THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
25/CT-TTg
|
Hà
Nội, ngày 31 tháng 08 năm 2016
|
CHỈ THỊ
VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CẤP BÁCH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Thời gian qua, công tác bảo vệ môi
trường đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, là một trong ba trụ cột phát
triển bền vững, đã tạo được sự chuyển biến và đạt được một số kết quả bước đầu
quan trọng. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, xảy ra nhiều sự
cố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của
nhân dân. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức, ý thức trách nhiệm của
các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân còn hạn chế. Nhiều địa phương còn
chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường; chưa
phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng
đồng, người dân. Hệ thống pháp luật, quy chuẩn còn nhiều bất cập, thiếu khả
thi; thiếu quy định, tiêu chí, công cụ để sàng lọc, lựa chọn dự án đầu tư, công
nghệ sản xuất, xử lý môi trường, kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp.
Năng lực quản lý nhà nước còn hạn chế; một bộ phận công chức còn thiếu trách
nhiệm, có biểu hiện tiêu cực; trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ còn yếu và thiếu.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng chống tội phạm và sự phối
hợp giữa các ngành, các cấp chưa chủ động, thiếu quyết liệt, kém hiệu quả; chế
tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Đầu tư cho môi trường còn hạn hẹp, dàn trải, hiệu
quả thấp; chưa có cơ chế, chính sách đột phá thu hút nguồn lực trong xã hội.
Trong thời gian tới, nhiệm vụ bảo vệ
môi trường hết sức nặng nề, nhiều vấn đề môi trường tích tụ chưa được giải quyết,
áp lực lên môi trường ngày càng lớn, nguy cơ nước ta trở thành bãi thải công
nghệ lạc hậu, các loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường đang hiện hữu; biến đổi
khí hậu diễn biến nhanh, phức tạp, đặt ra nhiều thách thức lớn đối với công tác
bảo vệ môi trường.
Để khắc phục những hạn chế, chủ động
phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm, tạo bước chuyển biến căn bản trong
công tác bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Bảo vệ môi trường
là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của cả hệ thống
chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và nhân dân. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của
Nhà nước về bảo vệ môi trường. Thu hút đầu tư phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ
môi trường; không cho phép đầu tư vào các loại hình sản xuất, sử dụng công nghệ
sản xuất lạc hậu có nguy cơ cao gây ô nhiễm. Các địa phương khẩn trương ban
hành và tổ chức thực hiện nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch hành động
về bảo vệ môi trường.
2. Các Bộ, ngành,
địa phương phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường
từ khâu xét duyệt, thẩm định đến triển khai thực hiện và vận hành dự án. Chủ đầu
tư, cơ quan quyết định, phê duyệt đầu tư, thẩm định công nghệ sản xuất, phê duyệt
báo cáo đánh giá tác động môi trường phải chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường
của dự án. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về các vấn
đề môi trường trên địa bàn. Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, thanh tra, hướng
dẫn, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của các Bộ,
ngành, địa phương.
3. Tập trung hoàn
thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp
và các Bộ, ngành có liên quan tổng hợp, đề xuất sửa đổi các quy định về bảo vệ
môi trường trong các luật về môi trường, tài nguyên, thuế, ngân sách, đầu tư,
xây dựng, khoa học và công nghệ, năng lượng... bảo đảm thống nhất, đồng bộ, đáp
ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, hoàn thành trong năm 2017.
- Rà soát, trình Chính phủ sửa đổi,
bổ sung các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường, khắc
phục những bất cập hiện nay, nhất là các quy định về các công cụ, biện pháp quản
lý nhà nước, biện pháp kỹ thuật kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải của doanh
nghiệp. Rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường phù hợp
với điều kiện trong nước và yêu cầu hội nhập quốc tế, kết hợp thải lượng chất ô
nhiễm và sức chịu tải của môi trường, hoàn thành trong năm 2017.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường
làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất trong thu
hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư, hoàn thành trong năm 2017.
b) Các Bộ, ngành, địa phương tập
trung rà soát, ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định
về bảo vệ môi trường theo hướng ngăn chặn các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc
hậu, loại hình sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.
c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu,
quy định cụ thể tỷ lệ vốn đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường đối với các loại hình
dự án đầu tư.
d) Bộ Xây dựng ban hành hoặc trình
cơ quan có thẩm quyền ban hành suất đầu tư, giá dịch vụ trong xử lý chất thải rắn
sinh hoạt, hoàn thành trong năm 2017.
đ) Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn tổ chức thực hiện nghiêm túc tiêu chí về bảo vệ môi trường trong việc
công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành trong năm 2016.
e) Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối
hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ liên quan rà soát, trình Chính phủ quy định giao
Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm
vụ thanh tra chuyên ngành.
g) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương khẩn trương ban hành các quy chuẩn kỹ thuật môi trường
của địa phương, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm cao và các đô
thị đông dân cư, khu vực có hệ sinh thái nhạy cảm cần được bảo vệ.
4. Tăng cường và
chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và phòng ngừa, kiểm soát
ô nhiễm
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Tập trung thanh tra, kiểm tra các
đối tượng có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên trên phạm
vi cả nước; rà soát đánh giá tác động môi trường, công trình, biện pháp bảo vệ
môi trường của các dự án lớn, nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; rà soát, chấn
chỉnh công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoàn
thành trong năm 2017.
Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường
chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các Bộ, địa phương xây dựng kế hoạch
thanh tra môi trường, bảo đảm không chồng chéo, không gây ảnh hưởng đến hoạt động
của doanh nghiệp.
- Chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương thực hiện tổng điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn
thải trên phạm vi cả nước; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải,
hoàn thành trong năm 2018.
- Tăng cường trách nhiệm, có cơ chế
phù hợp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các Ủy ban Bảo vệ môi trường
lưu vực sông.
- Xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh
báo về môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm, các khu vực tập trung nhiều
nguồn thải, khu vực nhạy cảm về môi trường trước năm 2020.
- Ban hành bộ chỉ số đánh giá, xếp
hạng kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương trong năm 2016 để thực hiện từ
năm 2017.
b) Các Bộ, ngành, địa phương rà
soát báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, các công trình biện
pháp bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư, nhất là các dự án lớn có nguy cơ
cao tác động xấu đến môi trường để có điều chỉnh kịp thời, hoàn thành trong năm
2017.
c) Bộ Công an chủ trì, phối hợp với
Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng đề xuất các giải pháp tăng
cường hoạt động của lực lượng cảnh sát môi trường theo hướng tập trung vào đấu
tranh, phòng chống tội phạm về môi trường; xử lý các vụ việc vi phạm nghiêm trọng
theo quy định của Bộ luật hình sự.
d) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ
trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, các Bộ liên quan tăng cường công tác đánh giá
tác động của công nghệ nhập khẩu đến môi trường; rà soát các dự án nhập khẩu
dây chuyền, công nghệ xử lý rác thải; đề xuất công nghệ, thực hiện thí điểm xử
lý chất thải rắn bằng công nghệ của Việt Nam, hoàn thành trong năm 2017.
đ) Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với
Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch liên quan đến
xây dựng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm rõ những nội dung bảo vệ môi trường
và từng công trình bảo vệ môi trường; rà soát, kiểm tra việc tuân thủ quy hoạch
xây dựng chi tiết đối với các dự án đầu tư lớn, có tác động xấu đến môi trường;
rà soát định mức, chi phí cho bảo vệ môi trường trong tổng mức đầu tư của dự án
xây dựng; hoàn thành trong năm 2017.
e) Bộ Công Thương rà soát và tổ chức
kiểm tra việc tuân thủ thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật do Bộ phê duyệt hoặc
chủ trì tham gia góp ý kiến trong quá trình thẩm định, phê duyệt đối với các dự
án đầu tư lớn, có tác động xấu đến môi trường, hoàn thành trong năm 2017.
g) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương:
- Tập trung xử lý triệt để, di dời
cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư, chuyển vào các
khu công nghiệp; yêu cầu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ
cao, cụm công nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; buộc đối tượng
có quy mô xả lớn lắp đặt ngay các thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải
theo quy định của pháp luật và truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi
trường địa phương.
- Hoàn thành việc phê duyệt, rà
soát phê duyệt lại theo thẩm quyền quy hoạch quản lý chất thải rắn trong năm
2017; tổ chức thực hiện ngay quy hoạch đã được phê duyệt; điều tra, đánh giá,
khoanh vùng và có kế hoạch xử lý các khu vực ô nhiễm tồn lưu trên địa bàn.
h) Cơ quan quyết định, phê duyệt đầu
tư tăng cường kiểm tra, đôn đốc chủ dự án, nhà đầu tư tuân thủ các yêu cầu của
quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và thực hiện các công
trình bảo vệ môi trường phục vụ vận hành dự án.
5. Nâng cao năng lực
quản lý nhà nước và huy động nguồn lực cho bảo vệ môi trường
a) Bộ, ngành, địa phương rà soát, sắp
xếp tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực quản lý môi trường, ưu tiên cấp huyện,
xã; sử dụng nguồn sự nghiệp môi trường để bố trí cán bộ hợp đồng phụ trách công
tác bảo vệ môi trường cấp xã; tăng cường đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị kỹ
thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu
cân đối, bố trí vốn đầu tư cho các dự án xử lý nước thải, chất thải rắn, chất
thải nguy hại theo quy hoạch đã được phê duyệt ngay trong kế hoạch đầu tư công
trung hạn và dài hạn.
c) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với
Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ phương án bảo đảm kinh
phí cho bảo vệ môi trường theo hướng: tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, cân đối
kinh phí thường xuyên sự nghiệp môi trường hàng năm không dưới 1% tổng chi ngân
sách Nhà nước và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế;
tính đúng, tính đủ giá dịch vụ môi trường; đề xuất phương án để dành 100% tiền
xử phạt vi phạm hành chính về môi trường để đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường.
d) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ
trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án về cơ
chế đột phá huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa bảo vệ môi trường,
thực hiện đúng nguyên tắc: “người được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng
góp tài chính cho bảo vệ môi trường; người gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi
trường phải khắc phục, bồi thường thiệt hại”.
đ) Các Bộ, ngành, địa phương chịu
trách nhiệm chi đúng, chi đủ nguồn ngân sách nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ môi
trường theo quy định của pháp luật.
6. Các Bộ, ngành,
địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường,
phân loại rác tại nguồn và thu gom rác thải; tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp, phản biện, giám sát hoạt động
bảo vệ môi trường; chủ động cung cấp thông tin, phát huy vai trò của báo chí
trong công tác bảo vệ môi trường.
7. Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện
Chỉ thị này về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính
phủ./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT);
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc;
- Lưu: VT, KGVX.
|
THỦ
TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|