Trong năm 2024, thủ tục thay đổi nội dung, phạm vi, thời hạn hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm được thực hiện như thế nào? Nội dung cụ thể thủ tục ra sao? – Hồng Lĩnh (Phú Yên).
>> Thủ tục giảm vốn điều lệ, vốn được cấp của DN bảo hiểm, tái bảo hiểm 2024
>> Công bố các thủ tục hành chính mới, thay thế trong lĩnh vực bảo hiểm 2024
Ngày 01/02/2024, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 220/QĐ-BTC về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, được thay thế lĩnh vực bảo hiểm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính.
Theo đó, thủ tục “Thay đổi nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm” (mã số hồ sơ thủ tục hành chính là 1.008472) được thay thể bởi thủ tục “Thay đổi nội dung, phạm vi, thời hạn hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm”.
Nội dung cụ thể của thủ tục hành chính thay thế này được quy định tại Mục 6 Phần II của Thủ tục hành chính mới ban hành, được thay thế trong lĩnh vực bảo hiểm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính ban hành kèm theo Quyết định 220/QĐ-BTC như sau:
Thủ tục mở rộng nội dung, phạm vi, thời hạn hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được thực hiện như sau:
- Bước 1: Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm muốn mở rộng nội dung, phạm vi, thời hạn hoạt động được quy định trong Giấy phép thành lập và hoạt động nộp hồ sơ đề nghị mở rộng nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động.
- Bước 2: Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính cấp Giấy phép điều chỉnh theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 46/2023/NĐ-CP. Trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính có văn bản giải thích rõ lý do.
- Nộp trực tiếp tại trụ sở cơ quan Bộ Tài chính.
- Hoặc gửi qua hệ thống bưu chính.
- Hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến nếu đủ điều kiện áp dụng.
File Word các Luật nổi bật và văn bản hướng dẫn thi hành (còn hiệu lực) |
Thủ tục thay đổi thời hạn hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm 2024 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
(i) Số lượng hồ sơ: 01 bộ
(ii) Thành phần hồ sơ bao gồm:
(a) Văn bản đề nghị mở rộng nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 46/2023/NĐ-CP.
(b) Văn bản của cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều lệ công ty (đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) hoặc Quy chế tổ chức và hoạt động (đối với chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam) về việc thay đổi nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động.
(c) Các tài liệu chứng minh doanh nghiệp, chi nhánh đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 46/2023/NĐ-CP trừ tài liệu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 21 Nghị định 46/2023/NĐ-CP.
(d) Các tài liệu chứng minh doanh nghiệp môi giới bảo hiểm đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 1, Điều 69 Nghị định 46/2023/NĐ-CP.
(e) Trường hợp mở rộng nội dung hoạt động để triển khai nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, ngoài các tài liệu (a), (b), (c) nêu trên, doanh nghiệp bảo hiểm phải cung cấp thêm các tài liệu tại các khoản 4, 5 Điều 21 Nghị định 46/2023/NĐ-CP, cụ thể:
- Trường hợp mở rộng nội dung hoạt động để triển khai nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, ngoài các tài liệu quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều 21 Nghị định 46/2023/NĐ-CP, doanh nghiệp bảo hiểm phải cung cấp các tài liệu sau:
+ Tóm tắt nội dung chính của sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư dự kiến triển khai; chính sách đầu tư của quỹ liên kết đầu tư; phương pháp, cơ sở tính phí; tài liệu giới thiệu sản phẩm; tài liệu minh họa bán hàng, mẫu giấy yêu cầu bảo hiểm; mẫu giấy chứng nhận bảo hiểm; bảng phân tích nhu cầu tham gia bảo hiểm của khách hàng và các loại giấy tờ khác mà khách hàng phải kê khai và ký vào khi mua bảo hiểm hoặc khi điều chỉnh hợp đồng bảo hiểm.
+ Giải trình cơ sở vật chất kỹ thuật bảo đảm cho việc triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, bao gồm: Hệ thống công nghệ thông tin; hệ thống kế toán, trong đó có mô tả chi tiết phương án xử lý của doanh nghiệp bảo hiểm đối với quỹ liên kết đầu tư trong các trường hợp: Khách hàng yêu cầu trả tiền bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm; khách hàng yêu cầu chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước hạn; khách hàng yêu cầu rút một phần phí bảo hiểm, tạm ứng từ giá trị hoàn lại, đáo hạn hợp đồng bảo hiểm; khách hàng yêu cầu chuyển đổi quỹ liên kết đơn vị; quỹ liên kết đơn vị bị định giá sai trong trường hợp triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị và các trường hợp khác theo quy định tại quy tắc, điều khoản sản phẩm dự kiến triển khai.
+ Quy trình tuyển chọn, đào tạo, quản lý đại lý phân phối sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư; nội dung và chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm về sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư; kênh phân phối và cách thức quản lý các đại lý thực hiện tư vấn, giới thiệu, chào bán và thu xếp việc giao kết sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.
