Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 222/QĐ-UBND 2019 phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh

Số hiệu: 222/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh Người ký: Nguyễn Tiến Nhường
Ngày ban hành: 09/05/2019 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 222/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 09 tháng 5 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TỔNG THỂ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH BẮC NINH, GIAI ĐOẠN 2019-2025

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008; số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu; số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 về quản lý, phát triển Cụm công nghiệp;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế - Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải y tế;

Căn cứ Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;

Căn cứ Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015-2020;

Căn cứ các Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX: số 423-KL/TU ngày 03/12/2018 về tình hình kinh tế- xã hội, An ninh- Quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, Chính quyền, MTTQ và các đoàn thể năm 2018, nhiệm vụ giải pháp năm 2019; số 482-KL/TU ngày 03/4/2019 về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị 3 tháng đầu năm, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 167/NQ-HĐND ngày 17/4/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2019-2025;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2019-2025 (chi tiết có Đề án kèm theo).

Điều 2. Các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung đã được giao trong Đề án. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực, đôn đốc và định kỳ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- TTTU, TTHĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- TT Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy;
- UBMTTQ tỉnh và Các tổ chức đoàn thể;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Trung tâm công báo tỉnh;
- Lưu: VT, NN.TN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tiến Nhường

 

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU

I. SỰ CẦN THIẾT

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

2.1. Các Văn bản Trung ương:

2.2. Các Văn bản địa phương:

2.3. Các Văn bản chỉ đạo điều hành:

III. PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN

PHẦN THỨ NHẤT: THỰC TRẠNG MÔI TRƯỜNG CỦA TỈNH

I. THỰC TRẠNG MÔI TRƯỜNG

1.1. Chất thải rắn sinh hoạt

1.2. Môi trường làng nghề

1.3. Môi trường khu vực nông thôn

1.4. Môi trường Khu công nghiệp (KCN)

1.5. Môi trường Cụm công nghiệp (CCN)

1.6. Môi trường khu đô thị

1.7. Môi trường các trường học

1.8. Môi trường y tế

II. ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

2.1 Kết quả đạt được

2.2. Những hạn chế, tồn tại

2.3. Nguyên nhân những hạn chế, tồn tại

PHẦN THỨ HAI: PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

I. PHƯƠNG HƯỚNG

II. MỤC TIÊU

2.1. Mục tiêu tổng quát:

2.2. Mục tiêu cụ thể:

III. NHIỆM VỤGIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

3.1. Nhiệm vụ, giải pháp chung

3.2. Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

PHỤ LỤC 1: KINH PHÍ ĐÃ ĐẦU TƯ CHO CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT

PHỤ LỤC 2: KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CHO 01 HỢP TÁC XÃ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG

PHỤ LỤC 3: KINH PHÍ CHO CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT

PHỤ LỤC 4: KINH PHÍ QUẢN LÝ BAO GÓI THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT SAU SỬ DỤNG

PHỤ LỤC 5: DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

 

MỞ ĐẦU

I. SỰ CẦN THIẾT

Trong những năm qua, với sự cố gắng của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh đã đạt được những thành tích nhất định góp phần kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm, chất lượng môi trường đang được cải thiện, từng bước giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, đóng góp tích cực, quan trọng cho công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh: Nhận thức trách nhiệm về công tác BVMT của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân có chuyển biến rõ rệt, ngày càng được nâng lên; trên địa bàn tỉnh hiện có 09/10 KCN đã hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung; 02 đô thị, 03 khu dân cư nông thôn đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt; đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải làng nghề giấy Phong Khê giai đoạn I công suất 5.000 m3/ngày đêm; xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề bún Khắc Niệm công suất 400 m3/ngày đêm; 13/13 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp tỉnh, cấp huyện đã đầu tư lò đốt chất thải y tế; đã lắp đặt và vận hành 10 lò đốt với công suất từ 07- 30 tấn rác/ngày/lò và có 03 khu xử lý chất thải rắn tập trung góp phần giải quyết những bức xúc về rác thải tại các địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại các vấn đề môi trường bức xúc, chưa được khắc phục, chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, một số khu vực ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện, diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là tại các làng nghề, cụm công nghiệp chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường; Tiến độ triển khai xây dựng các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại một số địa phương (huyện Yên Phong, Tiên Du, Lương Tài và Thị xã Từ Sơn) vẫn còn chậm. Ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các địa phương chưa có khu xử lý tập trung vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều điểm tập kết đã tràn đầy, rác thải đổ bừa bãi dọc các kênh mương gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến văn hóa, mỹ quan; diện tích mặt nước ao, hồ bị thu hẹp, tình trạng xả chất thải chăn nuôi không qua xử lý, lạm dụng các loại phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp khá phổ biến; Nước thải sinh hoạt của các thị trấn, khu dân cư chưa được thu gom, xử lý; một số trường học chưa có nhà vệ sinh đáp ứng được yêu cầu; các cơ sở y tế cấp xã chưa có biện pháp xử lý chất thải phát sinh.

Với chủ đề năm 2019 là: “Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch”, để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từng bước khắc phục tồn tại trong quản lý, ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm, giải quyết triệt để các vấn đề môi trường cấp bách, đưa Bắc Ninh phát triển hài hòa theo hướng bền vững, cần phải có những giải pháp và nhiệm vụ cụ thể với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư. Do đó, việc xây dựng và triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2019- 2025 là hết sức cần thiết.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

2.1. Các Văn bản Trung ương:

- Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng;

- Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”;

- Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21/01/2009 của Ban bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ chính trị (khóa IX) “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”;

- Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo về môi trường;

- Luật Bảo vệ môi tr­ường năm 2014;

- Luật Chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14 ngày 19/6/2017;

- Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ;

- Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

- Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;

- Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;

- Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN;

- Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chuyển giao công nghệ;

- Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng;

- Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ Y tế - Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải y tế;

- Thông tư số 35/2015/TT-BCT ngày 27/10/2015 của Bộ Công thương quy định về bảo vệ môi trường ngành công thương;

- Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường CCN, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;

- Thông tư số 08/2017/TT-BXD ngày 16/5/2017 của Bộ Xây dựng quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng;

- Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách Nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích;

- Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;

- Quyết định số 38/2011/QĐ-TTg ngày 05/ 7/2011 của Thủ tướng chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách Nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích;

- Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020;

2.2. Các Văn bản địa phương:

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015-2020;

- Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 08/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường;

- Chương trình số 48-CT/TU, ngày 11/9/2013 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Quản lý tài nguyên môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”;

- Kết luận số 154-KL-TU, ngày 05/01/2015 của Thường trực Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ chính trị “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”;

- Kết luận số 423-KL/TU ngày 03/12/2018 của Tỉnh ủy về tình hình kinh tế- xã hội, An ninh- Quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, Chính quyền, MTTQ và các đoàn thể năm 2018, nhiệm vụ giải pháp năm 2019;

- Kết luận số 482-KL/TU ngày 03/4/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị 3 tháng đầu năm, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2019.

- Nghị quyết số 31/2016/NQ-HDDND18 ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh Bắc Ninh về việc hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh;

- Nghị quyết số 35/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh Bắc Ninh về quan điểm và nguyên tắc xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn và ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020;

- Nghị quyết số 140/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của HĐND tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019;

- Quyết định số 105/QĐ-UBND ngày 31/3/2014 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh;

- Quyết định số 403/QĐ-UBND ngày 08/10/2015 của UBND tỉnh về kế hoạch hành động thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030;

- Quyết định số 42/2015/QĐ-UBND ngày 28/12/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành đơn giá vận chuyển và quy trình thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh;

- Quyết định số 02/2016/QĐ-UBND ngày 29/01/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định quản lý thoát nước trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh;

- Quyết định số 47/2016/QĐ-UBND ngày 21/12/2016 của UBND tỉnh về quan điểm và nguyên tắc đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn và ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020;

- Quyết định số 1819/QĐ-UBND ngày 29/12/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án điều tra hiện trạng và đề xuất giải pháp tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh;

- Quyết định số 1821/QĐ-UBND ngày 29/12/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng môi trường nông thôn tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2016-2020.

- Quyết định số 347/QĐ-UBND ngày 18/7/2017 của UBND tỉnh về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2030;

- Quyết định số 40/2017/QĐ-UBND ngày 27/12/2017 của UBND tỉnh về việc quy định mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đến điểm tập kết trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh;

- Kế hoạch số 107/KH-UBND ngày 17/4/2017 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT và Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 08/11/2016 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BVMT;

- Kế hoạch số 328/KH-UBND ngày 18/10/2017 của UBND tỉnh về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh;

- Kế hoạch số 320/KH-UBND ngày 11/10/2017 của UBND tỉnh về việc triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh;

- Kế hoạch số 325/KH-UBND ngày 19/9/2018 của UBND tỉnh về việc triển khai phân loại, xử lý chất thải hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019-2022;

2.3. Các Văn bản chỉ đạo điều hành:

- Thông báo kết luận số 332-TB/TU ngày 17/8/2016 của Thường trực Tỉnh ủy về việc vận hành Nhà máy xử lý nước thải tại Phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh;

- Thông báo kết luận số 350-TB/TU ngày 08/9/2016 của Thường trực Tỉnh ủy về việc kiểm tra môi trường làng nghề xã Văn Môn và một số công trình trên địa bàn huyện Yên Phong;

- Thông báo kết luận số 331-TB/TU ngày 16/8/2016 của Bí thư Tỉnh ủy về việc xử lý ô nhiễm môi trường tại phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh;

- Thông báo Kết luận số 82/TB-UBND ngày 01/10/2014, số 94/TB-UBND ngày 04/11/2014, số 84/TB-UBND ngày 09/11/2015, số 31/TB-UBND ngày 04/4/2016, số 39/TB-UBND ngày 29/4/2016 của Chủ tịch và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh về xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề Phong Khê, CCN Phú Lâm;

- Thông báo Kết luận số 34/TB-UBND ngày 15/4/2016 Kết luận của Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại cuộc họp bàn giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại CCN Phong Khê, CCN Phú Lâm và ô nhiễm môi trường nước tại sông Cầu qua đoạn thành phố Bắc Ninh;

- Thông báo Kết luận số 59/TB-UBND ngày 13/6/2016 Kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại buổi làm việc thu gom, xử lý rác thải tại huyện Tiên Du và tiến độ xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tại CCN Phú Lâm;

- Thông báo Kết luận số 99/TB-UBND ngày 23/11/2016 của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại buổi làm việc về triển khai thí điểm dự án “Xử lý cấp bách ô nhiễm môi trường rác thải, khí thải làng nghề giấy Phong Khê bằng công nghệ đốt rác có tận dụng nhiệt để sinh hơi”;

- Văn bản số 726/UBND-NN.TN ngày 20/3/2017 của UBND tỉnh về việc xử lý bùn thải của hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phong Khê;

- Thông báo Kết luận số 95/TB-UBND ngày 26/9/2017 của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại buổi làm việc về tiến độ thực hiện dự án CCN làng nghề Mẫn Xá;

- Kết luận số 113/TB-KL ngày 28/11/2017 của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh về việc vận hành Nhà máy xử lý nước thải Phong Khê, thành phố Bắc Ninh;

- Thông báo kết luận số 07/TB-UBND ngày 19/01/2018 của Phó Chủ tịch Thường trực về việc xử lý ô nhiễm môi trường tại phường Khắc Niệm;

- Thông báo kết luận số 25/TB-UBND ngày 02/02/2018 của Phó Chủ tịch Thường trực tại buổi làm việc về xử lý ô nhiễm môi trường làng bún Khắc Niệm và việc vận hành Nhà máy xử lý nước thải Phong Khê, thành phố Bắc Ninh;

- Thông báo kết luận số 60/TB-UBND ngày 07/6/2018 của Phó Chủ tịch Thường trực tại buổi làm việc về xử lý ô nhiễm môi trường làng bún Khắc Niệm và việc vận hành Nhà máy xử lý nước thải Phong Khê, thành phố Bắc Ninh;

III. PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN

Tập trung giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách của tỉnh cần ưu tiên thực hiện, trong giai đoạn từ 2019 đến 2025 gồm:

3.1. Ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt.

3.2. Bảo vệ môi trường tại các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp.

3.3. Bảo vệ môi trường tại các làng nghề.

3.4. Bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường nông thôn.

3.5. Bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, trường học, cơ sở y tế.

PHẦN THỨ NHẤT:

THỰC TRẠNG MÔI TRƯỜNG CỦA TỈNH

I. THỰC TRẠNG MÔI TRƯỜNG

1.1. Chất thải rắn sinh hoạt

1.1.1. Tình hình phát sinh: Hiện nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 870 tấn/ngày đêm và mỗi năm tăng thêm khoảng 10%, trong đó: Thành phố Bắc Ninh 150 tấn/ngày đêm, huyện Quế Võ 100 tấn/ngày đêm, huyện Thuận Thành 100 tấn/ngày đêm, huyện Gia Bình 60 tấn/ngày đêm, Thị xã Từ Sơn 150 tấn/ngày đêm , huyện Tiên Du 100 tấn/ngày đêm, huyện Yên Phong 150 tấn/ngày đêm, huyện Lương Tài 60 tấn/ngày đêm.

1.1.2. Công tác phân loại tại nguồn: Thực hiện Quyết định số 595/2013/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc phê duyệt Đề án Phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2013 – 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch số 04/KH-TNMT ngày 15/4/2014 về việc triển khai thí điểm 02 mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn đô thị (Phường Ninh xá, thành phố Bắc Ninh) và địa bàn nông thôn (xã Cao Đức, huyện Gia Bình). Quá trình triển khai thực hiện bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên còn nhiều tồn tại, bất cập như: còn một bộ phận hộ gia đình chưa thực hiện tốt việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; còn giữ thói quen vứt chất thải tùy tiện hoặc sử dụng các thùng phân loại chất thải sinh hoạt được phát vào các mục đích khác; chất thải sau khi phân loại không được thu gom, vận chuyển riêng mà được thu gom, vận chuyển chung một phương tiện,…dẫn đến hiệu quả của việc phân loại chưa cao.

Ngày 19/9/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 325/KH-UBND về việc triển khai phân loại, xử lý chất thải hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019-2022 nhằm thực hiện có hiệu quả việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm khối lượng chất thải sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình phải vận chuyển, xử lý; đồng thời tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng. Hiện tại, hoạt động phân loại đang được triển khai thí điểm tại xã Lâm Thao, huyện Lương Tài và xã Liên Bão, huyện Tiên Du.

1.1.3. Công tác thu gom, vận chuyển: Trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 550 điểm tập kết chất thải sinh hoạt tại các thôn; 100% các địa phương đã thành lập được các tổ, đội thu gom chất thải từ hộ gia đình đến điểm tập kết (tổng số tổ thu gom là 826 tổ, trong đó khu vực nông thôn là 635 tổ, mỗi tổ từ 3-5 người). Toàn tỉnh hiện có 89.487 hộ đô thị và 250.832 hộ nông thôn, do đó mỗi tổ viên tổ vệ sinh sẽ phụ trách trung bình khoảng 164 hộ, có 08 đơn vị thực hiện việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ điểm tập kết về các khu xử lý chất thải tập trung cấp huyện với tổng số 31 xe chuyên dụng, các xe đều đã được gắn các thiết bị GPS để theo dõi, kiểm soát lộ trình thu gom. Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt toàn tỉnh đạt trên 90%.

1.1.4. Công tác xử lý: Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác xử lý chất thải, Tỉnh đã thu hút các nhà đầu tư triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động 03 khu xử lý tập trung và 10 lò đốt chất thải sinh hoạt tại các địa phương, đồng thời cấp chủ trương đầu tư cho 02 dự án xử lý chất thải sinh hoạt tập trung công nghệ cao phát năng lượng, hiện tại tỷ lệ xử lý chất thải sinh hoạt toàn tỉnh ước đạt khoảng 64%, cụ thể:

a. Khu xử lý chất thải tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ: Hiện tại có nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt thuộc Công ty TNHH Môi trường đô thị Hùng Phát với công suất thiết kế là 300 tấn/ngày đêm đang xử lý cho thành phố Bắc Ninh và huyện Quế Võ (công suất hoạt động là 250 tấn/ngày đêm).

Ngoài ra, UBND tỉnh đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư đối với 02 dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng:

+ Quyết định chủ trương đầu tư số 547/QĐ-UBND ngày 12/10/2017 đối với dự án “Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng” thuộc Công ty Cổ phần môi trường Năng lượng Thăng Long, công suất xử lý 500 tấn/ngày đêm. Dự án đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý (báo cáo ĐTM, thẩm định công nghệ, quyết định giao đất...), đang xin cấp phép xây dựng; dự kiến tháng 4/2020 sẽ đi vào hoạt động.

+ Quyết định chủ trương đầu tư số 154/QĐ-UBND ngày 22/3/2018 đối với dự án “Đầu tư xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt phát điện” thuộc Công ty TNHH Môi trường Ngôi Sao Xanh, công suất xử lý 800 tấn/ngày đêm (công nghiệp 400 tấn/ngày đêm, sinh hoạt 400 tấn/ngày đêm). Tuy nhiên, ngày 04/3/2019 Công ty có Văn bản đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh công suất xử lý chất thải sinh hoạt tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ giảm xuống còn 100 tấn/ngày đêm. Dự án đang trong quá trình hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý (thẩm định công nghệ, xin cấp phép xây dựng,...); dự kiến tháng 6/2019 sẽ khởi công và tháng 9/2020 sẽ đi vào hoạt động.

b. Khu xử lý chất thải tại xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành: Hiện có nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt thuộc Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành với công suất thiết kế là 200 tấn/ngày đêm đang xử lý cho toàn bộ địa bàn huyện Thuận Thành (công suất hoạt động là 100 tấn/ngày đêm).

Ngoài ra, Tỉnh đang có chủ trương đầu tư nhà máy xử lý chất thải hoạt công nghệ cao phát năng lượng công suất 300 tấn/ngày đêm tại xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, dự kiến tháng 9 năm 2019 khởi công và tháng 11 năm 2020 sẽ đi vào hoạt động.

c. Khu xử lý chất thải tại xã Cao Đức, huyện Gia Bình: Hiện có Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt thuộc Công ty Cổ phần Môi trường và Đầu tư Xây dựng Bắc Hải với công suất thiết kế 70 tấn/ngày đêm đang xử lý cho toàn bộ địa bàn huyện Gia Bình (công suất hoạt động là 60 tấn/ngày đêm).

d. Đối với thị xã Từ Sơn: Hiện tại có 06 lò đốt đang hoạt động, trong đó: tại xã Phù Khê có 02 lò đốt với tổng công suất thiết kế là 66 tấn/ngày đêm (đang hoạt động 01 lò công suất thiết kế là 48 tấn/ngày đêm, công suất hoạt động là 20 tấn/ngày đêm); tại phường Châu Khê có 01 lò đốt công suất thiết kế là 48 tấn/ngày đêm (công suất hoạt động là 20 tấn/ngày đêm); tại phường Đình Bảng có 03 lò đốt với tổng công suất thiết kế là 64 tấn/ngày đêm (công suất hoạt động là 12 tấn/ngày đêm). Chất thải sinh hoạt của các xã/phường khác đang lưu giữ và xử lý tạm thời tại các điểm tập kết.

