cho 122 người có uy tín gặp khó
khăn
- Trang bị phương tiện nghe nhìn cho 510 người có
uy tín trên địa bàn tỉnh
- Tổ chức thực hiện hoạt động 05 mô hình điển hình
tiên tiến với 75 người tham gia.
- Tổ chức 03 lớp tập huấn bồi dưỡng cung cấp tài liệu
tài liệu thông tin người uy tín, với 210 người tham gia (tổ chức 03 ngày/01 lớp;
70 người/ lớp); Tổ chức 01 đợt đưa đoàn người có uy tín đi tham quan học tập
kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh ngoài
tỉnh với 30 người tham gia.
- Tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền,
giáo dục, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của lực lượng cốt cán và người
có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các xã, thị trấn.
- Tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo, gặp mặt,
tọa đàm, giao lưu, học tập kinh nghiệm trong tỉnh.
- Khảo sát, lựa chọn đối tượng phù hợp với yêu cầu,
điều kiện thực tế của địa phương và hướng dẫn của cơ quan Trung ương, Ban Dân tộc
để xây dựng, quản lý, phát huy vai trò của lực lượng cốt cán trong đồng bào dân
tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách cho người
có uy tín: Thăm hỏi người có uy tín nhân dịp tết Nguyên Đán, tết dân tộc thiểu
số; thăm hỏi, hỗ trợ người có uy tín bị ốm đau; thăm viếng, động viên khi người
có uy tín, thân nhân trong gia đình người có uy tín (bố, mẹ, vợ, chồng, con)
qua đời đảm bảo kịp thời, đúng định mức và đúng đối tượng theo quy định(5).
- Thực hiện cung cấp thông tin, tài liệu, ấn phẩm
truyền thông, phát hành tờ rơi, tờ gấp; pa nô, áp phích ... phục vụ công tác
tuyên truyền.
* Nội dung số 02: Phổ biến, giáo dục pháp luật
và tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số
- Tổ chức 05 hội nghị, lớp tập huấn tại các huyện
cho cán bộ làm công tác dân tộc, huyện, xã, cán bộ thôn, các tuyên truyền viên
cấp huyện, xã, thôn; Tổ chức 05 hội thi tìm hiểu chính sách pháp luật tại các
trường học; tuyên truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng: xây dựng
chuyên mục phát trên đài phát thanh truyền hình tỉnh, trên Báo Dân tộc Phát triển
và Báo Kon Tum.
- Xây dựng Pa nô, áp phích, băng rôn, băng đĩa, tờ
rơi...
- Tổ chức các đợt nói chuyện chuyên đề; xây dựng
duy trì hoạt động mô hình, câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật; Lồng ghép tại các
hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc
thiểu số; các đợt hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý; tư vấn pháp luật, cung cấp
miễn phí thông tin, tài liệu pháp luật và tổ chức các Hội nghị tuyên truyền, phổ
biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân tại các thôn, làng.
* Nội dung số 03. Tăng cường, nâng cao khả năng
tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng cho vùng đồng bào
dân tộc thiểu số và miền núi.
- Tuyên truyền dưới dạng tờ gấp cho các đối tượng
được Trợ giúp pháp theo quy định;
- Tuyên truyền dưới dạng bảng thông tin truyền
thông;
- Thực hiện truyền thông tại các xã nghèo.
b) Đơn vị thực hiện
Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành
liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám
sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả theo định kỳ, đột xuất.
c) Vốn và cơ cấu nguồn vốn
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Tiểu dự án là 10.315
triệu đồng (vốn sự nghiệp), trong đó:
- Ngân sách trung ương: 9.377 triệu đồng.
- Ngân sách địa phương: 937 triệu đồng.
10.2. Tiểu dự án 2: Ứng dụng công nghệ thông tin
hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân
tộc thiểu số và miền núi
a) Nội dung thực hiện
- Chuyển đổi số trong tổ chức triển khai thực hiện
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi năm 2023.
- Hàng năm tổ chức các hoạt động Hội nghị, hội thảo,
buổi làm việc trực tuyến của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo các Chương
trình mục tiêu tỉnh; Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu tỉnh với Tổ công
tác, các cơ quan liên quan; Ban Chỉ đạo cấp huyện trong công tác chỉ đạo, hướng
dẫn và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình;
- Hỗ trợ thiết lập 46 điểm tại 46 xã đặc biệt khó
khăn hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại Ủy ban
nhân dân cấp xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật
tự;
- Hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
c) Phân công thực hiện
- Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành
liên quan triển khai các nội dung theo chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc; tổng
hợp báo cáo kết quả theo định kỳ, đột xuất.
- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với
Ban Dân tộc: Tổ chức thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông
nội dung chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; hướng
dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện nội dung “Hỗ trợ
thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông
tin tại xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự”.
- Liên minh Hợp tác xã tỉnh chủ trì hướng dẫn thực
hiện nội dung “Hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng
bào dân tộc thiểu số và miền núi”.
c) Vốn và cơ cấu nguồn vốn
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Tiểu dự án là 10.376
triệu đồng, trong đó:
- Ngân sách Trung ương: 9.433 triệu đồng (vốn đầu
tư phát triển: 7.791 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 1.642 triệu đồng).
- Ngân sách địa phương: 943 triệu đồng (vốn đầu
tư phát triển: 779 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 164 triệu đồng).
10.3. Tiểu dự án 3: Kiểm tra, giám sát, đánh
giá, đào tạo, tập huấn tổ chức thực hiện Chương trình
a) Nội dung thực hiện
- Tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm giám sát đánh giá
thực hiện Chương trình nâng cao năng lực cán bộ triển khai chương trình ở các cấp;
- Tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và
đánh giá kết quả thực hiện Chương trình tại các địa phương;
- Trang bị phương tiện, máy móc, văn phòng phẩm.
b) Phân công thực hiện
Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành
liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện; kiểm tra,
giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả theo định kỳ, đột xuất.
c) Vốn và cơ cấu nguồn vốn
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Tiểu dự án là 3.147
triệu đồng (vốn sự nghiệp), trong đó:
- Ngân sách trung ương: 2.861 triệu đồng.
- Ngân sách địa phương: 286 triệu đồng.
III. DỰ KIẾN NGUỒN LỰC THỰC
HIỆN
Dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục
tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm
2023 trên địa bàn tỉnh Kon Tum là 1.039.623 triệu đồng, bao gồm:
- Ngân sách trung ương: 821.202 triệu đồng, trong
đó:
+ Vốn đầu tư phát triển: 429.596 triệu đồng.
+ Vốn sự nghiệp: 391.606 triệu đồng.
- Ngân sách địa phương: 82.121 triệu đồng, trong
đó:
+ Vốn đầu tư phát triển: 42.960 triệu đồng.
+ Vốn sự nghiệp: 39.161 triệu đồng.
- Vốn tín dụng: 136.300 triệu đồng.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương và các tổ chức, cá
nhân có liên quan triển khai thực hiện việc lồng ghép các nguồn vốn trong thực
hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Nghị quyết số
62/2022/NQ-HĐND ngày 29 tháng 8 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định cơ
chế lồng ghép các nguồn vốn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025; huy động các nguồn vốn hợp pháp
khác đầu tư thực hiện Chương trình, đảm bảo không trùng lắp, chồng chéo giữa
các chương trình mục tiêu quốc gia, phù hợp với thực tế, đúng quy định của Luật
Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước.
PHỤ LỤC II
NỘI DUNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM
NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM NĂM 2023
I. CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM
2023
1. Các chỉ tiêu chủ yếu
- Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm 4%, trong
đó giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo từ 6 đến 8%.
- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng
toàn tỉnh thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) xuống còn 18,1%; thể thấp còi (chiều
cao/tuổi) xuống còn 30,2% vào năm 2023.
- Bằng nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp về các
chương trình, chính sách, mô hình về giảm nghèo đến người thuộc hộ nghèo, hộ cận
nghèo và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.
- Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp được
đào tạo, nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ.
