Trong mùa Covid hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã cho người lao động làm việc tại nhà. Tuy nhiên, đối với trường hợp người lao động nghỉ việc không lương thì một trong những điều được quan tâm nhất là việc đóng bảo hiểm sẽ được thực hiện như thế nào?
>> Quy trình, thủ tục Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở
>> Nhân viên part - time có cần ký HĐLĐ và đóng BHXH không?
Ảnh minh họa
1. NLĐ ngừng việc được trả lương như thế nào?
Tiền lương của người ngừng việc được quy định tại khoản 3 Điều 99 Bộ luật lao động 2019:
Điều 99. Tiền lương ngừng việc
Trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Trong đó, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động tại doanh nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP như sau:
Như vây, trường hợp người lao động ngừng việc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền do dịch bệnh nguy hiểm thì việc trả lương sẽ thực hiện theo thỏa thuận giữa 02 bên nhưng ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng theo quy định pháp luật.
2. NLĐ làm việc tại nhà được trả lương như thế nào?
Đối với trường hợp doanh nghiệp cho người lao động làm việc tại nhà trong thời gian giãn cách nhưng vẫn đảm bảo và hoàn thành tốt công việc được giao thì người sử dụng lao động vẫn phải trả đủ tiền lương cho người lao động như thỏa thuận theo khoản 1 Điều 95 Bộ luật lao động quy định “Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc”.
Tuy nhiên, dựa vào tình hình dịch bệnh hiện nay, sẽ có không ít doanh nghiệp gặp khó khăn về mặt tài chính do đó, cần nói rõ điều này với người lao động để họ có thể hiểu và cùng đồng hành với công ty vượt qua khó khăn này.
Lưu ý: Hình thức trả lương cho người lao động trong mùa giãn cách sẽ được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản, đồng thời phí chuyển khoản cho ngân hàng cũng sẽ do người sử dụng lao động chi trả theo khoản 2 Điều 96 Bộ luật lao động 2019 quy định:
Điều 96. Hình thức trả lương
2. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng.
Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.
3. Đóng bảo hiểm xã hội trong mùa giãn cách?
- Trường hợp làm việc tại nhà:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH, tiền lương tháng căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Do đó, nếu người lao động vẫn làm việc tại nhà và vẫn hưởng lương thì sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH theo quy định của pháp luật.
- Nghỉ việc không hưởng lương:
Căn cứ vào khoản 3 Điều 85 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Như vậy, trường hợp người lao động ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì sẽ không phải đóng BHXH tháng đó.
Ngoài ra, khoản 1 mục II Nghị quyết 68/NQ-CP quy định về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19, người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước).
Như vậy, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng chống đại dịch.
CCPL: Bộ luật lao động 2019