Thực hiện Văn bản số 801/UBND-NN.TN ngày 26/3/2018 của UBND tỉnh về việc xử lý chất thải sinh hoạt, thị xã Từ Sơn đang cho triển khai bổ sung thêm 04 lò đốt. Tiến độ như sau:

+ Tại phường Đồng Nguyên: Đã được UBND thị xã giao Nhà đầu tư xây dựng lò đốt là Công ty TNHH xử lý môi trường Từ Sơn tại văn bản số 538/UBND-XDCB ngày 12/9/2018; Hiện nay, Nhà đầu tư đã hoàn thiện quá trình xây lắp hệ thống lò đốt với công suất 48 tấn/ngày đêm.

+ Tại xã Hương Mạc: Đã được UBND thị xã giao Nhà đầu tư xây dựng lò đốt là Công ty TNHH môi trường đô thị Hương Mạc tại văn bản số 687/UBND-XDCB ngày 06/11/2018; Hiện nay, Nhà đầu tư đã thi công hoàn thành hạng mục san nền, đang tập trung thiết bị và vật liệu cần thiết để lắp đặt hệ thống lò đốt chất thải với công suất 60 tấn/ngày đêm; dự kiến trong tháng 6/2019 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

+ Tại xã Tam Sơn: Đã có Nhà đầu tư là Công ty Môi trường đô thị Từ Sơn (TNHH) đề xuất việc đầu tư xây dựng lò đốt với công suất dự kiến 60 tấn/ngày; Tuy nhiên vẫn chưa được triển khai thực hiện do người dân địa phương không đồng tình ủng hộ xây dựng tại vị trí trên. Nguyên nhân là do tâm lý người dân thôn Thọ Trai nói riêng và xã Tam Sơn nói chung không đồng ý xây dựng lò đốt tại địa phương; đồng thời lo ngại việc xây dựng cơ sở tại vị trí trên sẽ xử lý chất thải của các địa phương khác.

+ Tại xã Tương Giang: Không triển khai do nằm trong quy hoạch khu đô thị FLC Bắc Ninh. Hiện nay UBND thị xã đang lựa chọn địa điểm khác để triển khai.

e. Đối với huyện Tiên Du: Hiện tại có 01 lò đốt VINABIMA thuộc Công ty TNHH Tân Trường Lộc tại thị trấn Lim, huyện Tiên Du với công suất thiết kế là 36 tấn/ngày đêm đang xử lý cho thị trấn Lim (công suất hoạt động là 24 tấn/ngày đêm); chất thải sinh hoạt của các xã còn lại hiện đang được lưu giữ và xử lý tại các điểm tập kết; Thực hiện Văn bản số 801/UBND-NN.TN ngày 26/3/2018 của UBND tỉnh về việc xử lý chất thải sinh hoạt tại thị xã Từ Sơn và huyện Tiên Du, huyện Tiên Du đang cho triển khai bổ sung thêm 04 lò đốt tại xã Hiên Vân, xã Liên Bão, xã Tri Phương và xã Minh Đạo. Tiến độ hiện nay:

+ Tại xã Hiên Vân: Hiện đang trình hồ sơ đề nghị UBND tỉnh thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường.

+ Tại xã Liên Bão: Đã thẩm định phương án bồi thường và ra Quyết định thu hồi, phê duyệt phương án bồi thường.

+ Tại xã Tri Phương: UBND huyện đã ra Quyết định thu hồi đến từng hộ; đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, đã chi trả xong tiền đền bù giải phóng mặt bằng.

+ Tại xã Minh Đạo: Đã đo đạc bản đồ, đang lập hồ sơ thu hồi đất và bồi thường hỗ trợ, hiện nay đang dừng do người dân phản đối.

f. Đối với huyện Yên Phong: Hiện tại có 03 lò đốt với tổng công suất thiết kế là 52 tấn/ngày đêm tại Thị trấn Chờ (công suất hoạt động là 35 tấn/ngày đêm); các xã còn lại hiện được lưu giữ và xử lý tạm thời tại các điểm tập kết. Khu xử lý chất thải tập trung của huyện đã thực hiện xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và lựa chọn được nhà đầu tư. Tuy nhiên chưa triển khai thi công được do người dân chưa đồng thuận, dự án đường vào khu xử lý chưa thực hiện giải phóng mặt bằng xong.

g. Đối với huyện Lương Tài: Hiện chất thải đang được lưu giữ, xử lý tạm thời tại các điểm tập kết. Khu xử lý chất thải tập trung của huyện đã thực hiện xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và đang lựa chọn nhà đầu tư để triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng.

Như vậy, từ năm 2021 trở đi, khi các Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt tập trung công nghệ cao phát năng lượng đi vào hoạt động sẽ đảm bảo xử lý cơ bản chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để xử lý cấp bách rác thải sinh hoạt của các địa phương chưa có khu xử lý tập trung trong thời gian từ nay đến tháng 12 năm 2020, cần thiết phải tập trung thực hiện các giải pháp về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, sử dụng hiệu quả các điểm tập kết, các lò đốt hiện đang hoạt động và đầu tư các lò đốt rác tại các địa phương.

1.1.5. Chất thải rắn sinh hoạt tồn đọng: Tại các điểm tập kết của các huyện chưa có khu xử lý chất thải tập trung hầu hết đều bị quá tải, chất thải tràn ra ngoài mặc dù chính quyền địa phương đã có những nỗ lực bằng các biện pháp như phun chế phẩm sinh học và đánh đống để giảm bớt mùi và tăng diện tích sử dụng. Tổng lượng chất thải sinh hoạt tồn đọng tính đến thời điểm hiện tại ước tính khoảng 150.000 tấn (huyện Yên Phong khoảng 60.000 tấn, huyện Lương Tài khoảng 20.000 tấn, huyện Tiên Du khoảng 40.000 tấn, thị xã Từ Sơn khoảng 30.000 tấn).

Một số nơi do đường vào các bãi tập kết khó khăn, mặt khác do ý thức của một bộ phận người dân chưa tốt nên họ đổ bừa bãi ra ven đường, khu đất trống tạo thành các bãi chất thải tự phát gây mất mỹ quan và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, nhất là ở các vùng có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh như thị xã Từ Sơn, huyện Yên Phong và huyện Tiên Du.

1.1.6. Kinh phí quản lý chất thải sinh hoạt (Chi tiết tại Phụ lục 1)

a. Công tác thu giá dịch vụ thu gom: Căn cứ Quyết định số 40/2017/QĐ-UBND ngày 27/12/2017 của UBND tỉnh về việc quy định mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt đến điểm tập kết trên địa bàn tỉnh, các địa phương đang triển khai việc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển trên địa bàn để chi trả cho các tổ đội vệ sinh. Tuy nhiên quá trình triển khai tại từng địa phương không đồng nhất, có những địa phương triển khai thu theo hộ, có địa phương triển khai thu theo khẩu, ngoài ra theo báo cáo một số địa phương mức thu không đủ theo Quyết định số 40/2017/QĐ-UBND nên không đáp ứng được nhu cầu cho người lao động trong các Tổ, Đội thu gom (mức thu nhập tại huyện Lương Tài trung bình khoảng 810.000 đồng/người/tháng, huyện Gia Bình khoảng 1.470.000 đồng/người/tháng, huyện Tiên Du khoảng 2.000.000 đồng/người/tháng).

Kết quả công tác thu, chi giá dịch vụ thu gom chất thải sinh hoạt tại các địa phương trong năm 2018: Tổng thu là 62 tỷ đồng, tổng chi là 67,43 tỷ đồng, cụ thể:

- Thành phố Bắc Ninh: Thu khoảng 10,73 tỷ đồng, chi khoảng 16,47 tỷ đồng.

- Huyện Quế Võ: Thu khoảng 7,01 tỷ đồng, chi khoảng 7,07 tỷ đồng.

- Huyện Gia Bình: Thu khoảng 3,47 tỷ, chi khoảng 3,52 tỷ đồng.

- Thị xã Từ Sơn: Thu khoảng 12,54 tỷ, chi khoảng 12,39 tỷ đồng.

- Huyện Tiên Du: Thu khoảng 5,55 tỷ, chi khoảng 5,35 tỷ đồng.

- Huyện Yên Phong: Thu khoảng 12,35 tỷ đồng, chi khoảng 12,35 tỷ đồng.

- Huyện Thuận Thành: Thu khoảng 6,88 tỷ đồng, chi khoảng 6,81 tỷ đồng

- Huyện Lương Tài: Thu khoảng 3,47 tỷ đồng, chi khoảng 3,47 tỷ đồng.

b. Kinh phí cho hoạt động vận chuyển, xử lý: Hiện nay, Nhà nước đang hỗ trợ 100% kinh phí cho hoạt động vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ điểm tập kết đến các khu xử lý chất thải tập trung. Từ 2015 đến hết năm 2018, tổng kinh phí hỗ trợ cho hoạt động vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh khoảng 471,738 tỷ đồng, trong đó:

- Năm 2015 là 116,365 tỷ đồng.

- Năm 2016 là 127,29 tỷ đồng.

- Năm 2017 là 92,219 tỷ đồng.

- Năm 2018 là 135,864 tỷ đồng.

c. Kinh phí cho đầu tư khu xử lý và lò đốt chất thải sinh hoạt: Tính đến thời điểm hiện tại, các khu xử lý tập trung và lò đốt công suất nhỏ trên địa bàn tỉnh được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, tổng kinh phí đầu tư là 589,5 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư đường vào là 209,5 tỷ đồng. Doanh nghiệp xây dựng nhà máy và tổ chức quản lý, vận hành là 380 tỷ đồng.

1.2. Môi trường làng nghề

Tỉnh Bắc Ninh hiện có 62 làng nghề, trong những năm qua việc phát triển làng nghề đã làm cho đời sống của nhân dân ngày được cải thiện và nâng cao, hoạt động sản xuất của các làng nghề đã góp phần rất lớn trong việc giải quyết công ăn việc làm, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các làng nghề ở Bắc Ninh chưa được quy hoạch, vẫn còn mang tính tự phát, công nghệ lạc hậu, nguyên liệu chủ yếu là phế liệu, sản xuất thủ công là chính, nên sản phẩm đơn giản, năng suất, chất lượng chưa cao. Bên cạnh đó, hầu hết các làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đều chưa đáp ứng được các điều kiện về Bảo vệ môi trường theo quy định, các cơ sở sản xuất trực tiếp trong các làng nghề cơ bản đều không đầu tư xây dựng các công trình xử lý đối với các loại chất thải phát sinh, có những khu vực đã được đầu tư công trình xử lý nhưng lại không vận hành thường xuyên, vì vậy môi trường tại một số làng nghề đã ô nhiễm nghiêm trọng, kết quả phân tích chất lượng nước, không khí tại một số làng nghề vượt Quy chuẩn Việt Nam cho phép nhiều lần.

1.2.1. Chất lượng môi trường không khí: Môi trường không khí tại một số khu vực làng nghề bị ô nhiễm nặng do nồng độ bụi, khí thải, mùi, tiếng ồn và nhiệt độ cao từ các xưởng sản xuất và các hoạt động vận tải. Các số liệu quan trắc môi trường trong các làng nghề sản xuất sắt thép và giấy cho thấy: Nồng độ bụi, khí độc (khí thải, hơi hoá chất …) cao hơn mức cho phép đối với khu dân cư nhiều lần. Như tại làng nghề Phong Khê kết quả phân tích các mẫu không khí cho thấy, hàm lượng bụi vượt quy chuẩn cho phép từ 2,05 - 2,14 lần, hàm lượng SO2 vượt quy chuẩn cho phép từ 1,38 - 1,39 lần; tại Châu Khê, hàm lượng bụi vượt Quy chuẩn cho phép từ 1,8 - 1,9 lần, hàm lượng SO2 vượt Quy chuẩn cho phép từ 1,4- 2 lần.

1.2.2. Chất lượng môi trường nước: Qua kết quả phân tích chất lượng nước tại một số làng nghề giấy Phong Khê, Bún bánh Khắc Niệm, Giấy Phú Lâm... cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, các mẫu nước mặt, nước thải, nước ngầm đều có dấu hiệu bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau, có những mẫu vượt QCVN cho phép hàng chục lần. Nước thải của các cơ sở sản xuất ở các làng nghề cơ bản đều không được xử lý, thải thẳng vào hệ thống thuỷ nông.

1.2.3. Hiện trạng về chất thải rắn: Chất thải của các làng nghề, trong đó có chất thải nguy hại được thu gom cùng với chất thải sinh hoạt, đặc biệt có làng nghề chất thải phát sinh được đổ tại khu vực trũng như ao, hồ, ven sông… sau đó được đốt cháy tự nhiên đã làm ô nhiễm môi trường nước mặt, nước ngầm, đất và không khí của khu vực, điển hình như làng nghề tái chế nhôm Văn Môn, làng nghề giấy Phong Khê.

Hiện tại làng nghề sản xuất giấy Phong Khê đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (giai đoạn 1) với công suất 5.000 m3/ngày.đêm và đang trong quá trình vận hành thử nghiệm; làng nghề bún Khắc Niệm đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 400 m3/ngày đêm, tuy nhiên hiệu quả xử lý chưa đáp ứng theo quy định và UBND thành phố đang tiến hành việc cải tạo.

1.3. Môi trường khu vực nông thôn

1.3.1. Hiện trạng môi trường tự nhiên: Theo số liệu đề án điều tra trên địa bàn toàn tỉnh có 14.025 ao, phần lớn tập trung ở 97 xã khu vực nông thôn (13.310 ao). Kết quả đánh giá chất lượng các thành phần môi trường cho thấy môi trường nước mặt tại các ao, hồ ở khu vực nông thôn cơ bản đều bị ô nhiễm một số chỉ tiêu đặc trưng như: DO, BOD5, COD, TSS, Fe, nitrite, photphat, amoni; môi trường nước dưới đất của hầu hết các khu vực nông thôn đều bị ô nhiễm một số chỉ tiêu đặc trưng như: Fe, mangan, độ cứng, clorrua, trong đó một số khu vực như huyện Gia Bình, huyện Quế Võ, huyện Tiên Du, huyện Yên Phong, huyện Thuận Thành, TX Từ Sơn bị ô nhiễm nặng chỉ tiêu sắt và mangan; chất lượng môi trường nước tại hầu hết các con sông trên địa bàn tỉnh hiện cũng có những dấu hiệu bị ô nhiễm, điển hình như sông Ngũ Huyện Khê, sông Tào Khê, sông Cầu…, kết quả quan trắc tại cầu Đào Xá và cống Vạn An thuộc lưu vực sông Ngũ Huyện Khê đều có các thông số COD, TSS, Amoni vượt Quy chuẩn cho phép, có thời điểm có thông số Amoni vượt Quy chuẩn cho phép 33,79 lần; các vị trí lấy mẫu trên lưu vực sông Cầu đều có sự ô nhiễm thông số amoni, ô nhiễm cao nhất tại vị trí gần khu di tích khu vực làng Đại Lâm, vượt quy chuẩn cho phép 10,14 lần; chất lượng môi trường nước mặt tại khu vực sông Tào Khê và kênh Kim Đôi tại các vị trí lấy mẫu đều có hàm lượng COD, TSS, Amoni vượt Quy chuẩn cho phép, tại Cầu Ngà có thông số COD vượt QCCP 3,18 lần; môi trường đất tại khu vực nông thôn chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm, tuy nhiên hàm lượng các kim loại nặng có xu hướng gia tăng nhẹ; môi trường không khí khu vực nông thôn hiện nay tại một số địa phương cơ bản đảm bảo, nhiều vùng chưa có dấu hiệu ô nhiễm, hiện tượng ô nhiễm không khí cục bộ thường xuất hiện ở một số khu vực đang diễn ra hoạt động nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn hoặc quá trình đun đốt phế phẩm nông nghiệp (rơm, rạ…).

1.3.2. Công tác xử lý chất thải chăn nuôi: Chất thải chăn nuôi là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn nhất ở khu vực nông thôn. Hiện nay, ở nhiều địa phương, hoạt động chăn nuôi ở quy mô hộ gia đình hoặc trang trại cỡ nhỏ là chủ yếu (trên 50.000 hộ). Tổng khối lượng chất thải chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 2.175 tấn/ngày. Hiện nay, tuy đã có chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi đầu tư hệ thống xử lý chất thải nhưng lượng chất thải chăn nuôi được xử lý còn rất hạn chế. khoảng 955 tấn/ngày, đạt 43,9%.

1.3.3. Công tác kiểm soát bao bì hóa chất bảo vệ thực vật đã sử dụng: Bao bì, chai lọ hóa chất bảo vệ thực vật là nguồn chất thải thuộc danh mục độc hại cần thu gom, xử lý đúng quy định. Hàng năm, trên địa bàn tỉnh thải ra môi trường 16.894 kg bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Công tác thu gom, xử hiện nay hầu như chưa đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi thu gom cùng với bao bì phân bón hóa học thường được đem đốt hoặc được thu gom chung với rác thải sinh hoạt. Các huyện Yên Phong, Lương Tài đã xây dựng một số bể thu gom trên các cánh đồng từ nguồn hỗ trợ của các dự án nông nghiệp; một số địa phương như Quế Võ, Yên Phong, Lương Tài có phong trào thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật nhưng do chưa bố trí được kinh phí nên việc thu gom và xử lý còn nhiều hạn chế.

1.3.4. Thực trạng xử lý chất thải từ hoạt động trồng trọt: Trong hoạt động trồng trọt, ngoài chất thải là các bao bì hóa chất bảo vệ thực vật thì chất thải là rơm rạ, thân các loài cây lương thực sau thu hoạch cũng chiếm tỷ trọng khá lớn. Tại hầu hết các địa phương, các loại chất thải này không được tái sử dụng, thường được đổ thải và đốt ngay trên đồng ruộng, đặc biệt vào những thời điểm mùa thu hoạch, việc đốt tập trung một khối lượng lớn rơm rạ đã gây hiện tượng khói mù, ô nhiễm môi trường không khí cho các vùng lân cận.