2. Các kết quả chủ yếu
- Các công trình cơ sở hạ tầng ở các huyện nghèo phục
vụ trực tiếp cho sản xuất và dân sinh, đáp ứng nhu cầu của người dân hưởng lợi;
- Các mô hình giảm nghèo được xây dựng và nhân rộng,
dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho người nghèo, người khuyết tật có hiệu quả
phù hợp với điều kiện sinh thái của vùng.
- Hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu
dinh dưỡng; nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.
- Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững
cho huyện nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
- Người dân và cộng đồng được nâng cao nhận thức,
trách nhiệm về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững nhằm khơi dậy
tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo, huy động nguồn lực để thực hiện
mục tiêu giảm nghèo.
- Các hoạt động giám sát, kiểm tra, đánh giá được tổ
chức định kỳ theo quy định nhằm phát hiện những khó khăn, vướng mắc để có giải
pháp giải quyết kịp thời.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát
triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo (Tiểu dự án 1: Hỗ trợ đầu tư
phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo)
a) Mục tiêu: Xây dựng cơ sở hạ tầng liên kết
vùng, thiết yếu, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa trên địa bàn các
huyện nghèo; hỗ trợ các địa bàn nghèo phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội,
nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
b) Đối tượng: Các huyện nghèo theo Quyết định
số 353/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
c) Nội dung hoạt động:
- Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội
thiết yếu trên địa bàn huyện nghèo (công trình đầu tư cấp huyện, liên xã)
liên kết vùng phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa.
- Hỗ trợ duy tu và bảo dưỡng các công trình phục vụ
dân sinh, sản xuất, thiết yếu trên địa bàn các huyện nghèo.
d) Phân công thực hiện:
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp
với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn; Ủy ban
nhân dân các huyện nghèo tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng
hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
đ) Vốn và nguồn vốn:
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Dự án là 146.938 triệu
đồng, trong đó:
+ Ngân sách Trung ương: 133.580 triệu đồng (vốn đầu
tư phát triển là 121.436 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 12.144 triệu đồng);
+ Ngân sách địa phương: 13.358 triệu đồng (vốn đầu
tư phát triển: 12.144 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 1.214 triệu đồng).
2. Dự án 2: Đa dạng hóa sinh
kế, phát triển mô hình giảm nghèo
a) Mục tiêu: Hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây
dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản
xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc
làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng
với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu
chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hóa của
dân tộc để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
b) Đối tượng thụ hưởng:
Hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và
nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh,
dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền
vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí
hậu, dịch bệnh cho người nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu
kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc để thực hiện
mục tiêu giảm nghèo bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
c) Nội dung hoạt động:
+ Xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình, dự
án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch,
khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt
cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa
bàn huyện nghèo; tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; dạy nghề,
hướng nghiệp, tạo việc làm; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản
xuất, vật tư, công cụ, máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất và điều kiện cơ sở
vật chất; xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, liên kết phát triển sản xuất,
phát triển ngành nghề với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo,
cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cộng đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức,
cá nhân liên quan và các nội dung khác theo quy định của pháp luật; mô hình giảm
nghèo gắn với quốc phòng, an ninh.
+ Tổ chức các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do
cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng; phù
hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật.
d) Phân công thực hiện:
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp
với các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực
hiện theo quy định.
đ) Vốn và nguồn vốn:
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Dự án là 42.829 triệu
đồng (vốn sự nghiệp), trong đó:
+ Ngân sách trung ương: 38.935 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương: 3.894 triệu đồng.
3. Dự án 3: Hỗ trợ phát triển
sản xuất, cải thiện dinh dưỡng
a) Tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất
trong lĩnh vực nông nghiệp
- Mục tiêu: Hỗ trợ người nghèo; người dân
sinh sống ở vùng nghèo, vùng khó khăn nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm nghiệp
nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng
thu nhập. Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sản
xuất hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, nâng cao chất lượng, đảm bảo
vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường kết nối giữa người sản xuất và các doanh
nghiệp trong chuỗi giá trị, ưu tiên phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh
tại địa phương, tạo giá trị gia tăng cho người sản xuất để nâng cao thu nhập,
giảm nghèo bền vững.
- Đối tượng thụ hưởng:
+ Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới
thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) trên phạm vi
toàn tỉnh; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.
+ Hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có
thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo.
- Nội dung hoạt động:
+ Phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp: Tập huấn
kỹ thuật, tư vấn chuyển giao kỹ thuật, cung cấp cây trồng, vật nuôi, vật tư,
công cụ, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật,
thuốc thú y và hỗ trợ khác theo quy định;
+ Phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm đảm bảo
đủ dinh dưỡng;
+ Tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí
điểm, nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với
chuỗi giá trị hiệu quả.
- Phân công thực hiện: Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành liên quan, Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá
và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
- Vốn và nguồn vốn:
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Dự án là 18.889 triệu
đồng (vốn sự nghiệp), trong đó:
+ Ngân sách trung ương: 17.172 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương: 1.717 triệu đồng.
b) Tiểu dự án 2: Cải thiện dinh dưỡng
- Mục tiêu: Cải thiện tình trạng dinh dưỡng
và giảm suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng và tầm
vóc của trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và
trẻ em sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.
- Đối tượng thụ hưởng:
+ Trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo,
hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng kể từ thời điểm thoát nghèo); trẻ
em sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.
+ Phụ nữ mang thai và cho con bú, hộ gia đình, cơ sở
y tế, trường học trên địa bàn huyện nghèo.
- Nội dung hoạt động:
+ Hoạt động can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng,
thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và cho con bú, trẻ em 0-16 tuổi:
Cung cấp các dịch vụ tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ từ lúc mang thai cho đến khi
trẻ được 2 tuổi. Cung cấp viên sắt, đa vi chất cho phụ nữ có thai; Bổ sung
Vitamin A cho trẻ em từ 6 đến 60 tháng tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng,
tiêu chảy, sởi, viêm đường hô hấp cấp và phụ nữ trong vòng 1 tháng sau sinh.
Cung cấp sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng; Phát hiện, điều trị và quản
lý suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em tại cộng đồng. Tẩy giun định kỳ cho trẻ em
dưới 6 tuổi.
Tăng cường chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ có thai,
bà mẹ cho con bú; tăng cường nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung thông qua các
hình thức truyền thông trực tiếp, thực hành dinh dưỡng tại trạm y tế xã, phường,
thị trấn, thôn, làng. Tổ chức thực hiện bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng và giáo dục
dinh dưỡng cho học sinh bán trú/nội trú; Nói chuyện chuyên đề về chăm sóc dinh
dưỡng hợp lý và tăng cường vận động thể lực, phòng chống suy dinh dưỡng và thiếu
vi chất dinh dưỡng tại trường học. Hướng dẫn, tổ chức khảo sát, theo dõi, đánh
giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới 16 tuổi hàng năm và định kỳ theo kế
hoạch. Cung cấp trang thiết bị đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ em cho cơ
sở y tế tỉnh, huyện, xã, thôn bản và trường học, cung cấp các dụng cụ thực hành
dinh dưỡng, vật tư y tế, thực phẩm bổ sung, tài liệu để triển khai các hoạt động
can thiệp tại cộng đồng. Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, nhân
viên y tế thôn bản, y tế trường học, giáo viên, cán bộ làm công tác dinh dưỡng ở
trường học và liên ngành khác về cải thiện chăm sóc dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em.
+ Hoạt động về truyền thông dinh dưỡng: Nhân bản,
phát sóng, phát hành nội dung truyền thông bằng nhiều hình thức và nhiều kênh
truyền thông, bao gồm truyền thông đại chúng, loa đài, báo giấy, tờ rơi,... Tập
huấn về kỹ năng truyền thông cho đội ngũ cán bộ y tế và liên ngành làm công tác
chăm sóc dinh dưỡng bà mẹ trẻ em cấp huyện/xã/thôn/bản theo hình thức trực tiếp
hoặc trực tuyến phù hợp với thực tế địa phương và tính chất nội dung đào tạo. Tổ
chức các buổi truyền thông tại thôn/bản/xã trong Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ,
Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển, Ngày Vi chất dinh dưỡng, ngày tiêm chủng theo
điều kiện và kế hoạch của địa phương, và dựa trên các công văn hướng dẫn của Bộ
Y tế hằng năm.