+ Đối với trường hợp mở rộng triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm phải cung cấp thêm các tài liệu sau: Danh sách quỹ liên kết đơn vị, chính sách đầu tư mà doanh nghiệp bảo hiểm dự kiến áp dụng đối với các tài sản thuộc từng quỹ liên kết đơn vị; cơ sở phân bổ các khoản phí bảo hiểm và chi phí giữa các quỹ liên kết đơn vị; phương pháp định giá các đơn vị quỹ liên kết đơn vị; văn bằng chứng minh trình độ, năng lực, kinh nghiệm chuyên môn của các thành viên Hội đồng đầu tư đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 112 Nghị định 46/2023/NĐ-CP; tài liệu chứng minh việc Công ty quản lý quỹ đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 100 Nghị định 46/2023/NĐ-CP.
+ Cam kết bằng văn bản kèm theo giải trình chi tiết về việc doanh nghiệp bảo hiểm đáp ứng các điều kiện quy định tại các điểm c, d khoản 1 Điều 21 Nghị định 46/2023/NĐ-CP.
- Trường hợp mở rộng nội dung hoạt động để triển khai nghiệp vụ bảo hiểm hưu trí, ngoài các tài liệu quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều 21 Nghị định 46/2023/NĐ-CP, doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp các tài liệu sau:
+ Tóm tắt nội dung chính của sản phẩm bảo hiểm hưu trí dự kiến triển khai, bao gồm các thông tin về thị trường mục tiêu của sản phẩm, các quyền lợi bảo hiểm dự kiến cung cấp; phương pháp, cơ sở tính phí; tài liệu giới thiệu sản phẩm; tài liệu minh họa bán hàng, mẫu giấy yêu cầu bảo hiểm; mẫu giấy chứng nhận bảo hiểm và các loại giấy tờ khác mà khách hàng phải kê khai và ký khi mua bảo hiểm hoặc điều chỉnh hợp đồng bảo hiểm.
+ Giải trình cơ sở vật chất kỹ thuật bảo đảm cho việc triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí, bao gồm: Hệ thống công nghệ thông tin; hệ thống kế toán; quy trình tuyển chọn, đào tạo, quản lý đại lý phân phối sản phẩm; nội dung và chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm hưu trí.
+ Chi tiết phương án xử lý và các tài liệu cung cấp cho khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm đối với việc triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí trong các trường hợp: Khách hàng yêu cầu trả tiền bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm; khách hàng yêu cầu chuyển giao tài khoản bảo hiểm hưu trí; đáo hạn hợp đồng bảo hiểm và các trường hợp khác theo quy định tại quy tắc, điều khoản.
+ Cam kết bằng văn bản kèm theo giải trình chi tiết về việc doanh nghiệp bảo hiểm đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều 21 Nghị định 46/2023/NĐ-CP.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Đối tượng thực hiên thủ tục hành chính là doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Bộ Tài chính là cơ quan thực hiện thủ tục hành chính.
Giấy phép điều chỉnh theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 46/2023/NĐ-CP hoặc văn bản từ chối.
Không yêu cầu nộp phí, lệ phí.
Văn bản đề nghị mở rộng nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 46/2023/NĐ-CP.
Khi thực hiện thủ tục mở rộng nội dung, phạm vi, thời hạn hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
(i) Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam:
- Đáp ứng các quy định về khả năng thanh toán.
- Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm trong thời hạn 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ xin mở rộng nội dung và phạm vi hoạt động.
- Trường hợp mở rộng nội dung để triển khai sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, ngoài các điều kiện quy định tại điểm a và b khoản này, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ còn phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Trường hợp triển khai bảo hiểm liên kết đầu tư: Có biên khả năng thanh toán cao hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu 200 tỷ đồng Việt Nam.
+ Trường hợp triển khai bảo hiểm hưu trí: Có biên khả năng thanh toán cao hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu 300 tỷ đồng Việt Nam.
+ Có hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu triển khai của từng nghiệp vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 97 Nghị định 46/2023/NĐ-CP.
- Trong trường hợp mở rộng nội dung để triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm phải có khả năng định giá tài sản và các đơn vị của các quỹ liên kết đơn vị khách quan, chính xác theo định kỳ tối thiểu 01 tuần 01 lần và công bố công khai cho bên mua bảo hiểm về giá mua, giá bán đơn vị quỹ; thành lập Hội đồng đầu tư, sử dụng công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát đáp ứng các quy định tại các Điều 100, 112 và 113 Nghị định 46/2023/NĐ-CP.
(ii) Đối với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm:
- Người đứng đầu bộ phận nghiệp vụ mở rộng phải đáp ứng tiêu chuẩn tại Điều 80 Nghị định 46/2023/NĐ-CP (đối với việc mở rộng nội dung, phạm vi hoạt động).
- Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm trong thời hạn 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ xin mở rộng nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động.
- Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm tại thời điểm lập báo cáo tài chính gần nhất không thấp hơn mức vốn điều lệ tối thiểu được quy định tại Điều 81 Nghị định 46/2023/NĐ-CP.
- Điều 74, Điều 136 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
- Điều 21, Điều 69 Nghị định 46/2023/NĐ-CP.
Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 46/2023/NĐ-CP.
Mời Quý khách hàng xem tiếp >> Thủ tục thay đổi nội dung, phạm vi, thời hạn hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm 2024 (Phần 2).