1.4. Môi trường Khu công nghiệp (KCN)

Bắc Ninh hiện có tổng số 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung, trong đó 10 KCN đã đi vào hoạt động. Tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất quy hoạch đạt 62,9%, trên diện tích đất thu hồi 88,01%. Đến nay, 09 KCN cơ bản đã thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường nói chung và xử lý nước thải nói riêng, chủ đầu tư hạ tầng KCN đã triển khai đồng bộ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường (hệ thống thu gom và thoát nước mưa, nước thải, nhà máy xử lý nước thải tập trung...), còn 01 KCN Hanaka chưa hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định (hiện tại đang trong quá trình khởi công xây dựng, cam kết hoàn thành và đi vào hoạt động trong quý I năm 2019); 08 KCN đã lắp đặt hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tự động để theo dõi thường xuyên, liên tục chất lượng nước thải trước khi xả ra ngoài môi trường (KCN Quế Võ 3 đang hoàn thiện việc lắp đặt và KCN Hanaka chưa xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải tập trung). Cơ bản các doanh nghiệp thứ cấp đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải sơ bộ đạt tiêu chuẩn xả thải của KCN, đấu nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN để xử lý đạt Quy chuẩn Việt Nam trước khi xả ra môi trường. Tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, chậm đầu tư các hệ thống xử lý nước thải, khí thải theo quy định, xả nước thải, khí thải vượt Tiêu chuẩn môi trường cho phép, trong đó có cả những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

1.5. Môi trường Cụm công nghiệp (CCN)

Trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 32 CCN với tổng diện tích 864,89 ha. Trong đó có 22 CCN đã đi vào hoạt động và 10 CCN đang đầu tư xây dựng hạ tầng, chưa có doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Có 16 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng; 10 CCN do Ban quản lý các KCN cấp huyện làm chủ đầu tư.

Hiện tại chỉ có CCN Đông Thọ và CCN Tân Chi đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đáp ứng yêu cầu về việc tiếp nhận và xử lý nước thải từ các doanh nghiệp thứ cấp, CCN Phong Khê I được đấu vào Hệ thống xử lý nước thải làng nghề giấy Phong Khê.

Sự phát triển chưa đồng bộ của các CCN về cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đến các biện pháp bảo vệ môi trường dẫn đến áp lực về việc kiểm soát nguồn thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn), đây chính là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Kết quả quan trắc chất lượng môi trường tại các CCN trong những năm qua cho thấy ô nhiễm môi trường không khí tập trung chủ yếu tại các CCN làng nghề tái chế như Phong Khê, Đại Bái, Châu Khê,...Nguyên nhân là do các cơ sở sản xuất sử dụng nguyên liệu sản xuất là phế liệu (giấy, sắt, thép vụn...), công nghệ sản xuất lạc hậu, không đầu tư các biện pháp xử lý bụi, khí thải phát sinh; nước thải tại các CCN hầu hết đều không được thu gom và xử lý dẫn đến nhiều chỉ tiêu phân tích có giá trị vượt quy chuẩn Việt Nam cho phép nhiều lần, điển hình là các chỉ tiêu BOD5, COD, Sunfua, tổng Nitơ, Coliform và Amoni.

1.6. Môi trường khu đô thị

Hiện tại, tổng lượng nước thải tại các khu vực đô thị, thị trấn trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 120.000 m3/ngày đêm tập trung chính ở thành phố Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn.Theo kết quả quan trắc phân tích nước thải tại các vị trí đặc trưng của các khu đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cho thấy nước thải tại các đô thị chưa có hệ thống xử lý tập trung có nhiều chỉ tiêu có giá trị vượt quy chuẩn Việt Nam cho phép nhiều lần. Trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ có 02 khu đô thị là thành phố Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, cụ thể: Hệ thống xử lý nước thải tập trung của thành phố Bắc Ninh có công suất 28.000 m3/ngày đêm (tại xã Kim Chân), hệ thống xử lý nước thải tập trung của thị xã Từ Sơn (tại phường Châu Khê) có công suất 33.000 m3/ngày đêm, hiện tại các hệ thống đang được vận hành ổn định.

Môi trường bụi, không khí tại các đô thị có áp lực chủ yếu do hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, các cơ sở sản xuất công nghiệp nội đô, hoạt động đun nấu, sinh hoạt của dân cư và các nguồn ô nhiễm từ ngoại thành chuyển vào. Ô nhiễm không khí do bụi vẫn là vấn đề nổi cộm nhất ở các đô thị, nồng độ bụi trong không khí ở đô thị thay đổi qua các tháng trong năm, theo diễn biến mùa, quy luật trong ngày và theo vị trí cụ thể, thể hiện rõ nhất tại các khu vực gần trục giao thông. Tiếng ồn đô thị chủ yếu phát sinh từ hoạt động giao thông, mức ồn lớn thường được ghi nhận trên các trục giao thông. Theo kết quả mạng quan trắc, giám sát môi trường định kỳ, một số khu vực đô thị cũng đã có những dấu hiệu ô nhiễm do bụi tại một số thời điểm.

Tình hình phát sinh, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn xây dựng, bùn bể phốt hiện tại đang còn nhiều tồn tại, bất cập, các đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom vận chuyển chất thải rắn xây dựng, hút bùn bể phốt hoạt động một cách tự phát và chưa có cơ chế quản lý chặt chẽ đối với loại hình dịch vụ này, các loại chất thải này hầu hết đều đang thải bỏ bừa bãi ra các bãi đất trống, bùn thải bể phốt thường xả vào mương, cống thoát nước hay trực tiếp ra sông, hồ gây ô nhiễm môi trường.

1.7. Môi trường các trường học

Hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh có tổng số 498 trường (điểm trường) mầm non, tiểu học, THCS, THPT, bao gồm 5.023 phòng vệ sinh với tổng diện tích sàn khoảng 66.162,0m2 (trong đó diện tích khu vệ sinh của học sinh khoảng 52.619m2, diện tích khu vệ sinh của giáo viên khoảng 13.543m2). Cụ thể:

- Tổng số phòng vệ sinh đảm bảo điều kiện vệ sinh là 1.520 phòng (chiếm tỷ lệ 30,26%), với tổng diện tích khoảng 20.415,0m2 (trong đó diện tích khu vệ sinh của học sinh khoảng 14.468m2, diện tích khu vệ sinh của giáo viên khoảng 5.947m2).

- Tổng số phòng vệ sinh chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh cần cải tạo, sửa chữa là 2.950 phòng (chiếm tỷ lệ 58,73%), với tổng diện tích khoảng 39.604m2 (trong đó diện tích khu vệ sinh của học sinh khoảng 32.916m2, diện tích khu vệ sinh của giáo viên khoảng 6.688m2).

- Tổng số phòng vệ sinh không đảm bảo điều kiện vệ sinh, điều kiện an toàn, hư hỏng xuống cấp mức độ lớn cần tháo dỡ là 553 phòng (chiếm tỷ lệ 11,01%), với tổng diện tích khoảng 6.143m2 (trong đó diện tích khu vệ sinh của học sinh khoảng 5.234m2, diện tích khu vệ sinh của giáo viên khoảng 909m2).

1.8. Môi trường y tế

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 08 bệnh viện tuyến tỉnh; 01 Trung tâm y tế dự phòng tỉnh; 07 bệnh viện tuyến huyện. Ngoài ra còn có bệnh viện Quân y 110 của Bộ Quốc phòng; 03 bệnh viện tư nhân; 456 cơ sở hành nghề y tư nhân; 08 Trung tâm y tế tuyến huyện; 126 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Khối lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh từ 1,37 tấn/ngày đêm, khối lượng chất thải y tế thông thường phát sinh khoảng 2,4 tấn/ngày đêm; nước thải y tế phát sinh 685 m3/ngày đêm. Trong đó có 14/15 bệnh viện, cơ sở y tế công lập và 03 bệnh viện tư nhân có hệ thống xử lý nước thải đạt Quy chuẩn môi trường, công suất từ 20-200 m3/ngày đêm; có 13 cơ sở y tế (gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Phổi Bắc Ninh, Bệnh viện Sức khỏe Tâm Thần, 7 Bệnh viên Đa khoa tuyến huyện, Bệnh viện Đa khoa tư nhân Kinh Bắc và Bệnh viện Quân y 110) được trang bị lò đốt với công suất thiết kế từ 20 - 25kg/h (riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh được trang bị lò đốt với công suất thiết kế 80 - 100kg/h). Ngoài ra, một số cơ sở y tế ký hợp động xử lý với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung có Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép trên địa bàn tỉnh.

II. ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

2.1. Kết quả đạt được

Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể đã triển khai lồng ghép tốt các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn gắn với nhiệm vụ BVMT. Kết quả thực hiện cho thấy công tác BVMT đã được tăng cường, góp phần hạn chế tốc độ gia tăng ô nhiễm, chất lượng môi trường đang được cải thiện, từng bước giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, đóng góp tích cực, quan trọng cho công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, cụ thể:

2.1.1. Nhận thức về bảo vệ môi trường từng bước được nâng lên trong các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được tăng cường từ cấp tỉnh đến cấp huyện, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

2.1.2. Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã được tập trung triển khai và đạt được một số kết quả nhất định:

- Đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành hành các điểm tập kết nhằm thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn; các địa phương đã thành lập được các tổ, đội thu gom rác thải từ hộ gia đình đến điểm tập kết, việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ điểm tập kết về các khu xử lý chất thải tập trung cấp huyện đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt toàn tỉnh đạt trên 90%.

- Đã hoàn thành và đưa vào hoạt động 03 khu xử lý tập trung để xử lý triệt để rác thải sinh hoạt cho huyện Quế Võ, huyện Thuận Thành, huyện Gia Bình và thành phố Bắc Ninh; đầu tư 10 lò đốt chất thải sinh hoạt công suất nhỏ tại thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du, huyện Yên Phong để giải quyết cấp bách lượng rác thải phát sinh tại các phường, thị trấn có lượng rác thải lớn.

2.1.3. Đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề sản xuất giấy Phong Khê, công suất giai đoạn 1 là 5.000m3/ngày đêm, hệ thống xử lý hiện đã cơ bản hoàn thiện và được bàn giao cho Công ty Cổ phần thoát nước và Xử lý nước thải Bắc Ninh vận hành từ ngày 22/3/2017; đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề bún Khắc Niệm công suất 400 m3/ngày đêm.

2.1.4. Một số địa phương đã xây dựng bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại trên các cánh đồng từ nguồn hỗ trợ của các dự án nông nghiệp; đã đầu tư trên 22.000 bể Biogas để xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi; 03 hệ thống xử lý nước thải tập trung tại khu dân cư nông thôn.

2.1.5. Hầu hết các Khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã đầu tư đồng bộ công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khu công nghiệp đáp ứng yêu cầu theo quy định; Các cơ sở thứ cấp trong các khu công nghiệp cũng đã tách biệt hệ thống thu gom nước thải và nước mưa, đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt Tiêu chuẩn riêng của KCN trước khi đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải của KCN; Các Khu công nghiệp cơ bản cũng đã lắp đặt hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tự động để theo dõi thường xuyên, liên tục chất lượng nước thải trước khi xả ra ngoài môi trường.

2.1.6. Đã hoàn thành và đưa vào vận hành ổn định hệ thống xử lý nước thải Cụm công nghiệp đa nghề Đông thọ với công suất 300 m3/ ngày đêm, hệ thống xử lý nước thải Cụm công nghiệp Tân Chi với công suất 3.200 m3/ ngày đêm đáp ứng các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn môi trường Việt Nam cho phép; Nước thải từ các cơ sở sản xuất tại Cụm công nghiệp Phong Khê 1 đang được đấu nối với Hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề giấy Phong Khê giai đoạn I công suất 5.000 m3/ngày đêm để xử lý theo quy định.

2.1.7. Có 02 khu đô thị là thành phố Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, hệ thống xử lý nước thải tập trung cho thành phố Bắc Ninh có công suất 28.000 m3/ngày đêm và hệ thống xử lý nước thải tập trung cho thị xã Từ Sơn có công suất 33.000 m3/ngày đêm, các hệ thống hiện đang được vận hành ổn định.

2.1.8. Đã đầu tư xây dựng được 1.520 phòng vệ sinh chung đạt chuẩn Quốc gia trên tổng số 45.023 phòng vệ sinh vệ sinh hiện có của các cấp trường trên địa bàn tỉnh (chiếm tỷ lệ 30,26%).

2.1.9. Đã đầu tư được 17 hệ thống xử lý nước thải, 13 lò đốt chất thải rắn y tế của các bệnh viện trên địa bàn tỉnh.

2.2. Những hạn chế, tồn tại

2.2.1. Tiến độ triển khai xây dựng các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại một số địa phương (huyện Yên Phong, Tiên Du, Lương Tài và Thị xã Từ Sơn) vẫn còn chậm. Ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các địa phương chưa có khu xử lý tập trung vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều điểm tập kết đã tràn đầy, rác thải đổ bừa bãi dọc các kênh mương gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến văn hóa, mỹ quan; Công tác phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn triển khai còn nhiều hạn chế, chưa đạt được mục tiêu đề ra.

2.2.2. Còn 01 KCN Hanaka chưa hoàn thành và đưa vào vận hành Hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định của Luật bảo vệ môi trường; Một số doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, chậm đầu tư các hệ thống xử lý nước thải, khí thải theo quy định.

2.2.3. Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, CCN có chiều hướng gia tăng về mức độ, việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở về môi trường còn rất hạn chế, cơ bản chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định.

2.2.4. Ô nhiễm môi trường nông thôn, đặc biệt là các khu vực nông thôn có làng nghề có chiều hướng gia tăng. Tình trạng xả chất thải sản xuất và chăn nuôi không qua xử lý, việc xả bao bì các loại phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp khá phổ biến gây ô nhiễm môi trường.

2.2.5. Nước thải sinh hoạt của các thị trấn, khu dân cư chưa được thu gom, xử lý; một số trường học chưa có nhà vệ sinh đáp ứng được yêu cầu, chưa có khu vực tập kết rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường.

2.2.6. Các cơ sở y tế cấp xã chưa có biện pháp quản lý chất thải y tế hữu hiệu và an toàn, việc bố trí bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế theo quy định chưa đầy đủ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu quy định tại Thông tư 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT.

2.3. Nguyên nhân những hạn chế, tồn tại

2.3.1. Sự chủ động của một số huyện chưa quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải sinh hoạt; còn xem công tác BVMT là trách nhiệm của ngành Tài nguyên và Môi trường, không nghĩ đó là trách nhiệm của địa phương mình.

2.3.2. Hệ thống tổ chức và năng lực quản lý môi trường các cấp chưa đáp ứng yêu cầu, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác bảo vệ môi trường còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng.

2.3.3. Nhận thức của một bộ phận người dân và doanh nghiệp về công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế từ việc phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh trong công tác bảo vệ môi trường.

2.3.4. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý chưa đủ sức răn đe, chưa xử lý nhanh, triệt để ngay những doanh nghiệp cố tình vi phạm; việc kiểm soát, định lượng các nguồn thải và đánh giá sức chịu tải của môi trường nguồn tiếp nhận chưa được thực hiện đầy đủ. Việc kiểm tra, giám sát, xử lý đối với các cơ sở trong làng nghề, CCN của cấp huyện, cấp xã chưa chủ động.

2.3.5. Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt chưa đồng bộ, chưa có phương thức quản lý chung; các tổ chức vệ sinh môi trường hoạt động còn mang tính tự phát, chưa có cơ chế phân công trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của tổ chức hoạt động; việc hỗ trợ trong công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các xã, phường trong cùng một huyện, thị xã chưa cao.

PHẦN THỨ HAI

PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

I. PHƯƠNG HƯỚNG

1.1. Đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư tham gia thực hiện, giám sát việc bảo vệ môi trường.

1.2. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư.

1.3. Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững, được thể hiện trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của ngành, địa phương trong tỉnh.

1.4. Phương châm bảo vệ môi trường là phòng ngừa tác động xấu tới môi trường, kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên.

1.5. Đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy nội lực kết hợp với việc tăng cường quản lý nhà nước; tranh thủ nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế, đầu tư cho bảo vệ môi trường; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến kết hợp với các giải pháp truyền thống để bảo vệ môi trường;

II. MỤC TIÊU

2.1. Mục tiêu tổng quát:

Tập trung giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, nhằm khắc phục và giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với chất thải rắn sinh hoạt, môi trường các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, làng nghề, khu vực nông thôn, khu đô thị, trường học và cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

2.2.1. Năm 2019, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu sau:

- 100% các điểm tập kết rác thải đảm bảo hoạt động hiệu quả, vệ sinh môi trường.

- Cấp ủy, chính quyền, huyện, thị xã chủ động, linh hoạt lựa chọn quy mô, hình thức xử lý rác, phù hợp với đặc điểm từng địa phương, đảm bảo xử lý ô nhiễm môi trường tại địa phương mình.

- Triển khai xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại huyện Quế Võ, huyện Thuận Thành và huyện Lương Tài.

- 100% các KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

- 100% các xã có phong trào làm sạch đồng ruộng, vớt bèo, khơi thông dòng chảy kênh mương, làm sạch đường làng, ngõ xóm hiệu quả.

- 100% các nhà vệ sinh trường học bị hư hỏng, xuống cấp lớn được cải tạo, sửa chữa đảm bảo theo chuẩn quốc gia.

- 100% rác thải y tế được thu gom, cơ bản được xử lý.

2.2.2. Giai đoạn 2020-2025, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu sau:

- 100% rác thải sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh phải được phân loại tại nguồn, thu gom, xử lý theo quy định.

- Hoàn thành và đưa vào hoạt động dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại huyện Quế Võ, huyện Thuận Thành và huyện Lương Tài.

- 100% lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, chất thải chăn nuôi được thu gom, xử lý.

- 100% đô thị, cụm công nghiêp và các làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn.

- 100% các trường học có nhà vệ sinh đảm bảo theo chuẩn Quốc gia và có khu vực tập kết rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

3.1. Nhiệm vụ, giải pháp chung

3.1.1. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

a. Quan điểm:

- Tuyên truyền liên tục, kiên trì chủ trương của tỉnh đến mọi tổ chức, cá nhân để trở thành quyết tâm chính trị của các cấp, ngành, địa phương, cơ quan đơn vị; tuyên truyền kịp thời, chính xác, đảm bảo đúng định hướng, nhằm triển khai một nhiệm vụ khó khăn trở thành nội dung hấp dẫn, thuyết phục để người dân tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận trong hành động và tự nguyện, tự giác thực hiện.