+ Hoạt động về kiểm tra, giám sát, khảo sát, đánh
giá thực hiện.
- Phân công thực hiện: Sở Y tế chủ trì phối
hợp với các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ
chức thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực
hiện theo quy định.
- Vốn và nguồn vốn:
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Dự án là .899 triệu đồng
(vốn sự nghiệp), trong đó:
+ Ngân sách trung ương: 7.181 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương: 718 triệu đồng.
4. Dự án 4: Phát triển giáo dục
nghề nghiệp, việc làm bền vững
a) Tiểu dự án 1: Phát triển giáo dục nghề nghiệp
vùng nghèo, vùng khó khăn
- Mục tiêu: Phát triển giáo dục nghề nghiệp
cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người
dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp
với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Đối tượng thụ hưởng:
+ Người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận
nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp;
+ Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh;
+ Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân
có liên quan;
+ Các sở, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ thực
hiện các hoạt động của Tiểu dự án.
- Nội dung hoạt động:
+ Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện
đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại vùng nghèo, vùng khó khăn.
+ Xây dựng các chuẩn, phát triển chương trình, học
liệu; phát triển nhà giáo và cán bộ quản lý phù hợp với đối tượng, trình độ
phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nghèo, vùng khó khăn.
+ Điều tra, khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học
nghề; truyền thông, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm vùng
nghèo, vùng khó khăn.
+ Phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với
doanh nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn.
+ Đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ
cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp.
- Phân công thực hiện: Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn; Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố, Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum tổ chức thực
hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo
quy định.
- Vốn và nguồn vốn:
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Tiểu dự án là 47.239
triệu đồng, trong đó:
+ Ngân sách trung ương: 42.944 triệu đồng (vốn đầu
tư phát triển là 16.710 triệu đồng; vốn sự nghiệp là 26.234 triệu đồng);
+ Ngân sách địa phương: 4.295 triệu đồng (vốn đầu
tư phát triển là 1.671 triệu đồng; vốn sự nghiệp là 2.624 triệu đồng).
b) Tiểu dự án 2: Hỗ trợ người lao động đi làm việc
ở nước ngoài theo hợp đồng
- Mục tiêu: Đẩy mạnh hoạt động đưa người lao
động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
hỗ trợ hoạt động đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề cho người
lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc
làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững, nhất là người lao động thuộc hộ
nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động trên địa bàn huyện
nghèo.
- Đối tượng thụ hưởng:
+ Người lao động cư trú trên địa bàn các huyện
nghèo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài (không bao gồm các địa bàn được hưởng
cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài quy định tại
Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030); ưu tiên lao động thuộc hộ nghèo,
hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
+ Cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp,
đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; các tổ chức, cá nhân
tư vấn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
+ Người lao động tham gia các khóa đào tạo nâng cao
trình độ ngoại ngữ để đi làm việc ở nước ngoài theo các Hiệp định ký giữa Chính
phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận.
- Nội dung hoạt động:
+ Người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện
nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: tiền đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng
nghề, ngoại ngữ; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí, tiền ở trong thời gian tham gia
đào tạo (bao gồm cả thời gian tham gia giáo dục định hướng), trang cấp đồ
dùng cá nhân thiết yếu; chi phí khám sức khỏe, hộ chiếu, thị thực và lý lịch tư
pháp; giới thiệu, tư vấn cho người lao động và thân nhân người lao động;
+ Một phần chi phí đào tạo nâng cao trình độ ngoại
ngữ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các hiệp định ký giữa
Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận, ưu tiên người lao động thuộc hộ
nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân tộc thiểu số, người lao động
sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.
- Phân công thực hiện: Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức
thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện
theo quy định.
- Vốn và nguồn vốn:
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Tiểu dự án là 2.530
triệu đồng (vốn sự nghiệp), trong đó:
+ Ngân sách trung ương: 2.300 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương: 230 triệu đồng.
c) Tiểu dự án 3: Hỗ trợ việc làm bền vững
- Mục tiêu: Cung cấp thông tin thị trường lao
động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động,
hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ
nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động sinh sống trên địa bàn
huyện nghèo.
- Đối tượng thụ hưởng:
+ Người lao động, ưu tiên lao động thuộc hộ nghèo,
hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo;
+ Người lao động sinh sống trên địa bàn huyện
nghèo;
+ Các trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt
động dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh và cơ quan, tổ chức có liên quan;
+ Cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
- Nội dung hoạt động:
+ Về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông
tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao
dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu;
+ Xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm
việc;
+ Hỗ trợ giao dịch việc làm;
+ Quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về
dân cư và các cơ sở dữ liệu khác;
+ Thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động;
+ Hỗ trợ kết nối việc làm thành công.
- Phân công thực hiện: Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực
hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo
quy định.
- Vốn và nguồn vốn:
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Tiểu dự án là 10.391
triệu đồng, trong đó:
+ Ngân sách trung ương: 9.447 triệu đồng (vốn đầu
tư phát triển là 3.283 triệu đồng; vốn sự nghiệp là 6.164 triệu đồng);
+ Ngân sách địa phương: 944 triệu đồng (vốn đầu
tư phát triển: 328 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 616 triệu đồng).
5. Dự án 5: Hỗ trợ nhà ở cho
hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo
a) Mục tiêu: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận
nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; đảm bảo hộ nghèo, cận nghèo có nhà ở an toàn,
ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất
lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
b) Đối tượng thụ hưởng:
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa
chiều quốc gia giai đoạn 2021 - 2025) trong danh sách hộ nghèo, hộ cận
nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, đang cư trú trên địa bàn huyện nghèo
và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Chương trình có hiệu lực thi hành
tối thiểu 03 năm;
- Đối tượng thụ hưởng dự án không bao gồm các hộ đã
được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã
hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các
chương trình, đề án, chính sách khác.
c) Nội dung hoạt động: Xây mới hoặc sửa chữa,
nâng cấp nhà ở hiện có; đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, “3
cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở
lên.
d) Phân công thực hiện: Sở Xây dựng chủ trì
phối hợp với các sở ban ngành liên quan hướng dẫn; Ủy ban nhân dân các huyện
nghèo tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết
quả thực hiện theo quy định.
đ) Vốn và nguồn vốn:
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Dự án là 19.558 triệu
đồng (vốn sự nghiệp), trong đó:
+ Ngân sách trung ương: 17.780 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương: 1.778 triệu đồng.
6. Dự án 6: Truyền thông và
giảm nghèo về thông tin
a) Tiểu dự án 1: Giảm nghèo về thông tin
- Mục tiêu:
+ Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát
nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo sử dụng dịch vụ viễn thông,
tiếp cận thông tin, giảm nghèo về thông tin;
+ Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống
thông tin cơ sở; đảm bảo 100% xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó
khăn có hệ thống đài truyền thanh hoạt động, phục vụ tốt cho công tác thông
tin, tuyên truyền và quản lý, điều hành tại địa phương;
+ Tăng cường thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm
vụ chính trị, thông tin thiết yếu cho xã hội, nhất là cung cấp thông tin về cơ
sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, thông tin cho người dân sinh sống
trên địa bàn các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bao
gồm thông tin về kiến thức, kỹ năng, mô hình, kinh nghiệm lao động, sản xuất,
kinh doanh; truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, của
người nghèo về công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững;
+ Tăng cường tiếp cận thông tin thiết yếu cho cộng
đồng dân cư; đảm bảo 100% xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có
điểm cung cấp thông tin công cộng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ thông tin
thiết yếu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực này.
- Đối tượng thụ hưởng:
+ Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người
dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo;
+ Các huyện nghèo; khu vực biên giới (huyện biên
giới, xã biên giới).
+ Các tổ chức và cá nhân có liên quan.
