Dưới đây là 02 loại giấy tờ khi nghỉ việc người lao động cần lấy nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
>> Mẫu biên bản vi phạm kỷ luật lao động 2025
>> Mẫu giấy ủy quyền giao kết hợp đồng lao động mới nhất
Căn cứ Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP) thì giấy tờ chứng minh chấm dứt hợp đồng lao động là giấy tờ cần thiết để hoàn tất thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động có thể là một trong các loại giấy tờ sau đây:
- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
- Quyết định thôi việc.
- Quyết định sa thải.
- Quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
- Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
- Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có nội dung cụ thể về thông tin của người lao động; loại hợp đồng lao động đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động.
Do vậy, khi nghỉ việc người lao động cần yêu cầu công ty cung cấp thêm giấy tờ chứng minh việc chấm dứt hợp đồng lao động.
Trường hợp công ty cố tình không chịu cung cấp giấy tờ chứng minh chấm dứt hợp đồng lao động, gây ảnh hưởng đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động có thể tiến hành thủ tục khiếu nại theo quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP.
Căn cứ Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP) thì sổ BHXH là giấy tờ cần thiết để hoàn tất thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Lưu ý: Tước khi nhận sổ, cần kiểm tra xem công ty đã hoàn tất việc chốt thời gian đóng BHXH và bảo hiểm thất nghiệp hay chưa, vì đây là điều kiện để cơ quan BHXH giải quyết các chế độ sau này.
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019, khi chấm dứt hợp đồng lao động công ty có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động.
Nếu công ty không chốt sổ BHXH cho người lao động thì tùy vào số lượng người lao động bị vi phạm, người sử dụng lao động có thể bị phạt từ 02 - 40 triệu đồng (theo khoản 2 Điều 12, khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Ngay cả khi đã chốt sổ BHXH theo quy định nhưng cố tình không trả lại cho người lao động, với mỗi người lao động không được trả sổ BHXH sau khi nghỉ việc, công ty bị phạt từ 04 - 08 triệu đồng nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng (theo điểm d khoản 4 Điều 41, khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Như vậy, khi nghỉ việc người lao động cần liên hệ công ty để nhận giấy tờ chứng minh chấm dứt hợp đồng lao động và sổ BHXH.
File Word Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn mới nhất [cập nhật ngày 21/10/2024] |
02 loại giấy tờ cần lấy khi nghỉ việc để đảm bảo quyền lợi người lao động (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, người lao động nghỉ việc không cần báo trước trong các trường hợp sau:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.