- Thông qua đội ngũ báo cáo viên đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, tuyên truyền về thực trạng, nguy cơ và các hiểm họa tác động từ ô nhiễm môi trường tới cuộc sống con người; trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường, việc phân loại chất thải tại nguồn…

- Tăng cường nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, dư luận xã hội của cán bộ Đảng viên và các tầng lớp nhân dân tại các địa phương có dự án về môi trường; chủ động xây dựng đề cương tuyên truyền việc triển khai thực hiện các dự án về môi trường, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, nhằm tạo sự ủng hộ, đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, tránh để xảy ra điểm nóng. Kịp thời định hướng và đề xuất các giải pháp để làm tốt công tác tư tưởng tại những địa bàn tiềm ẩn phức tạp.

- Định hướng cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, các đơn vị có ấn phẩm xuất bản mở các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường; tôn vinh, nhân rộng các mô hình, các gương điển hình bảo vệ môi trường, đồng thời phê phán mạnh mẽ các hành vi, thói quen, tập quán sinh hoạt lạc hậu gây tác hại đến môi trường.

- Phát huy tốt vai trò của người có uy tín tại địa phương đến từng hộ dân thăm hỏi, vận động, thuyết phục để người dân hiểu hơn trách nhiệm của mình trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

b. Nội dung tuyên truyền:

- Hiện trạng môi trường và những tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe, đời sống văn hóa, xã hội.

- Công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, trong đó tập trung vào các nội dung về sự cần thiết và cách thức tổ chức phân loại chất thải tại nguồn; hạn chế phát thải nhựa, túi nilon, tích cực sử dụng các sản phẩm có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường để giảm lượng chất thải phát sinh.

- Sự cần thiết phải đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung, lò đốt rác trên địa bàn các huyện, thị xã.

- Các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

- Hướng dẫn kỹ thuật sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và phân hóa học; áp dụng sản xuất nông sản sạch; áp dụng phương pháp canh tác “nông nghiệp hữu cơ”.

- Phát động phong trào làm sạch đồng ruộng, vớt bèo, khơi thông dòng chảy kênh mương, làm sạch đường làng, ngõ xóm hiệu quả.

c. Hình thức tuyên truyền

- Thông qua hội nghị quân dân chính đảng và phân công trách nhiệm đến từng bí thư chi bộ hoặc trưởng thôn vận động trực tiếp.

- Tổ chức lễ mitting, phát động ra quân vệ sinh môi trường định kỳ hàng tháng và nhân các ngày môi trường thế giới, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn…

- Mở các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đến các đối tượng tổ chức, cá nhân.

- Xây dựng các phóng sự, ghi hình, đưa tin về các hoạt động bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội (Facebook, Twitter, Zalo...)

3.1.2. Xây dựng cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường

- Xây dựng và cụ thể hoá các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật bảo vệ môi trường của nhà nước phù hợp với điều kiện của tỉnh, tập trung bố trí nguồn vốn cho việc đầu tư các công trình xử lý môi trường khu vực công ích, giải quyết các vấn đề môi trường tồn đọng.

- Rà soát, điều chỉnh giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với các hộ gia đình theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

- Rà soát, điều chỉnh bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường, các quy định về bảo vệ môi trường đối với KCN, CCN, làng nghề và khu vực nông thôn phù hợp với tình hình thực tế.

3.1.3. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường

Đa dạng hoá các nguồn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích cá nhân, tổ chức, các thành phần kinh tế tham gia các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

3.1.4. Ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhất của thế giới

Đầu tư các công trình xử lý môi trường, ưu tiên sử dụng các công nghệ thân thiện với môi trường, hạn chế thu hút các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các công nghệ mới, hiện đại để xử lý các loại chất thải phát sinh đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

3.1.5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát

Tập trung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong quá trình hoạt động, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường, xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; giám sát chặt chẽ các nguồn thải lớn trên địa bàn nhằm ngăn chặn, phòng ngừa các sự cố về môi trường.

3.1.6. Kiện toàn tổ chức bộ máy về bảo vệ môi trường

Nâng cao năng lực và đảm bảo số lượng cán bộ về bảo vệ môi trường các cấp đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.

3.2. Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể

* Nhiệm vụ:

- Quản lý chất thải rắn sinh hoạt;

- Bảo vệ môi trường làng nghề;

- Bảo vệ môi trường nông thôn;

- Bảo vệ môi trường Khu công nghiệp;

- Bảo vệ môi trường Cụm công nghiệp;

- Bảo vệ môi trường đô thị;

- Bảo vệ môi trường trường học;

- Bảo vệ môi trường các cơ sở y tế.

* Giải pháp cho từng nhiệm vụ trên như sau:

3.2.1. Đối với chất thải rắn sinh hoạt

a. Tiến hành sửa đổi, bổ sung quy định mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh để tiến hành thu giá dịch vụ theo khẩu, đảm bảo lấy thu bù chi và chế độ của người lao động.

b. Tổ chức thực hiện việc triển khai, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai mô hình điểm phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình tạiLâm Thao, huyện Lương Tài và xã Liên Bão, huyện Tiên Du:

+ Tổ chức tập huấn phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.

+ Đánh giá kết quả và phát động phong trào, triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai mô hình điểm xử lý rác thải bằng phương pháp không đốt, không khói bụi tại xã Đông Thọ, huyện Yên Phong:

+ Thành lập Hợp tác xã dịch vụ môi trường xã Đông Thọ để triển khai mô hình.

+ Đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc,trang thiết bị để triển khai thực hiện.

c. Thành lập Hợp tác xã hoặc tổ chức dịch vụ môi trường tại các địa phương để thực hiện việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình đến điểm tập kếtquản lý các điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt:

- Thành lập mỗi xã/phường/thị trấn 01 Hợp tác xã hoặc tổ chức dịch vụ môi trường (trừ các các địa phương đã có doanh nghiệp tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý).

- Kinh phí hoạt động: Từ nguồn thu giá dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt của các hộ gia đình. Theo đơn giá như hiện nay thì mỗi hợp tác xã có nguồn thu dao động từ 48,28 triệu đồng/tháng (huyện Lương Tài) đến 95,5 triệu đồng/tháng (thị xã Từ Sơn).

Như vậy, với đơn giá thu gom như hiện nay thì kinh phí thu được sẽ đảm bảo hoạt động cho 01 Hợp tác xã hoặc tổ chức dịch vụ môi trường có 10 lao động với mức lương khoảng 05 triệu/người/tháng (Chi tiết tại Phụ lục 2).

d. Duy trì hoạt động hiệu quả, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các điểm tập kết rác thải sinh hoạt, khu xử lý rác thải tập trung và các lò đốt đang hoạt động tại các huyện, thị xã.

e. Tiến hành trồng dải cây xanh xung quanh các khu xử lý chất thải tập trung và lò đốt rác tại các địa phương nhằm ngăn ngừa sự phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh, đồng thời tạo cảnh quan môi trường sinh thái khu vực xử lý.

f. Trong năm 2019, tỉnh Bắc Ninh tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại các huyện: Lương Tài, Quế Võ và Thuận Thành. Đảm bảo đến năm 2021 các nhà máy sẽ đi vào hoạt động để xử lý rác thải sinh hoạt tại các địa phương và các vùng lân cận trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.UBND tỉnh sẽ thành lập Hội đồng giám sát và hỗ trợ thủ tục pháp lý để các Nhà máy này đi vào hoạt động đảm bảo đúng tiêu chuẩn và thời gian như trên, cụ thể:

- Dự án “Đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng” thuộc Công ty Cổ phần môi trường Năng lượng Thăng Long tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ:

+ Kinh phí đầu tư: 1.357 tỷ đồng.

+ Nguồn kinh phí đầu tư: Xã hội hóa.

+ Diện tích đất sử dụng: 4,834 ha.

+ Công suất: 500 tấn/ngày đêm.

+ Chủ đầu tư: Công ty Cổ phần môi trường Năng lượng Thăng Long.

- Dự án “Đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng huyện Thuận Thành” tại xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành:

+ Kinh phí đầu tư: Khoảng 1.000 tỷ đồng.

+ Nguồn kinh phí: Xã hội hóa

+ Diện tích đất sử dụng: 05 ha.

+ Công suất: 300 tấn/ngày đêm.

+ Chủ đầu tư: Doanh nghiệp tham gia xã hội hóa.

- Dự án “Đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng huyện Lương Tài” tại xã An Thịnh, huyện Lương Tài:

+ Kinh phí đầu tư: Khoảng 1.000 tỷ đồng.

+ Nguồn kinh phí: Xã hội hóa.

+ Diện tích đất sử dụng: 8,8 ha.

+ Công suất: 300 tấn/ngày đêm.

+ Chủ đầu tư: Doanh nghiệp tham gia xã hội hóa.

g. Trong giai đoạn 2019-2020 (khi các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng chưa đi vào hoạt động), các địa phương cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp xử lý cấp bách như:

- Vận hành đảm bảo hoạt động hiệu quả, vệ sinh môi trường đối với các điểm tập kết rác thải còn nhu cầu sử dụng. Tiếp tục áp dụng các biện pháp như: đánh đống, phun chế phẩm, dùng vật liệu chống thấm bao phủ bề mặt để hạn chế phát tán mùi, dọn dẹp vệ sinh thường xuyên không để rác thải tràn ra ngoài,… đối với các điểm tập kết còn rác tồn đọng.

- Trường hợp lượng chất thải tồn đọng tại các điểm tập kết quá tải thì UBND các huyện, thị xã chỉ đạo thu gom về các lò đốt chất thải đang hoạt động trên địa bàn huyện, thị xã để xử lý.

- Vận hành hiệu quả các lò đốt và các khu xử lý tập trung hiện đang hoạt động.

- Đầu tư xây dựng các lò đốt rác tại các địa phương để xử lý cấp bách rác thải sinh hoạt của thị xã Từ Sơn và 02 huyện: Yên Phong và Tiên Du (Chi tiết tại phụ lục 3), cụ thể:

Phương án 1: Tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các lò đốt rác thải bằng hình thức xã hội hóa để xử lý cấp bách rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thị xã Từ Sơnhuyện Tiên Du theo nội dung Văn bản số 801/UBND-NN.TN ngày 26/3/2018 của UBND tỉnh và triển khai bổ sung 04 lò đốt theo quy mô cụm xã tại huyện Yên Phong.

* Tổng số lò đốt cần lắp đặt: 12 lò, trong đó: Thị xã Từ Sơn 04 lò đốt, huyện Tiên Du 04 lò đốt, huyện Yên Phong 04 lò đốt.

* Kinh phí đầu tư xây dựng lò đốt: 84 tỷ đồng (Kinh phí đầu tư xây dựng 01 lò đốt khoảng 07 tỷ đồng, trong đó bao gồm kinh phí mua và lắp đặt lò đốt, giải phóng mặt bằng và xây dựng nhà xưởng).

* Nguồn kinh phí đầu tư lò đốt:

+ Ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng và xây dựng nhà xưởng: 24 tỷ đồng.

+ Xã hội hóa: 60 tỷ đồng.

* Diện tích xây dựng lò đốt rác: 2.000-3.000 m2.

* Tiêu chuẩn lò đốt : Đảm bảo QCVN 61-MT:2016/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.

* Chủ đầu tư xây dựng, lắp đặt và quản lý vận hành lò đốt: Các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa.

Phương án 2: Đầu tư xây dựng lò đốt chất thải quy mô nhỏ (01 lò/xã, phường) để xử lý cấp bách rác thải tại thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du và huyện Yên Phong.

* Tổng số lò đốt cần lắp đặt: 31 lò, trong đó:

+ Thị xã Từ Sơn: 06 lò đốt cho các khu dân cư tập trung. Đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

+ Huyện Tiên Du: 13 lò đốt cho các khu dân cư tập trung, trong đó: 09 lò đốt do Nhà nước đầu tư 100% kinh phí và 04 lò đốt đầu tư theo hình thức xã hội hóa (tại các xã Hiên Vân, Liên Bão, Tri Phương và Minh Đạo).

+ Huyện Yên Phong: 12 lò đốt cho các khu dân cư tập trung. Nhà nước đầu tư 100% kinh phí.

* Tổng kinh phí đầu tư xây dựng lò đốt: 155 tỷ đồng (Kinh phí đầu tư xây dựng 01 lò đốt khoảng 05 tỷ đồng, bao gồm kinh phí mua và lắp đặt lò đốt là 03 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng và xây dựng nhà xưởng 02 tỷ đồng).

* Nguồn kinh phí:

+ Ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà xưởng và lắp đặt lò đốt: 125 tỷ đồng.

+ Xã hội hóa: 30 tỷ đồng.

* Diện tích xây dựng lò đốt chất thải: 2.000-3.000 m2.

* Tiêu chuẩn lò đốt : Đảm bảo QCVN 61-MT:2016/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.

* Cơ chế đầu tư xây dựng, lắp đặt và vận hành lò đốt:

+ Đối với các lò đốt do nhà nước đầu tư 100% kinh phí thì UBND các huyện Tiên Du, Yên Phong tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp lò đốt, đấu thầu lựa chọn đơn vị đầu tư xây dựng nhà xưởng và đấu thầu lựa chọn đợn vị vận hành lò đốt.

+ Đối với các lò đốt đầu tư bằng hình thức xã hội hóa: Các doanh nghiệp trúng thầu tổ chức đầu tư xây dựng và vận hành lò đốt.

Tùy theo tình hình thực tế tại từng địa phương, các huyện Tiên Du, Yên Phong và thị xã Từ Sơn chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn số lượng lò đốt rác thải sinh hoạt, địa điểm đặt lò đốt, đảm bảo xử lý ô nhiễm môi trường tại địa phương mình. Trường hợp đầu tư theo hình thức xã hội hóa, các huyện, thị xã có thể chủ động thỏa thuận thời hạn trong hợp đồng xử lý rác thải với các doanh nghiệp đầu tư.

h. Cơ chế hỗ trợ kinh phí vận chuyển và xử lý rác thải (Chi tiết tại phụ lục 3).

- Kinh phí vận chuyển và xử lý rác thải tồn đọng: 97,5 tỷ đồng, trong đó:

+ Kinh phí vận chuyển là: 37,5 tỷ đồng.

+ Kinh phí xử lý là: 60 tỷ đồng.

Nguồn kinh phí: Nhà nước hỗ trợ 100%.

- Kinh phí vận chuyển và xử lý rác thải phát sinh hàng năm: 206,4 tỷ đồng/năm, trong đó:

+ Kinh phí vận chuyển là: 79,38 tỷ đồng/năm.

+ Kinh phí xử lý là: 127,02 tỷ đồng/năm.

- Cơ chế hỗ trợ kinh phí vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh:

+ Giai đoạn 2019-2020: Nhà nước hỗ trợ toàn bộ chi phí vận chuyển và xử lý cho toàn tỉnh: 206,4 tỷ đồng/năm; mỗi hộ trên địa bàn tỉnh sẽ phải đóng giá thu gom từ hộ gia đình đến điểm tập kết trung bình là 25.000 đồng/hộ/tháng hoặc 7.500 đồng/khẩu/tháng.

+ Giai đoạn 2021 - 2025: Điều chỉnh kinh phí vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt sang phương án nhân dân tự đóng góp đảm bảo lấy thu bù chi nhằm giảm hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Mỗi hộ trên địa bàn tỉnh sẽ phải đóng giá thu gom, vận chuyển và xử lý là 70.866 đồng/hộ/tháng hoặc 21.260 đồng/khẩu/tháng.

3.2.2. Đối với các làng nghề

- Tổ chức thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong các làng nghề, khu dân cư.

- Lập và tổ chức triển khai thực hiện các Dự án xử lý ô nhiễm môi trường nước thải, chất thải rắn tại các làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện Phương án bảo vệ môi trường làng nghề đối với các địa phương có làng nghề.

- Thành lập Tổ tự quản về bảo vệ môi trường; xây dựng Hương ước, Quy ước về BVMT hoặc Hương ước, Quy ước trong đó có nội dung về bảo vệ môi trường tại các làng nghề.

- Rà soát các điều kiện BVMT đối với các làng nghề trên địa bàn; xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề, kế hoạch chuyển đổi ngành nghề hoặc di rời ra khỏi khu dân cư đối với cơ sở sản xuất không thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển và gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất trong làng nghề; yêu cầu thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư các công trình xử lý nước thải, khí thải theo quy định, ký hợp đồng và chuyển giao các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh với đơn vị có đủ chức năng.

3.2.3. Đối với khu vực nông thôn

- Tuyên truyên, phát động phong trào thu gom rác thải, phế thải làm sạch ruộng đồng, vớt bèo, rác, khơi thông dòng chảy các kênh mương; phát động và duy trì phong trào làm sạch đường làng, ngõ xóm; vận động nhân dân không đốt rơm rạ tại cánh đồng, bờ ruộng.

- Tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người dân về sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và phân hóa học; áp dụng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ; phổ biến nhân rộng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); tận dụng các loại phế phẩm nông nghiệp để sản xuất phân hữu cơ, sản xuất nấm…

- Quy hoạch một số vùng chăn nuôi tập trung nhằm đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi quy mô trung bình và lớn, đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường; di dời các cơ sở chăn nuôi ra khu chăn nuôi tập trung; Các trang trại chăn nuôi phải áp dụng các biện pháp xử lý chất thải đạt yêu cầu của các QCVN về môi trường. Đối với chăn nuôi ở quy mô gia đình phải sử dụng phun chế phẩm sinh học để khử mùi và xây lắp các hầm biogas để xử lý chất thải.

- Cải tạo, xây dựng các ao, hồ sinh thái trong khu dân cư, phát triển cây xanh ở các công trình công cộng; đối với các hồ ao đã có sẵn ở địa phương, cần thường xuyên nạo vét bùn, tiêu diệt các loài côn trùng gây các bệnh truyền nhiễm, thau nước (nếu đã bị ô nhiễm). Xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước có nắp kín tại các thôn, làng; hệ thống các trạm xử lý nước thải tập trung cho các khu dân cư nông thôn.

- Tiếp tục thực hiện xây dựng các công trình cấp nước sạch theo Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và VSMT nông thôn. Với mục tiêu 100% dân số của tỉnh phải được sử dụng nước sạch.

- Duy trì và nâng cao tiêu chí môi trường đối với các địa phương trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Chỉnh trang, cải tạo nghĩa trang theo hướng văn minh, hợp vệ sinh, tiết kiệm đất.