- Nội dung hoạt động:
+ Nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin và truyền
thông;
+ Tiếp tục vận hành cụm thông tin điện tử công cộng
phục vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại tại cửa khẩu biên giới và cung cấp nội
dung thông tin phục vụ tuyên truyền ở các xã biên giới;
+ Cung cấp dịch vụ thông tin công cộng tại các điểm
cung cấp dịch bưu chính công cộng phục vụ tiếp cận thông tin của nhân dân ở các
xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
+ Tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động thông tin
cơ sở (bao gồm cơ sở vật chất cho hoạt động của Đài truyền thanh xã có điều
kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn), đồn biên phòng để cung cấp nội
dung thông tin thiết yếu cho xã hội. Trên cơ sở ứng dụng công nghệ số, đẩy mạnh
trang bị cơ sở vật chất, nền tảng cung cấp nội dung thông tin thiết yếu cho xã
hội;
+ Hỗ trợ tăng cường nội dung thông tin thiết yếu
cho xã hội, ưu tiên đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Phân công thực hiện: Sở Thông tin và Truyền
thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực hiện;
kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
- Vốn và nguồn vốn:
Dự kiến tổng nhu cầu vốn thực hiện Tiểu dự án là
4.939 triệu đồng (vốn sự nghiệp), trong đó:
+ Ngân sách trung ương: 4.490 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương: 449 triệu đồng.
b) Tiểu dự án 2: Truyền thông về giảm nghèo đa
chiều
- Mục tiêu: Tăng cường truyền thông, nâng
cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao
trùm, bền vững nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của
người dân và cộng đồng; nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp
lý, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tuyên truyền
các gương điển hình, sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng
và lan tỏa trong xã hội.
- Đối tượng thụ hưởng: Người nghèo, người
dân tại các địa bàn thực hiện Chương trình; các tổ chức và cá nhân có liên
quan.
- Nội dung hoạt động:
+ Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình,
chuyên mục, phóng sự, tài liệu truyền thông về giảm nghèo bền vững;
+ Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và
trách nhiệm các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác giảm nghèo;
+ Hỗ trợ các cơ quan báo chí, xuất bản thông tin,
tuyên truyền về công tác giảm nghèo, kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể,
mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững;
+ Tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước
chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, biểu dương, khen
thưởng các địa phương, cộng đồng, hộ nghèo và tổ chức, cá nhân có thành tích xuất
sắc trong lĩnh vực giảm nghèo;
+ Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình
thông tin và truyền thông định hướng cho người dân tham gia, thụ hưởng Chương
trình; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, đi
làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ
sinh, thông tin, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội và bình đẳng giới;
+ Tổ chức các hoạt động đối thoại chính sách, nói
chuyện chuyên đề về giảm nghèo ở các cấp, các ngành, nhất là cơ sở;
+ Đổi mới, thúc đẩy hiệu quả, chất lượng thực hiện
phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy
ý chí tự lực tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống
ấm no” của người dân và cộng đồng, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói
nghèo;
+ Tăng cường viết bài về giảm nghèo trên trang
thông tin điện tử.
- Phân công thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị, địa
phương có liên quan tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp
báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
- Vốn và nguồn vốn:
Dự kiến nhu cầu nguồn vốn thực hiện Tiểu dự án là
2.409 triệu đồng (vốn sự nghiệp), trong đó:
+ Ngân sách trung ương: 2.190 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương: 219 triệu đồng.
7. Dự án 7: Nâng cao năng lực
và giám sát, đánh giá Chương trình
a) Tiểu dự án 1: Nâng cao năng lực thực hiện
Chương trình
- Mục tiêu: Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ
làm công tác giảm nghèo ở các cấp nhằm hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo,
phòng ngừa, hạn chế người dân rơi vào tình trạng nghèo đói; bảo đảm thực hiện
Chương trình đúng mục tiêu, đúng đối tượng, hiệu quả, bền vững.
- Đối tượng:
+ Cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, nhất là cấp
cơ sở (cán bộ thôn, tổ dân phố, đại diện cộng đồng, lãnh đạo tổ nhóm, cán bộ
chi hội đoàn thể, cộng tác viên giảm nghèo, người có uy tín), chú trọng
nâng cao năng lực cho cán bộ nữ;
+ Các tổ chức và cá nhân có liên quan.
- Nội dung hoạt động:
+ Xây dựng tài liệu và đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng
kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo; chú
trọng các nội dung thực hiện Chương trình, giải quyết các chiều thiếu hụt dịch
vụ xã hội cơ bản cho người nghèo về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, đi làm việc
ở nước ngoài theo hợp đồng, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông
tin. Nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác trợ
giúp pháp lý, công tác xã hội, bình đẳng giới nhằm hỗ trợ hiệu quả cho người
nghèo, đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn;
+ Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và
ngoài nước; tổ chức hội thảo, hội nghị và các hoạt động khác về công tác giảm
nghèo.
- Phân công thực hiện: Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức
thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện
theo quy định.
- Vốn và nguồn vốn:
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Tiểu dự án là 5.412
triệu đồng (vốn sự nghiệp), trong đó:
+ Ngân sách trung ương: 4.920 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương: 492 triệu đồng.
b) Tiểu dự án 2: Giám sát, đánh giá
- Mục tiêu:
+ Triển khai quy trình, hệ thống giám sát, đánh giá
đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình;
+ Tổ chức giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện
Chương trình, đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu, đúng đối tượng và quy định của
pháp luật.
- Đối tượng:
+ Cơ quan chủ trì Chương trình các cấp, các cơ quan
chủ trì các dự án thành phần/nội dung trong các dự án thành phần các cấp và các
cán bộ được phân công phụ trách và tổ chức thực hiện công tác giám sát, đánh
giá;
+ Các tổ chức và cá nhân có liên quan.
- Nội dung hoạt động:
+ Triển khai, thực hiện khung kết quả của Chương
trình, gồm: Hệ thống các mục tiêu, chỉ tiêu đánh giá kết quả thực hiện các
chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo tiếp cận đa chiều; triển khai quy
trình, chi tiết hệ thống giám sát và đánh giá, hệ thống các biểu mẫu báo cáo,
cơ chế thu thập thông tin; nội dung, cơ chế báo cáo; cách thức sử dụng thông
tin của hệ thống giám sát và đánh giá cho quản lý và tổ chức thực hiện.
+ Kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện
các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo định kỳ, hằng năm hoặc đột xuất;
+ Rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm; tổ chức
điều tra, đánh giá đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ ở các cấp;
+ Triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm quản
lý dữ liệu giảm nghèo ở các cấp theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội.
- Phân công thực hiện: Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức
thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện
theo quy định.
- Vốn và nguồn vốn:
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Tiểu dự án là 2.894
triệu đồng (vốn sự nghiệp), trong đó:
+ Ngân sách trung ương: 2.631 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương: 263 triệu đồng.
III. DỰ KIẾN NGUỒN LỰC THỰC
HIỆN
Tổng nguồn vốn dự kiến thực hiện Chương trình mục
tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh Kon Tum là 311.927
triệu đồng, bao gồm:
- Ngân sách trung ương: 283.570 triệu đồng, trong
đó:
+ Vốn đầu tư phát triển: 141.429 triệu đồng.
+ Vốn sự nghiệp: 142.141 triệu đồng.
- Ngân sách địa phương: 28.357 triệu đồng, trong
đó:
+ Vốn đầu tư phát triển: 14.143 triệu đồng.
+ Vốn sự nghiệp: 14.214 triệu đồng.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương và các tổ chức, cá
nhân có liên quan triển khai thực hiện việc lồng ghép các nguồn vốn trong thực
hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Nghị quyết số
62/2022/NQ-HĐND ngày 29 tháng 8 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định cơ
chế lồng ghép các nguồn vốn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025; huy động các nguồn vốn hợp pháp
khác đầu tư thực hiện Chương trình, đảm bảo không trùng lắp, chồng chéo giữa
các chương trình mục tiêu quốc gia, phù hợp với thực tế, đúng quy định của Luật
Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước.