- Bố trí lắp đặt các thùng chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng (Tối thiểu 1 thùng chứa/3ha, theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng), sau đó tổ chức thu gom định kỳ 06 tháng/lần để chuyển đến đơn vị có chức năng xử lý: (Chi tiết tại Phụ lục 4).

* Tổng số thùng chứa cần lắp đặt: 14.376 thùng chứa, trong đó:

- Thành phố Bắc Ninh: 1.144 thùng, Thị xã Từ Sơn: 914 thùng, Huyện Tiên Du: 1.618 thùng, Huyện Yên Phong: 1.808 thùng, Huyện Quế Võ: 2.809 thùng, Huyện Thuận Thành: 2.345 thùng, Huyện Gia Bình: 1.825 thùng, Huyện Lương Tài: 1.913 thùng.

* Thông số kỹ thuật: Dụng cụ lưu chứa là các thùng được sản xuất bằng nhựa, có nắp đậy kín; dung tích khoảng 150 lít.

* Tổng kinh phí: 14,376 tỷ đồng (kinh phí đầu tư 01 thùng chứa khoảng 01 triệu đồng).

* Nguồn kinh phí: Nhà nước hỗ trợ 100%.

* Phương thức vận chuyển, xử lý: UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức ký hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại để thu gom trực tiếp từ thùng chứa và vận chuyển đến các Nhà máy xử lý theo quy định với tần suất thu gom tối thiểu 01 lần/6 tháng.

* Kinh phí vận chuyển, xử lý: 1,455 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Nhà nước hỗ trợ 100%.

3.2.4. Đối với các Khu công nghiệp

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN Hanaka theo quy định của Luật bảo vệ môi trường.

- Yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trước khi đi vào hoạt động phải đầu tư xây dựng và tổ chức vận hành hệ thống xử lý nước thải đảm bảo chất lượng nước thải sau khi xử lý đạt Quy chuẩn môi trường cho phép và thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp xử lý khi phát hiện các chỉ tiêu vượt ngưỡng; lắp đặt hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tự động để theo dõi thường xuyên, liên tục chất lượng nước thải trước khi xả ra ngoài môi trường.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất trong KCN vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, không đầu tư các công trình xử lý nước thải, khí thải theo quy định, không ký hợp đồng và chuyển giao các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh với đơn vị có đủ chức năng.

- Hạn chế việc cấp đăng ký đầu tư đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong KCN; không điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, Đăng ký đầu tư cho các cơ sở không xây dựng công trình bảo vệ môi trường, không thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; thu hồi đăng ký đầu tư đối với các đơn vị trong KCN vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường khi có đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh.

- Xây dựng quy chế phối hợp thực hiện các nhiệm vụ quản lý môi trường trong KCN, trong đó quy định cụ thể việc chia sẻ thông tin liên quan đến công tác quản lý môi trường giữa các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.

3.2.5. Đối với các Cụm công nghiệp

- Tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các CCN trên địa bàn tỉnh phù hợp với Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt bởi Quyết định 1369/QĐ-TTg ngày 17/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

- Thực hiện di dời, chuyển đổi các CCN theo Quyết định số 396/QĐ-UBND ngày 31/10/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch các CCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quyết định 1369/QĐ-TTg ngày 17/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

- Ban hành chính sách, chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, dự toán kinh phí hoạt động phát triển CCN trên địa bàn tỉnh.

- Đầu tư xây dựng, hoàn thiện đầy đủ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường (đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải tập trung) đối với các CCN hiện đã đi vào hoạt động. Đối với các CCN đang triển khai, chỉ cho phép hoạt động và tiếp nhận các dự án thứ cấp sau khi đầu tư xong kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường theo quy định.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất trong CCN vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, không đầu tư các công trình xử lý nước thải, khí thải theo quy định, không ký hợp đồng và chuyển giao các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh với đơn vị có đủ chức năng.

3.2.6. Đối với khu đô thị

- Triển khai đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đối với các đô thị trên địa bàn các huyện chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

- Cải tạo, khắc phục ô nhiễm tại các ao, hồ, kênh mương bằng các biện pháp như nạo vét, khơi thông, tăng khả năng lưu thông dòng chảy; triển khai các biện pháp xây dựng hệ thống cống xung quanh các ao, hồ để thu gom nước thải sinh hoạt, dịch vụ đảm bảo nước thải không xả vào trong ao, hồ.

- Tổ chức triển khai xây dựng tại mỗi huyện, thị xã, thành phố ít nhất 01 khu xử lý chất thải rắn xây dựng để tiếp nhận và xử lý đáp ứng nhu cầu đổ thải, tái sử dụng phế thải xây dựng tại địa phương.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng, các phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng nhằm kiểm soát việc phát tán bụi; kiểm tra, xử lý nghiêm việc đổ trộm chất thải xây dựng, bùn thải từ bể tự hoại, bùn thải từ hệ thống thoát nước đô thị và các cơ sở sản xuất vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; xử lý triệt để và di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu đô thị.

- Thực hiện quy hoạch các trạm rửa xe tại các cửa ngõ vào trung tâm đô thị lớn; tăng cường phun nước, quét đường, kiểm tra chặt chẽ việc vệ sinh các phương tiện trước khi đi vào khu vực nội đô để hạn chế lượng bụi phát sinh; kiểm tra, xử lý loại bỏ các phương tiện giao thông đã hết niên hạn sử dụng (nhất là các xe tải, xe chở khách cũ).

- Khuyến khích cộng đồng dân cư sử dụng nhiên liệu sạch trong sinh hoạt. Đảm bảo duy trì diện tích cây xanh, mặt nước đáp ứng tỷ lệ theo tiêu chuẩn đô thị xanh.

3.2.7. Đối với các trường học

a. Tổ chức xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các nhà vệ sinh hiện có đảm bảo các trường học trên địa bàn tỉnh có nhà vệ sinh chung đạt chuẩn Quốc gia và có khu vực tập kết rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường, cụ thể:

- Đối với bậc học mầm non: Nhà vệ sinh xây mới sử dụng thiết kế mẫu điển hình đáp ứng nhu cầu mỗi học sinh 0,3m2.

- Đối với bậc học tiểu học, trung học: Nhà vệ sinh xây mới sử dụng thiết kế mẫu điển hình đáp ứng nhu cầu mỗi học sinh 0,14 m2.

- Vận dụng thiết kế mẫu điển hình vào việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng mới nhà vệ sinh học sinh, giáo viên theo hiện trạng đã được rà soát.

b. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng trường có thể ký hợp đồng với các tổ chức dịch vụ để quản lý, quét dọn các nhà vệ sinh đảm bảo môi trường.

c. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền và chỉ đạo các đơn vị dạy tích hợp nội dung bảo vệ môi trường trong các cấp học nhằm giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường đối với học sinh trên địa bàn tỉnh.

3.2.8. Đối với các cơ sở y tế

Các cơ sở y tế có trách nhiệm thực hiện việc thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMTKế hoạch số 328/KH-UBND ngày 18/10/2017 của UBND tỉnh về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, cụ thể:

a. Xử lý chất thải y tế theo cụm:

Các cơ sở y tế không có hệ thống, thiết bị xử lý chất thải y tế nguy hại theo quy định sẽ được áp dụng mô hình xử lý chất thải y tế nguy hại theo cụm cơ sở y tế. Trong đó, tuyến tỉnh đặt hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Phổi Bắc Ninh; tuyến huyện, thị xã đặt hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại tại 07 Bệnh viện Đa khoa các huyện, thị xã. Cụ thể:

* Cụm 1: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh (Đơn vị xử lý): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho các Bệnh viện, Trung tâm Y tế, Trạm Y tế xã, phường và các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn thành phố Bắc Ninh.

* Cụm 2: Bệnh viện Phổi Bắc Ninh (Đơn vị xử lý): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Phục hồi chức năng và các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh.

* Cụm 3: Bệnh viện Đa khoa TX Từ Sơn (Đơn vị xử lý): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho Trung tâm Y tế thị xã Từ Sơn, các Trạm Y tế xã, phường và các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn thị xã Từ Sơn.

* Cụm 4: Bệnh viện Đa khoa huyện Tiên Du (Đơn vị xử lý): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho Trung tâm Y tế huyện Tiên Du, các Trạm Y tế xã, thị trấn và các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn huyện Tiên Du

* Cụm 5: Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Phong (Đơn vị xử lý): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho Trung tâm Y tế huyện Yên Phong, các Trạm Y tế xã, thị trấn và các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn huyện Yên Phong.

* Cụm 6: Bệnh viện Đa khoa huyện Quế Võ (Đơn vị xử lý): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho Trung tâm Y tế huyện Quế Võ, các Trạm Y tế xã, thị trấn và các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn huyện Quế Võ.

* Cụm 7: Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Thành (Đơn vị xử lý): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành, các Trạm Y tế xã, thị trấn và các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn huyện Thuận Thành.

* Cụm 8: Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Bình (Đơn vị xử lý): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho Trung tâm Y tế huyện Gia Bình, các Trạm Y tế xã, thị trấn và các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn huyện Gia Bình.

* Cụm 9: Bệnh viện Đa khoa huyện Lương Tài (Đơn vị xử lý): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho Trung tâm Y tế huyện Lương Tài, các Trạm Y tế xã, thị trấn và các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn huyện Lương Tài.

Trường hợp vị trí lò đốt chất thải y tế của đơn vị xử lý trong cụm không phù hợp, ảnh hưởng đến môi trường khu vực xung quanh thì có thể chuyển lò đốt sang đơn vị khác trong cụm hoặc chuyển sang đơn vị xử lý của cụm khác.

b. Xử lý chất thải y tế tại chỗ:

Đối với các cơ sở y tế không thuộc danh mục các cơ sở y tế xử lý theo mô hình cụm và đã được đầu tư công trình xử lý chất thải y tế nguy hại đảm bảo theo quy định thì tự xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh từ hoạt động của đơn vị, như: Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, Bệnh viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện tư nhân Kinh Bắc và Bệnh viện Quân y 110. Trường hợp chất thải y tế nguy hại phát sinh vượt quá khả năng xử lý của cơ sở thì phải ký hợp đồng với cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung có Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép, trong đó có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại để xử lý.

c. Đối với các cơ sở y tế còn lại (không thuộc các cơ sở xử lý theo mô hình cụm và chưa được đầu tư công trình xử lý chất thải đảm bảo theo quy định):

Được áp dụng các phương pháp xử lý và tiêu hủy chất thải y tế nguy hại theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế hoặc tiến hành ký hợp đồng với cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung có Giấy phép hành nghề xử lý chất thải nguy hại được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép, trong đó có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại để xử lý.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

4.1. Kinh phí năm 2019:

Trường hợp đầu tư lò đốt theo quy mô cụm xã: Tổng kinh phí là 2.215,206 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Ngân sách Nhà nước 464,706 tỷ đồng, Xã hội hóa 1.750,5 tỷ đồng.

Trường hợp đầu tư lò đốt theo quy mô xã: Tổng kinh phí là 2.286,206 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Ngân sách Nhà nước 565,706 tỷ đồng, Xã hội hóa 1.720,5 tỷ đồng, trong đó:

4.1.1. Kinh phí truyền thông: 12,435 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước 100%, cụ thể:

a. Kinh phí tập huấn phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình: 01 tỷ đồng.

b. Kinh phí tuyên truyền, phát động phong trào làm sạch đồng ruộng; phong trào vớt bèo, khơi thông dòng chảy, kênh mương; phong trào làm sạch đường làng, ngõ xóm; nhân rộng mô hình “Làng 3 sạch”, “đường hoa”; xây dựng mô hình điểm “Làng nông thôn mới kiểu mẫu” tại 08 làng thuộc 08 huyện/thị xã/thành phố: 04 tỷ đồng.

c. Kinh phí tập huấn kỹ thuật cho người dân về sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và phân hóa học, không sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật không có nguồn gốc rõ ràng hoặc đã bị cấm: 01 tỷ đồng.

d. Kinh phí tập huấn kỹ thuật cho người dân về sử dụng phế phẩm nông nghiệp, rơm rạ…để sản xuất phân hữu cơ, trồng nấm: 01 tỷ đồng.

e. Kinh phí tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong các làng nghề, khu dân cư: 01 tỷ đồng.

f. Kinh phí tổ chức tập huấn, tuyên truyền trong các cấp học nhằm giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường đối với học sinh trên địa bàn tỉnh: 01 tỷ đồng.

g. Kinh phí tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động người dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường cho 126 xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh: 3,135 tỷ đồng, cụ thể:

- Đối với 26 xã, phường, thị trấn loại 1 là: 0,78 tỷ đồng (30 triệu đồng/01 xã, phường, thị trấn).

- Đối với 71 xã, phường, thị trấn loại 2 là: 1,775 tỷ đồng (25 triệu đồng/01 xã, phường, thị trấn).

- Đối với 29 xã, phường, thị trấn loại 3 là: 0,58 tỷ đồng (20 triệu đồng/01 xã, phường, thị trấn).

h. Kinh phí tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường thông qua các chương trình của Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh: 0,2 tỷ đồng.

i. Kinh phí tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường thông qua Báo Bắc Ninh: 0,1 tỷ đồng.

4.1.2. Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt:

Trường hợp đầu tư lò đốt theo quy mô cụm xã: 1.973,4 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Ngân sách Nhà nước 234,9 tỷ đồng, xã hội hóa 1.738,5 tỷ đồng.

Trường hợp đầu tư lò đốt theo quy mô xã: 2.044,4 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Ngân sách Nhà nước 335,9 tỷ đồng, xã hội hóa 1.708,5 tỷ đồng, cụ thể:

a. Kinh phí đầu tư lò đốt rác tại các địa phương:

- Trường hợp đầu tư lò đốt theo quy mô cụm xã: Kinh phí đầu tư 12 lò đốt rác để xử lý cấp bách tại thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du và huyện Yên Phong: 84 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Nhà nước hỗ trợ 24 tỷ đồng, Xã hội hóa 60 tỷ đồng.

- Trường hợp đầu tư lò đốt theo quy mô xã: Kinh phí đầu tư 31 lò đốt rác để xử lý cấp bách tại thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du và huyện Yên Phong: 155 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Nhà nước hỗ trợ 125 tỷ đồng, Xã hội hóa 30 tỷ đồng.

b. Kinh phí đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại huyện Quế Võ, huyện Thuận Thành và huyện Lương Tài:

- Dự án “Đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng” tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ: 678,5 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Công ty Cổ phần môi trường Năng lượng Thăng Long.

- Dự án “Đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng” tại xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành: 500 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Xã hội hóa.

- Dự án “Đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng huyện Lương Tài” tại xã An Thịnh, huyện Lương Tài: 500 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Xã hội hóa.

c. Kinh phí triển khai mô hình điểm xử lý rác thải bằng phương pháp không đốt, không khói bụi tại xã Đông Thọ, huyện Yên Phong: 4,5 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Nhà nước hỗ trợ 100%.

d. Kinh phí vận chuyển và xử lý: 206,4 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Nhà nước hỗ trợ 100%.

4.1.3. Xử lý ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn: 15,831 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100%, cụ thể:

a. Kinh phí mua các thùng chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng: 14,376 tỷ đồng.

b. Kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật: 1,455 tỷ đồng.

4.1.4. Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề: 23,5 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100%, cụ thể:

a. Kinh phí triển khai dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phong Khê: 21 tỷ đồng.

b. Kinh phí triển khai dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề bún Khắc Niệm: 2,5 tỷ đồng.

4.1.5. Xử lý ô nhiễm môi trường KCN: Kinh phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN Hanaka: 12 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Công ty cổ phần tập đoàn Hanaka.

4.1.6. Bảo vệ môi trường trong các trường học: Kinh phí cải tạo, nâng cấp các nhà vệ sinh và khu vực tập kết rác thải: 166,34 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100%.

4.1.7. Hoạt động bảo vệ môi trường khác: 11,7 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100%, cụ thể:

a. Kinh phí đầu tư máy móc, trang thiết bị kỹ thuật về bảo vệ môi trường: 3,5 tỷ đồng.

b. Kinh phí xây dựng cơ sở dữ liệu các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và dữ liệu xử lý đối tượng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường: 1,5 tỷ đồng.

c. Kinh phí điều tra cơ bản, toàn diện các cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường: 1,2 tỷ đồng.

d. Kinh phí chương trình phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường: 1,5 tỷ đồng.

e. Kinh phí xây dựng phần mềm quản lý các trạm quan trắc môi trường tự động và giám sát các phương tiện vận chuyển, các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt: 02 tỷ đồng.

f. Phát tặng túi thân thiện với môi trường có in logo và khẩu hiệu “Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch” đến người dân để giảm phát thải túi nilon: 02 tỷ đồng.

4.2. Kinh phí năm 2020:

Tổng kinh phí là 2.070,59 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước là 392,09 tỷ đồng, Xã hội hóa là 1.678,5 tỷ đồng (chưa tính kinh phí đầu tư các dự án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, cụm công nghiệp, nông thôn). Trong đó:

4.2.1. Kinh phí truyền thông: 13,435 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước 100%, cụ thể:

a. Kinh phí tập huấn phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình: 01 tỷ đồng.

b. Kinh phí tuyên truyền, phát động phong trào làm sạch đồng ruộng; phong trào vớt bèo, khơi thông dòng chảy, kênh mương; phong trào làm sạch đường làng, ngõ xóm; nhân rộng mô hình “Làng 3 sạch”, “đường hoa”; xây dựng mô hình điểm “Làng nông thôn mới kiểu mẫu” tại 08 làng thuộc 08 huyện/thị xã/thành phố: 04 tỷ đồng.

c. Kinh phí tập huấn kỹ thuật cho người dân về sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và phân hóa học, không sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật không có nguồn gốc rõ ràng hoặc đã bị cấm: 01 tỷ đồng.

d. Kinh phí tập huấn kỹ thuật cho người dân về sử dụng phế phẩm nông nghiệp, rơm rạ…để sản xuất phân hữu cơ, trồng nấm: 01 tỷ đồng.

e. Kinh phí tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong các làng nghề, khu dân cư: 01 tỷ đồng.

f. Kinh phí tổ chức tập huấn, tuyên truyền trong các cấp học nhằm giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường đối với học sinh trên địa bàn tỉnh: 01 tỷ đồng.

g. Tập huấn nâng cao năng lực phát hiện, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cho lực lượng Cảnh sát môi trường: 01 tỷ đồng.

h. Kinh phí tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động người dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường cho 126 xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh: 3,135 tỷ đồng, cụ thể:

- Đối với 26 xã, phường, thị trấn loại 1 là: 0,78 tỷ đồng (30 triệu đồng/01 xã, phường, thị trấn).

- Đối với 71 xã, phường, thị trấn loại 2 là: 1,775 tỷ đồng (25 triệu đồng/01 xã, phường, thị trấn).

- Đối với 29 xã, phường, thị trấn loại 3 là: 0,580 tỷ đồng (20 triệu đồng/01 xã, phường, thị trấn).

i. Kinh phí tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường thông qua các chương trình của Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh: 0,2 tỷ đồng.

k. Kinh phí tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường thông qua Báo Bắc Ninh: 0,1 tỷ đồng.

4.2.2. Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt: 1.884,9 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Ngân sách Nhà nước 206,4 tỷ đồng, xã hội hóa 1.678,5 tỷ đồng, cụ thể:

a. Kinh phí vận chuyển và xử lý: 206,4 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Nhà nước hỗ trợ 100%.

b. Kinh phí đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại huyện Quế Võ và huyện Lương Tài:

- Dự án “Đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng” tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ: 678,5 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Công ty Cổ phần môi trường Năng lượng Thăng Long.

- Dự án “Đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng” tại xã Ngũ Thái, huyện Thành: 500 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Xã hội hóa.

- Dự án “Đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng huyện Lương Tài” tại xã An Thịnh, huyện Lương Tài: 500 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Xã hội hóa.

4.2.3. Xử lý ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn:

a. Kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và thoát nước tại các khu dân cư nông thôn: Xác định theo từng dự án cụ thể. Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước 100%.

b. Kinh phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi tập trung: Xác định theo từng dự án cụ thể. Nguồn kinh phí: Áp dụng theo Nghị quyết số 31/2016/NQ-HĐND18 ngày 08/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

c. Kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng: 1,455 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Nhà nước hỗ trợ 100%.

d. Kinh phí nâng cấp và xây dựng mới các công trình nghĩa trang, cải tạo ao hồ khu vực nông thôn: Xác định theo từng dự án cụ thể. Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước 100%.

4.2.4. Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề: Kinh phí xử lý các làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xác định theo từng dự án cụ thể. Nguồn kinh phí: Nhà nước hỗ trợ 80% tổng kinh phí thực hiện dự án, 20% còn lại do doanh nghiệp, cơ sở phát sinh chất thải đóng góp. Kinh phí vận hành công trình xử lý nước thải tập trung do các doanh nghiệp trong làng nghề đóng góp chi trả 100% (Thực hiện theo Nghị quyết số 35/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 và Quyết định số 47/2016/QĐ-UBND ngày 21/12/2016 về quan điểm và nguyên tắc xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn và ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020).

4.2.5. Xử lý ô nhiễm môi trường KCN: Kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở về bảo vệ môi trường đối với các KCN xác định theo từng dự án cụ thể. Nguồn kinh phí: Chủ dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp.

4.2.6. Xử lý ô nhiễm môi trường CCN: Kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở về bảo vệ môi trường đối với các CCN được xác định theo từng dự án cụ thể. Nguồn kinh phí: Thực hiện theo chính sách, chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, dự toán kinh phí hoạt động phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

4.2.7. Xử lý ô nhiễm môi trường khu đô thị:

a. Kinh phí đầu tư xây dựng các công trình thu gom và xử lý nước thải tại các thị trấn xác định theo từng dự án cụ thể. Nguồn kinh phí: Kinh phí đầu tư hệ thống Nhà nước hỗ trợ 100%. Kinh phí vận hành hệ thống xử lý do nhân dân đóng góp.

b. Kinh phí cải tạo, khắc phục ô nhiễm tại các ao, hồ, kênh mương nội đô xác định theo từng dự án cụ thể. Nguồn kinh phí: Nhà nước hỗ trợ 100%.

c. Kinh phí xây dựng một số trạm rửa xe tại một số tuyến đường cửa ngõ vào trung tâm thành phố xác định theo từng dự án cụ thể. Nguồn kinh phí: Xã hội hóa.

d. Kinh phí xây dựng khu xử lý chất thải rắn xây dựng xác định theo từng dự án cụ thể. Nguồn kinh phí: Xã hội hóa.

4.2.8. Bảo vệ môi trường trong các trường học: Kinh phí đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các nhà vệ sinh và khu vực tập kết rác thải: 160,8 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100%.

4.2.9. Hoạt động bảo vệ môi trường khác: 10 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Nhà nước hỗ trợ 100%, cụ thể:

a. Kinh phí tổ chức khảo sát, điều tra, nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu tổng thể về hiện trạng môi trường và tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cho lực lượng Cảnh sát môi trường: 03 tỷ đồng.

b. Kinh phí đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường: 05 tỷ đồng.

c. Phát tặng túi thân thiện với môi trường có in logo và khẩu hiệu “Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch” đến người dân để giảm phát thải túi nilon: 02 tỷ đồng.

4.3. Kinh phí giai đoạn 2021-2025:

Tổng kinh phí là 1.356,6 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước là 324,6 tỷ đồng. Xã hội hóa là 1.032 tỷ đồng (chưa tính kinh phí đầu tư các dự án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, cụm công nghiệp, nông thôn), trong đó:

4.3.1. Kinh phí truyền thông: 41,175 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước 100%, cụ thể:

a. Kinh phí tập huấn phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình: 02 tỷ đồng.

b. Kinh phí tập huấn kỹ thuật cho người dân về sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và phân hóa học, không sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật không có nguồn gốc rõ ràng hoặc đã bị cấm: 05 tỷ đồng.

c. Kinh phí tập huấn kỹ thuật cho người dân về sử dụng phế phẩm nông nghiệp, rơm rạ…để sản xuất phân hữu cơ, trồng nấm…: 05 tỷ đồng.

d. Kinh phí Tổ chức thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong các làng nghề, khu dân cư, các Khu công nghiêp, Cụm công nghiệp: 05 tỷ đồng.

e. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền trong các cấp học nhằm giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường đối với học sinh trên địa bàn tỉnh: 05 tỷ đồng.

f. Tập huấn nâng cao năng lực phát hiện, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cho lực lượng Cảnh sát môi trường: 02 tỷ đồng.

g. Kinh phí tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động người dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường cho 126 xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh: 15,675 tỷ đồng, cụ thể:

- Đối với 26 xã, phường, thị trấn loại 1 là: 3,9 tỷ đồng (30 triệu đồng/01 xã, phường, thị trấn).

- Đối với 71 xã, phường, thị trấn loại 2 là: 8,875 tỷ đồng (25 triệu đồng/01 xã, phường, thị trấn).

- Đối với 29 xã, phường, thị trấn loại 3 là: 2,9 tỷ đồng (20 triệu đồng/01 xã, phường, thị trấn).

h. Kinh phí tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường thông qua các chương trình của Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh: 01 tỷ đồng.

i. Kinh phí tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường thông qua Báo Bắc Ninh: 0,5 tỷ đồng.

4.3.2. Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt: 1.129,5 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Ngân sách Nhà nước 97,5 tỷ đồng, xã hội hóa 1.032 tỷ đồng, cụ thể:

a. Kinh phí vận chuyển và xử lý rác tồn đọng: 97,5 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Nhà nước hỗ trợ 100%.

b. Kinh phí vận chuyển và xử lý rác phát sinh mới: 1.032 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Nhân dân tự đóng góp.

4.3.3. Xử lý ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn:

a. Kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và thoát nước tại các khu

dân cư nông thôn: Xác định theo từng dự án cụ thể. Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước 100%.

b. Kinh phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi tập trung: Xác định theo từng dự án cụ thể. Nguồn kinh phí: Áp dụng theo Nghị quyết số 31/2016/NQ-HĐND18 ngày 08/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

c. Kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng: 7,275 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Nhà nước hỗ trợ 100%.

d. Kinh phí nâng cấp và xây dựng mới các công trình nghĩa trang, cải tạo ao hồ khu vực nông thôn: Xác định theo từng dự án cụ thể. Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước 100%.

4.3.4. Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề: Kinh phí xử lý các làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xác định theo từng dự án cụ thể. Nguồn kinh phí: Nhà nước hỗ trợ 80% tổng kinh phí thực hiện dự án, 20% còn lại do doanh nghiệp, cơ sở phát sinh chất thải đóng góp. Kinh phí vận hành công trình xử lý nước thải tập trung do các doanh nghiệp trong làng nghề đóng góp chi trả 100% (Thực hiện theo Nghị quyết số 35/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 và Quyết định số 47/2016/QĐ-UBND ngày 21/12/2016 về quan điểm và nguyên tắc xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn và ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020).

4.3.5. Xử lý ô nhiễm môi trường KCN: Kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở về bảo vệ môi trường đối với các KCN xác định theo từng dự án cụ thể. Nguồn kinh phí: Chủ dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp.

4.3.6. Xử lý ô nhiễm môi trường CCN: Kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở về bảo vệ môi trường đối với các CCN được xác định theo từng dự án cụ thể. Nguồn kinh phí: Thực hiện theo chính sách, chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, dự toán kinh phí hoạt động phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

4.3.7. Xử lý ô nhiễm môi trường khu đô thị:

a. Kinh phí đầu tư xây dựng các công trình thu gom và xử lý nước thải tại các thị trấn: Xác định theo từng dự án cụ thể. Nguồn kinh phí: Kinh phí đầu tư hệ thống Nhà nước hỗ trợ 100%. Kinh phí vận hành hệ thống xử lý do nhân dân đóng góp.

b. Kinh phí cải tạo, khắc phục ô nhiễm tại các ao, hồ, kênh mương nội đô: Xác định theo từng dự án cụ thể. Nguồn kinh phí: Nhà nước hỗ trợ 100%.

c. Kinh phí xây dựng một số trạm rửa xe tại một số tuyến đường cửa ngõ vào trung tâm thành phố: Xác định theo từng dự án cụ thể. Nguồn kinh phí: Xã hội hóa.

d. Kinh phí xây dựng khu xử lý chất thải rắn xây dựng: Xác định theo từng dự án cụ thể. Nguồn kinh phí: Xã hội hóa.

4.3.8. Bảo vệ môi trường trong các trường học: Kinh phí đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các nhà vệ sinh và khu vực tập kết rác thải: 162,67 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100%.

4.3.9. Điều tra, khảo sát, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường: 16 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Nhà nước hỗ trợ 100%. Trong đó:

a. Kinh phí tổ chức khảo sát, điều tra, nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu tổng thể về hiện trạng môi trường và tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cho lực lượng Cảnh sát môi trường: 06 tỷ đồng.

b. Kinh phí đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường: 10 tỷ đồng.

* Danh mục chi tiết các chương trình, dự án về bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn sinh hoạt, các làng nghề, khu vực nông thôn, KCN, CCN, khu đô thị và trường học (chi tiết tại Phụ lục 5).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy căn cứ tình hình thực tế của địa phương có Nghị quyết hoặc Kết luận, Chỉ thị chuyên đề về việc thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2019-2025 và Chủ đề năm 2019 của tỉnh Bắc Ninh, trên cơ sở Kế hoạch bảo vệ môi trường của địa phương.

- Thành lập Ban chỉ đạo để thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong đó phân công cụ thể đến từng tổ chức và cá nhân và gắn trách nhiệm tổ chức thực hiện; phân công lãnh đạo theo dõi phụ trách đến từng xã; xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể trong từng tháng, từng quý, thời hạn hoàn thành trong tháng 6 năm 2019.

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, tiến hành lập các dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ.

- Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động các phong trào về bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh bằng các hình thức khác nhau với các nội dung cụ thể như: Công tác phân loại chất thải sinh hoạt tại hộ gia đình, phát động các phong trào làm sạch ruộng đồng, vớt bèo, khơi thông dòng chảy kênh mương; vận động doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng và toàn dân hạn chế tối đa sử dụng túi ni lông, để chuyển sang sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường như túi giấy, lá chuối,...để bao gói sản phẩm; làm sạch đường làng, ngõ xóm; sự cần thiết phải đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung, lò đốt rác trên địa bàn các huyện, thị xã.

- Vận hành đảm bảo hoạt động hiệu quả, vệ sinh môi trường đối với các điểm tập kết rác thải; tiếp tục áp dụng các biện pháp xử lý tại chỗ (đánh đống, phun chế phẩm, dùng vật liệu chống thấm bao phủ bề mặt để hạn chế phát tán mùi…) đối với các điểm tập kết còn rác tồn đọng, thời hạn hoàn thành trong tháng 5 năm 2019 và tiếp tục thực hiện. Trường hợp lượng chất thải tồn đọng tại các điểm tập kết quá tải thì UBND các huyện, thị xã chỉ đạo thu gom về các lò đốt chất thải quy mô nhỏ đang hoạt động trên địa bàn huyện, thị xã để xử lý.

- Triển khai quy hoạch, xây dựng tại mỗi huyện, thị xã, thành phố ít nhất 01 khu xử lý chất thải rắn xây dựng để tiếp nhận và xử lý đáp ứng nhu cầu đổ thải, tái sử dụng phế thải xây dựng tại địa phương, thời hạn hoàn thành trong năm 2020.

- Thành lập Hợp tác xã hoặc Tổ chức dịch vụ môi trường trên địa bàn tỉnh, thời hạn hoàn thành trong tháng 6 năm 2019.

- Tập trung triển khai ngay việc đầu tư lò đốt để xử lý cấp bách chất thải rắn sinh hoạt, tùy theo tình hình của từng địa phương chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn số lượng, địa điểm lò đốt rác thải sinh hoạt hoặc các phương án xử lý thích hợp, đảm bảo xử lý ô nhiễm môi trường tại địa phương mình (cụ thể: tháng 5/2019 lựa chọn xong vị trí; tháng 5,6/2019 tổ chức GPMB; tháng 8/2019 tổ chức lựa chọn xong nhà đầu tư; thi công và đưa vào vận hành từ tháng 10/2019).

- UBND huyện Lương Tài tập trung tuyên truyền đến nhân dân trên địa bàn nhằm tạo sự đồng thuận trong việc triển khai xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng, thời hạn hoàn thành trong tháng 5 năm 2019.

- UBND huyện Thuận Thành lựa chọn địa điểm, tổ chức lấy ý kiến nhân dân và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để triển khai xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng, thời hạn hoàn thành trong tháng 10 năm 2019.

- Tiến hành trồng dải cây xanh xung quanh các khu xử lý chất thải tập trung và lò đốt rác tại các địa phương nhằm ngăn ngừa sự phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh đồng thời tạo cảnh quan, môi trường sinh thái khu vực xử lý, thời hạn hoàn thành trong tháng 10 năm 2019.

- Tổ chức triển khai thực hiện các Dự án xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất trong làng nghề, yêu cầu thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư các công trình xử lý nước thải, khí thải theo quy định, ký hợp đồng và chuyển giao các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh với đơn vị có đủ chức năng.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng Phương án bảo vệ môi trường làng nghề; thành lập Tổ tự quản về bảo vệ môi trường, thời hạn hoàn thành trong năm 2019.

- Tiếp nhận, bàn giao cho các địa phương lắp đặt thùng chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; Tổ chức ký hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại để thu gom trực tiếp bao gói thuốc BVTV sau sử dụng từ thùng chứa và vận chuyển đến các Nhà máy xử lý theo quy định với tần suất thu gom tối thiểu 06 tháng/01 lần.

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức di dời các trang trại chăn nuôi quy mô trung bình trở lên ra khu chăn nuôi tập trung cách xa ranh giới khu dân cư; yêu cầu các hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi quy mô nhỏ sử dụng phun chế phẩm sinh học để khử mùi và xây lắp các hầm biogas để xử lý chất thải.

- Cải tạo, khắc phục ô nhiễm tại các ao, hồ, kênh mương tại các khu đô thị, nông thôn bằng các biện pháp như nạo vét, khơi thông, tăng khả năng lưu thông dòng chảy; triển khai các biện pháp xây dựng hệ thống cống xung quanh các ao, hồ để thu gom nước thải sinh hoạt đảm bảo nước thải không xả vào trong ao, hồ.

- Triển khai đầu tư xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống xử lý nước thải tập trung đối với các đô thị trên địa bàn các huyện chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; Rà soát đảm bảo diện tích cây xanh, mặt nước trên địa bàn để đảm bảo diện tích cây xanh quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.

- Đầu tư xây dựng, hoàn thiện đầy đủ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với các CCN hiện đã đi vào hoạt động do huyện, xã làm chủ đầu tư; kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng, các cơ sở sản xuất trong CCN phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư các công trình xử lý chất thải theo quy định; thực hiện chuyển đổi các CCN theo Quyết định số 396/QĐ-UBND ngày 31/10/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong việc triển khai thực hiện Đề án; hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện đề án của các ngành, các cấp.

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh; Phát hành tài liệu tuyên truyền về bảo vệ môi trường, hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, hoàn thành xong trong tháng 5 năm 2019.

- Tiến hành sửa đổi, bổ sung Quy định mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh để tiến hành thu giá dịch vụ theo khẩu, đảm bảo lấy thu bù chi và chế độ của người lao động, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 10 năm 2019.

- Tổ chức mua các thùng chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo đồng nhất về mẫu mã, chủng loại, bàn giao cho các huyện, thị xã, thành phố để triển khai, thực hiện.

- Kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung các giải pháp cụ thể để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã vận dụng các quy định của pháp luật để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng khu xử lý, cung cấp lò đốt và đấu thầu lựa chọn đơn vị quản lý vận hành lò đốt (trong trường hợp Nhà nước đầu tư).

- Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn đầu tư cho việc xây dựng và thực hiện các dự án bảo vệ môi trường theo kế hoạch của các ngành, các cấp; đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến, thu hút các nguồn vốn đầu tư thực hiện các dự án về bảo vệ môi trường.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở liên quan, UBND cấp huyện triển khai bảo đảm yêu cầu lồng ghép các nội dung về bảo vệ môi trường trong chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh.

- Tham mưu ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể để thu hút các dự án đầu tư về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư công, đầu tư xây dựng các công trình xử lý môi trường tập trung tại các làng nghề, khu dân cư, cụm công nghiệp, khu kinh doanh dịch vụ làng nghề, ưu tiên các làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

4. Sở Tài chính

- Tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các chương trình, đề án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường được UBND tỉnh phê duyệt.