PHỤ LỤC III
NỘI DUNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG
NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM NĂM 2023
I. CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM
2023
- Đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới: Phấn đấu có
thêm 07 xã (Dự kiến: Xã Ngọc Réo, xã Đăk Pxy thuộc huyện Đăk Hà; xã Đăk Ang
thuộc huyện Ngọc Hồi; xã Đăk Choong thuộc huyện Đăk Glei; xã Ia Đal thuộc huyện
Ia H’Drai; xã Hơ Moong thuộc huyện Sa Thầy; xã Văn Lem thuộc huyện Đăk Tô)
đạt chuẩn xã nông thôn mới theo quy định. Không còn xã đạt chuẩn dưới 10 tiêu
chí; các xã đạt thêm từ 1-2 tiêu chí trở lên.
- Đối với xã nông thôn mới nâng cao: Phấn đấu có
thêm 03 xã (Dự kiến: Xã Hòa Bình - thành phố Kon Tum, xã Đăk Kan - huyện Ngọc
Hồi, xã Đăk Pét - huyện Đăk Glei) đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và tiếp
tục chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng
các tiêu chí nông thôn mới và phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng
cao theo bộ tiêu chí đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới.
- Đối với xã nông thôn mới kiểu mẫu: Tiếp tục phấn
đấu có thêm 01 xã (Dự kiến: xã Đăk Mar - huyện Đăk Hà) đạt chuẩn xã nông
thôn mới kiểu mẫu. Các địa phương tiếp tục lựa chọn xã đã được công nhận nông
thôn mới nâng cao tiêu biểu trên địa bàn để chỉ đạo xây dựng xã nông thôn mới
kiểu mẫu.
- Đối với huyện nông thôn mới, thành phố hoàn thành
nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới: Phấn đấu thành phố Kon Tum hoàn thành nhiệm vụ
xây dựng nông thôn mới.
- Đối với thôn đạt chuẩn Thôn nông thôn mới kiểu mẫu:
Các địa phương chủ động tiếp tục lựa chọn và chỉ đạo thực hiện xây dựng khu dân
cư nông thôn mới kiểu mẫu (tại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới cần xây dựng
có ít nhất 01 Thôn nông thôn kiểu mẫu theo bộ tiêu chí).
- Đối với thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào
dân tộc thiểu số: Năm 2023 đảm bảo có 95/95 thôn (làng) thực hiện điểm tại các
cấp về xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Các địa phương phải tiếp tục tổ chức thực hiện và
hoàn thành mục tiêu đối với các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới thuộc Kế hoạch
năm 2021 và năm 2022 (xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông
thôn mới kiểu mẫu).
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Nâng cao hiệu quả quản lý
và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh
tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá
a) Nội dung thực hiện:
- Nội dung 01: Rà soát, điều chỉnh, lập mới (trong
trường hợp quy hoạch đã hết thời hạn) và triển khai, thực hiện quy hoạch
chung xây dựng xã gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa theo quy định
pháp luật về quy hoạch, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của
địa phương, trong đó có quy hoạch khu vực hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn.
Từng bước lập quy hoạch chi tiết xây dựng (sau quy hoạch chung xây dựng xã)
nhằm quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan
ở khu vực nông thôn. Tập trung quy hoạch lại các khu cụm dân cư/thôn, làng tại
các xã biên giới;
- Nội dung 02: Rà soát, điều chỉnh lập quy hoạch
xây dựng vùng huyện gắn với quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa nhằm đáp ứng
yêu cầu xây dựng NTM, trong đó, có quy hoạch khu vực hỗ trợ phát triển kinh tế
nông thôn.
b) Cơ quan chủ trì, hướng dẫn thực hiện:
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng
dẫn thực hiện.
2. Phát triển hạ tầng kinh tế
- xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối
các vùng
a) Nội dung thực hiện:
- Nội dung 01: Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hệ
thống hạ tầng giao thông trên địa bàn xã, hạ tầng giao thông kết nối liên xã,
liên huyện.
- Nội dung 02: Hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ
thống thủy lợi và phòng chống thiên tai cấp xã, huyện, đảm bảo bền vững và
thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Nội dung 03: Cải tạo và nâng cấp hệ thống lưới điện
nông thôn theo hướng an toàn, tin cậy, ổn định và đảm bảo mỹ quan.
- Nội dung 04: Tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh các
công trình cấp xã, cấp huyện đảm bảo đạt chuẩn cơ sở vật chất cho các trường mầm
non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông hoặc
trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục
thường xuyên đảm bảo đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Nội dung 05: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở
vật chất văn hóa thể thao cấp xã, thôn, các trung tâm văn hóa - thể thao huyện;
tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn.
- Nội dung 06: Đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng
thương mại nông thôn, chợ an toàn thực phẩm cấp xã; các chợ trung tâm, chợ đầu
mối, trung tâm thu mua - cung ứng nông sản an toàn cấp huyện; trung tâm kỹ thuật
nông nghiệp; hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại.
- Nội dung 07: Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đồng
bộ các vùng nguyên liệu tập trung gắn với liên kết chuỗi giá trị, cơ sở hạ tầng
các cụm làng nghề, ngành nghề nông thôn.
- Nội dung 08: Tiếp tục xây dựng, cải tạo và nâng cấp
cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện.
- Nội dung 09: Phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở
hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn (theo Chương trình
chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt
tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ);
tăng cường xây dựng cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở,
ưu tiên phát triển, nâng cấp các đài truyền thanh xã có cụm loa hoạt động đến
thôn và tăng cường phương tiện sản xuất các sản phẩm thông tin, tuyên truyền
cho cơ sở truyền thanh, truyền hình cấp huyện; phát triển và duy trì các điểm
cung cấp dịch vụ bưu chính.
- Nội dung 10: Xây dựng, hoàn thiện các công trình
cấp nước sinh hoạt tập trung, đảm bảo chất lượng đạt chuẩn theo quy định.
- Nội dung 11: Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng bảo
vệ môi trường nông thôn; thu hút các doanh nghiệp đầu tư các khu xử lý chất thải
tập trung quy mô liên huyện; đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trung chuyển chất
thải rắn sinh hoạt; xây dựng các mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô tập
trung (cấp huyện), ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi
trường; đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống thu gom, thoát nước thải và
các công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và tại chỗ phù hợp; trong đó
có phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, cấp
thôn.
b) Cơ quan chủ trì, hướng dẫn thực hiện:
- Sở Giao thông vận tải chủ trì, hướng dẫn thực hiện
nội dung 01.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì,
hướng dẫn thực hiện các nội dung: 02; 07; 10; chủ trì, phối hợp với Sở Công
Thương hướng dẫn thực hiện nội dung đầu tư xây dựng các trung tâm thu mua -
cung ứng nông sản an toàn cấp huyện, trung tâm kỹ thuật nông nghiệp, hệ thống
trung tâm cung ứng nông sản hiện đại thuộc nội dung số 06;
- Sở Công Thương hướng dẫn thực hiện các nội dung
03, 06 (trừ nội dung đầu tư xây dựng các trung tâm thu mua - cung ứng nông sản
an toàn cấp huyện, trung tâm kỹ thuật nông nghiệp, hệ thống trung tâm cung ứng
nông sản hiện đại).
- Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện nội
dung 04.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện
nội dung 05.
- Sở Y tế hướng dẫn thực hiện nội dung 08.
- Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện
nội dung 09.
- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, hướng dẫn thực
hiện nội dung 11.
3. Tiếp tục thực hiện có hiệu
quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh
mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia
tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát
triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả
hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn;
nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao
thu nhập người dân theo hướng bền vững
a) Nội dung thực hiện:
- Nội dung 01: Tập trung triển khai cơ cấu lại
ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, tiểu thủ công nghiệp và dịch
vụ theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, phát huy lợi thế về địa
hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và hạ tầng kinh tế xã hội.
- Nội dung 02: Xây dựng và phát triển hiệu quả các
vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và
bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với
tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ cao trong sản
xuất nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển
đổi số trong nông nghiệp.
- Nội dung 03: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các
chính sách đầu tư bảo vệ, phát triển rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường
rừng và Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025; chú
trọng đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết trồng rừng gỗ lớn tập trung, gắn
với cấp chứng chỉ rừng bền vững; phát triển lâm sản ngoài gỗ theo thế mạnh của
từng vùng.
- Nội dung 04: Triển khai Chương trình mỗi xã một sản
phẩm (OCOP) gắn với lợi thế vùng miền; phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành
nghề và dịch vụ nông thôn, bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống ở
nông thôn.
- Nội dung 05: Nâng cao hiệu quả hoạt động của các
hình thức tổ chức sản xuất trong đó, ưu tiên hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao liên kết theo chuỗi giá trị; thu hút khuyến khích doanh nghiệp
đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy thực hiện bảo hiểm trong nông nghiệp.
- Nội dung 06: Nâng cao hiệu quả hoạt động của các
hệ thống kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản; đa dạng hoá hệ thống kênh phân phối,
tiêu thụ đảm bảo bền vững trước các biến động của thiên tai, dịch bệnh, trong
đó ưu tiên phát triển thương mại điện tử; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
thương mại nông thôn gắn với việc đáp ứng các tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại
nông thôn và đáp ứng nhu cầu thị trường.
- Nội dung 07: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả
Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.
- Nội dung 08: Thực hiện hiệu quả Chương trình phát
triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 gắn với bảo tồn
và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và
đa giá trị.
- Nội dung 09: Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo
nghề cho lao động nông thôn, gắn với nhu cầu của thị trường; hỗ trợ thúc đẩy và
phát triển các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn.
b) Cơ quan chủ trì, hướng dẫn thực hiện:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì
và hướng dẫn thực hiện các nội dung 01, 02, 03, 04, 07; chủ trì, phối hợp với Sở
Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và sở, ngành có liên quan hướng dẫn
thực hiện nội dung 05; chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương thực hiện nội dung
số 06 (trừ nội dung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thương mại nông thôn
gắn với việc đáp ứng các tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn và đáp ứng
nhu cầu thị trường); chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
thực hiện nội dung 08; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn
thực hiện nội dung về đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc nội dung 09; chủ
trì tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, hỗ trợ xây dựng
các chương trình, mô hình khởi nghiệp, sáng tạo thuộc nội dung 09.
- Sở Công Thương chủ trì, hướng dẫn thực hiện nội
dung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thương mại nông thôn gắn với việc đáp ứng
các tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn và đáp ứng nhu cầu thị trường
thuộc nội dung 06.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và hướng dẫn thực
hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thuộc
nội dung 05.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp
với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nội dung 08.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, hướng
dẫn thực hiện nội dung 09; tổ chức đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động
nông thôn.
- Các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân tỉnh,
Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh,...) chủ trì và hướng dẫn triển khai
Chương trình sáng tạo, khởi nghiệp gắn với Chương trình OCOP và phát triển hợp
tác xã, phát triển du lịch nông thôn.
4. Giảm nghèo bền vững, đặc
biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số
a) Nội dung thực hiện:
- Nội dung 01: Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục
tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu
quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
- Nội dung 02: Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ
trợ nhà ở, xóa nhà tạm, dột nát; nâng cao chất lượng nhà ở dân cư.
b) Cơ quan chủ trì, hướng dẫn thực hiện:
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì và hướng
dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021
- 2025 và các chính sách an sinh xã hội thuộc nội dung số 01 (theo quy định
về lồng ghép thực hiện các Chương trình MTQG trong xây dựng nông thôn mới);
- Ban Dân tộc tỉnh chủ trì và hướng dẫn thực hiện
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm
2025, thuộc nội dung số 01 (theo quy định về lồng ghép thực hiện các Chương
trình MTQG trong xây dựng nông thôn mới);
- Sở Xây dựng chủ trì, hướng dẫn thực hiện nội dung
số 02.
5. Nâng cao chất lượng giáo dục,
y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn
a) Nội dung thực hiện:
- Nội dung 1: Tiếp tục nâng cao chất lượng, phát triển
giáo dục ở nông thôn, trong đó, chú trọng duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập
giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục
trung học cơ sở. Duy trì, củng cố chất lượng biết chữ mức độ 1; từng bước nâng
cao tỷ lệ biết chữ mức độ 2 cho người lớn trong độ tuổi 15-60 tuổi.
- Nội dung 02: Tăng cường chất lượng dịch vụ của mạng
lưới y tế cơ sở đảm bảo chăm sóc sức khoẻ toàn dân; đẩy mạnh hệ thống theo dõi
và khám chữa bệnh trực tuyến; đảm bảo hiệu quả phòng chống bệnh lây nhiễm, truyền
nhiễm; cải thiện sức khoẻ, dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em; nâng cao tỷ lệ người
dân tham gia bảo hiểm y tế.
b) Cơ quan chủ trì, hướng dẫn thực hiện:
- Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, hướng dẫn thực hiện
nội dung 01.
- Sở Y tế chủ trì, hướng dẫn thực hiện nội dung 02
(trừ nội dung nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế).
- Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ trì, hướng dẫn thực hiện
“nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế - thuộc nội dung 02”.
6. Nâng cao chất lượng đời sống
văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền
thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn
a) Nội dung thực hiện:
- Nội dung 01: Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống
thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động văn
hóa, thể thao nông thôn, gắn với các tổ chức cộng đồng, đáp ứng nhu cầu vui
chơi, giải trí, nâng cao sức khoẻ cho người dân (nhất là trẻ em, phụ nữ và người
cao tuổi). Phát động các phong trào thể dục thể thao, rèn luyện sức khoẻ, văn
hóa, văn nghệ quần chúng phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương; nhân rộng
mô hình câu lạc bộ hoạt động văn hóa văn nghệ nhằm bảo tồn và phát huy các giá
trị văn hóa truyền thống.
- Nội dung 02: Tăng cường kiểm kê, ghi danh các di
sản văn hóa; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; nghiên cứu, mở rộng mô hình kết
nối văn hóa truyền thống và văn hóa mới, đảm bảo đa dạng về văn hóa vùng miền,
dân tộc phục vụ phát triển du lịch.
b) Cơ quan chủ trì, hướng dẫn thực hiện:
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, hướng dẫn thực hiện nội dung 01, nội
dung 02.
7. Nâng cao chất lượng môi
trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn
và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Kon Tum
a) Nội dung thực hiện:
- Nội dung 01: Xây dựng và tổ chức hướng dẫn thực
hiện các Đề án/Kế hoạch tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn
sinh hoạt trên địa bàn huyện đảm bảo theo quy định; phát triển, nhân rộng các
mô hình phân loại chất thải tại nguồn phát sinh;
- Nội dung 02: Thu gom, tái chế, tái sử dụng các loại
chất thải (phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, bao gói thuốc bảo vệ thực
vật sau sử dụng, chất thải nhựa...) theo nguyên lý tuần hoàn; tăng cường công tác
quản lý chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ở Việt
Nam; xây dựng cộng đồng dân cư không rác thải nhựa;
- Nội dung 03: Đẩy mạnh xử lý, khắc phục ô nhiễm và
cải thiện chất lượng môi trường tại những khu vực tập trung nhiều nguồn thải,
những nơi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và các khu vực mặt nước bị ô nhiễm;
sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn tài nguyên;
- Nội dung 04: Cải tạo nghĩa trang phù hợp với cảnh
quan môi trường; xây dựng mới và mở rộng các cơ sở mai táng, hỏa táng phải phù
hợp với các quy định và theo quy hoạch;
- Nội dung 05: Giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền
thống của nông thôn Kon Tum; tăng tỷ lệ trồng hoa, cây xanh phân tán gắn với
triển khai Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt
tại Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ;
tập trung phát triển các mô hình thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; khu
dân cư kiểu mẫu;
- Nội dung 06: Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm
tại các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đảm bảo vệ sinh môi
trường tại các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; cải thiện vệ sinh hộ gia
đình;
- Nội dung 07: Triển khai hiệu quả Chương trình
“Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn
trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025”.
b) Cơ quan chủ trì, hướng dẫn thực hiện:
- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, hướng dẫn thực
hiện nội dung 01, 02, 03, 05 và 07.