- Hàng năm, trên cơ sở dự toán kinh phí sự nghiệp môi trường của các cơ quan, đơn vị, các huyện, thị xã, thành phố do Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp và khả năng cân đối của ngân sách, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phân bổ, giao dự toán kinh phí sự nghiệp môi trường cho các cơ quan, đơn vị, các huyện, thị xã, thành phố theo quy định.

5. Sở Xây dựng

- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng về cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, công viên cây xanh, nghĩa trang, xử lý chất thải rắn và nước thải tại đô thị, khu sản xuất dịch vụ tập trung, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, các hoạt động khác trong lĩnh vực quản lý.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường nhằm kiểm soát việc phát tán bụi tại các địa điểm thi công xây dựng.

- Tổ chức thẩm định dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước phải kèm theo hệ thống xử lý bùn thải sinh hoạt đảm bảo đồng bộ, dự án xử lý phế thải vật liệu xây dựng theo phân cấp; xem xét việc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trước khi cấp phép xây dựng đối với các công trình được giao tham mưu, không cấp phép xây dựng đối với các cơ sở chưa thực hiện việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường.

- Lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật khu xử lý chất thải, đầu tư xây dựng, tổ chức vận hành công trình công cộng phục vụ quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Giao thông vận tải

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành và cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm do chủ phương tiện vận chuyển làm rơi, vãi, đổ vật liệu xây dựng, chất thải bừa bãi trên vỉa hè, lòng đường và nơi công cộng theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

- Nghiên cứu lập dự án xây dựng một số trạm rửa xe tại khu vực các bãi trung chuyển, khai thác vật liệu xây dựng và một số tuyến đường cửa ngõ vào trung tâm thành phố.

- Quy hoạch, xây dựng hạ tầng giao thông đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường. Tổ chức quản lý đối với chất thải nguy hại, chất thải rắn thông thường, nước thải, khí thải phát sinh từ hoạt động giao thông vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt bảo đảm phù hợp theo quy định, đảm bảo không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc lắp đặt các thùng chứa, việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh, thời hạn hoàn thành trong tháng 5 năm 2019.

- Tổ chức tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh; tăng cường tập huấn kỹ thuật cho người dân về sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và phân hóa học, không sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật không có nguồn gốc rõ ràng hoặc đã bị cấm; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân áp dụng biện pháp sản xuất nông sản sạch,nông nghiệp hữu cơ; phổ biến nhân rộng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để hạn chế sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật.

- Tiếp tục thực hiện xây dựng các công trình cấp nước sạch theo Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và VSMT nông thôn; tổ chức quản lý bùn nạo vét từ kênh, mương và các công trình thủy lợi, đảm bảo không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, UBND các cấp thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm; chủ trì hướng dẫn quản lý việc thu gom, lưu giữ chất thải phát sinh trong các hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi.

- Tổng hợp, trình UBND tỉnh kế hoạch phát triển làng nghề, kế hoạch chuyển đổi ngành nghề hoặc di rời ra khỏi khu dân cư đối với cơ sở sản xuất không thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển và gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

8. Sở Công thương

- Tiến hành rà soát và trình điều chỉnh quy hoạch các CCN, quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, thời hạn hoàn thành trong tháng 11 năm 2019.

- Xây dựng và trình HĐND, UBND tỉnh ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường đối với các CCN, thời hạn hoàn thành trong tháng 7 năm 2019.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan xây dựng kế hoạch, triển khai áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng trong các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.

9. Sở Khoa học & Công nghệ

- Chủ trì, phối hợp các ngành, các cấp liên quan xây dựng, hướng dẫn tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, chuyển giao, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ về bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực: Tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn đa dạng sinh học; kiểm soát ô nhiễm, quan trắc, dự báo các biến đổi môi trường; ứng phó biến đổi khí hậu; đặc biệt lưu ý nghiên cứu việc tái sử dụng phế phẩm nông nghiệp (rơm, rạ) để sản xuất phân hữu cơ, sản xuất nấm…

- Bảo đảm quyền lợi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát huy sáng kiến và áp dụng các giải pháp công nghệ trong bảo vệ môi trường.

- Kiểm soát, không cho triển khai các công nghệ, sáng chế tiêu tốn nguyên nhiên liệu, lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đầu tư vào sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

- Thẩm định công nghệ các dự án đầu tư theo quy định tại Luật chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14 ngày 19/6/2017.

10. Ban quản lý các Khu công nghiệp

- Đôn đốc, yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trước khi đi vào hoạt động phải đầu tư xây dựng và tổ chức vận hành hệ thống xử lý nước thải đảm bảo chất lượng nước thải sau khi xử lý đạt Quy chuẩn môi trường cho phép; lắp đặt hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tự động để theo dõi thường xuyên, liên tục chất lượng nước thải trước khi xả ra ngoài môi trường. Trước mắt, yêu cầu Công ty Cổ phần tập đoàn Hanaka phải hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp Hanaka theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Triển khai rà soát và yêu cầu các cơ sở sản xuất trong Khu công nghiệp phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư các công trình xử lý chất thải theo quy định.

- Sửa đổi quy chế phối hợp thực hiện các nhiệm vụ quản lý môi trường trong KCN, trong đó quy định cụ thể việc chia sẻ thông tin liên quan đến công tác quản lý môi trường giữa các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.

11. Công an tỉnh

- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm về môi trường và bảo đảm an ninh trật tự trong lĩnh vực môi trường.

- Thực hiện việc điều tra, phát hiện, xử lý các hành vi chôn, lấp, xả thải, đốt, đổ trộm chất thải gây ô nhiễm môi trường; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải chất thải xây dựng, bùn thải từ bể tự hoại, bùn thải từ hệ thống thoát nước đô thị.

- Tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố môi trường xảy ra trên địa bàn tỉnh hoặc liên tỉnh theo quy định pháp luật; xây dựng cơ sở dữ liệu tổng thể về hiện trạng môi trường và tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

12. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Hoàn thành việc xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các nhà vệ sinh hiện có đảm bảo các trường học trên địa bàn tỉnh có nhà vệ sinh chung đạt chuẩn Quốc gia và có khu vực tập kết rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường, thời hạn hoàn thành trong tháng 11 năm 2019.

- Tổ chức tập huấn, tuyên truyền và chỉ đạo các đơn vị dạy tích hợp nội dung bảo vệ môi trường trong các cấp học nhằm giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường đối với học sinh trên địa bàn tỉnh.

13. Sở Y tế

- Đôn đốc các cơ sở y tế duy trì thực hiện việc thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMTKế hoạch số 328/KH-UBND ngày 18/10/2017 của UBND tỉnh về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

- Nghiên cứu vị trí thích hợp để triển khai lắp đặt lò đốt theo mô hình xử lý chất thải y tế nguy hại theo cụm tại các đơn vị xử lý có vị trí lò đốt không phù hợp.

- Kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

14. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Ninh

Chỉ đạo các cơ quan báo chí, đài phát thanh các huyện, thị xã, thành phố và đài truyền thanh cơ sở tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về các hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Xây dựng phóng sự tuyên truyền, ghi hình, đưa tin về các hoạt động bảo vệ môi trường; tuyên truyền bằng các hình thức truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội. Nêu gương tổ chức, cá nhân làm tốt, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, các hành vi, thói quen, tập quán sinh hoạt lạc hậu gây tác hại đến môi trường; các hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn; hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý chất thải chăn nuôi, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật.

Xây dựng chuyên mục về bảo vệ môi trường trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh với tần suất 01 tuần/lần; thường xuyên có các chuyên mục về bảo vệ môi trường trên Báo Bắc Ninh.

15. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy

- Tuyên truyền liên tục, kiên trì chủ trương của tỉnh đến người dân để trở thành quyết tâm chính trị của các cấp, ngành, địa phương, cơ quan đơn vị; tuyên truyền kịp thời, chính xác, đảm bảo đúng định hướng để tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận trong hành động và tự nguyện, tự giác thực hiện.

- Thông qua đội ngũ báo cáo viên đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về thực trạng, nguy cơ và các hiểm họa tác động từ ô nhiễm môi trường tới cuộc sống con người; trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường, việc phân loại rác tại nguồn…

- Duy trì chuyên mục “Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch” trên cuốn Thông tin sinh hoạt chi bộ, cung cấp những thông tin cập nhật phục vụ sinh hoạt chi bộ hàng tháng trong toàn Đảng bộ.

- Tăng cường nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, dư luận xã hội của cán bộ Đảng viên và các tầng lớp nhân dân tại các địa phương có dự án xử lý môi trường, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, nhằm tạo sự ủng hộ, đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, tránh để xảy ra điểm nóng; chuẩn bị kế hoạch (kịch bản) tuyên truyền ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; đấu tranh mạnh mẽ, phản bác các luận điểm sai trái lợi dụng vấn đề môi trường gây mất trật tự an toàn xã hội;

16. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các Tổ chức chính trị xã hội:

- Tiếp tục duy trì và phát huy các phong trào, lựa chọn việc làm cụ thể như phân loại rác tại nguồn, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không sử dụng túi nilon trong sinh hoạt…với phương châm lấy thôn, làng, khu phố, trường học, nhà chung cư làm địa bàn vận động, lấy hộ gia đình, hội viên, đoàn viên làm đối tượng vận động.

- Phát động phong trào các phong trào về bảo vệ môi trường đến 100% các xã trên địa bàn tỉnh, thời giai triển khai các phong trào từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2019 và duy trì thực hiện, trong đó:

+ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ trì phát động Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, làm sạch đường làng, ngõ, xóm.

+ Hội Nông dân tỉnh chủ trì phát động Phong trào thu gom rác thải, phế thải làm sạch ruộng đồng, vớt bèo, rác, khơi thông dòng chảy các kênh mương; tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt rơm rạ tại cánh đồng, bờ ruộng.

+ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh chủ trì phát động phong trào hạn chế phát thải nhựa, túi nilon, tích cực sử dụng các sản phẩm có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi nilon.

+ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chủ trì phát động Phong trào phân loại chất thải tại nguồn tới 100% hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh; nhân rộng mô hình làng 3 sạch”, mô hình đường hoa”; triển khai mô hình điểm làng nông thôn mới kiểu mẫu” đối với 08 làng trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố;

17. Liên minh hợp tác xã tỉnh

Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát thực trạng và tham mưu UBND tỉnh việc thành lập Hợp tác xã hoặc tổ chức dịch vụ môi trường trên địa bàn tỉnh để thực hiện việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt và quản lý các điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt.

18. Đơn vị quản lý, vận hành khu xử lý chất thải tập trung, lò đốt rác

- Tổ chức và duy trì hoạt động hiệu quả, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các khu xử lý rác thải tập trung và các lò đốt đã triển khai.

- Đẩy nhanh việc triển khai xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng đảm bảo đúng tiến độ, vận hành hiệu quả và đảm bảo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường./.

 

PHỤ LỤC 1

KINH PHÍ ĐÃ ĐẦU TƯ CHO CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT

1. Kinh phí đầu tư khu xử lý và các lò đốt

TT

Tên hạng mục

Kinh phí (tỷ đồng)

Tổng

Ngân sách nhà nước

Nguồn khác

1.

Khu xử lý tập trung huyện Gia Bình

70

20

50

2.

Nhà máy xử lý của Công ty TNHH Môi trường đô thị Hùng Phát

200

0

200

3.

Nhà máy xử lý của Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành

140

40

100

4.

Khu xử lý tập trung huyện Yên Phong

30

30

0

5.

Khu xử lý tập trung huyện Lương Tài

48,3

48,3

0

6.

Lò đốt chất thải tại phường Châu Khê

7

0

7

7.

Lò đốt chất thải tại xã Phù Khê

6

0

6

8.

Lò đốt chất thải tại phường Đình Bảng

8

3

5

9.

Lò đốt chất thải tại thị trấn Chờ

10

3

7

10.

Lò đốt chất thải tại thị trấn Lim

8

3

5

11.

Đền bù giải phóng mặt bằng Khu xử lý chất thải rắn tập trung tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ

62,2

62,2

0

 

Tổng

589,5

209,5

380

2. Kinh phí vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt

STT

Đơn vị

Kinh phí (tỷ đồng)

2015

2016

2017

2018

1

Bắc Ninh

 65,428

 80,064

 22,310

 25,627

2

Từ Sơn

 17,497

 13,538

 16,535

 31,911

3

Tiên Du

 3,668

 2,112

 7,497

 10,722

4

Yên Phong

 0,546

 2,008

 4,847

 9,000

5

Quế Võ

 18,771

 18,792

 16,694

 20,195

6

Thuận Thành

 2,073

 6,033

 12,217

 18,556

7

Gia Bình

 0,885

 1,085

 7,942

 9,780

8

Lương Tài

 7,497

 3,658

 4,177

 10,073

 

Tổng

 116,365

 127,290

 92,219

 135,864

3. Công tác thu giá dịch vụ thu gom

STT

Đơn vị

Kinh phí năm 2018 (tỷ đồng)

Thu

Chi

1

Bắc Ninh

10,728

16,469

2

Từ Sơn

12,54

12,39 

3

Tiên Du

5,55

5,35 

4

Yên Phong

12,35

12,35 

5

Quế Võ

7,0189

7,0745

6

Thuận Thành

6,88

6,81 

7

Gia Bình

3,4709

3,5219

8

Lương Tài

3,47

3,47 

 

Tổng

62

67,43

 

PHỤ LỤC 2

KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CHO 01 HỢP TÁC XÃ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG

- Đối với huyện Quế Võ: Kinh phí hoạt động được thu từ giá dịch vụ thu gom của các hộ gia đình là 49.107 (hộ) x 22.000 (đồng) = 1.080 triệu đồng/tháng.

Vậy, tổng kinh phí cho hoạt động của 01 Hợp tác xã hoặc tổ chức dịch vụ trên địa bàn 01 xã/thị trấn là: 1.080: 21 (xã/thị trấn) = 51,44 triệu đồng/tháng.

- Đối với huyện Thuận Thành: Kinh phí hoạt động được thu từ giá dịch vụ thu gom của các hộ gia đình là 44.330 (hộ) x 22.000 (đồng) = 975 triệu đồng/tháng.

Vậy, tổng kinh phí cho hoạt động của 01 Hợp tác xã hoặc tổ chức dịch vụ trên địa bàn 01 xã/thị trấn là: 975: 18 (xã/thị trấn) =54,16 triệu đồng/tháng.

- Đối với huyện Gia Bình: Kinh phí hoạt động được thu từ giá dịch vụ thu gom của các hộ gia đình là 30.911(hộ) x 22.000 (đồng) = 680 triệu đồng/tháng.

Vậy, tổng kinh phí cho hoạt động của 01 Hợp tác xã hoặc tổ chức dịch vụ trên địa bàn 01 xã/thị trấn là: 680: 14 (xã/thị trấn) = 48,57 triệu đồng/tháng.

- Đối với huyện Lương Tài: Kinh phí hoạt động được thu từ giá dịch vụ thu gom của các hộ gia đình là 30.765 (hộ) x 22.000 (đồng) = 676 triệu đồng/tháng.

Vậy, tổng kinh phí cho hoạt động của 01 Hợp tác xã hoặc tổ chức dịch vụ trên địa bàn 01 xã/thị trấn là: 676: 14 (xã/thị trấn) = 48,28 triệu đồng/tháng.

- Đối với thị xã Từ Sơn: Kinh phí hoạt động được thu từ giá dịch vụ thu gom của các hộ gia đình là 47.769 (hộ) x 25.000 (đồng) = 1.194 triệu đồng/tháng.

Vậy, tổng kinh phí cho hoạt động của 01 Hợp tác xã hoặc tổ chức dịch vụ trên địa bàn 01 xã/phường là: 1.194 : 12 (xã/phường) = 99,5 triệu đồng/tháng.

- Đối với huyện Tiên Du: Kinh phí hoạt động được thu từ giá dịch vụ thu gom của các hộ gia đình là 46.277 (hộ) x 22.000 (đồng) = 1.018 triệu đồng/tháng.

Vậy, tổng kinh phí cho hoạt động của 01 Hợp tác xã hoặc tổ chức dịch vụ trên địa bàn 01 xã/thị trấn là: 1.018 : 14 (xã/phường) = 72,71 triệu đồng/tháng.

- Đối với huyện Yên Phong: Kinh phí hoạt động được thu từ giá dịch vụ thu gom của các hộ gia đình là 51.702 (hộ) x 22.000 (đồng) = 1.137 triệu đồng/tháng.

Vậy, tổng kinh phí cho hoạt động của 01 Hợp tác xã hoặc tổ chức dịch vụ trên địa bàn 01 xã/thị trấn là 1.137 : 14 (xã/phường) = 81,21 triệu đồng/tháng.

 

PHỤ LỤC 3

KINH PHÍ CHO CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT

1. Kinh phí đầu tư, xây dựng lò đốt chất thải sinh hoạt quy mô nhỏ

1.1. Phương án 1 :

* Tổng số lò đốt cần lắp đặt: 12 đốt đầu tư theo hình thức xã hội hóa, trong đó: Thị xã Từ Sơn 04 lò, huyện Tiên Du 04 lò, huyện Yên Phong 04 lò.

* Tổng kinh phí đầu tư xây dựng lò đốt: 84 tỷ đồng, cụ thể:

- Kinh phí đầu tư xây dựng 01 lò đốt khoảng 07 tỷ đồng (trong đó bao gồm kinh phí mua và lắp đặt lò đốt là 05 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng và xây dựng nhà xưởng 02 tỷ đồng).

- Thị xã Từ Sơn: Tổng kinh phí là: 04 lò x 7 tỷ đồng = 28 tỷ đồng, trong đó: Nhà nước hỗ trợ: 04 lò x 2 tỷ đồng = 08 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp đầu tư lò đốt là 04 lò x 5 tỷ đồng = 20 tỷ đồng.

- Huyện Tiên Du : Tổng kinh phí là: 04 lò x 7 tỷ đồng = 28 tỷ đồng, trong đó: Nhà nước hỗ trợ: 04 lò x 2 tỷ đồng = 08 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp đầu tư lò đốt là 04 lò x 5 tỷ đồng = 20 tỷ đồng.

- Huyện Yên Phong : Tổng kinh phí là: 04 lò x 7 tỷ đồng = 28 tỷ đồng, trong đó: Nhà nước hỗ trợ: 04 lò x 2 tỷ đồng = 08 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp đầu tư lò đốt là 04 lò x 5 tỷ đồng = 20 tỷ đồng.