- Sở Xây dựng chủ trì, hướng dẫn thực hiện nội dung
số 04;
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với
Sở Tài nguyên và môi trường trong việc hướng dẫn thực hiện cấp nước sạch nông
thôn trong xây dựng NTM thuộc nội dung 07; chủ trì, hướng dẫn thực hiện nội
dung đảm bảo vệ sinh môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản
thuộc nội dung số 06;
- Sở Y tế chủ trì, hướng dẫn thực hiện nội dung
tăng cường quản lý an toàn thực phẩm tại các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh
doanh thực phẩm, cải thiện vệ sinh hộ gia đình thuộc nội dung thành phần số 06;
phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường trong việc hướng dẫn thực hiện an toàn
thực phẩm thuộc nội dung 07.
8. Đẩy mạnh và nâng cao chất
lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền
cơ sở; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong NTM, tăng cường ứng dụng công nghệ
thông tin, công nghệ số, xây dựng NTM thông minh; bảo đảm và tăng cường khả
năng tiếp cận pháp luật cho người dân; tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng
giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới
a) Nội dung thực hiện:
- Nội dung 01: Triển khai đề án về đào tạo, bồi dưỡng
kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu,
chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn cho cán bộ, công chức xã theo
quy định, đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM.
- Nội dung 02: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông
tin trong thực hiện các dịch vụ hành chính công nhằm nâng cao chất lượng giải
quyết thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, công khai và hiệu quả ở các cấp
(xã, huyện, tỉnh); gắn mã, cập nhật, thông báo và gắn biển địa chỉ số cho từng
hộ gia đình và các cơ quan, tổ chức trên địa bàn nông thôn gắn với bản đồ số Việt
Nam; bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin cho cán bộ
cấp xã; phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin
cho người dân nông thôn;
- Nội dung 03: Triển khai hiệu quả Chương trình
chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021 -
2025; xây dựng mô hình thôn nông thôn mới thông minh.
- Nội dung 04: Tăng cường hiệu quả công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, giải quyết hòa giải, mâu thuẫn ở khu vực
nông thôn.
- Nội dung 05: Nâng cao nhận thức, thông tin về trợ
giúp pháp lý; tăng cường khả năng thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý.
- Nội dung 06: Tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo
bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; tăng cường chăm sóc, bảo
vệ trẻ em và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia
đình và đời sống xã hội.
b) Cơ quan chủ trì, hướng dẫn thực hiện:
- Sở Nội vụ chủ trì, hướng dẫn thực hiện các nội
dung 01;
- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với
Sở Nội vụ, Sở Tư pháp hướng dẫn nội dung 02; phối hợp với Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện nội dung 03.
- Sở Tư pháp chủ trì, hướng dẫn thực hiện các nội
dung 04 và 05.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối
hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hướng dẫn thực hiện nội dung 06.
9. Nâng cao chất lượng, phát
huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội
trong xây dựng NTM
a) Nội dung thực hiện:
- Nội dung 01: Tiếp tục tổ chức triển khai Cuộc vận
động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” và “Làm thay đổi nếp
nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số
vươn lên thoát nghèo bền vững”...; nâng cao hiệu quả thực hiện công tác giám
sát và phản biện xã hội trong xây dựng NTM; tăng cường vận động, phát huy vai
trò làm chủ của người dân trong xây dựng NTM; nâng cao hiệu quả việc lấy ý kiến
sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM;
- Nội dung 02: Triển khai hiệu quả phong trào “Nông
dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo
bền vững”; xây dựng các Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông dân nghề nghiệp
theo nguyên tắc “5 tự” và “5 cùng”;
- Nội dung 03: Triển khai hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ
nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”;
- Nội dung 04: Thúc đẩy chương trình khởi nghiệp, lập
nghiệp, thanh niên làm kinh tế; triển khai hiệu quả Chương trình trí thức trẻ
tình nguyện tham gia xây dựng NTM;
- Nội dung số 05: Vun đắp, gìn giữ giá trị tốt đẹp
và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam; thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng
gia đình 5 không, 3 sạch”.
b) Cơ quan chủ trì, hướng dẫn thực hiện:
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì, hướng
dẫn thực hiện nội dung 01;
- Hội Nông dân tỉnh chủ trì, hướng dẫn thực hiện nội
dung 02;
- Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì, hướng dẫn thực
hiện nội dung số 03, 05;
- Tỉnh đoàn chủ trì, hướng dẫn thực hiện nội dung
04.
10. Giữ vững quốc phòng, an
ninh và trật tự xã hội nông thôn
a) Nội dung thực hiện:
- Nội dung 01: Tăng cường công tác bảo đảm an ninh,
trật tự ở địa bàn nông thôn, phát hiện, giải quyết kịp thời các nguy cơ tiềm ẩn
về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, những vấn đề phức tạp nảy sinh
ngay từ đầu, từ nơi xuất phát và ngay tại cơ sở; đồng thời phải sẵn sàng các
phương án để đối phó kịp thời và hiệu quả khi xảy ra tình huống phức tạp theo
phương châm “bốn tại chỗ”, hạn chế để hình thành các điểm nóng phức tạp về an
ninh, trật tự...; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an
ninh Tổ quốc; củng cố, xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ chức quần chúng tham
gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng tự phòng, tự quản, tự vệ, tự hòa
giải...; triển khai hiệu quả Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện
tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;
- Nội dung 02: Xây dựng lực lượng dân quân vững mạnh,
rộng khắp, hoàn thành các chỉ tiêu quân sự, quốc phòng được giao; góp phần xây
dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh
nhân dân, thế trận an ninh nhân dân; tích cực xây dựng địa bàn nông thôn vững mạnh
toàn diện, bảo đảm giữ vững tiêu chí quân sự, quốc phòng trong xây dựng NTM.
b) Cơ quan chủ trì, hướng dẫn thực hiện:
- Công an tỉnh chủ trì, hướng dẫn thực hiện nội
dung 01;
- Bộ chỉ huy quân sự tỉnh chủ trì, hướng dẫn thực
hiện nội dung 02.
11. Tăng cường công tác giám
sát, đánh giá thực hiện Chương trình; nâng cao năng lực xây dựng NTM; truyền
thông về xây dựng NTM; thực hiện Phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng
NTM
a) Nội dung thực hiện:
- Nội dung 01: Nâng cao chất lượng và hiệu quả công
tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình; xây dựng hệ thống
giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình, đặc
biệt xây dựng hệ thống giám sát thông qua bản đồ số và cơ sở dữ liệu; nhân rộng
mô hình giám sát an ninh hiện đại và giám sát của cộng đồng;
- Nội dung 02: Tiếp tục tăng cường nâng cao năng lực,
chuyển đổi nhận thức, tư duy cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp,
đặc biệt cán bộ cơ sở;
- Nội dung 03: Đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận
thức và chuyển đổi tư duy của người dân và cộng đồng về phát triển kinh tế nông
nghiệp và xây dựng NTM;
- Nội dung 04: Đẩy mạnh, đa dạng hình thức thông
tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy của cán bộ, người
dân về xây dựng NTM; thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông về xây dựng
NTM;
- Nội dung 05: Tiếp tục triển khai rộng khắp phong
trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
b) Cơ quan chủ trì, hướng dẫn thực hiện:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì,
hướng dẫn thực hiện nội dung 01, 02; chủ trì, phối hợp với Hội Nông dân tỉnh hướng
dẫn thực hiện nội dung 03; chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông,
các sở, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện nội dung 04;
- Sở Nội vụ chủ trì, hướng dẫn thực hiện nội dung
05.