1.2. Phương án 2

* Tổng số lò đốt cần lắp đặt: 31 lò, trong đó:

- Thị xã Từ Sơn: 06 lò đốt cho các khu dân cư tập trung. Đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

- Huyện Tiên Du: 13 lò đốt cho các khu dân cư tập trung, trong đó :

+ 09 lò đốt: Nhà nước đầu tư 100% kinh phí.

+ 04 lò đốt: Đầu tư theo hình thức xã hội hóa (tại các xã Hiên Vân, Liên Bão, Tri Phương và Minh Đạo).

- Huyện Yên Phong: 12 lò đốt cho các khu dân cư tập trung. Nhà nước đầu tư 100% kinh phí.

* Tổng kinh phí đầu tư xây dựng lò đốt: 155 tỷ đồng, trong đó: Nhà nước hỗ trợ 125 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp đóng góp là 30 tỷ đồng, cụ thể :

- Kinh phí đầu tư xây dựng 01 lò đốt khoảng 05 tỷ đồng (trong đó bao gồm kinh phí mua và lắp đặt lò đốt là 03 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng và xây dựng nhà xưởng 02 tỷ đồng).

- Thị xã Từ Sơn: Tổng kinh phí là: 06 lò x 5 tỷ đồng = 30 tỷ đồng, trong đó: Nhà nước hỗ trợ: 06 lò x 2 tỷ đồng = 12 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp đầu tư lò đốt là 06 lò x 3 tỷ đồng = 18 tỷ đồng.

- Huyện Tiên Du: Tổng kinh phí là 65 tỷ đồng, trong đó:

Nhà nước hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng 09 lò đốt và hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà xưởng đối với 04 lò đốt là : (09 lò x 5 tỷ đồng) + (04 lò x 2 tỷ đồng) = 53 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp là đầu tư 04 lò đốt là: 04 lò x 3 tỷ đồng = 12 tỷ đồng.

- Huyện Yên Phong: Tổng kinh phí là 60 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Nhà nước hỗ trợ 100%.

2. Kinh phí vận chuyển và xử lý rác thải:

2.1. Đơn giá:

- Kinh phí vận chuyển: Theo Quyết định số 42/2015/QĐ-UBND , cự ly vận chuyển từ 5 đến 10 km thì đơn giá là 200.000 đồng/tấn; trên 10 km thì đơn giá là 250.000 đồng/tấn.

- Kinh phí xử lý: Các lò được đầu tư theo hình thức xã hội hóa thì đơn giá xử lý trung bình là: 400.000 đồng/tấn.

2.2. Kinh phí vận chuyển và xử lý rác thải phát sinh mới hàng năm: 206,4 tỷ đồng/năm (Kinh phí vận chuyển là 79,38 tỷ đồng/năm, kinh phí xử lý là 127,02 tỷ đồng/năm).

- Kinh phí vận chuyển là: 870 tấn/ngày x 250.000 đồng/tấn x 365 ngày = 79,38 tỷ đồng/năm.

- Kinh phí xử lý là: 870 tấn/ngày x 400.000 đồng/tấn x 365 ngày = 127,02 tỷ đồng/năm.

2.3. Kinh phí vận chuyển và xử lý lượng rác thải tồn đọng: 97,5 tỷ đồng (Kinh phí vận chuyển là 37,5 tỷ đồng, kinh phí xử lý là 60 tỷ đồng).

- Kinh phí vận chuyển là: 150.000 tấn x 250.000 đồng/tấn = 37,5 tỷ đồng.

- Kinh phí xử lý là: 150.000 tấn x 400.000 đồng/tấn = 60 tỷ đồng.

3. Nguồn kinh phí

3.1. Nguồn kinh phí đầu tư lò đốt quy mô nhỏ:

- Phương án 1: Tổng kinh phí 84 tỷ đồng, trong đó: Nhà nước hỗ trợ 24 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp đóng góp là 60 tỷ đồng.

- Phương án 2: Tổng kinh phí 155 tỷ đồng, trong đó: Nhà nước hỗ trợ 125 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp đóng góp là 30 tỷ đồng.

3.2. Nguồn kinh phí vận chuyển và xử lý:

3.2.1. Đối với chất thải tồn đọng: Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí là: 97,5 tỷ đồng.

3.2.2. Đối với chất thải phát sinh mới:

- Giai đoạn 2019-2020: Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí vận chuyển và xử lý cho toàn tỉnh: 206,4 tỷ đồng/năm; mỗi hộ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ phải đóng giá thu gom từ hộ gia đình đến điểm tập kết trung bình là 25.000 đồng/hộ/tháng (Theo Quyết định số 40/2017/QĐ-UBND ngày 27/12/2017 của UBND tỉnh). Tính theo khẩu: 25.000 đồng/hộ/tháng x 375.000 (hộ): 1.250.000 (khẩu) = 7.500 đồng/khẩu/tháng.

- Giai đoạn 2021 - 2025: Điều chỉnh kinh phí vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt sang phương án nhân dân tự đóng góp 100% thì giá vận chuyển và xử lý tính theo hộ phải đóng là: 206,4 (tỷ đồng/năm): 375.000 (hộ) : 12 (tháng) = 45.866 đồng/hộ/tháng; tính theo khẩu: 206,4 (tỷ đồng/năm): 1.250.000 (khẩu) : 12 (tháng) = 13.760 đồng/khẩu/tháng.

Như vậy, giá thu gom, vận chuyển và xử lý tính theo hộ là: 25.000 (đồng) + 45.866 (đồng) = 70.866 đồng/hộ/tháng; tính theo khẩu là: 7.500 (đồng) + 13.760 (đồng) = 21.260 đồng/khẩu/tháng.

 

PHỤ LỤC 4

KINH PHÍ QUẢN LÝ BAO GÓI THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT SAU SỬ DỤNG

1. Kinh phí mua các thùng chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại cánh đồng các thôn là 14,376 tỷ đồng, cụ thể:

- Kinh phí 01 thùng là: 01 triệu đồng.

- Tổng số thùng cần đầu tư: 14.376 thùng chứa, cụ thể:

+ Thành phố Bắc Ninh: Diện tích đất nông nghiệp là 3.431,3 ha cần số thùng chứa là 3.431,3 (ha) : 03 (ha/thùng) = 1.144 thùng,

+ Thị xã Từ Sơn: Diện tích đất nông nghiệp là 2.740,7 ha cần số thùng chứa là 2.740,7 (ha) : 03 (ha/thùng) = 914 thùng,

+ Huyện Tiên Du: Diện tích đất nông nghiệp là 4.853,8 ha cần số thùng chứa là 4.853,8 (ha) : 03 (ha/thùng) = 1.618 thùng,

+ Huyện Yên Phong: Diện tích đất nông nghiệp là 5.424,7 ha cần số thùng chứa là 5.424,7 (ha) : 03 (ha/thùng) = 1.808 thùng,

+ Huyện Quế Võ: Diện tích đất nông nghiệp là 8.426,2 ha cần số thùng chứa là 8.426,2 (ha) : 03 (ha/thùng) = 2.809 thùng,

+ Huyện Thuận Thành: Diện tích đất nông nghiệp là 7.033,6 ha cần số thùng chứa là 7.033,6 (ha) : 03 (ha/thùng) = 2.345 thùng,

+ Huyện Gia Bình: Diện tích đất nông nghiệp là 5.475,9 ha cần số thùng chứa là 5.475,9 (ha) : 03 (ha/thùng) = 1.825 thùng,

+ Huyện Lương Tài: Diện tích đất nông nghiệp là 5.739,9 ha cần số thùng chứa là 5.739,9 (ha) : 03 (ha/thùng) = 1.913 thùng.

- Tổng kinh phí cần đầu tư là 14.376 thùng x 01 triệu đồng = 14,376 tỷ đồng.

2. Kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý là 1,455 tỷ đồng/năm, cụ thể:

- Kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý 01 xã tạm tính là: 15 triệu đồng/năm.

- Tổng số xã: 97 xã.

Tổng kinh phí là: 97 (xã) x 15 (triệu đồng/xã/năm) = 1,455 tỷ đồng/năm.

 

PHỤ LỤC 5

DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

TT

Chương trình, Dự án

Thời gian thực hiện

Cơ quan, đơn vị chủ trì

Tổng kinh phí (tỷ đồng)

Nguồn vốn

(tỷ đồng)

Ghi chú

Ngân sách Nhà nước

(Sự nghiệp môi trường, đầu tư xây dựng cơ bản)

Vốn khác

(Vốn doanh nghiệp, nhân dân đóng góp, vốn khác)

 

I

Nhóm các chương trình truyền thông

1

Tập huấn phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình

2019

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh

01

01

 

 

2020

01

01

 

 

2021-2022

02

02

 

 

2

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong các KCN, CCN, làng nghề, khu dân cư

2019

Sở Tài nguyên và Môi trường.

01

01

 

 

2020

01

01

 

 

2021-2025

05

05

 

 

3

Tuyên truyền, phát động phong trào làm sạch đồng, ruộng, vớt bèo, khơi thông dòng chảy, kênh mương

2019

Hội nông dân tỉnh

01

01

 

 

4

Tuyên truyền, phát động phong trào hạn chế phát thải nhựa, túi nilon, tích cực sử dụng các sản phẩm có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi nilon.

2019

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

01

01

 

 

2020

01

01

 

 

5

Tuyên truyền, phát động phong trào làm sạch đường làng, ngõ xóm

2019

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh

01

01

 

 

2020

01

01

 

 

6

Nhân rộng mô hình “Làng 3 sạch”, “Đường hoa”; xây dựng mô hình điểm “Làng nông thôn mới kiểu mẫu” tại 08 làng thuộc 08 huyện/thị xã/thành phố.

2019

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh

01

01

 

 

2020

01

01

 

 

7

Tập huấn kỹ thuật cho người dân về sử dụng hóa chất BVTV và phân hóa học, không sử dụng các hóa chất BVTV không có nguồn gốc rõ ràng hoặc đã bị cấm

2019

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

01

01

 

 

2020

01

01

 

 

2021-2025

05

05

 

 

8

Tập huấn kỹ thuật cho người dân về sử dụng phế phẩm nông nghiệp, rơm rạ…để sản xuất phân hữu cơ, trồng nấm

2019

Hội nông dân tỉnh

01

01

 

 

2020

01

01

 

 

2021-2025

05

05

 

 

9

Tập huấn, tuyên truyền trong các cấp học nhằm giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường đối với học sinh trên địa bàn tỉnh.

2019

Sở Giáo dục và Đào tạo

01

01

 

 

2020

01

01

 

 

2021-2025

05

05

 

 

10

Tập huấn nâng cao năng lực phát hiện, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cho lực lượng Cảnh sát môi trường.

2020

Công an tỉnh

01

01

 

 

2021-2022

02

02

 

 

11

Tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động người dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn các xã/phường/thị trấn.

2019

Các xã, phường, thị trấn

3,135

3,135

 

 

2020

3,135

3,135

 

 

2021-2025

15,675

15,675

 

 

12

Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường thông qua các chương trình của Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh

2019

Đài truyền hình Bắc Ninh

0,2

0,2

 

 

2020

0,2

0,2

 

 

2021-2025

01

01

 

 

13

Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường thông qua Báo Bắc Ninh

2019

Báo Bắc Ninh

0,1

0,1

 

 

2020

0,1

0,1

 

 

2021-2025

0,5

0,5

 

 

II

Nhóm các chương trình, dự án về Quản lý chất thải rắn sinh hoạt

1

Triển khai mô hình điểm xử lý rác thải bằng phương pháp không đốt, không khói bụi tại xã Đông Thọ, huyện Yên Phong.

2019

UBND huyện Yên Phong

4,5

4,5

 

 

2

Dự án đầu tư các lò đốt rác trên địa bàn thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du, Yên Phong

2019

UBND thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du, Yên Phong

60

24

36

 

3

Vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt

2019

Đơn vị quản lý, vận hành khu xử lý chất thải tập trung, lò đốt rác

206,4

206,4

 

 

2020

206,4

206,4

 

 

2021-2025

1.129,5

x

x

 

4

Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành

2019

Doanh nghiệp tham gia xã hội hóa

500

 

x

 

2020

500

 

x

5

Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ.

2019

Công ty Cổ phần môi trường Năng lượng Thăng Long

678,5

 

x

Quyết định số 154/QĐ-UBND ngày 22/3/2018

2020

678,5

 

x

6

Dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại xã An Thịnh, huyện Lương Tài

2019

Doanh nghiệp tham gia xã hội hóa

500

 

x

 

2020

500

 

x

7

Dự án đầu tư xây dựng dải cây xanh xung quanh các khu xử lý chất thải tập trung và lò đốt rác tại các địa phương

2019

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Theo dự án được duyệt

x

 

 

III

Nhóm các chương trình, dự án về khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề

1

Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phong Khê

2019

UBND thành phố Bắc Ninh

21

21

 

 

2

Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề bún Khắc Niệm.

2019

UBND thành phố Bắc Ninh

2,5

2,5

 

 

3

Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề giấy Phong Khê giai đoạn 2, công suất 10.000m3/ngày đêm

2020-2025

UBND thành phố Bắc Ninh

170

136

34

Quyết định số 726/QĐ-UBND ngày 07/6/2012

4

Dự án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề sản xuất bún tại phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh

2020-2025

UBND thành phố Bắc Ninh

58

46,4

11,6

Quyết định số 1139/QĐ-UBND ngày 29/10/2014

5

Dự án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá, xã Văn Môn

2021-2025

UBND huyện Yên Phong

44

35,2

8,8

Quyết định số 1128/QĐ-UBND ngày 29/10/2014

6

Dự án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề đúc đồng Đại Bái, huyện Gia Bình

2021-2025

UBND huyện Gia Bình

52

41,6

10,4

Quyết định số 1140/QĐ-UBND ngày 29/10/2014

7

Dự án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề rượu Đại Lâm, huyện Yên Phong

2021-2025

UBND huyện Yên Phong

Theo Dự án được duyệt

x

x

 

8

Dự án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề tre trúc Xuân Lai

2021-2025

UBND huyện Gia Bình

Theo Dự án

x

x

 

9

Làng nghề sản xuất thép Châu Khê

2021-2025

UBND thị xã Từ Sơn

Theo Dự án được duyệt

x

x

 

IV

Nhóm các chương trình, dự án về khắc phục ô nhiễm môi trường nông thôn

1

Đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và thoát nước tại các khu dân cư nông thôn

2020-2025

UBND các huyện, thị xã.

Theo Dự án được duyệt

x

 

 

2

Đầu tư hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi tập trung

2020-2025

Chủ trang trại, khu chăn nuôi tập trung

Theo Dự án được duyệt

x

x

Áp dụng theo Nghị quyết số 31/2016/NQ-HĐND18

3

Triển khai mua các thùng chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng

2019

Sở Tài nguyên và Môi trường

14,376

14,376

 

 

4

Thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV

2019

UBND các huyện, thị xã, thành phố

1,455

1,455

 

 

2020

1,455

1,455

 

 

2021-2025

7,275

 7,275

 

 

5

Nâng cấp và xây dựng mới các công trình nghĩa trang

2020-2025

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Theo Dự án được duyệt

x

 

 

6

Cải tạo ao hồ khu vực nông thôn

2020-2025

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Theo Dự án được duyệt

x

 

 

V

Nhóm các chương trình, dự án về khắc phục ô nhiễm môi trường Khu công nghiệp

1

Xây dựng Hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN Hanaka

2019

Công ty Cổ phần tập đoàn Hanaka

12

 

12

 

VI

Nhóm các chương trình, dự án về khắc phục ô nhiễm môi trường Cụm công nghiệp

1

Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh

2019-2025

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Theo Dự án được duyệt

x

x

 

VII

Nhóm các chương trình, dự án về khắc phục ô nhiễm môi trường đô thị, trường học

1

Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung thị xã Từ Sơn giai đoạn 2, công suất 70.000m3/ngày đêm

2020-2025

Công ty Phú Điền

400

 

400

BT

2

Dự án đầu tư xây dựng các công trình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt cho các Thị trấn thuộc các huyện Yên Phong, Tiên Du, Quế Võ, Thuận Thành, Gia Bình và Lương Tài.

2020-2025

UBND các huyện.

Theo Dự án được duyệt

x

 

 

3

Dự án đầu tư xây dựng các công trình thu gom và xử lý nước thải tại các khu vực nội thị thuộc các huyện Yên Phong, Tiên Du, Quế Võ và Thuận Thành

2020-2025

UBND các huyện

Theo Dự án được duyệt

x

 

 

4

Cải tạo, khắc phục ô nhiễm tại các ao, hồ, kênh mương nội đô

2020-2025

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Theo Dự án được duyệt

x

 

 

5

Xây dựng khu xử lý chất thải rắn xây dựng

2020-2025

Doanh nghiệp tham gia xã hội hóa

Theo Dự án được duyệt

 

x

 

6

Dự án xây dựng trạm rửa xe tại một số tuyến đường cửa ngõ vào trung tâm thành phố

2020-2025

Doanh nghiệp tham gia xã hội hóa

Theo Dự án được duyệt

 

x

 

7

Dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các nhà vệ sinh thuộc các trường học trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn Quốc gia và khu vực tập kết rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường

2019

Sở Giáo dục và Đào tạo

166,34

166,34

 

 

2020

160,8

160,8

 

 

2021

162,67

162,67

 

 

VIII

Chương trình, dự án khác

1

Đầu tư máy móc, trang thiết bị kỹ thuật về bảo vệ môi trường

2019

Công an tỉnh

3,5

3,5

 

 

2

Xây dựng cơ sở dữ liệu các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và dữ liệu xử lý đối tượng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường

2019

Công an tỉnh

1,5

1,5

 

 

3

Điều tra cơ bản, toàn diện các cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

2019

Công an tỉnh

1,2

1,2

 

 

4

Chương trình phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường

2019

Công an tỉnh

1,5

1,5

 

 

5

Xây dựng phần mềm quản lý các trạm quan trắc môi trường tự động và giám sát các phương tiện vận chuyển, các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt

2019

Sở Tài nguyên và Môi trường

2

2

 

 

6

Tổ chức khảo sát, điều tra, nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu tổng thể về hiện trạng môi trường và tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường

2020

Công an tỉnh

3

3

 

 

2021-2022

6

6

 

 

7

Đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường

2020

Công an tỉnh

5

5

 

 

2021-2022

10

10

 

 

8

Phát tặng túi thân thiện với môi trường có in logo và khẩu hiệu “Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch” đến người dân để giảm phát thải túi nilon.

2019

Sở Tài nguyên và Môi trường

02

02

 

 

2020

02

02

 

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 222/QĐ-UBND ngày 09/05/2019 về phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2019-2025

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.448

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.235.138
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!