III. DỰ KIẾN NGUỒN LỰC THỰC
HIỆN
Dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục
tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 trên địa bàn tỉnh Kon Tum là
1.223.660 triệu đồng, bao gồm:
- Ngân sách trung ương: 138.330 triệu đồng, trong
đó:
+ Vốn đầu tư phát triển: 104.130 triệu đồng.
+ Vốn sự nghiệp: 34.200 triệu đồng.
- Ngân sách địa phương: 138.330 triệu đồng, trong
đó:
+ Vốn đầu tư phát triển: 104.130 triệu đồng.
+ Vốn sự nghiệp: 34.200 triệu đồng.
- Vốn tín dụng: 225.000 triệu đồng.
- Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án tại địa
phương: 470.000 triệu đồng.
- Vốn huy động khác (doanh nghiệp, đóng góp tự
nguyện của người dân và cộng đồng): 252.000 triệu đồng.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương và các tổ chức, cá
nhân có liên quan triển khai thực hiện việc lồng ghép các nguồn vốn trong thực
hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Nghị quyết số
62/2022/NQ-HĐND ngày 29 tháng 8 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định cơ
chế lồng ghép các nguồn vốn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025; huy động các nguồn vốn hợp pháp
khác đầu tư thực hiện Chương trình, đảm bảo không trùng lắp, chồng chéo giữa
các chương trình mục tiêu quốc gia, phù hợp với thực tế, đúng quy định của Luật
Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước.
(1) Quyết định số
86/QĐ-UBND ngày 22 tháng 02 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
(2) Quyết định số
671/QĐ-BCĐ ngày 10 tháng 3 năm 2022 của Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh.
(3) Quyết định số
1666/QĐ-BCĐ ngày 01 tháng 6 năm 2022 của Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh.
(4) - Tổ công tác
về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân
tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm
2025. Tổ trưởng Tổ công tác là Trưởng Ban Dân tộc tỉnh.
- Tổ công tác về Chương trình mục tiêu quốc gia về
giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tổ trưởng Tổ công tác là Giám đốc Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Tổ công tác về Chương trình mục tiêu quốc gia xây
dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tổ trưởng Tổ công tác là Giám đốc Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
(5) Quyết định số
469/QĐ-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc
phê duyệt Chương trình Truyền thông phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây
dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tỉnh Kon Tum; Kế hoạch số 2973/KH-UBND
ngày 08 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về triển khai các hoạt
động truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn
2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Kế hoạch số 2980/KH-UBND ngày 09 tháng 9
năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về thực hiện công tác truyền thông về
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
(6) Kế hoạch số
2017/KH-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
(7) Kế hoạch số
2344/KH-UBND ngày 21 tháng 7 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
(8) Kế hoạch số
2442/KH-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2022 về việc triển khai công tác kiểm tra,
giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Kế hoạch số 2895/KH-UBND ngày 31
tháng 8 năm 2022 về việc triển khai công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực
hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào
dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến
năm 2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Kế hoạch số 3568/KH-UBND ngày 24 tháng 10
năm 2022 về Kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc
gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
(9) - Báo cáo số
339/BC-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2022 về Kết quả thực hiện Chương trình mục
tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền
núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2022.
- Báo cáo số 350/BC-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2022
về Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn
2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum, năm 2022.
- Báo cáo số 357/BC-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2022
về Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm
năm 2022 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
(10) Quyết định số
652/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch
vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa
phương thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.
(11) Nghị quyết số
24/NQ-HĐND ngày 23 tháng 6 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum về về mục
tiêu, nhiệm vụ và phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương; mức
vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách địa phương đối ứng thực hiện các Chương trình
mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
(12) Quyết định số
381/QĐ-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao mục
tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương; mức
vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách địa phương đối ứng thực hiện các Chương
trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 -2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
(13) Các Nghị quyết
của Hội đồng nhân dân tỉnh: Số 21/2022/NQ-HĐND ngày 23 tháng 6 năm 2022 về việc
Ban hành Quy định nguyên tắc tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Nhà nước
và tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc
gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai
đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Kon
Tum; Số 22/2022/NQ-HĐND ngày 23 tháng 6 năm 2022 về việc Ban hành Quy định
nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng
ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Số 23/2022/NQ-HĐND ngày 23 tháng
6 năm 2022 về việc ban hành Quy định nguyên tắc tiêu chí, định mức phân bổ vốn
ngân sách Nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện Chương
trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025 trên địa
bàn tỉnh Kon Tum.
(14) Quyết định số
381/QĐ-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao mục
tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương; mức
vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách địa phương đối ứng thực hiện các Chương
trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
(15) Cụ thể:
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi 172.807 triệu đồng (ngân sách cấp tỉnh 23.021 triệu đồng;
ngân sách cấp huyện, xã 149.783 triệu đồng); Chương trình mục tiêu quốc gia
giảm nghèo bền vững 63.773 triệu đồng (ngân sách cấp tỉnh 8.239 triệu đồng;
ngân sách cấp huyện, xã 55.534 triệu đồng); chương trình mục tiêu quốc gia
xây dựng nông thôn mới 386.870 triệu đồng (ngân sách cấp tỉnh 193.435 triệu
đồng; ngân sách cấp huyện, xã 193.435 triệu đồng).
(16) Quyết định số
994/QĐ-UBND ngày 29 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao chi
tiết Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách địa
phương tỉnh Kon Tum.
(17) Nghị quyết số
57/2021/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định
phân cấp ngân sách Nhà nước tỉnh Kon Tum giai đoạn 2022-2025.
(1): Huyện Tu
Mơ Rông: Dự án sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư tập trung và tại chỗ xã Đăk
Hà huyện Tu Mơ Rông; Dự án sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư tại chỗ xã Đăk Rơ
Ông và Đăk Tờ Kan huyện Tu Mơ Rông; Huyện Sa Thầy: Dự án sắp xếp, bố trí
ổn định dân cư tập trung và tại chỗ thôn Đăk Wớt, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy: Huyện
Ia H'Drai: Dự án sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư tập trung điểm dân cư số
66 tại thôn Ia Dơr, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai; Huyện Đăk Hà: Dự án sắp
xếp, bố trí ổn định dân cư tập trung tại thôn Kon Pao Kơ La, xã Đăk Pxi, huyện
Đăk Hà: Huyện Đăk Tô: Dự án sắp xếp, ổn định dân cư tại chỗ xã Pô Kô; Huyện
Đăk Glei: Dự án sắp xếp, ổn định dân cư tại chỗ xã Mường Hoong, huyện Đăk
Glei: Dự án sắp xếp, ổn định dân cư tập trung và tại chỗ xã Xốp, huyện Đăk
Glei; Dự án sắp xếp, ổn định dân cư tại chỗ xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei: Hỗ
trợ làm nhà dự án định canh định cư tập trung thôn Ngọc Nang, xã Mường Hoong,
huyện Đăk Glei là dự án khởi công mới năm 2023. Huyện Kon Plông: Dự án sắp
xếp, bố trí ổn định dân cư tập trung và tại chỗ xã Đăk Nên, huyện Kon Plông; Huyện
Ngọc Hồi: Dự án sắp xếp, ổn định dân cư tại chỗ xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi.
(2) Công văn số
3713/UBND-KGVX ngày 15 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc
đề xuất danh mục đầu tư đường giao thông từ huyện đến trung tâm xã, đường liên
xã chưa được kiên cố trên địa bàn tỉnh Kon Tum
(3) Mỗi tổ truyền
truyền thông đảm bảo mỗi tháng có ít nhất 1 hoạt động truyền thông.
(4) Huyện Kon
Plông: 02 mô hình; huyện Kon Rẫy: 01 mô hình; Thành phố Kon Tum 01 mô hình; Sa
Thầy 01 mô hình; Đăk Tô 01 mô hình; Tu Mơ Rông 02 mô hình; Đăk GLei 02 mô hình;
Ngọc Hồi 01 mô hình.
(5) Tại Khoản 2,
Điều 5 định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6 tháng 3 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.